| Hotline: 0983.970.780

WHO kêu gọi các nước tăng cường giám sát biến thể omicron

Thứ Bảy 27/11/2021 , 10:19 (GMT+7)

WHO kêu gọi các nước tăng cường giám sát biến thể virus mới omicron, trong khi đang nỗ lực giải trình tự bộ gen để hiểu rõ hơn về tác động tiềm tàng của nó.

Hành khách đi từ Nam Phi được kiểm tra COVID sau khi xuống sân bay Schiphol, Hà Lan hôm 25 tháng 11 năm 2021. Ảnh: Reuters.

Hành khách đi từ Nam Phi được kiểm tra COVID sau khi xuống sân bay Schiphol, Hà Lan hôm 25 tháng 11 năm 2021. Ảnh: Reuters.

Tuyên bố khẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) được loan đi sau khi phát hiện một biến thể COVID-19 lần đầu tiên ở Nam Phi được gọi là "omicron" và được xếp vào loại "biến thể đáng quan ngại" vào hôm qua.

Ngay lập tức, Mỹ và hàng loạt quốc gia khác đã có phản ứng tức thì với biến thể mới vừa được phát hiện bằng các lệnh hạn chế đi lại.

Các chuyên gia của WHO cũng đã họp khẩn để đánh giá biến thể omicron vừa phát hiện, có vẻ như có nhiều đột biến trong protein gây ra lo lắng về mức độ dễ dàng lây lan của nó. Trong khi những dữ liệu cơ bản nhằm đánh giá về mức độ rủi ro của biến thể omicron dự kiến sớm cũng phải mất vài tuần nữa, WHO cho biết có nhiều bằng chứng ban đầu cho thấy nguy cơ làn sóng tái nhiễm mới đang gia tăng.

Một tuyên bố từ các quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ cho biết sẽ hạn chế hoạt động đi lại từ Nam Phi, cũng như Botswana, Zimbabwe, Namibia, Lesotho, Eswatini, Mozambique và Malawi.

Dự kiến chính sách này sẽ có hiệu lực vào thứ Hai tới và Tổng thống Joe Biden cho biết, các quy tắc mới có nghĩa là công dân “không được đi lại” từ các quốc gia được chỉ định.

Theo một tuyên bố hôm qua của WHO, tỷ lệ lây nhiễm virus ở Nam Phi đã "tăng mạnh", trùng với thời điểm phát hiện ra biến thể mới omicron. Trước đó trường hợp lây nhiễm biến thể omicron đầu tiên đã được ngành y tế Nam Phi báo cáo vào ngày 24 tháng 11 và số lượng các trường hợp của biến thể này vẫn đang tăng lên ở hầu hết các tỉnh của Nam Phi.

Mặc dù bước đầu biến thể omicron được cho là nằm chung bảng với biến thể delta, nhưng mức độ đe dọa sức khỏe cộng đồng mà biến thể mới sẽ gây ra vẫn chưa rõ ràng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, sự xuất hiện của biến thể omicron nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm phòng và kêu gọi người dân Mỹ cần tiêm phòng nhắc lại càng sớm càng tốt.

Theo Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla, biến thể mới cũng đã được tìm thấy ở Botswana và Hong Kong đối với những du khách đến từ quốc gia này. Ông Phaahla cho biết biến thể mới đã được chứng kiến đang lây lan nhanh chóng ở Gauteng, tỉnh đông dân nhất của đất nước.

Một số quốc gia, bao gồm Đức, Ý, Vương quốc Anh, Hà Lan, Cộng hòa Séc và Nhật Bản ngay lập tức, đã phản ứng với tin tức về biến thể omicron bằng cách hạn chế việc đi lại bằng đường hàng không từ một số quốc gia châu Phi.

Liên minh châu Âu, bao gồm 27 quốc gia, cũng đang khuyến nghị cấm các chuyến bay từ Nam Phi, bất chấp các quan chức WHO cảnh báo về các quyết định này là hấp tấp.

Thị trường cổ phiếu thế giới đã phản ứng đồng loạt giảm từ hôm qua, với chỉ số công nghiệp Dow Jones trong thời gian ngắn giảm hơn 1.000 điểm. Các nhà đầu tư hiện không dám chắc liệu biến thể mới có khả năng đảo ngược tiến độ nhiều tháng ròng trong nỗ lực kiểm soát đại dịch COVID-19 hay không.

Phải mất ít nhất vài tuần nữa mới có thể đánh giá được các tác động tiềm ẩn của biến thể omicron. Ảnh: USA Today

Phải mất ít nhất vài tuần nữa mới có thể đánh giá được các tác động tiềm ẩn của biến thể omicron. Ảnh: USA Today

Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, đến nay Mỹ đã ghi nhận hơn 48 triệu trường hợp lây nhiễm COVID-19 và hơn 776.000 ca tử vong. Trong khi đó tổng số ca lây nhiễm toàn cầu là hơn 260 triệu và hơn 5,1 triệu trường hợp tử vong.

Cơ quan Phòng chống dịch Mỹ cho biết, hơn 196 triệu người Mỹ - khoảng 59,1% dân số hiện đã được tiêm chủng đầy đủ. Tuy nhiên tác động của biến thể omicron đối với vacxin hiện là không rõ ràng, nhưng các kế hoạch dự phòng đều đã được triển khai và hãng dược Moderna đã công bố một chiến lược ba điểm, đặc biệt là thuốc tăng liều cao hơn để chống lại biến thể mới.

Theo tiến sĩ Ashish Jha, trưởng khoa Y tế Công cộng của Đại học Brown cho biết, biến thể omicron có thể sẽ làm giảm hiệu quả của vacxin hiện tại, nhưng không có khả năng loại bỏ lợi ích của chúng.

Andy Slavitt, người từng là cố vấn cấp cao Nhà Trắng của Tổng thống Joe Biden về phản ứng COVID, cho biết trong một tweet rằng cả hai tập đoàn dược phẩm Moderna và Pfizer-BioNTech đều đã tính toán đến sản xuất một loại vacxin để chống lại biến thể mới sẽ có thể được phát triển trong khoảng 3 tháng tới.

"Nếu chúng tôi bắt đầu sản xuất ngay từ đầu tháng 12 thì vacxin mới có thể sẽ có sẵn vào mùa hè ở hầu hết các nước trên thế giới", ông Slavitt tweet .

Trong khi đó nhiều hãng tin đã đưa tin hãng Pfizer-BioNTech đang nghiên cứu biến thể mới và dự kiến ​​sẽ có dữ liệu trong vòng vài tuần. Các hãng truyền thông cho biết, nếu được bảo đảm, một loại vacxin nhắm mục tiêu mới có thể được phát triển trong vòng 6 tuần và xuất xưởng trong vòng 100 ngày.

Theo CNBC, tập đoàn Johnson & Johnson cũng đang thử nghiệm vacxin hiện có để chống lại biến thể omicron.

(USA Today; NYP)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Sau ATACMS, Ukraine phóng loạt tên lửa Storm Shadow vào Nga

Ukraine đã phóng một loạt tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh vào lãnh thổ Nga hôm 20/11, chỉ một ngày sau khi sử dụng tên lửa ATACMS của Mỹ.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.