Quây xí phần nhầm cả vào mộ của con nhà khác
Chiếc flycam của tôi bay từ trong đồng xuyên qua nghĩa trang xã Kim Hải (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình). Vun vút dưới tầm nhìn của nó là những trảng cỏ xanh rì hay làn nước bạc loang loáng, đặc trưng vùng cửa sông Càn. Tuy nhiên có điều lạ là chúng đều có những viền chỉ bạc bao quanh, tạo thành những hình vuông hay chữ nhật. Hạ thấp độ cao tôi phát hiện ra đó là những tường bao của các khu mộ gia đình, một số có đã có đôi ba ngôi, nhiều cái vẫn đang còn trống. Ở cái xứ xa xôi như vậy mà “căn bệnh” bao chiếm đất công để làm nghĩa trang riêng đã bắt đầu in dấu.
Chị Lưu Thị Phương Thanh - cán bộ địa chính xã Kim Hải có quê gốc ở xã Kim Chính nơi tôi đã đi thực tế hôm trước, so sánh: Ở đây thuận lợi là đất nhiều, không phải đắn đo khi giao vị trí nhưng khó khăn chung là ai cũng muốn chỗ rộng, muốn chỗ đẹp và đo kích thước theo phong thủy. Những khu mộ này họ xí phần trước khi có quy chế quản lý nghĩa trang.
Về sau, tất cả các trường hợp muốn sử dụng đất nghĩa trang đều phải được sự cấp phép của xã, căn cứ vào đó mới được mang vật liệu vào xây dựng, ngôi mộ đầu tiên không được rộng quá 6m2. Theo tôi nên lập quy hoạch chi tiết việc sử dụng đất nghĩa trang và quản lý chặt việc chôn cất và xây mộ, có hồ sơ theo dõi đầy đủ...
Kim Hải thành lập năm 1986, trong 575ha đất tự nhiên có 15,9ha đất ở cho người sống và 6,3ha đất ở cho người chết (nghĩa trang). Ông Phạm Văn Minh - Chủ tịch UBND xã cho hay, do đặc thù xã mới, khẩu ít (3.932 người), dân số trẻ, tỷ lệ chết chưa nhiều nên áp lực về đất nghĩa trang cũng thấp hơn vùng trong đồng bằng.
Cách đây 5 - 7 năm, người dân tìm hiểu ở những miền quê khác, thấy người ta xây quây nghĩa trang gia đình mới nghĩ rằng cơ chế Nhà nước càng ngày càng khó nên về học theo. Để ngăn chặn, xã đã ban hành quy chế quản lý nhưng cũng không thể tránh khỏi chuyện quây chui, quây trộm:
“Khi người ta xác định vi phạm thì làm rất nhanh, huy động lực lượng chỉ thực hiện trong ngày một, ngày hai, thậm chí trong một đêm là xong khiến xã không thể đưa máy móc, nhân công đến phá được. Nhà nước hiện có quy định về diện tích mộ phần của cá nhân (Nghị định 23 năm 2016 quy định diện tích mộ hung táng hay chôn một lần không quá 5m2, diện tích mộ cát táng không quá 3m2) nhưng không có quy định vây lăng mộ gia đình hay dòng họ nên địa phương rất lúng túng trong việc xử lý.
Ở ngoài nghĩa trang, chỉ cần không vướng mộ là người ta xây quây ngay. Có trường hợp còn quây nhầm cả vào mộ con của nhà khác bởi chôn xong, đất vùng biển này chỉ để một năm là cỏ mọc rậm rạp rồi. Mỗi năm trung bình xã có trên 10 người chết. Trước khi chôn, có nhà phải xăm thăm dò để không đào nhầm mộ người khác hay vướng vào “đất xấu”, tức đất đã chôn trước đây”.
Thực tế khó quản lý nhất là việc quây lăng, xí phần làm nghĩa trang riêng cho gia đình khiến cho diện tích đất bị mất rất nhiều. Có người quê gốc ở xã Cồn Thoi, sinh sống rồi chết trên Hà Nội, hỏa táng mang tro cốt về 6 ngày vẫn để ở nhà chờ vì không tìm được đất ngoài nghĩa trang. Về sau, con cháu phải đàm phán mãi mới lo được một chỗ chôn cho người thân.
Đất của người chết nơi đầu ngọn sóng
Rời xã Kim Hải, tôi cứ men theo bờ con sông Càn đang chảy thao thiết để sang xã Kim Trung. Ông Vũ Trường Thu - Chủ tịch UBND xã cho biết, địa phương mới chỉ hình thành năm 1993 trên cơ sở đất quai đê, lấn biển. Trước đây, việc quản lý nghĩa trang hoàn toàn theo ý thức tự giác nên xảy ra hiện tượng xây quây lại một khu riêng của gia đình rộng trung bình 40 - 50m2, thậm chí hàng trăm m2. Nhiều cái chỉ có 1 - 2 phần mộ, còn diện tích trống dành để phần cho con, cháu.
Từ năm 2018 trở lại đây xã quy hoạch khu hung táng, cát táng riêng và ra quy chế quản lý nghĩa trang nên không còn tình trạng nhận phần nữa: “Dân số trẻ, lại thêm không phải gốc ở đây nên nhiều người có tâm nguyện khi chết muốn về quê, thậm chí một số hung táng rồi cũng đưa về. Số xí phần ước chỉ chiếm 15 - 20% nhưng bất cập là dân vẫn còn tư tưởng thích chọn hướng, muốn con cháu chôn cạnh ông bà nên quây lại một khu để dành…
Nhiều người dân không hề biết đến quy định về diện tích mộ theo Nghị định 23 năm 2016 của Chính Phủ quy định mỗi mộ hung táng hay mộ chôn một lần không rộng quá 5m2, mỗi mộ cát táng không rộng quá 3m2. Còn về cán bộ, kể cả tiền nhiệm tôi chưa ai dám nhận phần đất nào ở nghĩa trang cả. Chúng tôi có nhật ký theo dõi phần mộ và những thân nhân khi đi khai tử được cấp đơn xin đất, được Phó Chủ tịch UBND xã phê vào, chuyển cho quản trang để cấp phần mộ cụ thể.
Khi xây dựng quy chế, chúng tôi bám sát vào Nghị định 23 nhưng có một cái riêng là thu tiền bảo vệ môi trường, tức xử lý rác sau khi bốc mộ. Người ở ngoài xã mà làm việc trên địa bàn, nếu có nguyện vọng chết được chôn tại đây thì đóng 2 triệu gọi là xây dựng nghĩa trang...
Ông Trịnh Văn Tuấn - cán bộ địa chính xã Kim Trung trước đó đã làm ở xã Kim Mỹ - nơi có 3 nghĩa trang nên áp lực không lớn; nhưng ở Cồn Thoi - nơi chỉ có 1 nghĩa trang, dân số đông, sống lâu đời nên áp lực rất lớn với chuyện xây xí phần: “Dù là công giáo toàn tòng, đối với vấn đề tâm linh như mồ mả cũng rất khó, kể cả cha xứ thuyết phục đi chăng nữa. Có những giáo họ giờ gần như hết chỗ, ví dụ giáo họ của tôi gần như đất ngoài nghĩa trang còn không đáng gì, đến thế hệ mình, con mình không biết nằm đâu, ngược lại có những gia đình xây vây rộng.
Bố mẹ có đất ở trong đó rồi thì cố gắng giữ phần để sau này con, cháu nằm chung với mình cho “đông vui”. Được cái dân công giáo chúng tôi mộ xếp theo hàng, theo lối, không xây to, vượt trội hẳn như bên lương. Quản lý phức tạp nhất là nghĩa trang bên lương. Như ở đây xã đã trao đổi, thuyết phục nhưng nhiều khi người dân vẫn bất chấp, cứ đặt mộ theo hướng, theo ý của họ. Những chỗ xen kẹt hay các mảnh méo, chéo trong nghĩa trang thì tâm lý của người còn sống không muốn đưa người thân vào đó.
Từ năm 2018 trở đi, xã làm đường ngăn trong nghĩa trang để quản lý, không cho xây dựng lung tung nữa. Năm 2022 có xảy ra một trường hợp người ở xóm 2 xây quây lăng quá diện tích, lại cắt ngang qua đường đi của 2 dãy. Khi ông chuẩn bị đưa 2 ngôi của mẹ và vợ xuống thì quản trang báo lên, xã thành lập đoàn gồm Phó Chủ tịch, địa chính ra đình chỉ. Người ta nói rất khó nghe. 5 hội nghị mời gia đình lên UBND xã nhưng họ không chịu phá, cứ đổ quanh là tôi đã già, không ra ngoài nghĩa trang nên con cháu xây thế nào không rõ.
Chúng tôi phải thuyết phục để ông tự phá, chứ cán bộ mà đem búa ra phá thì dân họ oán cho. Người ta sẽ kẻ mặt, chỉ tên, sau này anh em không làm việc nữa mà về làng nghỉ hưu, sống cùng thì họ ghét cay, ghét đắng. Có trường hợp một cán bộ địa chính sau khi về nghỉ hưu, bị bệnh chết rồi, di quan đi qua nhà người ta còn ra chửi vuốt theo cũng vì trước đây có xử lý vấn đề liên quan đến đất nghĩa trang.
Quản lý đất cho người sống giờ đều có sổ đỏ, đo đạc đàng hoàng, thậm chí đo bằng máy chứ không bằng thước, bằng sào như xưa. Quản lý đất cho người chết thì giấy tờ chẳng có gì, còn quản trang chỉ có phụ cấp mấy trăm nghìn/tháng.
Như Kim Trung năm 2018 đã họp dân để xây dựng hương ước trong đó có quy định về diện tích mồ mả, họ đồng ý rồi nhưng một số người vẫn không thực hiện, cố tình xây quây to bởi “con gà tức nhau tiếng gáy”. Tư tưởng của dân mình là muốn làm to hơn, hoành tráng hơn người khác mà khi cán bộ không cho là bị ghét thôi”...
Tối, tôi ngủ lại tại nhà ông Phạm Văn Bắc xóm trưởng xóm 5 xã Kim Trung để nghe những tâm sự chuyện làng. Ông kể, ở quê gốc của mình, tình hình đất nghĩa trang ngày nay khan hiếm đến nỗi một mảnh đất đang có mộ hung táng thì nhà khác đã xếp gạch xây ba phía, chỉ chờ nhà kia bốc là vây nốt. Có những đám bốc mộ xong, ở nhà còn đang mải làm cỗ thì ở ngoài nghĩa trang đã có người xếp gạch, quây lại xí phần rồi đổ nước ngũ vị hương, hàn the xuống lỗ huyệt để hoàn thổ. Chẳng còn kiêng “đất sạch”, “đất bẩn” như ngày xưa nữa...
Buổi sáng hôm đó, chiếc flycam của tôi bay lên dưới những cơn gió lộng. Trên màn hình hiển thị hầu như chỉ thấy màu xanh của cỏ và màu trắng xám của những khu mộ, trong đó có cái tường bao còn nguyên màu vữa, mới bị phá nham nhở một phần ở chỗ xây quây lấn ra đường đi. Kế tiếp là những khu đất được vây tạm bằng gạch vôi để giữ phần. Mũi camera hướng chếch ra xa, chỉ thấy những ao tôm, ao cá vuông nối nhau chạy mãi. Và, ở phía cuối chân trời là bao la biển cả.
Văng vẳng bên tai tôi, lời của cán bộ địa chính xã Kim Trung rằng: “Xã có khoảng 300 hộ bên lương, mỗi hộ chỉ cần xây quây 30 - 40m2 là hết nghĩa trang, phải mở nghĩa trang mới. Mà ruộng trong đê này toàn là sổ đỏ của dân rồi, chỉ còn nước tiến ra biển”.