| Hotline: 0983.970.780

Xã hội càng lỏng lẻo, gia đình càng cần tự vệ

Thứ Sáu 07/08/2015 , 06:13 (GMT+7)

Xã hội càng lỏng lẻo thì gia đình càng phải tự vệ bằng cách nghiêm khắc, dạy bảo tới nơi tới chốn những đứa trẻ của mình, những công dân tương lai.

Cô kính mến!

Những ngày qua, chuyện ăn cắp vặt của người Việt mình sôi động trên mạng xã hội. Cháu thấy rất bức xúc và muốn đóng góp một câu chuyện của chính gia tộc mình. Mong rằng nó có ích cho những người vẫn theo chuyên mục để đừng thụ động rồi ân hận như cháu.

Hồi trước, mẹ của cháu có nhận chăm sóc một cô bé, là cháu ngoại của chị ruột mẹ cháu. Nói chăm sóc cũng đúng, vì bà ngoại của đứa bé là chị cả mà mẹ cháu là em út, hồi nhỏ mẹ cháu đã được chị chăm và dạy bảo, giờ mẹ vần công lại với cháu ngoại của dì ấy.

Mẹ cháu làm ăn lớn ở thị trấn, ngoại của đứa bé ở trong quê, gánh vác hương hỏa, mồ mả. Đứa bé khi đó mới học cấp II. Hồi tiểu học nó ở trong quê, cháu cũng có nghe nói nó có tật tắt mắt. Như tới nhà bạn, thích cái gì thì lén cầm về, mấy lần bị cô giáo phát giác cho mẹ nó. Nhưng dì Hai nhà cháu không tin, cứ nói người ta nói xấu cháu mình.

Khi nó ở nhà cháu để đi học, cháu còn đang học cấp III. Mẹ cháu làm ăn với nhiều bạn hàng, tiền bạc không phải lúc nào cũng cất ngay vô két sắt. Thi thoảng thấy mất vài ba trăm ngàn, mẹ cháu cho qua. Nhưng lần ấy mất 1 triệu đồng, mẹ cháu biết ngay thủ phạm là ai. Một đứa trẻ có tiền, làm sao giấu được người lớn khi nó đi quán net và mua sắm đồ mỹ ký để chưng diện.

Ba cháu bảo phải lên tiếng để răn dạy nó. Mẹ cháu nhất quyết không cho, nói bà ngoại của nó sẽ buồn giận cả nhà, dì Hai cháu sẽ phản ứng rằng một đứa bé mới học lớp 7 làm sao dám bỏ túi số tiền ngần đó? Lại còn mẹ nó nữa, tức con gái dì Hai, chị ấy sẽ lu loa ăn vạ, nói muốn đuổi con của chị nên mới đặt chuyện như vậy, làm sao biết được tiền mất ở đâu mà vu cho một đứa con nít!

Thời gian qua mau, mẹ cháu nhờ cảnh giác nên không lần nào để mất lớn như vậy nữa. Lên cấp III nó lên thị xã trọ học nhà người bà con xa của bên nội nó. Cháu hồi hộp theo dõi sự lớn lên của nó. Nó càng xinh đẹp thì vẻ nề nếp ở nó càng ít.

Và rồi, đúng như cháu linh cảm, nó sớm cặp bồ với một người đã có vợ con. Nó không vô đại học mà đi trung cấp và đi làm, một công việc dính tới thu ngân. Mới đây nó bị đuổi việc vì nhám nhúa và giờ thì ngồi không sống bằng tiền của gã bồ già.

Cháu ân hận vì khi nó còn bé gia đình cháu đã không thực bụng giúp cho nó nên người. Cháu tiếc cho một sự đùm bọc vô ích và sự đổ vỡ không đáng giữa mẹ cháu và chị cả của mình khi không cho nó ở học hết cấp III. Gia đìmh cháu đã tiêu cực mà đẩy ra đường một đứa trẻ chưa thành niên cũng chưa thành nhân, cháu bứt rứt hoài đó cô.

--------------------

Cháu thân mến!

Trong việc rèn giũa một con người, ông bà mình đã chí lý khi nhắc nhở rằng “dạy con dạy thuở còn thơ”. Như cây tre, khi nó non cháu uốn kiểu gì cũng theo ý mình. Cây lớn, hết cách. Hầu như ai cũng thuộc lòng điều đó nhưng không phải ai cũng làm được.

Cô bé ấy không may mắn ở chỗ, mẹ nó bênh con mà bà ngoại của nó cũng không muốn ai nói không tốt về cháu mình. Mẹ của cháu biết tính họ nên cảnh giác cũng đúng. Mẹ cứ trống đánh xuôi nhưng ngoại và mẹ nó kèn thổi ngược thì khó.

Trong trường hợp này, tùy quan hệ giữa mẹ cháu và chị cả mà xét để thanh thản hay bứt rứt. Nếu như ngoại nó hoàn toàn tin cậy mẹ cháu thì sẽ để yên cho mẹ cháu rầy la dạy bảo cháu ngoại mình. Còn ngược lại, chị em phiên phiến giữ ý nhau thì cũng chỉ gần như nước lã mà thôi.

Có những cô bé sinh ra đã xinh đẹp và tắt mắt. Cộng với môi trường buông thả của gia đình nữa thì cầm chắc, khi ra đời cô gái sẽ dễ bồ bịch bất chấp và cũng dễ tham lam khi có dịp. Số phận của nó thế là đã được định đoạt, rồi sẽ bị đời nện cho lên bờ xuống ruộng. Cho đến khi nó tỉnh ra, hoặc thay đổi để thành người tử tế, hoặc rơi xuống hố luôn.

Người Việt mình do văn hóa tiểu nông, do Nho giáo đã nhạt, do cuộc sống khốn khó trầm kha nên rất dễ tặc lưỡi làm liều. Đi làm gái ư, đi cho thuê bụng ư, ăn cắp ư, OK hết, miễn sao qua được thời khắc đó.

Cứ thế, số người kém tư cách đông dần lên, làm mất thể diện số đông chân chính. Hơn nữa, thượng bất chính thì hạ tắc loạn, nhà dột từ trên nóc, có nhiều ông quan to ăn cắp và gái gú đủ thứ thì thường dân cũng không thèm giữ gìn nữa, đó là quy luật cháu ơi.

Thôi, dù sao cũng là bài học cho chính con và cháu của cháu. Tức là xã hội càng lỏng lẻo thì gia đình càng phải tự vệ bằng cách nghiêm khắc, dạy bảo tới nơi tới chốn những đứa trẻ của mình, những công dân tương lai.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm