| Hotline: 0983.970.780

Xã nghèo vươn lên nhờ nuôi trâu, bò vỗ béo

Chủ Nhật 17/12/2023 , 08:19 (GMT+7)

BẮC KẠN Thời kỳ hoàng kim, nghề nuôi trâu, bò vỗ béo giúp người dân ở xã Nghiên Loan (huyện Pác Nặm) thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên khá giả.

Chị Hựu cho biết, dù hiện nay giá giảm nhưng nuôi trâu, bò vỗ béo vẫn mang lại thu nhập cao cho người dân nông thôn. Ảnh: Ngọc Tú. 

Chị Hựu cho biết, dù hiện nay giá giảm nhưng nuôi trâu, bò vỗ béo vẫn mang lại thu nhập cao cho người dân nông thôn. Ảnh: Ngọc Tú. 

Những ngày này, khi vụ sản xuất nông nghiệp đã xong, chị Nông Thị Hựu, thôn Pác Già (xã Nghiên Loan) tập trung phát triển chăn nuôi. Nghề nuôi trâu, bò vỗ béo đã gắn bó với gia đình chị hơn chục năm nay. Bốn năm trước, khi giá lên cao, nuôi trâu trâu, bò vỗ béo là nguồn thu nhập chính của gia đình chị Hựu cũng như hàng trăm hộ khác ở xã Nghiên Loan.

Tuy nhiên, 2 năm gần đây, giá trâu, bò giảm, nhiều gia đình cũng hạn chế số lượng, chỉ nuôi vài ba con để duy trì chờ thị trường khởi sắc trở lại.

“Trên địa bàn xã có chợ buôn bán trâu, bò mỗi phiên giao dịch hàng nghìn con nên việc mua bán rất thuận lợi. Đến phiên chợ, người nuôi trâu, bò mang ra bán, nếu không được giá lại mang về nuôi tiếp”, chị Hựu chia sẻ.

Nhớ về thời kỳ hoàng kim cách đây vài năm, chị Hựu cho biết, khi đó mua một con trâu về nuôi vỗ béo khoảng 2 đến ba tháng bán lãi mấy triệu đồng nên nhà nhà nuôi trâu, bò. Bây giờ số lượng người nuôi đã giảm, nhưng nhiều gia đình vẫn duy trì trồng cỏ voi để bán.

Hiện nay chị Hựu chỉ nuôi 3 con, trong đó một con trâu chị mua cách đây 1 năm với giá 25 triệu đồng, sau khi mua được 2 tháng có người trả 30 triệu nhưng lúc đấy không bán, để lại nuôi sinh sản. Bây giờ giá trâu quá rẻ, bán sẽ lỗ, gia đình để lại nuôi vì có hơn 1.000m2 đất trồng cỏ voi nên có sẵn thức ăn. Thời điểm nghề nuôi trâu khó khăn, gia đình phải nuôi thêm lợn, trồng ngô, trồng rừng để có thu nhập.

Nghiên Loan là xã miền núi còn nhiều khó khăn, trước đây nghề nuôi vỗ béo trâu bò phát triển nhanh. Cách đây 5 năm, lúc cao điểm, toàn xã có 500 hộ nuôi vỗ béo trâu, bò, diện tích trồng cỏ voi lên đến hàng trăm ha. Hai năm gần đây, giá thức ăn công nghiệp, ngô và phụ phẩm nông nghiệp tăng cao, trong khi giá bán trâu, bò xuống thấp nên chỉ còn khoảng 200 hộ nuôi.

Người dân xã Nghiên Loan trồng cỏ voi để nuôi vỗ béo trâu, bò. Ảnh: Ngọc Tú. 

Người dân xã Nghiên Loan trồng cỏ voi để nuôi vỗ béo trâu, bò. Ảnh: Ngọc Tú. 

Bà Lý Thị Tuyết, Chủ tịch UBND xã Nghiên Loan cho biết, chăn nuôi trâu, bò vỗ béo vẫn là hướng đi quan trọng trong công tác giảm nghèo của xã. Nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên khá giả nhờ nuôi trâu bò. Hai năm gần đây thị trường biến động, nhu cầu tiêu thụ ít hơn, giá bán thấp nhưng nhiều hộ vẫn duy trì.

Với những thôn bản vùng cao, đất sản xuất ít, trồng lúa chủ yếu đủ cung cấp thương thực hàng ngày, thu nhập chính chủ yếu từ nuôi trâu, bò. Xã cũng vận động người dân có đất ven chân đồi, bãi bồi ven sông suối duy trì diện tích trồng cỏ phục vụ chăn nuôi.

Xã có lợi thế lớn phát triển chăn nuôi khi trên địa bàn có chợ buôn bán trâu, bò vào loại lớn nhất miền Bắc, mỗi phiên giao dịch hàng nghìn con. Tại phiên chợ này, trâu, bò được tư thương chở từ nhiều tỉnh về giao dịch, người dân địa phương có thể lựa chọn mua những con trâu nhỏ, trâu gầy về vỗ béo, sau vài tháng, khi đạt trọng lượng nhất định, người dân sẽ mang ra chợ bán.

Xã Nghiên Loan chủ yếu là đồi núi nên có nhiều diện tích cỏ tự nhiên và đất trồng cỏ tương đối lớn để phục vụ chăn nuôi đại gia súc. Trung bình mỗi năm xã trồng gần 200ha ngô, đây là nguồn thức ăn đáp ứng nhu cầu chăn nuôi. Bên cạnh đó, người dân đã chủ động trồng cỏ voi làm thức ăn và cung cấp cho chợ trâu, bò tại xã.

Nghiên Loan là xã có tổng gia súc lớn nhất huyện Pác Nặm, thường xuyên duy trì trên 5.000 con. Theo ước tính, số hộ nuôi trâu, bò trên địa bàn huyện chiếm khoảng 40% tổng số hộ nông nghiệp. Ngoài ra, có hàng trăm tham gia buôn bán trâu, bò, cung cấp dịch vụ khác tại chợ Nghiên Loan. Những tháng gần đây, thị trường buôn bán trâu, bò dần khởi sắc, nghề nuôi gia súc vỗ béo cũng bắt đầu phát triển trở lại sau một thời gian trầm lắng”, bà Lý Thị Tuyết, Chủ tịch UBND xã Nghiên Loan cho biết thêm.

Xem thêm
Chó, mèo thả rông lông nhông khắp phố

BÌNH DƯƠNG Có rất nhiều người tại Bình Dương bị chó thả rông cắn phải đi tiêm phòng dại khiến người dân rất bức xúc vì nạn chó lông nhông khắp phố.

Lấy doanh nghiệp là đầu tàu để phát triển bền vững ngành mía đường

Cơ quan chức năng cần có giải pháp nhằm củng cố và phát triển chuỗi liên kết sản xuất trong bối cảnh cây mía đang dần mất vị thế.

'Bắt bệnh, bốc thuốc' cho vườn cam thoái hóa

HÀ TĨNH Nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, những vườn cam có 30 - 50% số cây 'ốm yếu', suy kiệt, có nguy cơ phải phá bỏ đã được giữ lại.