| Hotline: 0983.970.780

Xây đập chặn dòng chính Mê kông: ĐBSCL thiệt hại khó lường

Thứ Năm 28/04/2011 , 09:50 (GMT+7)

Thời gian qua dư luận liên tục lên tiếng báo động những tác hại khó lường khi những dự án thủy điện triển khai xây dựng trên dòng chính sông Mê Kông.

Số phận người dân ĐBSCL ra sao khi các đập thủy điện xây dựng?

Thời gian qua dư luận liên tục lên tiếng báo động những tác hại khó lường khi những dự án thủy điện triển khai xây dựng trên dòng chính sông Mê Kông.

Trong đó dự án xây đập Xayaburi sắp khởi động được ví như phát pháo đầu tiên cho hàng loạt đập thủy điện của các quốc gia vùng hạ lưu lần lượt chặt khúc dòng sông. Con sông lớn nhất Đông Nam Á từng góp phần mang lại nguồn sống cho 6 quốc gia đang đứng trước đổi thay trong cuộc tìm kiếm lợi ích phát triển kinh tế. Vậy Việt Nam phải đối phó như thế nào?

Mới đây, tại TP Cần Thơ, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu rừng và đất ngập nước (FORWET) thuộc Liên hiệp hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức cuộc họp triển khai dự án “Nâng cao nhận thức địa phương về tác động của các đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông đến ĐBSCL". Dự án nhằm nâng cao nhận thức của 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, tiến hành trong 2 năm (2011-2012) với tổng kinh phí khoảng 60.000 đô la Mỹ do tổ chức McKnight Foundation (Hoa Kỳ) tài trợ.

TS Nguyễn Chí Thành, Giám đốc FORWET cho rằng, dự án thực hiện trên phạm vi ĐBSCL là vì vùng này chịu rủi ro tác động nhiều nhất từ các dự án thủy điện dòng chính Mê Kông và chưa được tiếp cận thông tin một cách có hệ thống. Dự án sẽ cung cấp cho 13 tỉnh, thành trong vùng bản dịch bằng tiếng Việt về báo cáo đánh giá môi trường chiến lược 12 dự án thủy điện trên dòng chính do Ủy hội sông Mekong (MRC) thực hiện (báo cáo SEA).

Theo FORWET, dự án sẽ chọn An Giang, Sóc Trăng và TP Cần Thơ làm trọng điểm, thành lập 3 nhóm chuyên viên chuyên trách từ cấp cán bộ lãnh đạo các sở, ngành. Mỗi nhóm sẽ có một nhà khoa học từ trường ĐH Cần Thơ, ĐH Nông lâm TP HCM làm cố vấn để cùng phân tích, bổ sung thông tin cho báo cáo SEA về những tác động đối với ĐBSCL cũng như những biện pháp thích nghi khả thi.

Tại cuộc họp, ThS Nguyễn Hữu Thiện, Trưởng nhóm tư vấn quốc gia trong nghiên cứu đánh giá môi trường chiến lược các đập thủy điện dòng chính sông Mê Kông, trình bày sơ lược kết quả đánh giá của Ủy hội sông Mê Kông. Phân tích lợi ích và tác động của 12 đập thủy điện một khi được xây dựng, ông Thiện cho hay: “ĐBSCL là vùng nguồn nhân lực chất lượng cao còn thấp (14,3% thông qua đào tạo); ít tiềm năng tài nguyên khoáng sản và chủ yếu là kinh tế nông nghiệp và thủy sản. Chỉ tính riêng thủy sản cá tự nhiên ở vùng này sụt giảm nghiêm trọng với 65% loài cá trắng di cư và 35% cá đen (cá đen ăn cá trắng). Nếu tính với sản lượng 220.000-440.000 tấn cá trắng/năm, với giá hiện hơn 2.500 USD/tấn, mức tổn thất từ 550.000 USD đến hơn 1,1 tỉ USD/năm, gấp 3 lần kinh phí xây cầu Cần Thơ (342 triệu USD). Đó là chưa nói đến những thiệt hại nghiêm trọng mà chúng ta chưa tính hết được do mất lượng phù sa trên đồng, phân bón không thể thay thế, sạt lở, lưỡi mặn dấn sâu hơn vào đất liền…”.

TS Đào Trọng Tứ, nguyên Phó tổng thư ký Ủy ban sông Mê Kông, cập nhật tình hình các dự án xây đập thủy điện đã và đang triển khai, trong đó cập nhật tình hình liên quan đến dự án xây đập Xayaburi. TS Tứ nói: “Sông Mê Kông là tài sản chung của các quốc gia trong khu vực. Trong hiệp định sông Mê Kông, Chính phủ các nước cam kết phát triển nguồn tài nguyên bền vững, đúng mục tiêu, không gây hại đến những nước khác…”.

“Thượng điền tích thủy, hạ điền khan”, một khi các nước vùng thượng nguồn xây đập trữ nước làm thủy điện, hậu quả những gì sẽ diễn ra đến ĐBSCL quả thật khó lường hết được. Nhớ lại từ năm 1997, ở miền hạ lưu cuối dòng Mê kông, trên hai nhánh sông chính Tiền Giang và Hậu Giang khi thiết kế xây dựng hai cầu dây văng Mỹ Thuận bắc qua sông Tiền có tính tới độ tĩnh không thông thuyền 37,5 m – chiều rộng tương ứng 110m và cầu Cần Thơ vượt sông Hậu, độ tĩnh không thông thuyền không dưới 39 m – chiều rộng tương ứng 200 m. Các nhà thiết kế cho đó là thực hiện theo qui ước để tàu thuyền các nước trong khu vực có thể quá cảnh ra vào ngược lên Capuchia, Lào, Thái... Một lẽ phải vì cộng đồng các nước cùng hưởng lợi trên dòng Mê kông và không làm trở ngại. Thế nhưng ngày nay khi nhắm tới lợi ích phát triển kinh tế, các nước khu vực thượng lưu, trung lưu vì sao không nghĩ tới những tác động làm ảnh hưởng đến vùng hạ lưu, một sự phi lý.

Xem thêm
Dân đeo khẩu trang đi ngủ vì trại lợn 30.000 con

THANH HÓA Trại lợn của Công ty Agri-Vina lại gây thối, khiến nhiều người dân tại xã Tân Phúc, thị trấn Lang Chánh mất ăn mất ngủ.

Vây bắt đàn chó liên quan bé gái 10 tuổi tử vong nghi do bệnh dại

Bé gái 10 tuổi ở Xã Ea Kuêh (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) tử vong với những triệu chứng nghi do bệnh dại sau khi bị chó cắn, cơ quan chức năng đang vây bắt đàn chó để xét nghiệm.

'Bắt bệnh, bốc thuốc' cho vườn cam thoái hóa

HÀ TĨNH Nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, những vườn cam có 30 - 50% số cây 'ốm yếu', suy kiệt, có nguy cơ phải phá bỏ đã được giữ lại.