Đối diện với nhiều khó khăn, thách thức
Trong những năm qua, với định hướng đúng đắn, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cùng cách làm sáng tạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (Chương trình xây dựng NTM) của tỉnh Hòa Bình đã đạt được nhiều kết quả rất khả quan, diện mạo nông thôn và đời sống người dân được nâng lên rõ rệt.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Chương trình xây dựng NTM, tỉnh Hòa Bình đã phải đối diện với rất nhiều khó khăn. Cụ thể, các chỉ tiêu được giao theo Quyết định số 652/QĐ-TTg ngày 28/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ cao hơn rất nhiều so với chỉ tiêu đăng ký của tỉnh với Bộ NN-PTNT. Các chỉ tiêu, tiêu chí thực hiện xây dựng NTM có nhiều điểm mới và yêu cầu cao hơn so với giai đoạn trước.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng gặp khó khăn trong quá trình lồng ghép 2 Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG). Theo đó, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và Chương trình giảm nghèo bền vững nguồn lực hỗ trợ đều hướng tới các mục tiêu, nội dung, đối tượng riêng, chưa hoàn toàn hướng tới việc hỗ trợ để các xã vùng đặc biệt khó khăn đạt chuẩn NTM trong giai đoạn 2021-2025. Cho nên, các xã thuộc diện hỗ trợ của 2 Chương trình MTQG này hoàn thành mục tiêu đề ra nhưng không bắt buộc phải đạt chuẩn NTM.
Ngoài ra, hầu hết các xã trên địa bàn tỉnh phấn đấu về đích giai đoạn 2021-2025 đều năm trong địa bàn các xã đặc biệt khó khăn, có điều kiện tự nhiên không thuận lợi, khó thu hút đầu tư phát triển sản xuất. Từ đó, dẫn đến thu nhập bình quân đầu người, đời sống của người dân không cao nên khó huy động được nguồn lực xã hội hóa.
Mặt khác, theo Quyết định số 07/2022/QĐ-TTg, ngày 25/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 tỷ lệ đối ứng tối thiểu là 1:1. Do đó, để thực hiện các mục tiêu của Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 652/QĐ-TTg ngày 28/5/2022 sẽ cần một nguồn lực rất lớn được đầu tư từ ngân sách địa phương cho chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.
Diện mạo nông thôn thay đổi về mọi mặt
Ông Nguyễn Hồng Tuấn, Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hòa Bình cho biết: Để thực hiện thắng lợi Chương trình xây dựng NTM, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 38/2022/QĐ-UBND ngày 10/10/2022 quy định về phân cấp quản lý, tổ chức thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Hoà Bình.
Bên cạnh đó, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù cho từng địa phương, trong đó, tập trung vào các nội dung: Hoàn thiện và nâng cao hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn; xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn; xây dựng, bổ sung hạng mục phụ trợ trong trường học (mầm non, tiểu học và trung học cơ sở); xây dựng, nâng cấp, sửa chữa nhà văn hóa thôn, xóm, bản theo phong tục tập quán của từng dân tộc thiểu số; xây dựng, nâng cấp, sửa chữa công trình chợ tại xã; xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt tại các thôn, xóm, bản; xây dựng hệ thống thoát nước tại các thôn, xóm, bản (hệ thống thoát nước mặt và nước thải); xây dựng điểm tập trung xử lý rác thải tại xã; hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống kênh mương nội đồng…
Đồng thời, UBND tỉnh giao cho các sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình chuyên đề nhằm góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn. Thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học; xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống; bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn; giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn nông thôn góp phần xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Nhờ đó, đến năm 2022, toàn tỉnh đã có 123 sản phẩm OCOP (24 sản phẩm 4 sao và 99 sản phẩm 3 sao); thực hiện chuẩn hoá 2 sản phẩm OCOP 5 sao (dự kiến sẽ trình Hội đồng đánh giá xếp hạng cấp Quốc gia năm 2023).
Đối với việc thực hiện bộ tiêu chí về xây dựng NTM, đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 73/129 xã đạt chuẩn NTM, đạt 56,6% (vượt 33% kế hoạch đề ra); bình quân tiêu chí NTM toàn tỉnh đạt 16 tiêu chí/xã. Toàn tỉnh có 21 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 60 khu dân cư kiểu mẫu, 174 vườn mẫu. Thành phố Hòa Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2018. Huyện Lương Sơn đạt chuẩn NTM năm 2019, huyện Lạc Thủy đạt chuẩn NTM năm 2020.
Về thực hiện các mục tiêu xây dựng NTM, đến hết năm 2022, tổng số đơn vị cấp huyện thực hiện xây dựng NTM là 10/10, trong đó, có 3 đơn vị cấp huyện đã được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Số xã đạt từ 15-18 tiêu chí là 2 xã; từ 10-14 tiêu chí là 54 xã, không có xã đạt dưới 10 tiêu chí trên địa bàn toàn tỉnh.
Các địa phương (xã, huyện) đã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM tiếp tục thực hiện xây dựng xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu, huyện NTM nâng cao.
Tận dụng tiềm năng, thế mạnh tạo sự phát triển đột phá
Ông Nguyễn Hồng Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hòa Bình thông tin: Tỉnh Hòa Bình luôn xác định xây dựng NTM là một quá trình thường xuyên, liên tục, lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Do đó, trong năm 2023, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm bám sát tình hình thực tế, tận dụng những tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, tạo sự đột phá để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
Theo đó, tỉnh đặt ra mục tiêu, có thêm 6 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, nâng số xã đạt chuẩn NTM lên 79 xã (đạt 61,2%). Các xã được công nhận đạt chuẩn NTM phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Bình quân tiêu chí NTM của tỉnh đạt 16,2 tiêu chí/xã. Chuẩn hoá từ 16 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt 3 sao trở lên.
Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của người dân nông thôn: Giao thông, thuỷ lợi, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế…; tạo mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân.
UBND tỉnh sẽ rà soát, nghiên cứu, ban hành các cơ chế chính sách nhằm huy động nguồn lực, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn, phát triển sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; chú trọng phát triển công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp thu dung nhiều lao động nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn.
Song song đó, từng bước chuyển đổi tư duy, nâng cao nhận thức, năng lực cho đội ngũ cán bộ, người dân nhằm phát huy tinh thần chủ động, tự nguyện, tự giác, phát huy nội lực, tham gia đóng góp tích cực cho Chương trình xây dựng NTM, thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra.