| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng trên đất vàng nhưng nhà ở xã hội vẫn ‘không một bóng người’

Thứ Năm 21/12/2023 , 07:22 (GMT+7)

Do giá cho thuê quá cao nên dự án nhà ở xã hội, nhà tái định cư ở Kon Tum dù nằm ở vị trí đắc địa nhưng vẫn bỏ hoang gần một năm nay.

Dự án nhà ở xã hội, nhà tái định cư xây xong gần 1 năm nhưng không có người ở. Ảnh: Tuấn Anh.

Dự án nhà ở xã hội, nhà tái định cư xây xong gần 1 năm nhưng không có người ở. Ảnh: Tuấn Anh.

Năm 2018, Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum thống nhất chủ trương đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà tái định cư với tổng mức đầu tư khoảng hơn 128 tỷ đồng. Dự án được xây dựng trên vị trí đất “vàng” ở khu đô thị Nam Đăk Bla, TP. Kon Tum do Ban Quản lý các dự án 98 (nay là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, dân dụng và công nghiệp tỉnh Kon Tum) làm chủ đầu tư.

Dự án được xây dựng với 2 tòa nhà 9 tầng với tổng diện tích sàn một tòa nhà khoảng hơn 9.500m2. Dự án phục vụ cho khoảng gần 100 hộ dân sinh sống với gần 400 nhân khẩu.

Đến đầu năm 2023, dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đây là dự án nhà ở xã hội đầu tiên tại khu vực Bắc Tây Nguyên mang lại nhiều kỳ vọng cho người dân về nơi ăn, chốn ở, qua đó ổn định cuộc sống.

Dù mới xây dựng nhưng nhiều cửa kính bị đập vỡ. Ảnh: Tuấn Anh.

Dù mới xây dựng nhưng nhiều cửa kính bị đập vỡ. Ảnh: Tuấn Anh.

Ghi nhận thực tế cho thấy, dự án nhà ở xã hội, nhà tái định cư nằm ở vị trí rất đẹp, nằm ngay trung tâm thành phố Kon Tum, cách Đăk Bla chỉ khoảng vài trăm mét. Dự án dù được xây dựng hạ tầng đồng bộ nhưng lại không có một bóng người ở. Hiện cả 2 tòa nhà đều khóa cửa chính lối đi vào. Phía mặt trước của tòa nhà, cửa kính đã bị đập vỡ, vương vãi khắp nơi. Phía bên trong, tường nhà đã xuất hiện rêu mốc, mạng nhện giăng mắc.

Theo nhiều người dân xung quanh cho biết, do giá cho thuê của 2 tòa nhà này quá cao nên nhiều cư dân không mặn mà, dù nhu cầu về chỗ ở là rất lớn.

Chị Nguyễn Thị Hồng (phường Ngô Mây, TP Kon Tum) cho biết, gia đình có 4 người đang ở nhà thuê với 1,5 triệu đồng/tháng. Khi biết có dự án nhà ở xã hội, gia đình cũng muốn đển ở, nhưng do giá khoảng 4 triệu đồng/tháng. Trong khi thu nhập của gia đình không thể đáp ứng được mức giá cho thuê này.

“Muốn người dân đến thuê ở, không còn cách nào khác là phải giảm giá cho thuê, đồng thời đảm bảo các quyền lợi cho người dân, đặc biệt liên quan đến vấn đề vấn đề an ninh trận tự”, chị Hồng cho biết.

Giá cho thuê quá cao là nguyên nhân người dân không mặn mà đến thuê. Ảnh: Tuấn Anh.

Giá cho thuê quá cao là nguyên nhân người dân không mặn mà đến thuê. Ảnh: Tuấn Anh.

Theo tìm hiểu được biết, tháng 5/2023, UBND tỉnh Kon Tum ban hành quy định giá thuê và thuê mua đối với chung cư nhà ở xã hội tại Khu đô thị phía Nam cầu Đăk Bla.

Theo đó, giá thuê nhà ở xã hội  hơn 51.000 đồng/m2/tháng, bao gồm chi phí đầu tư xây dựng nhà ở, bảo trì, thuế giá trị gia tăng. Giá này không bao gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, chi phí quản lý vận hành. Tùy vào tầng căn hộ thuê, giá thuê sẽ được điều chỉnh.

Còn giá thuê mua nhà ở xã hội hơn 100.000 đồng/m2/tháng, bao gồm chi phí đầu tư xây dựng nhà ở, thuế giá trị gia tăng. Giá không bao gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, chi phí quản lý vận hành, chi phí bảo trì. Thời hạn 120 tháng, người thuê mua có quyền sở hữu đối với nhà ở đó. Diện tích mỗi căn hộ từ 49 đến 70m2.

Ông Nguyễn Quang Hải, Giám đốc Sở Xây dựng Kon Tum cho biết, nguyên nhân nhà ở xã hội không có người ở do nhu cầu ít và giá thuê hơi cao. Hiện Sở đang tham mưu UBND tỉnh để điều chỉnh lại giá thuê.

“Trước đây, giá thuê hàng tháng hơi cao do dựa trên giá trị công trình và thời gian thu hồi vốn ngắn. Từ khi đưa vào cho thuê, mới nhận được 10 hồ sơ, trong đó chỉ có 5 hồ sơ đủ tiêu chuẩn thuê. Còn đối với khu nhà tái định, rất ít người dân thuộc diện giải phóng mặt bằng mà phải bố trí nơi ở”, ông Hải nói và cho biết, tới đây, Sở cũng sẽ xin chủ trương điều chỉnh khu nhà tái định cư thành khu nhà ở xã hội.

Vì chưa có người ở nên công trình nhà ở xã hội và tái định cư có biểu hiện xuống cấp, bị đập phá. Sở Xây dựng Kon Tum đã chỉ đạo phải có bộ phận đến để quản lý 2 tòa nhà. Đối với các hạng mục bị đập phá, xuống cấp thì phải sửa chữa.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.