| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng vùng nuôi thủy sản VietGAP

Thứ Sáu 21/11/2014 , 08:12 (GMT+7)

Thời gian qua có quá nhiều tiêu chuẩn thủy sản, nhưng lại không công nhận lẫn nhau, khiến cho cả DN chế biến và người nuôi thủy sản phải mất nhiều thời gian, chi phí cho việc kiểm tra, đánh giá.

Ngày 19/11, tại Sóc Trăng, gần 100 đại biểu đại diện Sở NN-PTNT, Chi cục Nuôi trồng thủy sản các tỉnh Nam Trung bộ, ĐBSCL và các DN, chủ trang trại nuôi thủy sản tham dự hội thảo "Ứng dụng VietGAP trong phát triển nuôi thủy sản bền vững tại Việt Nam" do Hội Nghề cá Việt Nam, Tổng cục Thủy sản phối hợp với Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV), Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển & phát triển cộng đồng (MCD), Tổ chức Oxfam Novib phối hợp tổ chức.

Sau khi cập nhật các quy định áp dụng VietGAP trong nuôi thủy sản, có nhiều ý kiến tham luận về hiện trạng ứng dụng và tiềm lực VietGAP, liên kết với các chứng nhận khác; tương đồng giữa VietGAP và BAP - Giải pháp công nhận lẫn nhau; vai trò của tổ chức và thành phần kinh tế trong thúc đẩy áp dụng chứng nhận trong nuôi thủy sản…

TS. Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam: “Chúng ta thực hiện nuôi thủy sản VietGAP là để khẳng định với các nước về chất lượng và tạo dựng niềm tin về hàng thủy sản Việt Nam. Do đó, việc áp dụng VietGAP cần có sự tham gia của DN để gắn kết với người nuôi trong chuỗi giá trị.
Muốn duy trì được VietGAP hay các tiêu chuẩn khác phải tổ chức lại SX để phát huy hiệu quả; đồng thời khẳng định tiêu chuẩn thủy sản Việt Nam với thế giới. Bởi vì các tiêu chuẩn của VietGAP đều có cơ sở khoa học từ các tiêu chuẩn của Tổ chức Thương mại thế giới - WTO”.

Ông Lê Văn Quang, TGĐ Tập đoàn Minh Phú cho rằng: "Thời gian qua có quá nhiều tiêu chuẩn thủy sản, nhưng lại không công nhận lẫn nhau, khiến cho cả DN chế biến và người nuôi thủy sản phải mất nhiều thời gian, chi phí cho việc kiểm tra, đánh giá.

Do đó, tôi cho rằng phải làm sao để các nhà nhập khẩu, nhà phân phối, bán lẻ chấp nhận bộ tiêu chuẩn VietGAP. Để làm được việc này, từ tổ chức cho đến chứng nhận viên đều phải được chuẩn hóa, đạt tầm cỡ và quy mô quốc tế. Tuy nhiên trong giai đoạn đầu không nên đề ra tiêu chuẩn quá cao, cần có lộ trình để người nuôi dễ chấp nhận, áp dụng".

Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng) chia sẻ: “Thực tế cho thấy các thành viên của hiệp hội áp dụng nuôi tôm VietGAP thành công hơn những hộ không áp dụng. Tuy nhiên vẫn có một số tiêu chí VietGAP chưa phù hợp với đối tượng nuôi mới là tôm thẻ chân trắng. Vì vậy cần có lộ trình cho một số tiêu chí, nhất là tiêu chí về môi trường và dịch bệnh.

Hiện phần lớn người nuôi thủy sản quy mô nhỏ lẻ nên sẽ gặp khó trong việc đáp ứng các tiêu chí như ao lắng, ao chứa nước thải, ao chứa bùn… Cách tốt nhất là có thể thực hiện VietGAP theo nhóm hộ hoặc theo vùng nuôi".

Theo ông Nguyễn Hiền Năng, Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng V, để nuôi thủy sản VietGAP hiệu quả thì vai trò, trách nhiệm của DN chế biến thủy sản là rất quan trọng. Nếu các nhà máy có vùng nguyên liệu hoặc liên kết với vùng nguyên liệu làm VietGAP sẽ thuận lợi hơn khi đàm phán hợp đồng xuất khẩu với khách hàng. Bên cạnh việc hỗ trợ người nuôi thủy sản thì cũng cần hỗ trợ cả DN, nếu họ tham gia cùng nông dân làm VietGAP”.

TS Trần Đình Luân, PGĐ Sở NN-PTNT Sóc Trăng nhấn mạnh: “Sản lượng thủy sản tăng bao nhiêu không phải là yếu tố quyết định trong phát triển thủy sản, cốt lõi vấn đề là chất lượng và hiệu quả đạt được ra sao? Sản phẩm có đáp ứng được các tiêu chí chất lượng hay không? Đó mới là mục tiêu chiến lược phát triển thủy sản của Việt Nam.

Do đó, chúng ta cần tận dụng tất cả các nguồn lực để phát triển theo nhóm cộng đồng để phát huy và duy trì hiệu quả thực hiện, từng bước hoàn thiện các tiêu chí theo chuẩn mực quốc tế”.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.