| Hotline: 0983.970.780

Xây hồ trữ nước cho người dân vùng rẻo cao Sìn Hồ

Thứ Năm 08/10/2020 , 07:13 (GMT+7)

Có nước sạch, những hộ dân sinh sống ở độ cao trên 1.600m tại Sìn Hồ (Lai Châu) như giải tỏa được nhiều vấn đề bức xúc lâu nay.

Người dân xã Tả Ngảo (huyện Sìn Hồ, Lai Châu) được sử dụng nước hợp vệ sinh tại nhà. Ảnh: M.H

Người dân xã Tả Ngảo (huyện Sìn Hồ, Lai Châu) được sử dụng nước hợp vệ sinh tại nhà. Ảnh: M.H

Nước quý như vàng

Thị trấn Sìn Hồ và 8 xã vùng cao của huyện này nằm ở độ cao trên 1.600m, nên trước đây luôn trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt cũng như sản xuất. Ở nơi này, địa hình phức tạp, chia cắt bởi núi cao nên từ năm 2008 trở về trước, những hộ dân ở khu vực trung tâm huyện phải dùng chung bể nước công cộng. Mỗi tuần, bể được cấp nước 2 lần, mỗi lần 3h đồng hồ nên bà con phải canh giờ, đặt lịch để có nước sinh hoạt.

Thị trấn là nơi trung tâm của huyện còn trong tình trạng thiếu nước như vậy nên ở những xã xa xôi để có nước còn khó khăn hơn gấp bội. Với bà con vùng cao nơi này, nước hết sức quan trọng vì gắn với cuộc sống hằng ngày và từng giọt nước đều được họ trân quý.

Ở xã Phăng Sô Lin, Tả Phìn gần trung tâm hơn, thế nhưng để có nước sử dụng bà con cũng phải dẫn nước khe cách đó vài km. Song vào mùa khô, nguồn nước này cũng không đủ dùng, chưa kể ô nhiễm từ môi trường, chăn thả gia súc khiến nước sử dụng không đảm bảo…

Còn việc sử dụng nước cho sản xuất nông nghiệp hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên. Có nước mới có thể xuống mạ, cấy lúa, còn không bà con phải trông chờ từng cơn mưa. Chưa kể, biến đổi khí hậu, mưa nắng thất thường, phần nào tác động lớn đến mùa màng của người dân.

Chính vì việc thiếu nước nên Sìn Hồ từng bỏ lỡ nhiều cơ hội từ các nhà đầu tư. Không có nước không thể phát triển cây dược liệu, cây ăn quả, làm du lịch… Kinh tế của người dân khó có thể phát triển chỉ vì thiếu nguồn nước.

Có những nhà đầu tư mạnh dạn bỏ vốn trồng dược liệu nhưng đều “bó tay”, để lại những tàn tích từ năm 2009 là những dãy nhà hoang dọc triền đồi. Cũng có những hộ dân cố bám trụ làm quy mô nhỏ nhưng ngoài việc cạnh tranh trên thị trường thì họ cũng phải chờ nước mới có thể làm được. Không có nước, gần như mọi ngõ cửa để bà con có thể vực được kinh tế gia đình dựa vào sản xuất nông nghiệp gần như đóng chặt.

Trong khi đó, toàn huyện có tới 26.500ha đất nông nghiệp, trong đó 750ha lúa một vụ. Tất cả diện tích sản xuất nông nghiệp trên hoàn toàn phụ thuộc vào lượng mưa tự nhiên. Thiếu nước nên năng suất mùa vụ không cao, hiệu quả kinh tế thấp.

Xây hồ trữ nước giải toả “cơn khát”

Việc đi tìm nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp kéo dài nhiều năm, và gian nan. Tới năm 2014, công trình đập tràn Hoàng Hồ hoàn thành và đưa vào sử dụng có thể chứa 2,4 triệu m3 nước mới giải tỏa được phần nào “cơn khát” nước cho Sìn Hồ đặc biệt là 8 xã vùng cao của huyện và 180ha đất nông nghiệp. Cuộc sống của bà con từ đó cũng đã thay đổi khi có nước sinh hoạt và làm nông nghiệp.

Cùng với sự vào cuộc, hỗ trợ của các cấp chính quyền để người dân có nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp thì những hộ gia đình bắt đầu chủ động hơn trong việc tìm kiếm nguồn nước. Ông Đinh Danh Phương, gắn bó với việc trồng dược liệu, tự đầu tư đường ống nước dài gần 10km cho vườn đương quy, đẳng sâm của gia đình. Tương tự, ông Mùa A Di ở bản Sà Dề Phìn (xã Sà Dề Phìn) cải tạo lại hơn 600m2 ruộng, vườn của gia đình để trồng các loại cây dược liệu có thể chịu hạn tốt.

Ông Trần Văn Dũng - Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sìn Hồ cho biết, do điều kiện tự nhiên nên việc khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm, nước mặt ở Sìn Hồ gặp khó khăn. Trong khi, áp dụng kỹ thuật cao vào khai thác, bơm và xử lý cần chi phí rất lớn.

Tuy nhiên, ngoài việc đầu tư các công trình nước để khắc phục thiếu nước sinh hoạt, sản xuất, thì chính quyền cơ sở, người dân cùng chủ động sửa chữa, khơi thông, nạo vét kênh mương thủy lợi, sử dụng tiết kiệm, bảo vệ môi trường để đủ nước sử dụng.

Song về lâu dài, Sìn Hồ cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó chú trọng đầu tư các công trình thủy lợi, nâng cấp các công trình chứa, cấp nước tại các khu vực thiếu nước. Công trình Hồ chứa nước Sà Dề Phìn là công trình trọng điểm để phục vụ nhu cầu cấp thiết về nước sinh hoạt, sản xuất của người dân trên địa bàn huyện.

Công trình này có sức chứa 265 triệu m3 nước, có thể điều tiết nước tưới cho 300ha đất nông nghiệp, 150ha đất trồng cây dược liệu. Đặc biệt, công trình còn tạo nguồn nước sinh hoạt cho trên 10.600 người và bổ sung nước cho hồ Hoàng Hồ, phòng khi hạn hán.

Khi có nước, với sự quyết tâm của bà con, vùng cao Sìn Hồ chắc chắn sẽ thay da đổi thịt. Cuộc sống của người dân sẽ ngày khấm khá hơn khi họ yên tâm, tự tin đầu tư dài hạn vào nông nghiệp, không còn phụ thuộc nước như trước kia nữa.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.