| Hotline: 0983.970.780

Xóa điểm giết mổ tự phát, phòng chống dịch cúm gia cầm

Thứ Hai 07/11/2022 , 12:26 (GMT+7)

Cứ thời điểm cận Tết Nguyên đán, việc giết mổ gia cầm bừa bãi trên vỉa hè tại TP. Quy Nhơn lại tái phát, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm.

Mua bán gia cầm sống trên vỉa hè đường Võ Lai gần chợ Khu 6, TP. Quy Nhơn. Ảnh: ĐT.

Mua bán gia cầm sống trên vỉa hè đường Võ Lai gần chợ Khu 6, TP. Quy Nhơn. Ảnh: ĐT.

Đáng quan ngại là mới đây, Việt Nam đã ghi nhận 1 trường hợp người nhiễm virus cúm gia cầm chủng A/H5 tại Phú Thọ. Đây là trường hợp nhiễm cúm gia cầm trên người đầu tiên sau hơn 8 năm qua ở nước ta.

Mầm bệnh cúm gia cầm vẫn lẩn quẩn ngoài môi trường, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước đã xảy ra 34 ổ dịch cúm gia cầm với các chủng A/H5N1, A/H5N6 và A/H5N8 tại 19 tỉnh, thành phố.

Riêng tại Bình Định, vào cuối tháng 5 vừa qua đã xảy ra ổ dịch cúm trên đối tượng chim trĩ nuôi trong 1 hộ dân ở huyện Vân Canh, thế nhưng ổ dịch này nhanh chóng được cơ quan chức năng bao vây, dập tắt, tình hình dịch cúm gia cầm trên địa bàn được khống chế.

Thế nhưng theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, mầm bệnh cúm gia cầm vẫn tồn tại ngoài môi trường. Đáng lo nhất là vào thời điểm cuối năm, hoạt động mua bán, vận chuyển gia cầm lại rộ lên, trước mắt là những ngày cận Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 sắp đến.

Thêm vào đó, năm nay thời tiết thất thường, mưa kéo dài làm giảm sức đề kháng của đàn gia cầm, là điều kiện để dịch cúm gia cầm bùng phát.

Theo ngành chức năng, hiện Bình Định đang tồn tại hàng trăm điểm mua bán, giết mổ gia cầm sống tại các chợ, khu dân cư, hầu hết những điểm giết mổ này đều không đảm bảo các điều kiện an toàn dịch bệnh.

Gia cầm đưa đến các điểm mua bán, giết mổ tự phát hầu hết chưa được ngành chức năng kiểm dịch. Tại các chợ mua bán gia cầm nhỏ lẻ lại không được tiêu độc sát trùng nên nguy cơ lây lan vi rút cúm gia cầm là rất cao.

Những ngày này, trên địa bàn thành phố Quy Nhơn, hoạt động mua bán, giết mổ gia cầm sống vẫn diễn ra trên lề đường khu vực xung quanh chợ Đầm (phường Đống Đa) bất chấp lệnh cấm, những đợt truy quét của ngành chức năng. Nạn giết mổ gia cầm trái phép này vừa gây cảnh nhếch nhác, ô nhiễm môi trường, vừa tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Theo ông Phan Tuấn, Trưởng Phòng Kinh tế thành phố Quy Nhơn, khu vực chợ đầm được giao cho Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố quản lý, ngăn chặn nạn giết mổ gia cầm trên lề đường và trong khu dân cư.

Mua bán gia cầm sống tại các chợ quê trên địa bàn Bình Định. Ảnh: ĐT.

Mua bán gia cầm sống tại các chợ quê trên địa bàn Bình Định. Ảnh: ĐT.

Những ngày này, trên đường Hoàng Hoa Thám chạy ngang qua chợ Đầm thuộc địa bàn phường Thị Nại (TP. Quy Nhơn) vẫn nhan nhản cảnh cảnh mua bán, giết mổ gia cầm sống không đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn dịch bệnh.

Nước thải, lông gà, lông vịt từ hoạt động giết mổ gia cầm tràn ra vỉa hè rồi chảy xuống lòng đường. Những con gà, vịt sau khi được giết mổ bỏ nằm lăn lóc trên nền xi măng, lông gà, lông vịt “vô tư” bay trong không khí. Trong khi chợ Đầm là chợ đầu mối thu hút rất đông người mua bán, người đi chợ, nên gây nhiều bức xúc.

Theo ông Đoàn Quang Khải, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Quy Nhơn, để ngăn chặn nạn giết mổ gia cầm trên lề đường Hoàng Hoa Thám là rất khó. Bởi, mỗi khi mở cuộc truy quét phải thành lập tổ kiểm tra liên ngành, đi phải có công an đi theo mới dẹp được hoạt động giết mổ bừa bãi nói trên. Nhưng khi tổ công tác đến thì nơi giết mổ chỉ còn lại lông gà, lông vịt, gia cầm đã được tẩu tán đi cất giấu hết. Khi đoàn công tác ra về thì đâu lại vào đấy, hoạt động giết mổ gia cầm trên lề đường lại tái diễn.

“Để chấm dứt việc mua bán, giết mổ gia cầm sống tại khu vực xung quanh chợ Đầm, thành phố Quy Nhơn đã có chính sách hỗ trợ các hộ di dời lên chợ Dinh nằm trên địa bàn phường Nhơn Bình để hoạt động. Tuy nhiên, đến nay tình trạng lén lút giết mổ gia cầm tại đây vẫn tồn tại. Hiện ở đây vẫn còn 6 hộ làm nghề giết mổ gia cầm sống trên vỉa hè dọc theo tuyến đường Hoàng Hoa Thám và trong khu dân cư”. Ông Đoàn Quang Khải cho hay.

Bên cạnh vấn nạn giết mổ gia cầm sống trên vỉa hè và trong khu dân cư không đảm bảo các điều kiện an toàn dịch bệnh, nạn mua bán gia cầm sống trên vỉa hè hiện vẫn còn tồn tại trên đường Hoàng Hoa Thám gần chợ Đầm và các chợ khu vực trên địa bàn thành phố Quy Nhơn.

Giết mổ gia cầm tại các điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn dịch bệnh. Ảnh: ĐT.

Giết mổ gia cầm tại các điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn dịch bệnh. Ảnh: ĐT.

Con đường Võ Lai thuộc phường Ngô Mây nằm gần chợ Khu 6 cũng không ngoại lệ, hiện vẫn còn tình trạng mua bán gia cầm sống trên vỉa hè. Theo Ban quản lý chợ Khu 6, hộ kinh doanh gia cầm sống trên đường Võ Lai nằm ngoài khu vực quản lý của Ban quản lý chợ Khu 6, mà thuộc thẩm quyền xử lý của UBND phường Ngô Mây. Khi cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra thì các hộ đưa gia cầm đi cất giấu; sau đó lại đưa ra buôn bán trở lại, vô phương xử lý.

Theo ông Phan Tuấn, Trưởng Phòng Kinh tế thành phố Quy Nhơn, từ nay đến cuối năm 2022, ngành chức năng thành phố sẽ quyết tâm lập lại trật tự đối với việc mua bán, giết mổ gia cầm sống tại các chợ nội thành. UBND thành phố Quy Nhơn vừa củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo và 2 tổ công tác liên ngành kiểm tra, giám sát các hoạt động vận chuyển, mua bán, giết mổ gia cầm trên địa bàn thành phố.

Ông Phan Tuấn, Trưởng Phòng Kinh tế thành phố Quy Nhơn cho biết, thời gian qua, UBND thành phố đã xây dựng đề án di dời các hộ mua bán gia cầm sống ra khỏi nội thành. Hỗ trợ các hộ tiểu thương mua bán gia cầm sống chuyển lên chợ Dinh (phường Nhơn Bình) để mua bán. Đồng thời hỗ trợ chuyển đổi nghề đối với các hộ hoạt động giết mổ gia cầm sống khu vực xung quanh chợ Đầm mà vấn nạn nói trên vẫn còn tái diễn.

Từ đầu tháng 11/2022, các tổ công tác sẽ thường xuyên tổ chức kiểm tra, xử lý hoạt động mua bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm sống trong thời điểm trước, trong và sau tết Nguyên đán Quý Mão 2023 trong khu vực nội thành để phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.