| Hotline: 0983.970.780

Xoay xở tìm giống sắn sạch bệnh, kháng bệnh

Thứ Hai 07/03/2022 , 06:35 (GMT+7)

GIA LAI Gia Lai là vựa sắn lớn nhất nước. Niên vụ 2021 - 2022, bệnh khảm lá sắn gây hại đột biến. Trong khi đó, nguồn giống sắn sạch, kháng bệnh rất khan hiếm, đắt đỏ.

Gia Lai là địa phương có vùng nguyên liệu sắn lớn nhất cả nước với hơn 80 ngàn ha trồng trong năm 2021. Chính bởi dễ trồng, vốn đầu tư thấp nên sắn là cây trồng chủ lực của nhiều nông dân tại các huyện phía đông và đông nam Gia Lai.

Bệnh khảm lá đang gây ra nhiều khó khăn cho vùng nguyên liệu sắn lớn nhất cả nước. Ảnh: Tuấn Anh. 

Bệnh khảm lá đang gây ra nhiều khó khăn cho vùng nguyên liệu sắn lớn nhất cả nước. Ảnh: Tuấn Anh. 

Bấp bênh cây sắn

Bài liên quan

Những ngày đầu tháng 3, chúng tôi có dịp trở về vùng đất Krông Pa, nơi có diện tích canh tác sắn lớn nhất của tỉnh Gia Lai với hơn 22 ngàn ha trồng trong 2 vụ/năm. Hiện sắn đang bước vào thu hoạch vụ đông xuân 2021 - 2022.

Niên vụ này, toàn huyện có hơn 1.300 ha sắn, tập trung nhiều ở các xã IaDreh, Krông Năng, Chư Ngọc, Chư Đrăng, Ia Rok… Theo nhiều người dân, năm nay cây sắn mất mùa bởi sâu bệnh hoành hành, hạn hán kéo dài dẫn đến năng suất rất thấp. Cùng với đó, thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc đóng cửa khiến giá cả bị sụt giảm nghiệm trọng.

Với kinh nghiệm nhiều năm trồng sắn, ông Trương Văn Quyền (xã Phú Cần,

Bài liên quan

huyện Krông Pa) đến giờ vẫn không tin năng suất vườn sắn của gia đình năm nay thảm hại đến như vậy. Gia đình trồng 2,5 ha sắn nhưng chỉ thu hoạch được khoảng 10 tấn củ tươi. Cùng với giá bán thời điểm hiện tại khoảng 1.800 đồng/kg, cả vườn sắn của gia đình cũng thu về chỉ được khoảng 15 triệu đồng. Vụ sắn trước, gia đình thu hoạch được hơn 40 tấn với giá 2.500 đồng/kg, doanh thu đạt trên 80 triệu đồng.

“Năm nay, vườn sắn gần như không có củ, một số cây có củ thì lại không đủ hàm lượng tinh bột. Nguyên nhân do bệnh khảm lá và cháy lá khiến cho vườn sắn không thể phát triển dù gia đình đã làm mọi cách”, ông Quyền nói và cho biết, vụ sắn tới gia đình phải tích cực tìm giống sắn mới sạch bệnh để trồng.

Cây sắn năm nay cho năng suất thấp do nhiều nguyên nhân, nhất là ảnh hưởng của bệnh khảm lá. Ảnh: Tuấn Anh.

Cây sắn năm nay cho năng suất thấp do nhiều nguyên nhân, nhất là ảnh hưởng của bệnh khảm lá. Ảnh: Tuấn Anh.

Bài liên quan

Tương tự, ông Sil Pin (buôn Prông, xã Ia M’lăh) trồng hơn 2 ha sắn giống HL-S12, năm nay xem như mất trắng. “Những cây sắn của gia đình bị bệnh khảm lá rồi úa vàng, sau đó từ từ rơi rụng, chỉ còn lại thân cây trơ trọi. Bệnh khảm lá gần như phá hủy hết cả vườn sắn không thu hoạch được củ nào”, ông Sil Pin ngậm ngùi cho biết.

Ông Đinh Xuân Duyên, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Krông Pa cho biết, năm nay cây sắn cho năng suất rất thấp, trung bình toàn huyện chỉ khoảng 16 tấn/ha, trong khi mùa vụ trước đạt hơn 22 tấn/ha. Nguyên nhân chính là do hạn hán kéo dài nên phải đến tháng 8 (thay vì trồng từ tháng 5) khi bắt đầu có mưa người dân mới trồng lại. Chính vì mới trồng được 7 tháng, chưa đủ thời gian sinh trưởng nhưng người dân vẫn tiến hành thu hoạch, dẫn đến cây sắn không đạt chất lượng, năng suất thấp.

Quan trọng hơn cả, những năm gần đây, bệnh khảm lá sắn bùng phát làm giảm năng suất, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân và nguyên liệu sản xuất của các nhà máy chế biến trên địa bàn.

Theo ông Đinh Xuân Duyên, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Krông Pa, trên địa bàn huyện hiện có 2 nhà máy chuyên thu mua sắn cho người dân. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các nhà máy sản xuất tinh bột không thể xuất khẩu sang Trung Quốc, dẫn đến lượng hàng tồn kho còn khá lớn, khoảng 16 - 17 nghìn tấn. Chính vì lý do đó, việc thu mua sắn cho người dân cũng gặp ảnh hưởng nhất định. Nếu như mùa vụ trước, khoai mì (sắn) có giá 2.800 - 3.000 đồng/kg thì hiện tại giá đã giảm xuống còn 2.300 - 2.500 đồng/kg.

Cần kiểm soát chặt nguồn giống

Những năm qua, cơ cấu giống sắn của tỉnh Gia Lai chủ yếu là KM94, KM419, KM140 và KM98.5. Trong đó, giống KM94 được trồng phổ biến, chiếm 39% tổng diện tích.

Trong khi chưa chủ động được nguồn giống sạch bệnh, kháng bệnh, ngành nông nghiệp Gia Lai đang ưu tiên lựa chọn giống sắn KM94 do ít bị bệnh khảm lá hơn. Ảnh: Tuấn Anh.

Trong khi chưa chủ động được nguồn giống sạch bệnh, kháng bệnh, ngành nông nghiệp Gia Lai đang ưu tiên lựa chọn giống sắn KM94 do ít bị bệnh khảm lá hơn. Ảnh: Tuấn Anh.

Nguyên nhân của bệnh khảm lá sắn là do người dân thường sử dụng hom giống cũ không đảm bảo chất lượng hoặc giống không rõ nguồn gốc. Đặc biệt, chưa có hom giống sạch, kháng bệnh hoàn toàn dẫn đến bệnh ngày càng lây lan trên diện rộng.

Ông Lâm Đức Chính, Phó Giám đốc Nhà máy Chế biến tinh bột mì An Khê cho biết, để giải quyết tình hình dịch bệnh, trong năm 2021, đơn vị đã đầu tư hơn 9 tỷ đồng mua hom giống sắn, vôi, máy chuyên dùng trồng sắn… cung cấp cho người dân nhằm phát triển vùng nguyên liệu.

Tuy nhiên, bệnh khảm lá sắn diễn biến ngày càng phức tạp, gây nhiều khó khăn cho người dân và nhà máy. “Nhằm hạn chế, chúng tôi tiếp tục đồng hành cùng các địa phương trong vùng nguyên liệu, tìm những giống sạch bệnh cung cấp cho người dân sản xuất. Tập trung tuyên truyền người dân đưa cơ giới vào sản xuất nhằm tăng độ tơi xốp cho đất, giảm chi phí đầu tư”, ông Chính chia sẻ.

Trước tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, Phòng NN-PTNT huyện Krông Pa cũng đã thành lập đoàn kiểm tra, vận chuyển hom giống sắn vào địa bàn, kiên quyết ngăn chặn giống sắn dễ nhiễm bệnh. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp huyện Krông Pa cũng thừa nhận, nguồn hom giống sạch bệnh để cung cấp cho người dân đang rất khan hiếm.

Nhu cầu nguồn giống sạch bệnh, kháng bệnh đang hết sức cấp thiết cho vựa sắn Gia Lai. Ảnh: Trần Trung.

Nhu cầu nguồn giống sạch bệnh, kháng bệnh đang hết sức cấp thiết cho vựa sắn Gia Lai. Ảnh: Trần Trung.

Ông Võ Ngọc Châu, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Krông Pa cho biết, hiện nay đơn vị đang cho trồng thử nghiệm hơn 5 ha giống sắn kháng bệnh khảm lá là HN3 và HN5, nhìn chung năng suất, chất lượng rất tốt. Tuy nhiên, giống này có giá tương đối cao (khoảng hơn 200 ngàn đồng/20 cây), người dân khó có thể tiếp cận được.

“Trong vụ mùa sắp tới, Phòng NN-PTNT sẽ hỗ trợ các xã trên địa bàn trồng 20 ha giống HN3 và HN5, để từ đó làm cở sở nhân rộng giống mới này cho người dân sử dụng”, ông Châu nói và cho biết, trước mắt người dân nên sử dụng giống KM94 dù năng suất không cao nhưng ít bị nhiễm bệnh khảm lá hơn những giống khác.

Ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Gia Lai thông tin, năm 2021, bệnh khảm lá sắn tăng đột biến, gây hại hơn 13 ngàn ha, điều này gây ảnh hưởng đến vùng nguyên liệu của các nhà máy chế biến tinh bột. Sở NN-PTNT đã triển khai nhiều giải pháp phòng trừ, kiên quyết không sử dụng những loại giống bị nhiễm bệnh nặng.

Bên cạnh đó, khuyến khích mở rộng giống mì KM94, giảm dần diện tích bị nhiễm bệnh khảm lá cho đến khi có giống mới, kiểm soát chặt chẽ giống nhập vào địa bàn...

Năm 2021, bệnh khảm lá đã gây hại tăng đột biến tại địa bàn Gia Lai. Ảnh: Đăng Lâm.

Năm 2021, bệnh khảm lá đã gây hại tăng đột biến tại địa bàn Gia Lai. Ảnh: Đăng Lâm.

Thời gian tới, từ nguồn vốn khuyến nông, khoa học và công nghệ…, Sở NN-PTNT sẽ phối hợp với các huyện xây dựng 8 mô hình trồng giống sắn sạch bệnh và có khả năng kháng bệnh khảm lá virus tương đối tốt như KM94 và một số giống triển vọng khác, trong đó, ít nhất mỗi địa phương có khoảng 50 ha để chủ động nguồn hom giống sạch bệnh.

Ông Có cũng đề nghị các nhà máy chế biến thu thập nguồn giống sạch bệnh, hỗ trợ một phần kinh phí cho các địa phương mua hóa chất xử lý bọ phấn trắng. “Sắp tới, các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT sẽ vào phối hợp với đơn vị và các nhà máy chế biến hỗ trợ nhân giống sắn sạch bệnh cho người dân sản xuất”, ông Có thông tin.

Ông Hồ Văn Thảo, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa cho biết, để cây sắn phát triển bền vững, huyện sẽ tập trung đưa ra nhiều giải pháp cho người dân. Cụ thể, thay đổi các giống dễ bị bệnh khảm lá, đồng thời hỗ trợ cung cấp các giống sạch bệnh cho người dân.

Hiện nay, Phòng NN-PTNT đã tìm kiếm được giống sắn kháng bệnh là HN3 và HN5. Qua trồng thử nghiệm cho thấy giống sắn này cho năng suất cao và đặc biệt không bị bệnh khảm lá.

Ngoài ra, để cây sắn phát triển bền vừng thì việc chủ động nguồn nước tưới rất quan trọng. Bởi, cây sắn dù có bị bệnh khảm lá nhưng nếu đủ nguồn nước tưới sẽ vẫn cho năng suất ổn định. Chính vì vậy, ngoài việc tận dụng các nguồn nước sẵn có, huyện cũng khuyến khích người dân đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm để năng cao năng suất, chất lượng cho cây sắn về sau.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.