| Hotline: 0983.970.780

Xử lý dứt điểm nước biển chuyển màu đen, hôi thối do đầm tôm xả thải

Thứ Tư 26/07/2023 , 09:38 (GMT+7)

THỪA THIÊN HUẾ Người dân yêu cầu xử lý dứt điểm tình trạng các chủ đầm tôm xả thải gây ô nhiễm để trả lại môi trường trong sạch cho vùng biển Chân Mây - Lăng Cô.

Nước thải từ các đầm tôm chảy ra bờ biển thôn Phú Hải, xã Lộc Vĩnh. Ảnh: CĐ.

Nước thải từ các đầm tôm chảy ra bờ biển thôn Phú Hải, xã Lộc Vĩnh. Ảnh: CĐ.

Những ngày gần đây, người dân thôn Phú Hải, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế bức xúc việc các chủ đầm tôm xả thải trực tiếp ra bãi biển của thôn gây ô nhiễm nhưng chưa được chính quyền xử lý dứt điểm.

Cách bờ biển thôn Phú Hải, xã Lộc Vĩnh thuộc vùng biển Chân Mây - Lăng Cô không xa là hàng chục đầm tôm đang vào vụ nuôi. Người dân cho biết, những đầm tôm này là của một người tên Phước thuê lại đất của doanh nghiệp trên địa bàn để nuôi tôm từ nhiều năm nay.

Cứ vào vụ nuôi tôm, các chủ đầm xả thải khoảng 2 -3 lần một ngày làm cho nước có màu rất đen và bốc mùi hôi thối nồng nặc, đứng cách xa hàng trăm mét vẫn dễ dàng nhận ra.

Ghi nhận của phóng viên cho thấy, nước thải từ các đầm tôm chảy ra một bể lắng nhỏ nằm gần sát bờ biển thông qua 2 ống cống được đấu nối từ khu nuôi tôm. Có thể dễ dàng nhận thấy, nước thải chảy ra có màu đen sì, bốc mùi tanh hôi nồng nặc khiến ai cũng cảm thấy khó chịu.

Bà Trần Thị Hoa (53 tuổi) người dân thôn Phú Hải bức xúc: Lúc chưa có các đầm tôm nước biển ở đây rất trong, cùng với bờ biển đẹp nên thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài tỉnh.

Cách bờ biển ko xa là hàng chục đầm tôm. Ảnh: CĐ.

Cách bờ biển ko xa là hàng chục đầm tôm. Ảnh: CĐ.

Nhưng sau khi xuất hiện các đầm tôm này thì ít người lui tới, công việc kinh doanh buôn bán của người dân trong thôn cũng ế ẩm hơn.

Theo bà Hoa, thường các chủ đầm xả thải khoảng 2 -3 lần vào những giờ không cố định trong ngày. Mỗi lần xả như vậy nước đen như than và bốc mùi hôi thối khó chịu, ảnh hưởng cả một vùng rộng lớn.

Ngoài ra, việc xả thải trực tiếp ra biển cũng khiến vùng nước gần bờ bị ô nhiễm nặng, các loài thủy hải sản ngày càng ít, nghề đánh bắt thủy sản cũng khó khăn hơn.

Cũng theo bà Hoa, tình trạng này kéo dài trong thời gian dài, dù người dân đã phản ảnh lên chính quyền địa phương nhưng chưa thấy ai đứng ra giải quyết. “Người dân ở đây nhiều lần phản ánh về hiện tình trạng ô nhiễm do nước thải từ các đầm tôm nhưng không nhận được hồi đáp”, bà Hoa cho hay.

Trước tình trạng đó, người dân thôn Phú Hải mong muốn chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng cần kịp thời có phương án xử lí tình trạng xả thải gây ô nhiễm của các chủ đầm tôm. 

Nước thải có màu đen và bốc mùi hôi nồng nặc. Ảnh: CĐ.

Nước thải có màu đen và bốc mùi hôi nồng nặc. Ảnh: CĐ.

Liên quan đến phản ánh của người dân, ông Lê Công Minh, Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc cho biết, xã đã nắm được phản ánh của người dân về việc các chủ đầm tôm xả thải ra biển gây ô nhiễm và chỉ đạo các bộ phận chuyên môn đi kiểm tra tình hình, đồng thời báo cáo lên cấp trên.

Ông Minh thừa nhận có tình trạng các chủ đầm tôm ở thôn Phú Hải trong quá trình xử lý ao hồ đã xả chất thải ra môi trường gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Theo ông Minh, thông thường đến vụ nuôi tôm thì các chủ đầm có xả các loại chất thải ra hồ lắng. Tuy nhiên có thể quá trình xả thải chưa xử lý kỹ nên nước thải rò rỉ ra môi trường, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

“Hiện UBND xã cũng đã yêu cầu chủ đầm tôm xử lý dứt điểm tình trạng rò rỉ nước thải, không để việc xả thải ảnh hưởng đến môi trường”, ông Minh khẳng định.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.