| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu gạo đạt trên 7 triệu tấn

Thứ Tư 18/01/2023 , 16:02 (GMT+7)

Sau hơn 10 năm, xuất khẩu gạo Việt Nam mới lại vượt mốc 7 triệu tấn, vượt ra ngoài dự đoán của các thương nhân ngành lương thực.

Quay trở lại mốc 7 triệu tấn

Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 12/2022, nước ta xuất khẩu được 435 nghìn tấn gạo, trị giá 220 triệu USD. Tính cả năm 2022, xuất khẩu gạo đạt 7,1 triệu tấn, trị giá 3,5 tỷ USD.

Như vậy, sau hơn 10 năm, đến nay mới lại có một năm mà xuất khẩu gạo Việt Nam vượt mốc 7 triệu tấn. Trước đó, vào các năm 2011 và 2012, xuất khẩu gạo lần lượt đạt trên 7,1 triệu và trên 8 triệu tấn. Sau năm 2012, xuất khẩu gạo Việt Nam thường xuyên duy trì ở mức trên 6 triệu tấn/năm, thậm chí có năm chỉ đạt chưa tới 5 triệu tấn.

A AN

Gạo A An - một thương hiệu gạo Việt Nam xuất hiện tại thị trường Nhật Bản. 

Xuất khẩu gạo trong năm qua nhìn chung diễn biến theo chiều hướng tích cực. Trước hết là do tác động từ khủng hoảng lương thực trên toàn cầu bởi cuộc xung đột Nga - Ukraina, khiến cho nhiều thị trường phải tăng mua gạo từ châu Á.

Trong bối cảnh ấy, việc Ấn Độ ban hành các chính sách hạn chế xuất khẩu những loại gạo không phải Basmati trong gần 3 tháng do những lo ngại về an ninh lương thực, đã tạo cơ hội không nhỏ cho Việt Nam, Thái Lan... đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong những tháng cuối năm.

Đặc biệt, việc một số nước nhập khẩu lớn ở châu Á, châu Phi đẩy mạnh nhập khẩu gạo trong năm qua, đã thúc đẩy xuất khẩu gạo Việt Nam.

Theo Cục Công nghiệp Thực vật Philippines, trong 11 tháng năm 2022, nước này đã nhập khẩu tới 3,37 triệu tấn gạo, tăng hơn 34% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, gạo Việt Nam là 2,81 triệu tấn, chiếm tới gần 85% tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam chia sẻ, xuất khẩu gạo trên 7 triệu tấn trong năm 2022 đã vượt qua những dự báo của cả Hiệp hội và Bộ NN-PTNT. Tuy nhiên, so với năm 2021, giá xuất khẩu gạo trong năm qua lại thấp hơn, do đó, hiệu quả từ hoạt động xuất khẩu gạo có phần hạn chế. Dầu vậy, vào những tháng cuối năm, nhờ việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Đây là điều thuận lợi cho việc đàm phán những hợp đồng xuất khẩu gạo trong năm 2023.

Gạo thương hiệu đi ra thế giới

Trong nhiều năm qua, ngoài các thị trường truyền thống, gạo Việt Nam đã từng bước thâm nhập vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, EU… Dù có chất lượng cao, đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm khắt khe, nhưng gạo Việt Nam khi xuất khẩu vào những thị trường này đều được đóng vào những bao mang thương hiệu nước ngoài để lên kệ của các hệ thống bán lẻ.

Năm 2022, đã đánh dấu bước đột phá mới của gạo Việt Nam tại các thị trường khó tính. Đó là gạo mang thương hiệu của Việt Nam đang hoàng lên kệ của nhiều hệ thống siêu thị lớn. Có thể kể ra đây như gạo Việt Nam mang thương hiệu “Cơm Vietnam” của Tập đoàn Lộc Trời đã lên kệ hàng hệ thống siêu thị E.Leclerc (583 đại siêu thị, hơn 100 siêu thị) và hệ thống siêu thị Carrefour Ormesson (253 đại siêu thị và hơn 3 nghìn siêu thị, cửa hàng tiện ích).

Tại Nhật Bản, thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, cho hay, vào ngày 30/6/2022, tại Tokyo, sự kiện quảng bá sản phẩm gạo Việt Nam mang thương hiệu A An (một thương hiệu của Việt Nam) lần đầu tiên được bày bán tại thị trường Nhật Bản được tổ chức bởi Liên minh Ngân hàng Kiraboshi, Công ty Suntomi Internatianal, Công ty Spice House và Tập đoàn Tân Long, với sự bảo trợ của Bộ Công Thương Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và Tập đoàn Nikkoku Trust. Đây là lần đầu tiên sản phẩm gạo mang một thương hiệu của Việt Nam xuất hiện tại thị trường này.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Kinh doanh xuất khẩu (Tập đoàn Lộc Trời) cho biết, còn nhiều dư địa để đưa gạo Việt Nam vào thị trường EU nếu các doanh nghiệp khai thác tốt thị trường này. Trong những năm gần đây, Tập đoàn Lộc Trời đã khai thác rất tốt thị trường EU. Cụ thể, năm 2018, Lộc Trời xuất khẩu hơn 2.000 tấn gạo sang EU, năm 2019 là 8.000 tấn, năm 2020 là 11.000 tấn, năm 2021 là 12.000 tấn. Trong năm 2022 tính đến cuối tháng 12, Lộc Trời đã xuất khẩu khoảng trên 24.000 tấn gạo sang EU.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030

Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.

Làng Nủ trước ngày khánh thành

40 ngôi nhà mới sẽ được bàn giao cho các hộ dân thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) vào ngày 15/12 sau gần 3 tháng thi công.