Xuất khẩu nông sản đạt 36 tỷ USD sau 8 tháng đầu năm
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT tại cuộc họp giao ban chiều 26/8, 8 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản ước đạt khoảng 66,2 tỷ USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu ước gần 36,3 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính gần 15 tỷ USD, tăng 7,4%; lâm sản chính trên 11,8 tỷ USD, tăng 6,2%; thủy sản trên 7,5 tỷ USD, tăng 35,3%; chăn nuôi 258,6 triệu USD, giảm 12,2%; đầu vào sản xuất gần 1,7 tỷ USD, tăng 48,2%.
Về thị trường xuất khẩu, trong 8 tháng đầu năm, các thị trường thuộc khu vực châu Á chiếm 43,1% thị phần, châu Mỹ chiếm 28,9%, châu Âu chiếm 11,8%, châu Đại Dương chiếm 1,7% và châu Phi là 1,6%.
Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đạt gần 9,6 tỷ USD (chiếm 26,4% thị phần); đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc khoảng 6,5 tỷ USD (chiếm 17,8% thị phần); thứ 3 là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt trên 2,7 tỷ USD (chiếm 7,4%); thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt trên 1,7 tỷ USD (chiếm 4,7%).
Tính chung 8 tháng, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản ước trên 29,9 tỷ USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt trên 18,3 tỷ USD, tăng 1,1%; nhóm hàng thủy sản ước trên 1,9 tỷ USD, tăng 37,5%; nhóm lâm sản chính trên 2,2 tỷ USD, tăng 3,6%; nhóm sản phẩm chăn nuôi gần 2,1 tỷ USD, giảm 10,8%; nhóm đầu vào sản xuất ước gần 5,4 tỷ USD, tăng 12,0%.
Về thị trường nhập khẩu, khu vực châu Á chiếm 31,7% thị phần xuất khẩu sang Việt Nam, thứ 2 là châu Mỹ chiếm 25,5%, châu Đại dương chiếm 5,9%, châu Âu chiếm 4,2% và châu Phi chiếm 3,6%.
Hoa Kỳ, Trung Quốc, Argentina và là 3 thị trường cung cấp các mặt hàng nông, lâm, thủy sản lớn nhất cho Việt Nam trong 8 tháng, với thị phần trong tổng giá trị nhập khẩu ước đạt lần lượt là 8,52%, 8,49% và 8,34%.
Trước những khó khăn về thị trường, Bộ NN-PTNT đã phối hợp với các Đại sứ quán, Tham tán Thương mại, Tham tán Nông nghiệp tăng cường xúc tiến, quảng bá theo hình thức trực tuyến đối với các sản phẩm đã được mở cửa, xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường gắn liền với các hoạt động ngoại giao của Chính phủ và của Bộ vào các thị trường lớn (Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nga, Brazil) và khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng (Nhật Bản, Hàn Quốc, Asean, Úc, New Zealand, Trung Đông).
Tập trung nguồn lực để “về đích”
Theo Bộ NN-PTNT, các tổ chức quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 so với thời điểm đầu năm. Thị trường thế giới tiếp tục có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng của các nhân tố kinh tế, chính trị, nhất là nhóm hàng nhiên liệu, năng lượng sẽ tác động đến thị trường hàng hóa trong nước; chi phí vận chuyển tăng mạnh.
Một số quốc gia thắt chặt tín dụng do lạm phát; Trung Quốc gia tăng kiểm soát hàng hóa; những cáo buộc gian lận xuất xứ, nguồn gốc nguyên liệu… cũng đang trở thành những thách thức đối với xuất khẩu nông sản nói chung, nhất là đối với gỗ và đồ gỗ Việt Nam.
Tại thị trường trong nước, các mặt hàng rau củ quả có nguồn cung dồi dào, tương đối ổn định. Giá các loại trái cây dự báo tăng nhẹ do nhu cầu tiêu dùng tăng phục vụ dịp lễ Rằm Trung thu. Chi phí vật tư đầu vào phục vụ sản xuất còn ở mức cao dẫn đến tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến mặt bằng giá nhóm hàng thực phẩm có tỷ trọng tiêu dùng lớn (gạo, thịt lợn, rau củ, trái cây…).
Trước bối cảnh xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản hết sức khó khăn do lạm phát tại các nước tăng cao, người dân hạn chế mua sắm, hàng tồn kho dư thừa, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đã đề nghị các đơn vị tập trung để tháo gỡ những vướng mắc trong thời gian từ nay đến cuối năm 2022.
“Các ngành hàng chủ lực đang tăng trưởng cũng như xuất khẩu tốt cần bứt phá để bù đắp cho những ngành hàng đang gặp khó khăn khác. Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cần là đầu mối rà soát lại sau đó báo cáo lại với Bộ để có những giải pháp cho từng thị trường và từng loại sản phẩm để có thể về đích xuất khẩu”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Lưu ý việc xuất khẩu nông sản - những sản phẩm nông nghiệp do chính tay người nông dân sản xuất, là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành NN-PTNT và được Chính phủ cũng như Thủ tướng Chính phủ đặt nhiều kì vọng, lãnh đạo Bộ NN-PTNT yêu cầu các đơn vị tập trung, dồn tất cả nguồn lực trong 4 tháng cuối năm 2022 để có thể đảm bảo được những mục tiêu mà Chính phủ giao.
“Khác với các ngành khác, để có thể chuẩn bị sẵn sàng, đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho giai đoạn cuối năm, ngành nông nghiệp cần có sự chuẩn bị kĩ càng từ sớm, từ xa một cách chủ động nhất có thể”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định tại cuộc họp giao ban Bộ NN-PTNT.