| Hotline: 0983.970.780

Xung quanh những dự án làm náo động thành phố biển

Thứ Bảy 14/09/2019 , 07:05 (GMT+7)

Đoàn công tác của Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa có buổi làm việc tại tỉnh Khánh Hòa để đôn đốc thực hiện quy trình kiểm điểm, xử lý kỷ luật đối với nhiều lãnh đạo địa phương này.

14-11-13_cong_trinh_tren_nui_co_tien
Công trình trên núi Cô Tiên.

Sau khi dời sân bay khỏi nội ô, thì thành phố Nha Trang có được một diện tích đất sạch phù hợp các nhu cầu xây dựng, đáng giá hàng ngàn tỷ đồng. Cái lợi phô bày trước mắt, ai mà không nhìn thấy. Hàng loạt nhà đầu tư chen chân, và hàng loạt mối quan hệ lắt léo được tận dụng. Kết quả, không ít dự án BT (xây dựng - chuyển giao) được thực hiện theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng, đã gây nên thị phi. Mọi việc bắt đầu bùng nổ từ tháng 8/2015, khi các vị nguyên lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa kiến nghị phải xem xét lại giá trị các lô đất đã lọt vào tay doanh nghiệp với giá quá thấp. Đồng thời, phải thanh tra việc định giá các lô đất cho đúng quy trình công khai và minh bạch.

Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc, và những đối tượng đang vướng mắc với các dự án đã giải quyết tình huống bằng cách sử dụng hình thức khó hiểu là “giá tạm tính”.

Trước nguy cơ thất thoát hàng ngàn tỷ đồng của Nhà nước, mà lại dùng “giá” theo kiểu “tạm tính” được ư? Phải “tạm tính” đến khi nào, và cứ “tạm tính” cho đến lúc từng công trình thu lợi đầy túi cá nhân và không ai còn nhớ nổi “giá” thật của mỗi mét đất chăng? Băn khoăn ấy là một cuộc giằng co không khoan nhượng, và cuối cùng Ủy ban Kiểm tra Trung ương có kết luận: “Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Khánh Hòa đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác quản lý, sử dụng đất và thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giao đất, cho thuê đất, giao rừng, cho thuê rừng, đấu thầu, đầu tư, quy hoạch kiến trúc, xây dựng, tài chính, thuế…, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát rất lớn tài sản và ngân sách nhà nước. Các sai phạm đã ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật”.

Trả lời giới truyền thông về những dự án sai phạm dẫn đến hàng loạt lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa phải đối diện với hình thức kỷ luật nghiêm khắc, ông Lê Đức Vinh- Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã thừa nhận “tỉnh có một số vi phạm, thiếu sót trong cấp phép, cho triển khai thực hiện một số dự án và những vi phạm, thiếu sót này liên quan đến nhiều dự án, kéo dài qua các nhiệm kỳ”.

Cụ thể, cơn địa chấn ở Khánh Hòa cần phải phân tích ra sao? Tỉnh Khánh Hòa hiện có 22 dự án BT, trong đó có 17 dự án đã ký kết hợp đồng với nhà đầu tư và 5 dự án đã được phê duyệt nhưng chưa ký hợp đồng thực hiện. Nổi cộm nhất là các dự án được hình thành trên khu vực sân bay Nha Trang trước đây. Có cả thảy 3 dự án BT được giao cho Công ty cổ phần tập đoàn Phúc Sơn để xây dựng trung tâm đô thị, thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch Nha Trang.

Thứ nhất, dự án các tuyến đường, các nút giao thông kết nối có tổng mức đầu tư 1.015 tỉ đồng, thì nhà đầu tư trao cho 4,07ha đất với “giá tạm tính" 741,6 tỉ đồng. Thứ hai, dự án nút giao thông Ngọc Hội có tổng mức đầu tư 1.351 tỉ đồng, thì nhà đầu tư được trao cho 6,39ha đất với “giá tạm tính" 1.358 tỉ đồng.

Thứ ba, dự án đường vành đai kết nối nút giao thông Ngọc Hội có tổng mức đầu tư 1.196 tỉ đồng, thì nhà đầu tư được trao cho 9,68ha đất với “giá tạm tính” 1.162 tỉ đồng. Với phương án hoàn vốn bằng đất vàng theo “giá tạm tính”, rõ ràng Công ty cổ phần tập đoàn Phúc Sơn đã có được món hời khổng lồ. Chưa kể, toàn bộ đất hoàn vốn cho ba dự án trên đều được tỉnh Khánh Hòa ưu ái giao Công ty cổ phần tập đoàn Phúc Sơn trước... 1 năm, rồi mới làm các thủ tục đàm phán BT!

Ngoài việc chỉ định thầu cho nhà đầu tư và không qua đấu giá đất tại khu vực sân bay Nha Trang, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa còn cho hàng chục nhà đầu tư thực hiện các dự án trên những đồi núi xung quanh thành phố Nha Trang dù chưa có quy hoạch 1/2000. Chẳng hạn, trên núi Cô Tiên nằm phía bắc thành phố Nha Trang có đến 18 dự án, còn trên núi Chín Khúc ở phía tây thành phố Nha Trang có 10 dự án. Nghĩa là hàng ngàn ha được triển khai các công trình biệt thự và nhà ở mà không nằm trong quy hoạch tổng thể, cũng như không có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Nói một cách thẳng thắn, những dự án bạt núi dời non kia không chỉ làm biến dạng hệ sinh thái mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến rừng phòng hộ và sẽ gây sạt lở vào mùa mưa lũ!

Đổi đất lấy hạ tầng là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, khi có những mưu mẹo mờ ám chi phối, thì lợi ích chỉ thuộc về một số doanh nghiệp mà ngân sách Nhà nước lại thất thu. Với cách làm vừa uyển chuyển vừa tinh khôn kiểu “giá tạm tính” như tỉnh Khánh Hòa thì không ít nhà đầu tư bỗng dưng phát tài với tốc độ tên lửa. Một trường hợp nữa đáng nhắc đến là dự án xây dựng Trường Chính trị Khánh Hòa tại khu bắc Hòn Ông thuộc ngoại ô thành phố Nha Trang, do Công ty cổ phần Thanh Yến đứng ra thực hiện. Với mức đầu tư 149,1 tỉ đồng, Công ty cổ phần Thanh Yến lại được tỉnh Khánh Hòa trao cho 7.400 m2 đất thuộc khuôn viên Trường Chính trị Khánh Hòa cũ nằm ngay trung tâm thành phố Nha Trang.

Với mảnh đất có vị trí hai mặt tiền Trần Hưng Đạo - Lý Tự Trọng được hưởng lợi từ “giá tạm tính” rẻ hơn giá thị trường hàng chục lần, Công ty cổ phần Thanh Yến đã làm dự án Gold Coast theo quy mố khu phức hợp thương mại dịch vụ để kiếm được lợi nhuận khổng lồ. Thật trớ trêu cho Trường Chính trị Khánh Hòa, khi cơ sở cũ ở trung tâm lại đổi thành cơ sở mới ở ngoại ô mà vẫn không đủ kinh phí để làm ký túc xá.

Sự thật không thể che đậy, “giá tạm tính” là một “sáng kiến” ươm mầm tai họa ở tỉnh Khánh Hòa khi triển khai các dự án BT. Nhiều lãnh đạo thuộc hàng ngũ cao nhất của tỉnh Khánh Hòa chắc chắn khó trốn tránh trách nhiệm cá nhân.

(Kiến thức gia đình số 37)

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm