| Hotline: 0983.970.780

Trồng 1 tỷ cây xanh - Hành động cho tương lai

Yên Bái tìm đất trồng rừng

Thứ Sáu 26/03/2021 , 10:00 (GMT+7)

Dù tỷ lệ che phủ rừng đạt 63%, thuộc tốp cao nhất nước, song tỉnh Yên Bái vẫn quyết tâm tìm đất trồng rừng hưởng ứng đề án trồng 1 tỷ cây xanh.

Cây tràm Úc trồng trên vùng đất bán ngập hồ Thác Bà. Ảnh: Thái Sinh.

Cây tràm Úc trồng trên vùng đất bán ngập hồ Thác Bà. Ảnh: Thái Sinh.

Phủ xanh vùng bán ngập hồ Thác Bà

Hồ Thác Bà có diện tích mặt nước trên 19.500ha, trải dài trên 80km trên đất hai huyện Yên Bình và Lục Yên, với hơn 1.330 hòn đảo lớn nhỏ. Vào mùa mưa, nước dâng lên cốt 58m, còn mùa khô có năm cạn dưới cốt 40m. Nhưng đó là những thập niên 1970 - 1990, khi hệ thống các nhà máy điện chưa phát triển, nên thủy điện Thác Bà phải chạy hết công suất để cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt.

Khoảng gần hai chục năm trở lại đây, mực nước hồ Thác Bà luôn dao động ở cốt 46-58m, để lại một vùng đất bán ngập cả nghìn ha dưới chân các hòn đảo. Khu vực thượng lưu hồ đất khá bằng phẳng, thời gian nước rút 4 - 5 tháng, nên người dân tranh thủ trồng cây cối hoa màu trên vùng đất bán ngập, còn phía hạ lưu đất dốc trơ ra những khoảng đất đỏ loét dưới chân các quả đồi.

Tỉnh Yên Bái đã quy hoạch vùng hồ Thác Bà thành khu du lịch cấp quốc gia, nhằm khai thác tiềm năng vùng hồ đẹp nhất Tây Bắc. Giữa vùng núi non và nước hồ xanh như ngọc diện tích đất bán ngập lại lở lói nom rất nhức mắt.

Năm 2001, Sở NN-PTNT Yên Bái xây dựng đề tài khoa học: Trồng cây tràm Úc trên vùng đất bán ngập hồ Thác Bà với diện tích hơn 20ha, Công ty Lâm nghiệp Thác Bà được giao nhiệm vụ trồng và bảo vệ. Sau hai năm, kể từ 2003 đến năm 2005 công ty đã trồng được khoảng 26ha.

Người dân sống quanh hồ thấy việc trồng tràm Úc trên vùng đất bán ngập có kết quả, bà con tự gieo ươm và trồng dưới những chân quả đồi mà họ đang canh tác. Sau hơn 10 năm, cây tràm Úc đã phát triển tốt trên vùng đất bán ngập, tổng diện tích tràm hiện nay trên 200ha, nhiều cây có đường kính gốc 25 - 30cm.

Hưởng ứng Chương trình trồng mới 1 tỷ cây xanh của Chính phủ, tỉnh Yên Bái quyết tâm phủ xanh vùng đất bán ngập trên vùng hồ Thác Bà để tạo ra lợi ích kép không chỉ làm cho cảnh quan môi trường thêm đẹp, chống sói mòn các quả đồi trong lòng hồ mà còn tạo ra môi trường và sinh cảnh cho các loài thủy sinh, muông thú, chim chóc về đây trú ngụ, sinh sôi nảy nở.

Rừng tràm Úc trồng trên vùng đất bán ngập trên hồ Thác Bà năm 2003. Ảnh: Thái Sinh.

Rừng tràm Úc trồng trên vùng đất bán ngập trên hồ Thác Bà năm 2003. Ảnh: Thái Sinh.

Theo ông Vương Quốc Đạt, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Thác Bà, diện tích vùng đất bán ngập trong lòng hồ Thác Bà là vài nghìn ha, nhưng diện tích trồng tràm Úc được từ cốt 50m trở lên khoảng 2.000ha… Đây là vùng đất mấy chục năm bỏ quên để Yên Bái phủ xanh vùng đất bán ngập bằng cây tràm Úc.

Trao đối với phóng viên báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Trần Huy Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết: Chúng tôi đã giao Sở NN-PTNT điều tra lập dự án trồng cây tràm trên diện tích bán ngập trong lòng hồ Thác Bà nhằm phát huy tiềm năng sẵn có, biến vùng hồ Thác Bà thành trung tâm du lịch của tỉnh Yên Bái, giúp người dân sống quanh hồ phát triển kinh tế.

Tìm đất trồng rừng

Theo kết quả kiểm kê rừng năm 2016, tổng diện tích đất lâm nghiệp của Yên Bái là trên 523.000ha, trong đó đất quy hoạch cho lâm nghiệp hơn 479.000ha, rừng đặc dụng 36.500ha, rừng phòng hộ 152.200ha, rừng sản xuất trên 281.000ha. Đất trống đồi núi trọc còn 24.600ha, đất có cây tái sinh xấp xỉ 13.000ha. Sau 5 năm trồng và bảo vệ, tỷ lệ che phủ của rừng của Yên Bái đạt 63%.

Yên Bái hiện còn trên 24.600ha đất trống đồi núi trọc, diện tích này nằm chủ yếu trên các đỉnh núi cao, sông suối, vách đá và khu vực chăn thả gia súc lâu đời của người dân.

Hai huyện Mù Cang Chải và Trạm tấu ba mươi năm trước được mệnh danh là “chảo lửa cháy rừng”, sau nhiều năm vận động người dân trồng và bảo vệ rừng, đến nay tỷ lệ che phủ rừng của Mù Cang Chải là 67,7%, Trạm Tấu hơn 62%.

Để có đất để trồng vài chục đến vài trăm ha rừng đối với Mù Cang Chải hiện nay là rất khó, việc chuyển đổi đất nương rẫy và bãi chăn thả gia súc sang đất trồng rừng là điều không thể. Vì thế, vài năm nay Ban quản lý rừng phòng hộ Mù Cang Chải tập trung khoanh nuôi bảo vệ và chăm sóc rừng hiện có.

Trồng cây sơn tra vào các khu rừng nghèo kiệt ở Trạm Tấu. Ảnh: Thái Sinh.

Trồng cây sơn tra vào các khu rừng nghèo kiệt ở Trạm Tấu. Ảnh: Thái Sinh.

Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu từ năm 2016 đến 2020 trồng mới hơn 2.200ha, chủ yếu là cây sơn tra và chè Shan vào diện tích rừng nghèo kiệt để giúp người dân có thu nhập, từ đó rừng được bảo vệ tốt hơn. Kế hoạch năm 2021, huyện Trạm Tấu trồng mới 74ha, trong đó Tổ chức GIZ (Cộng hòa Liên bang Đức) tài trợ trồng 40ha, còn lại hơn 33ha trồng rừng thay thế theo kế hoạch.

Ông Đào Công Trình, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Trạm Tấu cho biết, kế hoạch 5 năm tới Trạm Tấu trồng mới 650ha trên diện tích quy hoạch rừng phòng hộ. Đầu tiên là tìm diện tích đất trồng rừng không chồng lấn với đất của người dân đã được quy hoạch, kết hợp các nguồn vốn 30A, GIZ và các nguồn vốn khác cho việc trồng rừng. Tất cả đều giao cho dân trồng và bảo vệ, gắn lợi ích của họ với rừng thì rừng mới được bảo vệ tốt.

Trồng mới 100.000 cây cảnh quan

Mỗi năm Yên Bái trồng mới từ 15.000 - 16.000ha rừng, đây là diện tích rừng trồng thay thế diện tích đã khai thác, chủ yếu là các loại cây: Keo, quế, bồ đề và bạch đàn. Các huyện vùng thấp: Yên Bình, Trấn Yên, Văn Yên, Lục Yên hầu như không còn đất trống đồi núi trọc.

Phụ nữ xã La Pán Tẩn trồng cây đầu năm 2021. Ảnh: Thái Sinh.

Phụ nữ xã La Pán Tẩn trồng cây đầu năm 2021. Ảnh: Thái Sinh.

Huyện Mù Cang Chải với quyết tâm xây dựng thành huyện du lịch, hưởng ứng Chương trình trồng mới 1 tỷ cây xanh, Mù Cang Chải phát động trồng mới 100.000 cây cảnh quan, cây ăn quả: Hoa tớ dầy, mận máu, đào phai dọc các tuyến đường, quanh các thôn bản, cơ quan, trường học.

Ông Nông Việt Yên, Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải cho biết: Năm 2021 huyện giao chỉ tiêu cho mỗi cán bộ trồng 5 cây xanh, mỗi xã trồng 500 cây, mỗi hộ trồng 5 cây, các trường học 200 cây… Tính sơ bộ hết năm 2021 huyện Mù Cang Chải sẽ trồng mới 100.000 cây xanh, chủ yếu là cây cảnh quan.

Khi chúng tôi có mặt tại xã La Pán Tẩn được tận mắt thấy cán bộ và bà con dân bản nhiệt tình hưởng ứng phong trào trồng cây. Ông Trần Minh Phượng, Bí thư xã La Pán Tẩn cho biết: Chương trình năm 2021 của xã chúng tôi trồng mới 10.000 cây xanh, trong đó xã trồng 5.000 cây, Hội Phụ nữ huyện phối hợp với Hội phụ nữ xã trồng 5.000 cây. Đến nay La Pán Tẩn đã trồng được 5.000 cây, số cây còn lại sẽ trồng vào mùa mưa…

Phong trào trồng cây xanh ở Mù Cang Chải chưa bao giờ lại được người dân hưởng ứng mạnh mẽ như năm nay, mỗi gia đình và mỗi người đều tham gia trồng cây.  

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.