| Hotline: 0983.970.780

"Bà đồ" xứ Huế

Thứ Hai 23/04/2012 , 10:18 (GMT+7)

Đến thăm thư quán Tràm Hoa Vàng ven dòng Hương Giang thơ mộng, “bà đồ” Trần Thị Cúc vẫn miệt mài cho chữ với một niềm đam mê kỳ lạ.

Hình ảnh người phụ nữ viết thư pháp, cho chữ không còn quá xa lạ với mỗi một du khách qua các kỳ Festival Huế, bà cũng là “bà đồ” duy nhất của Cố đô Huế có mặt tại nhiều cuộc thi thư pháp lớn nhỏ trong cả nước… 

Tràm Hoa Vàng 

Đến thăm thư quán Tràm Hoa Vàng ven dòng Hương Giang thơ mộng, trong quầy hàng lưu niệm với diện tích không quá 6 mét vuông, “bà đồ” Trần Thị Cúc vẫn miệt mài cho chữ với một niềm đam mê kỳ lạ.


"Bà đồ" Trần Thị Cúc cho chữ du khách

Hơn 20 năm trong nghề viết thư pháp với bao biến cố, đổi thay, duy chỉ có cái tên gọi của thư quán nhỏ là không thay đổi: thư quán Tràm Hoa Vàng. Bà Cúc cho biết, trước đây bà học ngành nông lâm, chuyên tìm hiểu và nghiên cứu các đề tài về cây tràm. Màu hoa tràm vàng rực đã theo bà suốt thời sinh viên với nhiều kỷ niệm đáng nhớ.


Thư pháp Tràm Hoa Vàng có mặt tại kỳ Festival Huế 2012, để lại ấn tượng 
đẹp trong lòng du khách

Bà tâm sự: “Cái thời con gái, thời sinh viên ấy, mãi mãi không tìm lại được, đó là sự nghiệt ngã của thời gian vậy. Duy chỉ màu tràm hoa vàng tôi cứ mang theo mãi. Màu hoa tràm đã thành thứ màu của kỷ niệm rồi”. Và bây giờ, Tràm Hoa Vàng chính là tên gọi của thư quán nhỏ, nơi bà Cúc rẽ sang một hướng đi khác trong sự nghiệp, trở thành “bà đồ” cho chữ.

Bà Cúc gắn bó với thư quán nhỏ Tràm Hoa Vàng như ngôi nhà thứ hai của mình. Trong thư quán nhỏ nhắn ấy, còn có những kỷ niệm đáng nhớ với những vị khách mê chữ, yêu thư pháp.

“Năm 2010, có hai vợ chồng, vợ người Việt và chồng người Pháp. Khi đến xem hàng lưu niệm tại thư quán Tràm Hoa Vàng, ông chồng người Pháp nhờ vợ dịch trên bức thư pháp ấy viết những gì. Sau đó khen hay và mua luôn mấy bức. Nội dung đó là: “Vợ chồng nghĩa nặng tình sâu/Thương nhau đến lúc bạc đầu còn thương”. Người khách phương Tây đã ngỡ ngàng trước cái triết ký sống đơn giản, gần gũi mà bấy lâu, trong đời sống công nghiệp họ đã vô tình lãng quên. Kỳ Festival tháng 4 vừa qua, hai vợ chồng người Pháp đó có ghé lại, mình cũng tặng họ bức thư pháp làm kỷ niệm”, bà kể.

Những sản phẩm thư pháp ở Tràm Hoa Vàng được họa trên nhiều chất liệu khác nhau. Cách pha chế mực tàu độc đáo này cũng là một trong những bí quyết làm nên thương hiệu của thư pháp Tràm Hoa Vàng. Nói về “cái duyên” đưa bà đến với nghề viết thư pháp, bà Cúc tâm sự: “Trong một lần “hầu bút” cho nhà thư tháp nổi tiếng Bùi Hiến ở TP Hồ Chí Minh ra Huế biểu diễn, nhìn những nét bút tài hoa, mình nghĩ mình sao không thử viết xem. Phụ nữ cũng viết được thư pháp kia mà”.

Rồi có lần trong lúc pha mực, ông Hiến hỏi bà có thích học nghề thư pháp không, bà bảo có. Thế là những nét chữ vụng về, khó nhọc lần đầu tiên được đặt lên trang giấy, mang theo cả niềm đam mê của một người phụ nữ với ước mong được làm “bà đồ” cho chữ.  

Một mình “đấu” với các ông đồ 

Năm 1992, bà Cúc bắt đầu đến với thư pháp. Quán hàng lưu niệm vốn không đủ sống, lấy gì mà mua bút, giấy để luyện viết. Để có chi phí cho sân chơi nghệ thuật này bà phải bươm chải, làm thêm nhiều nghề. Có những lúc hết nhẵn tiền, bà phải dùng đến gạch, phấn luyện chữ. Qua nét bút của nhà thư pháp Bùi Hiến, bà Cúc học hỏi được nhiều điều. Tuy nhiên, bà quan niệm: “Khi học nghề mình phải hiểu hết những ý tưởng giảng dạy của thầy, nhưng không nên học viết theo cách viết của thầy. Mỗi một người viết thư pháp ngoài tâm phải sáng còn có những ý tưởng, mỗi cách thả bút riêng, nếu răm rắp theo cách viết của thầy chỉ dạy thì không bao giờ có được nét chữ mang phong cách riêng cho mình”.


Bà đồ Trần Thị Cúc thả bút với niềm đam mê của mình

Theo bà đồ Trần Thị Cúc, thì viết thư pháp phải có tính kiên nhẫn và hơn hết là lòng đam mê, bởi viết cho đẹp, viết cho có hồn đã khó, thì việc làm cho nét chữ thư pháp luôn sáng tạo càng khó hơn.

Bà Cúc cũng đã tự sáng chế ra phong cách chữ thư pháp cho riêng mình, đó các kiểu chữ mảnh, thanh đường nét bay bổng, uốn lượn và được nhiều người trong câu lạc bộ thư pháp Huế khen ngợi, thỉnh giáo. Nét bút thư pháp cũng thể hiện tính cách, tâm hồn của người cầm bút. Cũng có nhiều sinh viên, học sinh đam mê thư pháp đến học hỏi thì được bà tận tình chỉ bảo những đường nét, kiểu cách thư pháp khác nhau. Với bà Cúc, thư pháp được quan niệm như là một sân chơi nghệ thuật độc đáo hơn là một món hàng mua bán của cuộc sống thường nhật.

“Bà Trần Thị Cúc đến với thư pháp bằng con đường khổ luyện gian nan, những nét chữ do bà thủ bút đều có dấu ấn, mang một phong cách riêng, không giống ai. Thư pháp xưa nay là địa hạt chủ yếu các “ông đồ”, một người phụ nữ đến với nghề thư pháp như chị Cúc thật là hiếm có, đáng trân trọng”,  nhà thư pháp Nguyễn Phúc Vĩnh Thọ, Phó chủ nhiệm CLB Thư pháp Huế, nói.

Từ một bà đồ viết thư pháp nghiệp dư, đến nay bà đã là thành viên của câu lạc bộ thư pháp Huế từ năm 2005, có mặt tại nhiều lễ hội thư pháp lớn nhỏ. Ấn tượng nhất đối với bà là chuyến đi biểu diễn thư pháp tại Ninh Bình vào tháng 4/2010, nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long -  Hà Nội. Ở đó, bà là phụ nữ duy nhất cùng các ông đồ thi thố tài năng viết thư pháp.

Tham gia Lễ hội này lần đầu tiên, du khách gần xa được chiêm ngưỡng nét bút phóng khoáng, đẹp đến mê hồn của một “bà đồ” duy nhất đến từ xứ Huế. Dịp này, Câu lạc bộ thư pháp Huế bán được 3 bức thư pháp, trong đó đã có 2 bức của bà.


“Bà đồ” Trần Thị Cúc- người duy nhất có mặt tại Ninh Bình để thi thố cùng 
các ông đồ trong cả nước nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội

Thương hiệu thư pháp Tràm Hoa Vàng cũng đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp với du khách qua mỗi khi đến Huế. Qua nhiều kỳ Festival Huế, du khách lại có dịp diện kiến tài năng thả bút họa chữ của bà.

“Nhiều lúc mình trò chuyện cởi mở, khách lại trải lòng chia sẻ nên tự dưng chúng tôi trở thành bạn bè thân với nhau”, bà Cúc tâm sự.

Hỏi về đời tư, bà Cúc kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện, có lần, trong kỳ Festival, có một nhà báo hỏi bà “làm bà đồ xứ Huế bận rộn thế có ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình của dì không?”. Bà Cúc kể lại: “Mình không trả lời trực tiếp, chỉ nhìn ra dòng Hương rồi bảo: “Tôi rất thích câu hát “người về soi bóng mình, giữa tường trắng lặng câm…”

Bao năm qua, thư quán nhỏ nằm lặng lẽ bên dòng Hương Giang với những bức thư pháp đã trở thành người bạn vui thú tuổi xế chiều của bà.

Xem thêm
Phú Thọ dự kiến giảm 48 đơn vị hành chính cấp xã

Trong giai đoạn 2023-2025 tỉnh Phú Thọ dự kiến sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 32 đơn vị hành chính, sau sắp xếp giảm 48 đơn vị.

Chia nước theo thứ tự ưu tiên

Do nắng hạn kéo dài, không có mưa đã khiến các hồ đập cạn kiệt nguồn nước, tỉnh Bình Thuận dự kiến sẽ cắt giảm hơn 15.000ha lúa trong vụ hè thu tới.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hơn 300 cơ sở ở Thái Nguyên vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, tỉnh Thái Nguyên đã phát hiện hơn 320 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh vi phạm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bình luận mới nhất