| Hotline: 0983.970.780

"Phong trào" Invitro ở Lâm Đồng - Bất ổn

Thứ Năm 18/11/2010 , 10:31 (GMT+7)

Trên lĩnh vực khoa học phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong những năm gần đây, hoạt động nuôi cấy mô thực vật (invitro) ở Lâm Đồng (đặc biệt là Đà Lạt) phát triển rầm rộ như một phong trào.

Đóng gói hoa hồng xuất khẩu
Trên lĩnh vực khoa học phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong những năm gần đây, hoạt động nuôi cấy mô thực vật (invitro) ở Lâm Đồng (đặc biệt là Đà Lạt) phát triển rầm rộ như một phong trào.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, “phong trào” này đã mang lại những hiệu quả khá thiết thực cho nhà nông (và đúng là như vậy) không chỉ của riêng Đà Lạt và Lâm Đồng mà còn rộng hơn. Tuy nhiên, cũng từ chính “phong trào” này, trong thời gian gần đây, người ta đã nhận ra những dấu hiệu bất ổn.

PHÁT TRIỂN NHANH

Từ một cuộc khảo sát gần đây nhất, Sở NN-PTNT Lâm Đồng cho biết những con số thống kê: Hiện cả tỉnh có 48 cơ sở nuôi cấy mô tế bào thực vật; mỗi năm cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước 21 triệu cây giống các loại. Và, Lâm Đồng hiện là địa phương được đánh giá có hoạt động ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật trong nhân nhanh giống cây trồng phát triển mạnh nhất trong cả nước.

Cũng theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, trong 48 cơ sở nuôi cấy mô tế bào thực vật hiện có trên địa bàn tỉnh thì các cơ sở thuộc tư nhân chiếm con số 33 cơ sở (đó là chưa kể 2 cơ sở thuộc công ty có vốn đầu tư nước ngoài). TS Phạm S – GĐ Sở KH-CN Lâm Đồng, cho biết: “Hầu hết các cơ sở nuôi cấy mô trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đều có cán bộ đại học chuyên ngành, kể cả các cơ sở tư nhân; đặc biệt, một số cơ sở tư nhân đã có cán bộ có trình độ trên đại học. Qua khảo sát, trong 415 lao động hiện đang làm việc tại 48 cơ sở nuôi cấy mô có đến 149 người có trình độ đại học và trên đại học; còn lại, hầu hết là người đã qua cao đẳng, trung học chuyên ngành và người lao động kỹ thuật cao”.

Hơn mười năm về trước, trên địa bàn Đà Lạt, kỹ thuật nuôi cấy mô tế bào thực vật chỉ tập trung ở một vài cơ sở khoa học của Nhà nước (như Phân viện Sinh học, Viện Nghiên cứu hạt nhân…) và cũng chỉ mới dừng lại ở việc nghiên cứu là chính. Song, bắt đầu từ cuối những năm 90, tình hình đã khác khi nông dân Đà Lạt trực tiếp tham gia vào lĩnh vực này.

Ông Lê Văn Cường ở phường 8 (Đà Lạt) tuy không phải là người đi đầu trong sản xuất cây giống bằng phương pháp invitro nhưng ông chính là một trong những người tiên phong trong việc đưa giống rau hoa từ phòng thí nghiệm đến với nông dân. Cách nay hơn mười năm, ông Lê Văn Cường đã dám bỏ ra một số vốn không nhỏ để xây dựng hẳn cho mình một phòng thí nghiệm nuôi cấy mô ngay tại nhà. Con đường “nuôi cấy mô” của ông Lê Văn Cường thật đáng nể phục khi ban đầu chỉ với một lò hấp và một box cấy, đến nay, cơ ngơi của ông đã là một công ty TNHH sở hữu hàng chục hecta đất và hàng trăm mẫu giống hoa, khoai tây...

Không phải đợi đến bây giờ mà ngay từ năm 2005, trong sản xuất nông nghiệp, nông dân Đà Lạt đã sử dụng 100% giống cây trồng invitro từ các cơ sở nuôi cấy mô, trong đó có các cơ sở tư nhân.

DẤU HIỆU BẤT ỔN

Việc “thả lỏng” cho các cơ sở nuôi cấy mô tế bào thực vật muốn làm gì thì làm trong thời gian vừa qua ở Lâm Đồng vừa như một “đúc kết” nhưng đồng thời là lời cảnh báo của một số nhà khoa học được đưa ra tại một hội thảo chuyên ngành về invitro được tổ chức mới đây tại Đà Lạt. Theo TS Phạm S thì “Hầu hết các cơ sở nuôi cấy mô thực vật trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng chưa thực hiện nghiêm túc các nội dung quy định về giống cây trồng”.

Nhận xét trên của ông GĐ Sở KH-CN đã được chứng minh bằng các số liệu vừa công bố của Sở NN-PTNT Lâm Đồng: Chỉ qua kiểm tra 17 trong tổng số 48 cơ sở nuôi cấy mô trên địa bàn toàn tỉnh, cơ quan chức năng đã phát hiện có 4 cơ sở không có nội quy phòng thí nghiệm, 2 cơ sở hoạt động không theo quy trình sản xuất (chỉ làm theo sách hướng dẫn và theo kinh nghiệm), 9 cơ sở chưa tiếp cận các văn bản nhà nước, không có cơ sở nào có niêm yết tiêu chuẩn cây giống tại vườn ươm theo quy định…

 Đi sâu phân tích những hạn chế, lãnh đạo Sở NN-PTNT Lâm Đồng chỉ rõ thực trạng hiện nay của các cơ sở nuôi cấy mô thực vật trên địa bàn tỉnh này: Trang thiết bị của nhiều cơ sở còn mang tính chắp vá. Đa số các cơ sở đều ứng dụng kỹ thuật vô mẫu để cấy truyền thuần túy mà chưa đầu tư cho công tác nghiên cứu và ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến mang tính đột phá trong chọn tạo giống, công nghệ gen, chuyển gen hoặc cải tiến quy trình công nghệ mới để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh đó, mặc dầu các đề tài đều xuất phát từ yêu cầu thực tế và hướng vào giải quyết các vấn đề bức xúc của ngành và của cơ sở nhưng nhìn chung, hoạt động nghiên cứu của các đơn vị chưa có những định hướng rõ ràng, chất lượng công tác nghiên cứu chưa đáp ứng được yêu cầu, không có những đề tài liên ngành và mang tính tổng hợp mà chỉ có những đề tài giải quyết các vấn đề đơn lẻ…

Từ những phân tích tình hình thực tế trên, vấn đề được đặt ra hiện nay là: Lâm Đồng cần có văn bản quy định về quy trình và tiêu chuẩn cây giống xuất vườn ươm và cây giống sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh này cũng cần có hướng dẫn các tổ chức và cá nhân trên địa bàn thực hiện việc công bố tiêu chuẩn chất lượng cây giống xuất vườn và cây giống sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô theo quy định của pháp luật.

Xem thêm
Vùng cao chăn nuôi bài bản

LÀO CAI Tập trung chăn nuôi trang trại, gia trại bài bản, chủ động về nguồn con giống... giúp huyện vùng cao Bảo Thắng phát triển chăn nuôi bền vững.

Kiểm tra về an toàn thực phẩm còn chung chung

HẢI PHÒNG Theo Trung tá Trần Nam Trung, đại diện Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về Môi trường đánh giá, việc kiểm tra về an toàn thực phẩm hiện còn chung chung, chưa chuyên sâu.

Quảng Ngãi xây dựng mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa

Các đơn vị đã phối hợp tổ chức gieo sạ bằng máy sạ cụm 12 hàng trên diện tích 5.000m2 tại mô hình ở cánh đồng lúa xã Đức Chánh (Mộ Đức, Quảng Ngãi).