| Hotline: 0983.970.780

Tìm 'nhãn mác mới' cho lúa gạo Việt

Thứ Ba 27/12/2022 , 05:55 (GMT+7)

Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL giúp giải nhiều nút thắt, nâng cao giá trị trong hoạt động sản xuất lúa.

Sản xuất lúa gắn chặt giảm phát thải khí nhà kính

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), trong những năm qua, hoạt động sản xuất lúa của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có những bước chuyển biến rõ rệt trong tất cả các khâu.

Ở khâu giống, công tác nghiên cứu, chọn tạo giống mới không chỉ từ các chương trình giống quốc gia, cơ quan nghiên cứu nhà nước mà còn có sự tham gia của các doanh nghiệp, cá nhân.

Từ đó, làm cho cơ cấu giống lúa toàn vùng trở nên đa dạng, chất lượng, mang lại giá trị sản xuất hàng hóa rất cao.

Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL gắn chặt với việc giảm phát thải khí nhà kính. Ảnh: TL.

Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL gắn chặt với việc giảm phát thải khí nhà kính. Ảnh: TL.

Bên cạnh đó, trong công tác bảo vệ thực vật, các cơ quan chuyên môn cùng với địa phương, doanh nghiệp đã từng bước khống chế, điều tiết và quản lý được dịch hại trên đồng ruộng nói chung. Các yếu tố liên quan tới biến đổi khí hậu như xâm nhập mặn, khô hạn… cũng được quản lý hiệu quả.

Cục Trồng trọt đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng bản đồi rủi ro khí hậu, kế hoạch thích ứng, đánh dấu những yếu tố tác động đến sản xuất lúa có thể làm suy giảm năng suất. Từ những căn cứ này, Cục đã có những tham mưu cho Bộ NN-PTNT đưa ra những quyết định chỉ đạo mang tính sống còn với sản xuất lúa ở ĐBSCL.

Việt Nam đã có những cam kết với cộng đồng quốc tế về việc giảm phát thải khí nhà kính (cam kết COP26, COP27), trong khi đó, một trong những hoạt động gây phát thải khí nhà kính nhiều nhất của Việt Nam là sản xuất lúa.

Do đó, để thực hiện những cam kết của Chính phủ, Bộ NN-PTNT đã quyết định xây dựng Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. 

Tăng trưởng xanh trong Đề án có thể hiểu là hoạt động sản xuất vừa đạt được hiệu quả kinh tế cao vừa đảm bảo tính công bằng. Điều này có nghĩa là tất cả nông dân đủ điều kiện, khi tham gia vào Đề án đều có cơ hội như nhau để gia tăng thu nhập.

Đây là một điểm khác biệt với các chương trình khác là chỉ giành cho một bộ phận, nhóm đối tượng nhất định. Bên cạnh đó, chúng ta gắn chặt hoạt động sản xuất với giảm phát thải khí nhà kính đây là điểm mới so với các chương trình trước đây đã từng triển khai.

Xây thương hiệu lúa gạo ĐBSCL

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng: Chương trình “1 phải, 5 giảm” ra đời là bước tiếp theo của Chương trình “3 giảm, 3 tăng”. Mục tiêu khi xây dựng Chương trình này là hướng tới xây dựng nền sản xuất bền vững bằng cách hạn chế các tiêu cực xảy ra cho cây lúa trong quá trình canh tác…

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, có nhiều nội dung của Chương trình có các yếu tố phù hợp với việc giảm phát thải khí nhà kính như sử dụng giống xác nhận. Đây là điều cực kỳ quan trọng không chỉ dừng ở việc sử dụng giống uy tín, chất lượng mà còn mang ý nghĩa về chính trị, xã hội rất lớn.

Đã có giai đoạn nhu cầu của thị trường lúa gạo lớn, nhưng công tác giống không đáp ứng được nhu cầu sản xuất của người dân, dẫn tới việc nhiều hộ sử dụng giống trôi nổi, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng lúa, gạo, sản phẩm mất uy tín trên thị trường.

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao không chỉ dừng ở việc xây dựng thương hiệu cho lúa gạo của ĐBSCL mà vươn ra xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam. Ảnh: TL.

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao không chỉ dừng ở việc xây dựng thương hiệu cho lúa gạo của ĐBSCL mà vươn ra xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam. Ảnh: TL.

Do đó, muốn tất cả mọi người đều được sử dụng giống xác nhận thì yếu tố đầu tiên là phải giảm giống. Hiện nay, tỷ lệ sử dụng lượng giống từ 100-150kg/ha chiếm khoảng 60%; từ 80-100 kg/ha (chiếm 15%); trên 150 kg/ha vẫn còn (trước đây người dân sử dụng tới 200-250kg/ha).

Chính vì vậy, việc giảm giống cần phải thực hiện mạnh mẽ hơn nữa. Từ việc giảm giống, chúng ta sẽ giảm được lượng phân bón và thuốc BVTV hóa học; giúp mức độ an toàn thực phẩm được nâng cao hơn.

Có 2 quan điểm khi áp dụng “1 phải, 5 giảm” cho Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao là: Áp dụng biện pháp “1 phải, 5 giảm” và xem tưới ngập khô xen kẽ là yếu tố chính. Đồng thời, thiết kế lại đồng ruộng và san phẳng mặt ruộng bằng laser là điều bắt buộc.

Trước đây, chúng ta không quan tâm nhiều tới vấn đề san phẳng mặt ruộng, tuy nhiên, đây lại là tiền đề để giảm phân, nước… Bởi lẽ, mặt ruộng có bằng phẳng thì việc giảm các vật tư mới được đồng bộ, hiệu quả.  

Bên cạnh đó, tiến hành di chuyển rơm ra khỏi đồng ruộng, mục đích là giúp giảm phát thải khí nhà kính. Thay vì đốt rơm như trước đây, chúng ta tận dụng vào đa mục đích như ngâm ủ cùng với chế phẩm vi sinh làm phân bón để trả lại chất hữu cơ cho đất; tận dụng làm nấm rơm; đệm lót, thức ăn chăn nuôi…

Hiện tại, ĐBSCL có 24 triệu tấn lúa thì sẽ có tới 24 triệu tấn rơm; nếu chúng ta khai thác tốt (chưa cần ở mức độ chuyên sâu) thì 1 ha rơm thu được khoảng 3,5 triệu đồng, nếu nhân với 1 triệu ha số tiền thu được là 3.500 tỷ đồng, đây là một con số không hề nhỏ mà chúng ta đang để hoang phí.

Nếu chúng ta thực hiện được những việc này thì Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng sẽ đạt được đa mục tiêu, đa giá trị, từ đó, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội.

Lúc này, ý nghĩa của Đề án không chỉ dừng ở việc xây dựng thương hiệu cho lúa gạo của ĐBSCL mà vươn ra xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam với một nhãn mác mới, thêm các thành tố mới là carbon thấp, thân thiện và trách nhiệm.

Xem thêm
Phát hiện cơ sở chuyên xử lý lợn ốm chết ở Vĩnh Phúc

Chủ cơ sở ở Vĩnh Phúc cho biết, lợn thu mua của dân đó đều là các con bị ốm do xuất huyết hoặc yếu do nắng nóng hoặc chết không rõ nguyên nhân.

Kiểm dịch tôm giống còn gặp khó

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên tôm nuôi mà một phần nguyên nhân do tôm giống gây ra, ngành chức năng đã siết chặt công tác kiểm dịch.

Sầu riêng rụng quả non hàng loạt do sốc nhiệt

KHÁNH HÒA Nhiều diện tích sầu riêng ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa đang thời kỳ quả non bị rụng hàng loạt do sốc nhiệt.

Quảng Ngãi xây dựng mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa

Các đơn vị đã phối hợp tổ chức gieo sạ bằng máy sạ cụm 12 hàng trên diện tích 5.000m2 tại mô hình ở cánh đồng lúa xã Đức Chánh (Mộ Đức, Quảng Ngãi).