| Hotline: 0983.970.780

108 vị anh hùng vỡ đồng hoang đất Cảng: [Bài cuối] Nên có hội thảo và chính sách cho đại điền

Thứ Ba 08/10/2024 , 08:00 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Đó là ý kiến của ông Nguyễn Ngọc Đam - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng sau loạt bài về đại điền đất Cảng.

Ông Nguyễn Ngọc Đam - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Nguyễn Ngọc Đam - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đại điền nhưng rất mong manh

Ông có thể chỉ ra những lý do hình thành nên các đại điền ở Hải Phòng?

Bài liên quan

Đại điền xuất phát từ vấn đề bỏ ruộng. Bỏ ruộng có nhiều nguyên nhân nhưng cái chính là nông dân sản xuất manh mún vài ba sào mỗi hộ, được mùa cũng được mà mất mùa cũng không sao, không có hiệu quả kinh tế. Thêm vào đó khi công nghiệp vào phá vỡ quy hoạch nông nghiệp, hạ tầng thủy lợi không được quan tâm, thậm chí nước mặn xâm nhập gây nhiều khó khăn cho sản xuất. Cuối cùng là bởi công nghiệp hóa nên một bộ phận nông dân trẻ bỏ đi làm công nhân vì 1 tháng lương có thể đong thóc cho gia đình đủ ăn cả năm.

Những ruộng bên cạnh đất hoang nên tình trạng chuột bọ phá hoại rất mạnh khiến cho nông dân muốn cấy cũng không được, lại phải bỏ tiếp. Quãng năm 2018 Hải Phòng có khoảng vài ngàn ha ruộng hoang, tuy nhiên không bỏ cả cánh đồng mà kiểu “xôi đỗ”, nhất là ở những chỗ xa dân, đất xấu, chuột phá hoại mạnh.

Bài liên quan

Rất may là có các đại điền mượn đất để sản xuất, sẵn máy móc nên cỏ mọc um tùm như thế chỉ vài hôm sau đã thành ruộng rồi. Một số người sau vài vụ nhận thấy làm ruộng trên quy mô lớn có lãi nên chủ động đi thuê đất như anh Trần Mạnh Hùng - Chủ tịch Câu lạc bộ (CLB) đại điền Hải Phòng.

CLB đại điền Hải Phòng hình thành giúp các thành viên chia sẻ về kinh nghiệm, công cụ lao động, thị trường để có hiệu quả kinh tế nhất. Tuy nhiên, tôi đề xuất nên có hội thảo vùng về đại điền tại Hải Phòng chứ nhiều địa phương đang loay hoay tìm cách khắc phục tình trạng ruộng hoang. Tuyên truyền nhiều mà chưa có giải pháp cụ thể thì diện tích ruộng hoang vẫn ngày một gia tăng thôi. Hải Phòng tiếng là thành phố nhưng vẫn còn 6 huyện có nhiều đất nông nghiệp, diện tích lúa vẫn còn khoảng 27.000ha/vụ.

Đại điền dùng máy bay để bón phân. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đại điền dùng máy bay để bón phân. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cụ thể Hải Phòng muốn tổ chức hội thảo về đại điền xuất phát từ lý do gì và mong muốn ra sao thưa ông?

Bài liên quan

Như tôi đã nói, đại điền đang phát triển tự phát không chỉ ở Hải Phòng, Thái Bình mà còn ở nhiều tỉnh thành khác. Đã là tự phát thì phát triển đến một ngưỡng nào sẽ dừng lại, có thể phát sinh nhiều vấn đề. Chỉ khi phát triển chuyên nghiệp, có sự định hướng thì mới nâng tầm lên được.

Trước tình hình đó, phải có định hướng cũng như hỗ trợ cho các đại điền phát triển về lâu về dài. Họ còn trẻ, có nhiệt huyết, đam mê với nông nghiệp thì phải có chính sách để khuyến khích và giúp sản xuất ổn định. Như bây giờ các đại điền dựa vào hai hình thức mượn ruộng hay thuê ruộng nhưng đều rất mong manh, chưa chính tắc.

Xa hơn nữa, không chỉ diện tích đang bỏ hoang mà ngay cả diện tích dân đang sản xuất nhưng không hiệu quả thì cũng phải tính đến giúp dân sản xuất tốt hơn, sống được bằng nghề nông. Nên chăng chính những đại điền là nòng cốt để từ đó thành lập ra các hợp tác xã (HTX). Những đại điền hiểu đồng ruộng, lại có tư duy về kinh tế, vì thế nên được đào tạo, huấn luyện thêm để cùng với chính quyền địa phương định hướng, vận động người dân góp ruộng vào HTX.

Bài liên quan

Không sản xuất nhỏ lẻ nữa mà sản xuất hàng hóa lớn, bền vững, có kế hoạch, hạch toán, có thị trường, tức lấy hiệu quả kinh tế làm thước đo. Không chỉ cấy lúa mà còn là sản xuất an toàn theo hướng tuần hoàn, hữu cơ với tầm nhìn xa ra để đạt tieu chuẩn xuất khẩu, thu hút thêm những người trẻ, có trình độ về cùng đầu tư hợp tác.

Nếu có một “sân chơi” rộng rãi như thế thì mới có cánh đồng lớn, cánh đồng công nghệ với các khâu đều được cơ giới hóa, tự động hóa; trước khi sản xuất đã phải có kế hoạch, có thị trường, tạo ra những sản phẩm tốt, có giá trị khác biệt.

HTX theo Nghị quyết 106 của Chính phủ đã có rồi, chúng ta nên xây dựng mô hình thí điểm nhưng yếu tố con người là vô cùng quan trọng. Từ thí điểm chính sách sẽ có đánh giá tổng kết và ban hành chính sách cho thực hiện rộng rãi. Làm như thế thì HTX mới ra hồn được chứ nhiều HTX như bây giờ thành lập chỉ để đảm bảo tiêu chí nông thôn mới, tồn tại trên danh nghĩa chứ không hoạt động được, lãnh đạo hầu hết là người già, chỉ làm được một số dịch vụ chứ ít đi vào sản xuất.

Ông Nguyễn Ngọc Đam - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng (bìa trái) trò chuyện với Chủ tịch và Phó Chủ tịch CLB Đại điền Hải Phòng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Nguyễn Ngọc Đam - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng (bìa trái) trò chuyện với Chủ tịch và Phó Chủ tịch CLB Đại điền Hải Phòng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chưa có chính sách gì cho đại điền

Ông có thể cho biết Hải Phòng đã có chính sách gì cho đại điền chưa?

Phải khẳng định luôn là chưa có chính sách gì về đại điền cả, chỉ có vận dụng thôi. Ví dụ như khi các đại điền làm quy mô lớn thì chúng tôi đưa các doanh nghiệp về hỗ trợ làm các mô hình từ sản xuất đến tiêu thụ, trong đó đại điền lo để sao có năng suất cao, chất lượng tốt, còn doanh nghiệp lo bao tiêu sản phẩm. Như vụ mùa năm 2023 chúng tôi đã giúp các đại điền làm mô hình khuyến nông, trong đó hỗ trợ phân bón, thuốc BVTV, còn giống thì các doanh nghiệp bao tiêu họ đưa vào, kết nối để doanh nghiệp ký hợp đồng ngay từ trước khi sản xuất. Sau một vụ, đến nay đã duy trì tiếp cho các vụ kế tiếp.

Theo ông, để đại điền tích tụ được đất thì phải có định hướng ra sao?

Bài liên quan

Theo tôi hướng quan trọng nhất vẫn phải khuyến khích các đại điền đứng lên thành lập HTX, lúc đó mới có tư cách pháp nhân để nhà nước hỗ trợ chứ cứ là hộ như thế này thì rất khó. Lúc đó chính quyền sẽ dễ dàng vận động người dân tham gia góp đất vào HTX hoặc cho thuê đất hơn. Lúc đó sẽ xuất hiện những cánh đồng như ý bởi các đại điền dám đầu tư các phương tiện hiện đại vào sản xuất. Sau nữa, khi HTX được thành lập sẽ thay đổi về nhận thức của các đại điền chứ CLB hiện nay cũng chỉ để chia sẻ giữa các thành viên thôi, vẫn còn tự phát, lẻ tẻ chứ để thống nhất trong quan điểm, tầm nhìn, sứ mệnh thì chưa.

Khuyến nông sẽ đứng đằng sau để đưa các chuyên gia vào nâng cao nhận thức cho các đại điền. Phải làm sao để CLB đại điền sẽ là nhóm đồng ngôn, đồng thuận và đồng hành. Như hiện nay đã có anh Trần Mạnh Hùng - Chủ tịch CLB là người trẻ, năng động, biết nghĩ và làm vì cái chung, có chuyên gia BVTV là anh Nguyễn Văn Kiên - Phó Chủ tịch CLB nên các thành viên được chia sẻ các kỹ thuật như phát hiện sâu bệnh, dùng thuốc BVTV gì, phương tiện gì để phòng trừ. Hải Phòng cũng muốn thí điểm chính sách cho đại điền.

Anh Nguyễn Xuân Dáng - đại điền ở xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Nguyễn Xuân Dáng - đại điền ở xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông có thể nói cụ thể thí điểm về chính sách đại điền là như thế nào?

Đầu tiên phải có chính sách về vốn để họ đầu tư máy móc, có chính sách tích tụ ruộng đất. Hỗ trợ họ về hạ tầng sản xuất bởi hiện nay họ chỉ đang tự vá víu một chút thôi chứ cả hệ thống đường giao thông nội đồng, mương máng thủy lợi thì phải có nhà nước đầu tư. Cùng với đó, hỗ trợ họ về thị trường như mời gọi các doanh nghiệp về liên kết sản xuất. Hỗ trợ họ làm mô hình ban đầu để thu hút các đại điền khác vào học tập, làm theo… 

Xin cảm ơn ông!

"Một số đại điền có thể phát triển theo mô hình lúa - rươi. Diện tích tiềm năng cho con rươi ở Hải Phòng vào khoảng 2.500 - 3.000ha. Chúng tôi cũng có mô hình khuyến nông về rươi, tuy nhiên quy mô còn rất nhỏ. Rươi Hải Dương sở dĩ nổi tiếng bởi có nhà hàng chế biến, còn về chất lượng thì rươi Hải Phòng cũng rất ngon, tuy nhiên lại chưa có nhà hàng chế biến nào nổi tiếng nên chỉ phát triển âm thầm".

(Ông Nguyễn Ngọc Đam - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng)

Xem thêm
Sở hữu 500 chồn hương, chủ nuôi ngủ dậy là có tiền

Mô hình nuôi chồn hương sinh sản và bán thương phẩm đang được nông dân Nghệ An xây dựng, dù mới mẻ nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao.   

Hàng chục hổ, sư tử chết do cúm A/H5N1, cần cấm khu du lịch đón khách

Dịch cúm gia cầm A/H5N1 đã gây tử vong hàng loạt con hổ, sư tử tại các vườn thú ở Long An, Đồng Nai, đe dọa sức khỏe cộng đồng và ngành chăn nuôi.

Bước ngoặt công nghệ chế biến giống lúa của Vinaseed Quảng Nam

Với hệ thống máy móc, dây chuyền hiện đại, những sản phẩm của Vinaseed Quảng Nam đảm bảo đạt tiêu chuẩn tốt nhất, đáp ứng được nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.

Bình luận mới nhất