| Hotline: 0983.970.780

7 kiến nghị "khẩn" cứu người chăn nuôi

Thứ Tư 14/11/2012 , 10:03 (GMT+7)

Hiệp hội chăn nuôi gia cầm miền Đông Nam bộ có văn bản “khẩn” nêu ra 7 kiến nghị UBTV Quốc hội và các Bộ chức năng cứu người chăn nuôi đang bên bờ vực thẳm…

+ 1.000 TRẠI GIA CÔNG “BỐC HƠI” 3 TỶ ĐỒNG/NGÀY!

+ CÓ CƠ SỞ PHÁP LÝ KIỆN GÀ NHẬP PHÁ GIÁ

Hôm qua 13/11, Hiệp hội chăn nuôi gia cầm miền Đông Nam bộ có văn bản “khẩn” gửi tới NNVN, trong đó nêu ra 7 kiến nghị gửi UBTV Quốc hội và các Bộ chức năng nhanh chóng vào cuộc, cứu người chăn nuôi đang bên bờ vực thẳm…

TRANG TRẠI, NHÀ CỬA NẰM HẾT… NGÂN HÀNG!

Trao đổi với NNVN, ông Phạm Đức Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm miền Đông Nam bộ cho biết, các Hiệp hội chăn nuôi gia cầm tỉnh Bình Phước, Đồng Nai và các trang trại, hộ chăn nuôi trong cụm miền Đông Nam bộ (bao gồm Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh…) đã thống nhất làm văn bản kiến nghị những thực trạng khó khăn, bức xúc của người chăn nuôi lên các cấp quản lý nhà nước.

Cụ thể, các hộ chăn nuôi gà tại khu vực Đông Nam bộ suốt từ đầu năm đến nay đều bị lỗ nặng. Hiện tại, giá gà đang ở mức 20.500 đồng/kg trong khi giá thành chăn nuôi đã lên đến 30.000 đồng/kg, tức lỗ gần 10.000 đồng/kg. Đặc biệt, rất nhiều trang trại, đất đai, nhà cửa người chăn nuôi đã cầm cố hết cho ngân hàng khiến hàng loạt trại gà phải bỏ chuồng, rơi cảnh phá sản. Theo thống kê, khu vực này trước đây có khoảng 300 hộ gia đình sở hữu 1.000 trại, gia công khoảng 6 triệu con gà trắng công nghiệp cho 3 công ty C.P, Emivest và Japfa.

Tuy nhiên, do quá khó tiêu thụ nên các công ty này giảm mạnh lượng gà nuôi gia công và hiện tại chỉ còn khoảng 4 triệu con (giảm trên 30%). Trong khi đó, hàng nghìn tỷ đồng người dân bỏ ra (chủ yếu vay ngân hàng với lãi cao) để đầu tư chuồng trại, nhưng lượng gà nuôi giảm mạnh tới 2 triệu con, tính trung bình mỗi ngày người chăn nuôi gia công tại đây thiệt hại tới 3 tỷ đồng. “Ngay tại trại gà của tôi trước nuôi 500.000 con thì giờ giảm đàn tới 50%, chỉ còn 250.000 con thôi. Sau lứa này tôi cũng dẹp sạch luôn, không nuôi nữa” - ông Bình bức xúc nói.


Rất nhiều trang trại, nhà cửa của người chăn nuôi Đông Nam bộ đang 
cầm cố ngân hàng

Để “giải cứu” khẩn cấp người chăn nuôi, Hiệp hội đã đưa ra 7 kiến nghị gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ NN-PTNT, Bộ Tài chính, Bộ Y tế và Bộ Công thương. Cụ thể, đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu tăng thuế suất nhập khẩu cánh gà và đùi gà (hiện là 15% - PV) bằng với mức thuế suất của gà nhập khẩu nguyên con là 40%. Cục Chăn nuôi và Cục Thú y cần công bố công khai số lượng thịt nhập khẩu và xuất xứ trong năm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bộ NN-PTNT tăng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước. Đồng thời Cục ATVSTP (Bộ Y tế) đẩy mạnh kiểm tra gia cầm nhập khẩu gần hết “đát”, không đủ chất lượng (được DN mua với giá rất rẻ), gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe người tiêu dùng. Hiệp hội cũng cho rằng, tính cả chi phí vận chuyển và thuế nhập khẩu (20%) cùng với các chi phí khác thì giá các loại cánh, đùi gà nhập chưa đến 20.000 đồng/kg (0,85 USD/kg), trong khi giá thành chăn nuôi 1 kg gà hơi trong nước lên đến 30.000 đồng khiến người chăn nuôi điêu đứng.

Ông Bình khẳng định, giá gà chăn nuôi tại các nước trên thế giới cũng xấp xỉ giá gà VN, vì thế, đây rõ ràng là cạnh tranh không lành mạnh, bán phá giá để thao túng thị trường chăn nuôi VN. Vì thế, Hiệp hội đề nghị Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) hướng dẫn Hiệp hội để tiến hành khởi kiện chống bán phá giá.

CÙNG “HIẾN KẾ”

Trước thông tin người chăn nuôi khu vực Đông Nam bộ sẽ tiến hành khởi kiện gà nhập bán phá giá, ông Nguyễn Đăng Vang - Chủ tịch Hội Chăn nuôi VN cho rằng: “Cứ để cho người chăn nuôi khởi kiện để chúng ta dần làm quen với việc người dân có quyền nói lên quan điểm và có hành động bảo vệ chính mình”.

Đặc biệt, ông Vang cũng hiến kế: Chúng ta có thể áp dụng 2 giải pháp mà không sợ vi phạm luật WTO. Thứ nhất, có thể xây dựng hàng rào kỹ thuật về “hạn sử dụng gà nhập khẩu được phép vào VN”. Thường các DN hay tìm nhập các loại gà cận “đát” nên giá rất rẻ, còn nếu VN quy định hạn sử dụng bắt buộc phải từ 3 tháng hoặc 6 tháng trở lên mới được nhập vào thì giá gà ngoại sẽ tức khắc tăng, đồng thời bảo vệ được sức khỏe người dân. Thứ hai, thay vì đánh thuế nhập khẩu cao (sẽ vi phạm luật WTO) thì ta có thể đánh thuế nội địa (VAT) tăng lên, làm sao cho giá gà nhập ngang ngửa với giá gà công nghiệp trong nước. Việc làm này cũng xuất phát từ việc bảo vệ ngành chăn nuôi, nhiều quốc gia khác họ cũng áp dụng để điều hành kinh tế và không bị WTO tuýt còi.

“Trong vụ kiện chống bán phá giá này, người chăn nuôi rất cần sự ủng hộ của người tiêu dùng trong nước. Nếu mọi người thấy rõ sự bất thường, không lành mạnh trong cạnh tranh giữa gia cầm nhập khẩu và trong nước, thì cần ủng hộ cho bà con nông dân, ủng hộ cho sự phát triển ngành chăn nuôi VN” - ông Bình nói. 

Nhiều chuyên gia khác cũng cho rằng, nếu cấm DN nhập gia cầm thì sẽ vi phạm luật WTO. Vì thế, trong thời điểm nước sôi lửa bỏng này, quan trọng là sự điều hành của nhà nước phải hết sức tỉnh táo, cần có chính sách hỗ trợ thật nhanh và cụ thể cho người dân. Theo tìm hiểu của NNVN, trong 9 tháng đầu năm, các DN nhập về VN trên 55.300 tấn thịt, trong đó hầu hết là thịt gà - trên 52.500 tấn với giá cực rẻ, chưa kể nguồn gà đẻ loại thải nhập lậu từ Trung Quốc mỗi năm ước tính 70.000 - 100.000 tấn.

Tuy nhiên, một số chuyên gia lại đặt câu hỏi: Tại sao giá gà nhập về VN lại rẻ vậy? Ta có thể lấy lý do này để kiện không? Điều này có thể sẽ khó khăn bởi nhiều nước coi đùi, cánh gà là dạng phụ phẩm, không ăn nên bán giá thấp. Mà thế giới quan niệm vậy, VN đi kiện thì liệu có thành công?

Trước ý kiến này, ông Phạm Đức Bình cho rằng: “Tất cả các sản phẩm đùi, cánh hay bộ phận nào đi nữa thì đều được coi là gia cầm (gà) nhập khẩu vào VN thôi. Mà đã là gia cầm nhập khẩu thì sẽ tính toán được giá thành nuôi 1 kg là bao nhiêu. Nếu chúng tôi chứng minh được bên nước ngoài bán cho DN nhập về VN dưới giá thành sản xuất, có nghĩa là họ đã bán phá giá rồi”. Ông Bình cũng kiến nghị, Cục Quản lý cạnh tranh chỉ cần sớm yêu cầu bên Cục Thú y và các DN cung cấp bảng chiết tính giá thành của gia cầm nhập khẩu là sẽ rõ ngay vấn đề.

Xem thêm
Vịt Xiêm lai Pháp thích hợp cho chăn nuôi nhỏ lẻ

ĐBSCL Tại ĐBSCL, mô hình nuôi vịt Xiêm lai Pháp được bà con nông dân đánh giá mang lại hiệu quả cao, thích hợp cho hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, truyền thống.

Kiểm dịch tôm giống còn gặp khó

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên tôm nuôi mà một phần nguyên nhân do tôm giống gây ra, ngành chức năng đã siết chặt công tác kiểm dịch.

Quảng Ngãi xây dựng mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa

Các đơn vị đã phối hợp tổ chức gieo sạ bằng máy sạ cụm 12 hàng trên diện tích 5.000m2 tại mô hình ở cánh đồng lúa xã Đức Chánh (Mộ Đức, Quảng Ngãi).