| Hotline: 0983.970.780

Sống khốn cực quanh lòng hồ Bản Vẽ

Thứ Sáu 11/05/2012 , 11:30 (GMT+7)

Chuyện thời sự nhất trên rẻo cao Tương Dương (Nghệ An) mùa nắng nóng năm nay ngoài nhiệt độ cao kỷ lục còn là vấn đề hồi hương rầm rộ của những người dân từng nhường đất cho Thủy điện Bản Vẽ. Họ lập thành những bản làng vô danh, sống hoang dã.

Chuyện thời sự nhất trên rẻo cao Tương Dương (Nghệ An) mùa nắng nóng năm nay ngoài nhiệt độ cao kỷ lục còn là vấn đề hồi hương rầm rộ của những người dân từng nhường đất cho Thủy điện Bản Vẽ. Họ lập thành những bản làng vô danh, sống hoang dã.

>> Tận cùng gian khó có Mai Sơn
>> Những ngày nóng trên 43 độ C

Lập bản làng trên quê cũ

Ngày trước, đôi bờ dòng Nậm Nơn hung hãn là đất sống của đồng bào các dân tộc Thái, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu… Họ sống dọc những triền núi, triền sông thuộc các xã Mai Sơn, Luôn Mai, Nhôn Mai, Hữu Dương, Hữu Khuông, Kim Đa, Kim Tiến, Yên Na và Lượng Minh. Khi công trình thủy điện Bản Vẽ chặn dòng, có ít nhất khoảng 2.845 hộ, hơn 13.000 nhân khẩu phải rời bỏ quê hương chuyển ra vùng tái định cư cách đó gần 200 km. Thậm chí có 5 xã còn bị xóa tên khỏi bản đồ hành chính vì toàn bộ diện tích nhấn sâu dưới đáy lòng hồ.

Trong cuộc di dân khổng lồ ấy, một vị cán bộ tỉnh đã ví von rằng Thủy điện Bản Vẽ đang mang đói nghèo ra khỏi hai bờ sông Nậm Nơn. Vậy mà chẳng lâu sau, rẻo cao Tương Dương lần lượt đón dân bản trở lại đông không kém. Ngược dòng Nậm Nơn mùa này đâu đâu cũng thấy cảnh người dân trở về quê cũ. Từ bến Thượng Lưu dọc theo vùng ngập nước là những cánh rừng thực bì cháy sém. Người dân trở về dựng lều, phát đốt rừng làm nương rẫy, dù chẳng biết đất ấy bây giờ là của ai. Đói nghèo đang lầm lũi quay trở lại.


Người dân lần lượt quay trở về quê cũ

Không còn tên trong địa giới hành chính nhưng xã Luôn Mai vẫn còn một ít diện tích đất rừng còn sót nằm giữa xã Mai Sơn và Nhôn Mai. Đó là quê cũ của hơn 500 hộ dân người Thái và người Khơ Mú đã chuyển về tái định cư ở xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương. Ngày xưa, đất ấy chẳng mấy ai ngó ngàng vì cằn cỗi, xa trung tâm bản, thế mà bây giờ trở nên đông đúc, thậm chí tranh giành vì số hộ dân trở về trong mùa nắng nóng năm nay nhiều quá.

Chiếc bè nứa của gia đình ông Vi Văn Quyết (60 tuổi) ì ạch chở mọi người trong nhà cùng với trâu, bò, gà, lợn từ bến Thượng Lưu ngược dòng Nậm Nơn quay về quê cũ ở bản Canh Sọt. Nhưng số đất rừng hôm trước ông vừa đi “tiền trạm” chưa thấy ai phát giờ đã cháy loang cháy lổ. Cả nhà lại phải chống bè ngược lên nữa trên xã Nhôn Mai, nơi có 2 bản của Luôn Mai ngày xưa không phải di dời là Piêng Òi và Piêng Luống. Dù chẳng còn rộng rãi, nhưng cũng có chỗ để gia đình ông cắm dùi. Chỗ nào thấp thì dựng lều, chỗ nào cao thì trồng trọt chăn nuôi. Cứ qua một ngày cái bản mới chưa có tên này đón thêm một hộ. Giờ đông đến nỗi, đã có những cuộc tranh giành đất phát rẫy, làm nương.

Nói đến chuyện nắng nóng, đất đai, nương rẫy, ông Quyết liên tục thở dài. Ông bảo, mấy năm trước, khi nhường quê hương cho Thủy điện Bản Vẽ, 42 hộ dân tộc Thái của bản Canh Sọt ra đi thì bây giờ cũng chừng đấy hộ đã quay về. Lý do thì có nhiều nhưng cái chính là vì đất mới không ở được.

“Trước khi đi, họ từng được hứa sẽ đảm bảo mỗi một khẩu được cấp 2 ha đất để trồng rừng, làm kinh tế. Nhưng thực tế khi về đến, một người chỉ được khoảng 2600 m2 đất để làm ăn. Đất Ngọc Lâm xấu, trồng cây gì cũng cằn cằn cỗi cỗi, không thu hoạch được nên dân bản phải bỏ về. Thực ra, ở quê cũ cũng không sung sướng gì nhưng tập quán chúng tôi là làm rẫy, đánh bắt cá. Mỗi mùa rẫy, phát đốt, gieo trồng khoảng 3-4 tháng là có gạo để ăn.Về dưới đó phải trồng rừng 5-6 năm mới được thu hoạch, trồng sắn rớt giá thê thảm, không ai thu mua nên đói ăn 10-12 tháng một năm là chuyện bình thường. Hơn nữa, dân tôi ở nhà sàn quen rồi, về đất mới phải ở nhà xây, lợp bằng mái tôn, không quen, không ở được”, ông Quyết giải thích.


Cuộc sống của họ chẳng khác nào thời nguyên thủy

Nhà ông Quyết có 5 khẩu, khi về xã Ngọc Lâm chỉ được vỏn vẹn có hơn 1 ha đất sản xuất. Chỉ qua một năm, phân nửa số thành viên trong gia đình đã đòi về. Phải đến đầu năm nay, khi trong nhà hết sạch gạo ăn, số sắn trồng ở đất mới không bán được cho ai thì cả gia đình mới quyết chí trở lại cố hương. Ngày xưa, mỗi bản trên rẻo cao này, người Thái ở với người Thái, người Khơ Mú ở với người Khơ Mú… Vì phong tục tập quán từng dân tộc khác nhau. Vậy mà những bản mới bây giờ đồng bào dân tộc ở chung lẫn lộn. Cứ nơi nào còn rừng là họ phát đốt, trỉa gieo, rồi lại cùng nhau lội sông chài lưới chung con cá. Không có trưởng bản, không cần bản phải có tên, chỉ cần có đất rừng để đốt rẫy để đến mùa đủ lúa ăn là mãn nguyện. Đói nghèo chưa thay đổi được, nhưng cuộc sống ở quê cũ khiến họ thoải mái hơn rất nhiều.

Khốn cực

Không chính quyền quản lí, không trường học, không trạm y tế, không điện, đất sản xuất thì theo kiểu phát được chừng nào làm chừng đó, cuộc sống của những hộ dân trở lại Bản Vẽ chẳng khác nào những bộ tộc thời nguyên thủy. Lần gần đây nhất, 127 hộ dân với khoảng 500 nhân khẩu đã rời khu tái định cư ở huyện Thanh Chương quay trở về đất cũ. Thậm chí có 27 hộ dân còn bán cả nhà, cả đất vườn để đoạn tuyệt với cuộc sống mới ở khu tái định cư. Họ kéo nhau trở về quê cũ nhưng đất hết nên lang thang khắp những khu rừng quanh dòng sông Nậm Nơn phát rẫy trồng lúa, trồng ngô.


Trẻ em thất học vì không có trường
 

Rất đau đầu với vấn đề hồi hương của những hộ dâ đã di dời khỏi Thủy điện Bản Vẽ, ông Nguyễn Hồ Cảnh, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương chia sẻ: Về lý như vậy là vi phạm công tác quản lý hành chính. Nhưng xét về tình, việc họ rời bỏ quê hương đến vùng xa xôi trong điều kiện rất khó khăn, đất không đủ để canh tác, nhu cầu sinh hoạt không đảm bảo, chính quyền lại không thể phạt. Lo ở chỗ, số dân tái định cư quay về lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ sinh sống nhiều, người dân tự ý phát rừng làm nương rẫy, khiến chính quyền rất khó kiểm soát.

Một túp lều, một bộ nồi niêu xong chảo, một bì gạo là tài sản lập nghiệp trên quê cũ của gia đình đôi vợ chồng người Thái, Vi Đình Hoan và Lương Thị An. Chỉ mới bỏ khu tái định cư được vài tháng nay nên cuộc sống của gia đình Hoan An còn bi đát lắm. Ngày họ kéo nhau vào khe suối, vừa để trốn cái nóng vừa tranh thủ mò thêm con tôm, con cá. Đêm đến mát trời lại đốt đuốc phát nương. Bản mới của gia đình này đang ở bây giờ chẳng có tên, vỏn vẹn tầm 30 hộ. Người Thái, người Khơ Mú, thậm chí người Ơ Đu cũng có. Họ không quen biết nhau và cũng không cần biết phần đất này bây giờ thuộc địa giới hành chính của xã nào, chỉ biết là đất phát rẫy, đốt nương ở đây vẫn còn khá tốt. 

Người lớn phát nương làm rẫy, trẻ con mò cua bắt ốc, thả lưới đánh cá. Cuộc sống của họ dường như chỉ quan tâm đến no hay đói mà thôi. 4 đứa con gia đình Hoan An đều chấp nhận bỏ học giữa chừng theo bố mẹ trở về với núi đồi Bản Vẽ. 4 đứa lít nhít, cả ngày chẳng cần mặc quần áo. 2 đứa lớn hơn một tý thì phát rẫy, 2 đứa nhỏ học nghề thả lưới dưới sông. Đứa nào đứa nấy đen như củi cháy. Chúng không biết chữ, chỉ biết thấy cái gì ăn được thì mang về nhà.


Bản mới, không có tên, không trưởng bản

Chỉ cách đây có một ngày, hai đứa lớn phát rẫy xong, đốt thế nào cháy trẹm cả một khu rừng. Cũng may chỉ cháy hết có một quả đồi, lại ở xa nên không ai biết. Lại một hôm, thằng con út trở chứng đau bụng, nhưng sống ở nơi cách trạm y tế xã cả buổi đường sông nên vợ chồng Hoan chỉ biết vặt mấy lá cấy rừng vò lấy nước cho uống. Vậy mà cũng khỏi.

Xem thêm
Phú Thọ dự kiến giảm 48 đơn vị hành chính cấp xã

Trong giai đoạn 2023-2025 tỉnh Phú Thọ dự kiến sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 32 đơn vị hành chính, sau sắp xếp giảm 48 đơn vị.

Chia nước theo thứ tự ưu tiên

Do nắng hạn kéo dài, không có mưa đã khiến các hồ đập cạn kiệt nguồn nước, tỉnh Bình Thuận dự kiến sẽ cắt giảm hơn 15.000ha lúa trong vụ hè thu tới.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hơn 300 cơ sở ở Thái Nguyên vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, tỉnh Thái Nguyên đã phát hiện hơn 320 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh vi phạm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bình luận mới nhất