| Hotline: 0983.970.780

Cùng cực vì mất ruộng

Thứ Năm 17/05/2012 , 10:35 (GMT+7)

Những nông dân mất ruộng ở xã Yên Lãng huyện Đại Từ (Thái Nguyên) đang phải mưu sinh cực khổ trong mỏ than núi Hồng.

Những nông dân mất ruộng ở xã Yên Lãng huyện Đại Từ (Thái Nguyên) đang phải mưu sinh cực khổ trong mỏ than núi Hồng. Số phận họ được ví lay lắt như bóng đèn khuya.

Cùng cực vì mất ruộng

Hơn chục năm qua, hàng trăm hộ dân sống gần moong khai thác của mỏ than núi Hồng tại các xóm: Đồng Bèn, Cây Hồng, Xóm Mới, Chiến Thắng, Tiền Phong, Đồng Ỏm, Đồng Cẩm… phải chung sống với ô nhiễm khói bụi, tiếng mìn nổ ồn ào, giếng ăn cạn nguồn nước, nguồn nước sản xuất bị ô nhiễm trầm trọng.

Nhiều người chịu không nổi cuộc sống khốc liệt đó phải bỏ nhà đi tha phương cầu thực, người nào ở lại bám trụ chỉ mưu sinh bằng nghề mót than ở các bãi thải và chưa ai biết tương lai phía trước sẽ đi về đâu.

No bụi, "đói" nước

Chúng tôi đến Xóm Mới lúc ban trưa, nắng chói chang giữa trưa hè táp vào mặt muốn bỏng da. Trên đường qua bãi đổ thải đi vào Xóm Mới, thi thoảng dưới tán cây lúp xúp ven đường chúng tôi thấy những phụ nữ, trẻ em tay cầm bao tải, đầu đội món mê ngồi hóng gió bụi. Hỏi ra mới biết họ chầu chực chờ xe đổ thải than đến còn kịp chạy đến mót nhặt.

Tên là Xóm Mới, nghe qua có vẻ văn minh, sạch sẽ nhực tế, nhiều hộ dân xóm này đang sống rất gần moong khai thác than của mỏ núi Hồng và họ đang khổ hết chỗ nói. Con đường dẫn vào xóm này xồm xộp toàn bụi than, chỉ một chiếc xe của mỏ chạy ù qua là khói bụi bay mù trời. Người dân nơi đây hay nói đùa “dân Xóm Mới no bụi nhưng “đói” nước”.


Dòng suối này cung cấp nước trồng lúa cho các xóm: Chiến Thắng, Xóm Mới... 
nhưng nay đã cạn khô

Khói bụi bay mù mịt cả lúc ngủ lẫn khi thức, vì mỏ này thường khai thác cả ngày lẫn đêm. Bụi ở đây dày đặc đắp kín các cành lá, mái nhà dân. Nhìn đâu cũng một màu xám xịt. Giữa cái nắng nóng như rang, chúng tôi tấp vào một nhà dân xin ngụm nước. Chị chủ nhà đon đả mời khách vào nhà, có lẽ vì lâu rồi nơi đây không có người lạ đến hỏi thăm nên khá mến khách. Thấy chiếc ghế bị phủ đen bụi tham, chị vừa lau ghế cho khách vừa lý giải rằng: “Chỉ cần vài tiếng không lau thôi chú ạ, là bụi kín mặt bàn ghế rồi, sống gần mỏ khổ thế đấy”.

Ngồi một lát, mọi người trong xóm biết có người lạ đến chơi, họ cũng đến ngó nghiêng và tiếp chuyện khách lạ khá thân mật. Khi được hỏi về cuộc sống của bà con nơi đây, chị chủ nhà và người dân chỉ biết kêu trời và kể lể những nỗi thống khổ. Nào là cả Xóm Mới này có khoảng 70 hộ thì 40 hộ sống gần bờ moong khai thác than, nhà cửa nhiều hộ bị lún nứt chẳng ai chịu đền bù, hay các hộ bị thu hồi hết đất rồi chẳng lấy gì mà sống nữa.

Đường cùng ngõ cụt

Cũng do khai thác sâu nên 80% số gia đình trong xóm có giếng nước bị khô cạn và phải đi xin nước ăn hàng ngày. Mất nước và kêu mãi chẳng cấp nào xem xét giải quyết. Một số hộ có nhân lực đã lên trên sườn núi Hồng cách nhà khoảng hơn 2 km, cùng góp tiền mua ống nhựa dẫn nước trên khe về sinh hoạt. Mỗi đường nước dẫn về đủ cấp cho 3 hộ gia đình dùng tằn tiện. Còn hộ nghèo, nhà neo túng lao động thì chỉ một điệp khúc duy nhất là đi xin nước ăn quanh năm.

Trên núi Hồng cũng chẳng có nước nhiều, mỗi khi mùa đông đến, các hộ lại nháo nhác đeo can nhựa sang xóm bên đi xin từng gáo nước ăn. Gia đình anh Nông Văn Sơn cư ngụ ngay gần bờ moong khai thác hơn chục năm qua rất khổ vì bụi bặm. Sợ bị ảnh hưởng sức khoẻ của hai con nhỏ và mẹ già, vợ chồng anh đã đề xuất với chính quyền và mỏ được đền bù nhà cửa để di nhà đi nơi khác. Thế nhưng chẳng cấp nào xem xét giải quyết.

Hàng ngày xe tải của mỏ chạy qua lại sát lưng nhà, bụi than bay phủ kín đồ dùng, mọi thứ đều nhọ nhem màu than đen. Khi moong khai thác sâu, giếng nước bị cạn, anh Sơn cùng các hộ gia đình mất nước đề nghị các cấp làm giúp dân trong xóm một giếng nước ăn. Cả phía mỏ và chính quyền xã, huyện chẳng thấy ai đến giải quyết, anh đành bấm bụng nhịn ăn để cùng 2 gia đình nữa góp tiền mua ống nhựa dẫn nước trên núi Hồng về ăn. Do đường dẫn nước xa, ống nhựa lại nhỏ và thường xuyên bị rác làm tắc, khi lại bị gia súc dẫm hỏng nên việc chăm sóc, sửa chữa đường nước rất vất vả, chẳng khác gì mấy hộ đi xin nước ăn.

Từ khi Cty than Núi Hồng mở thêm moong tại Xóm Mới, không chỉ đem khói bụi tiếng ồn đến với mọi nhà, cảnh mất nước ăn và thiếu lương thực hiển hiện rõ vì cuộc sống nơi đây bị đảo lộn. Nhiều hộ dân đang ở mức khấm khá nhất nhì Xóm Mới những năm 1990 của thế kỷ trước, nay bị mất hết đất trồng lúa, gia cảnh họ đã rất bi đát. Nhiều nông dân mất ruộng đất sản xuất đang bị đẩy vào đường cùng ngõ cụt khi vật lộn để kiếm đủ gạo ăn qua ngày đã là quá khó.


Người dân mót từng cục than rơi để kiếm cơm

Trong nước mắt thâm đục của thời gian và sự tiếc nuối, bà Nông Thị Đắc nhớ lại cái ngày hai buổi ra làm đồng, ruộng lúa tốt bời bời. Năm nào thu hoạt xong thóc lúa cũng đầy bồ, gà lợn đầy sân con cháu đoàn tụ. Gia đình bà ai cũng khen là kinh tế thuộc diện nhất xóm, thì nay trở thành người nghèo khó nhất. Tất cả cũng chỉ vì không còn đất trồng lúa, chỉ vì mỏ thu hồi hết đất sản xuất. Số tiền được bồi hoàn chỉ đủ làm nhà ở và ăn được vài tháng là hết. Sau đó cả nhà vào cuộc làm thuê từ gánh gạch, phụ hồ kiếm sống. Công việc chật vật lại không đều đặn như làm ruộng nên khó khăn chồng chất, đến giờ bữa kiếm bữa ăn. Cứ hết mồ hôi là hết tiền. Trong cảnh chật vật ấy, bà chỉ mong ước làm sao có tiền để mua ruộng và chỉ có ruộng mới giúp các con cháu của bà có cuộc sống ổn định.

Cùng chung cảnh mất đất dẫn đến thiếu lương thực, còn có các hộ bà Đoàn Thị Huệ, hộ ông Chiến, bà Thẩm… còn éo le hơn khi họ chỉ biết nhìn vào bãi thải mà nương thân. Chị Nguyễn Thị Nguyệt sau khi nhận xong tiền đền bù, cũng là lúc mỏ mở moong khai thác trên khu ruộng nhà mình. Do không còn việc làm chị đành cùng các chị trong thôn đi mót than. Chị Nguyệt đã bức xúc cho biết: “Mỏ thải ra bãi vẫn còn khá nhiều than tốt, giá như cứ cho dân mất ruộng được nhặt mót thì cũng tạo việc làm cho những gia đình bị mất đất như chúng tôi, đằng này họ lại đuổi không cho nhặt mót làm chúng tôi khổ quá. Ở đây chúng tôi đã khổ trăm đường rồi, có mỗi việc ăn nhặt cũng chẳng cho nữa thì chẳng biết sống làm sao?”.

Không chỉ chịu cảnh mất đất sản xuất, nước ăn, một số hộ gia đình gần mỏ còn bị lún nứt nhà cửa. Riêng Xóm Mới có hàng chục hộ bị lún nứt, còn thôn kế bên là Chiến Thắng có 7 hộ bị mìn nổ xé nứt cả tường nhà, trong đó gia đình anh Trần Xuân Truyền có nhà mái bằng đã bị nứt toác không thể ở nổi.

Cuộc mưu sinh của dân gần moong của mỏ than núi Hồng đã quá cơ cực. Chưa biết bao giờ họ mới có được cái ngày xưa. Chỉ vì đất ruộng, đất ở đã bị cày xới đảo lộn thành những hố sâu hoắm. Chỗ nào mỏ bàn giao lại cho dân chỉ là bãi thải toàn đất đá, trồng cây lấy gỗ chẳng sống nổi. Sức dân mỏng manh, tiền chẳng có thì làm sao đủ sức cõng đất màu rải lên để làm ruộng? Họ đã đi đến đường cùng của khó khăn, khổ ải.

Xem thêm
Phú Thọ dự kiến giảm 48 đơn vị hành chính cấp xã

Trong giai đoạn 2023-2025 tỉnh Phú Thọ dự kiến sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 32 đơn vị hành chính, sau sắp xếp giảm 48 đơn vị.

Chia nước theo thứ tự ưu tiên

Do nắng hạn kéo dài, không có mưa đã khiến các hồ đập cạn kiệt nguồn nước, tỉnh Bình Thuận dự kiến sẽ cắt giảm hơn 15.000ha lúa trong vụ hè thu tới.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hơn 300 cơ sở ở Thái Nguyên vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, tỉnh Thái Nguyên đã phát hiện hơn 320 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh vi phạm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bình luận mới nhất