Tại xã, tại lịch sử...
“Thời kỳ trước, nhiều cán bộ xã thậm chí còn không biết chữ. Luật Đất đai cũng chưa chặt như bây giờ. Để xảy ra sự việc quy hoạch rừng trùm lên đất ở, sản xuất của hàng trăm hộ dân thôn Minh Tân, xã Minh Trí, thì trách nhiệm trước hết thuộc người đứng đầu UBND xã”, ông Nguyễn Trường Giang, Trưởng phòng TN-MT, huyện Sóc Sơn, cho biết hôm 18/9.
Ông Tạ Văn Chiêm, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, huyện Sóc Sơn (bìa trái) giải thích về tấm bản đồ |
Ông Giang phủ nhận việc phòng TN-MT từng tham gia đo đạc bản đồ tại thôn Minh Tân hồi năm 2006. Trong khi đó, nhiều người dân thôn này khẳng định với PV rằng phòng TN-MT từng cử cán bộ về phối hợp các cơ quan chức năng đo vẽ bản đồ.
Về trách nhiệm cụ thể trong việc này, ông Giang cho biết: “Trước hết trách nhiệm thuộc về chủ tịch xã, tất nhiên cũng có trách nhiệm của huyện, của thành phố, của Sở TN-MT, Sở NN-PTNT. Mặt khác, đây là vấn đề do lịch sử để lại, thời năm 1985 mấy ai quan tâm đất đai đâu”.
Người đứng đầu phòng TN-MT huyện Sóc Sơn, cho rằng khi đưa dân lên khai hoang ở xã Minh Trí, thì mỗi người được cấp vật tư, thực phẩm và tới ở trên một quả đồi. “Ai khai hoang, trồng rừng được bao nhiêu cứ làm, chứ có nghĩ là đến hôm nay đâu”, ông Giang nói.
Trả lời câu hỏi vì sao qua hàng chục năm, vài thế hệ lãnh đạo huyện, xã, mà khoảng 300 hộ dân ở thôn Minh Tân, xã Minh Trí bị “lãng quên”, ông Giang nói đây là “trách nhiệm từ xã đến huyện”. Vị cán bộ này cũng cho biết, huyện Sóc Sơn đang xem xét cụ thể các cá nhân, tập thể, có liên quan đến vụ việc, song từ chối cung cấp thông tin cụ thể hơn. “Chuyện này phải hỏi Ban Quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng huyện Sóc Sơn để nắm cụ thể”, ông Giang nói.
Ai “phù phép” đất của dân khai hoang?
Ông Nguyễn Bá Chiêm, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng huyện Sóc Sơn, cho biết: “Tháng 11/2015, TP Hà Nội ra quyết định điều chỉnh rừng phòng hộ Sóc Sơn, xác định được 974ha rừng “trùm” lên khu dân cư. Sau khi xác định giấy tờ gốc, đo đạc, thì hiện còn xã Minh Trí với 158ha đất gặp tình trạng này”.
Một góc thôn Minh Tân, xã Minh Trí với phong cảnh thiên nhiên được coi là nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái |
Chỉ vào tấm Bản đồ xác định diện tích đất thổ cư và đất dự án chồng lấn trong đất lâm nghiệp, ông Chiêm nói: “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị, song tình trạng nói trên chưa được giải quyết. Phòng TN-MT không xác định ranh giới đất thổ cư, đất ao vườn liền kề, nên chúng tôi không có cơ sở đưa rừng phòng hộ ra khỏi phần đất của dân sử dụng”.
Lý giải cụ thể hơn, ông Chiêm cho biết quy hoạch rừng phòng hộ ở Sóc Sơn có từ năm 1998, song một năm sau cơ quan ông Chiêm hiện làm giám đốc, mới ra đời.
Trên tấm bản đồ nêu trên, có con dấu và chữ ký của cán bộ các cơ quan: Cty Địa chính Hà Nội (đơn vị tư vấn); Sở Tài Nguyên, Môi trường và Nhà đất Hà Nội (đơn vị thực hiện); UBND huyện Sóc Sơn.
Trưởng thôn, phó thôn Minh Tân, cũng xác nhận với chúng tôi về sự việc năm 2006, có nhiều cán bộ xuống đo đạc bản đồ. “Về sau họ còn xuống đo nữa. Họ bảo chỉ công nhận 400m2 tại các gia đình thuộc về đất ở, còn hàng nghìn m2 chúng tôi đã khai hoang, làm ao, vườn liền kề, thì họ nói đó là đất rừng”, ông Nguyễn Đình Cường, trưởng thôn Minh Tân, cho biết.
Điều này cho thấy Phòng TN-MT huyện Sóc Sơn đã vì lý do nào đó mà phủ nhận trách nhiệm cũng như sự liên quan tới tấm bản đồ lạnh lùng “xóa sổ” công sức của nhiều thế hệ dân Minh Tân đi khai hoang từ năm 1985. Mặt khác, người dân Minh Tân cũng cung cấp cho PV nhiều văn bản có chữ ký của cán bộ xã, cán bộ Phòng TN-MT Sóc Sơn, tới thực địa thống kê, khảo sát diện tích đất tại thôn này.
Tiếp xúc với PV hôm 18/9, nhiều người dân thôn Minh Tân tỏ ra bất bình khi được thông tin về khả năng huyện Sóc Sơn đền bù một khu đất khác, để tiếp tục cho tồn tại tấm bản đồ quy hoạch rừng. “Bù đi đâu, chỗ nào? Hay vì đất ở đây quá đẹp để phát triển du lịch sinh thái nên người ta muốn lấy đất bằng được? Chúng tôi đi khai hoang theo chủ trương chứ có tự ý bỏ nhà cửa, quê hương lên đây đâu mà nói vậy”, một người dân ở Minh Tân, nói.
Thông tư liên tịch số 50, năm 2014, của Bộ TN-MT và Bộ Nội vụ, tại Chương II, điều 4, quy định về Vị trí và Chức năng của Phòng TN-MT cấp huyện như sau: - Lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt. - Thẩm định hồ sơ về giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các đối tượng thuộc thẩm quyền của ủy ban nhân dân cấp huyện. - Theo dõi biến động về đất đai; thực hiện việc lập, quản lý, cập nhật và chỉnh lý hồ sơ địa chính, xây dựng hệ thống thông tin đất đai cấp huyện. - Tham gia xác định giá đất, mức thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của địa phương; tổ chức thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định của pháp luật; tham mưu giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định trưng dụng đất, gia hạn trưng dụng đất. |