| Hotline: 0983.970.780

Ăn nên làm ra nhờ chăn nuôi theo nhu cầu thị trường

Thứ Ba 04/06/2024 , 07:30 (GMT+7)

Thay đổi phương thức chăn nuôi, nhỏ lẻ sang tập trung, sản xuất các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường... đã giúp hộ nông dân ở Than Uyên có thu nhập cao.

Cán bộ địa phương thường xuyên trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi gia súc với người dân. Ảnh: HĐ.

Cán bộ địa phương thường xuyên trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi gia súc với người dân. Ảnh: HĐ.

Chăn nuôi khép kín, đảm bảo môi trường

Ông Kiều Văn Dung ở Sen Đông, xã Mường Than (huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu) chăn nuôi trâu bò theo hướng khép kín, đảm bảo môi trường và phát triển kinh tế gia đình. 

Trước đây, gia đình ông buôn bán các loại thức ăn cho gia súc, nên nhận thấy có nhiều loại cám chất lượng, giá cả ổn định có thể giúp chăn nuôi quy mô lớn và có lãi. 

“Tôi quyết định đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn, khoảng 50 con, chủ yếu là lợn nái sinh sản, số còn lại lợn thương phẩm. Cùng đó, tôi đầu tư nuôi thêm từ 40 - 50 con trâu, bò vỗ béo. Mỗi năm trừ chi phí cũng lãi vài trăm triệu đồng”, ông Kiều Văn Dung nói.

Tuy nhiên, năm 2019, dịch tả lợn Châu Phi bùng phát buộc ông ngừng nuôi lợn, chỉ tập trung nuôi trâu bò vỗ béo. Ông nhận thấy mô hình chăn nuôi đại gia súc của các hộ dân theo hình thức khép kín rất hiệu quả, cho thu nhập cao lại vừa đảm bảo vệ sinh môi trường.

Từ đó, ông bàn với gia đình bỏ khu chăn nuôi cũ chuyển đổi sang mô hình chăn nuôi theo hướng khép kín, an toàn mà hiệu quả hơn.

Ông đã đầu tư xây dựng chuồng trại theo hướng công nghiệp kết hợp trồng khoảng 5ha cỏ voi làm thức ăn cho gia súc. Còn hơn 1.000m2 được đầu tư xây dựng chuồng trại trâu, bò sinh sản và vỗ béo… Chất thải trong chăn nuôi sẽ được sử dụng lại để bón cho diện tích trồng cỏ voi.

Chăm sóc tốt đàn gia súc nên đàn trâu bò của gia đình ông lớn nhanh, khỏe mạnh. Mỗi năm gia đình ông xuất bán khoảng 50 con trâu, bò, mỗi con có giá từ 20 triệu đồng, tùy thuộc trọng lượng. Trừ chi phí gia đình ông Kiều Văn Dung thu về gần tỷ đồng mỗi năm trong khi đó còn tạo được việc làm cho lao động nhàn rỗi của địa phương.

Từ các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung của tỉnh Lai Châu, sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, ông Kiều Văn Dung quyết định huy động vốn góp thành lập Hợp tác xã Dung Bảo với 7 thành viên. Hiện, hợp tác xã đã tạo việc làm cho 3 lao động thường xuyên với mức lương 6 triệu đồng/người/tháng, 3 - 4 lao động thời vụ thu nhập từ 150 - 200.000 đồng/người/ngày.

Chăn nuôi gia súc không gây ô nhiễm môi trường, cần chú trọng vệ sinh chuồng trại, xử lý rác thải. Hợp tác xã lựa chọn phương pháp truyền thống vừa dễ vệ sinh nền chuồng lại vừa có thể thu gom chất thải xuống hầm biogas để tận dụng làm khí đốt và làm phân bón cho cỏ voi. Qua đó, diện tích cỏ voi xanh tốt và còn có thể bán cho các hộ nuôi khác”, ông Kiều Văn Dung nói. 

Chăn nuôi gia súc tập trung theo hướng khép kín cho thấy hiệu quả kinh tế. Ảnh: HĐ.

Chăn nuôi gia súc tập trung theo hướng khép kín cho thấy hiệu quả kinh tế. Ảnh: HĐ.

Đảm bảo dịch bệnh từ việc tiêm, phân đàn, cách ly

Ông Lê Minh Thuần, Chủ trang trại gà sạch ở bản Cẩm Trung, xã Mường Than (huyện Than Uyên, Lai Châu) là một trong số ít hộ nuôi gà quy mô lớn của huyện này. Qua những năm tích lũy kinh nghiệm chăn nuôi đã giúp hạn chế dịch bệnh, góp phần gia tăng thu nhập cho gia đình.

Từ nhu cầu thị trường ở huyện Than Uyên, nguồn cung cấp gà thịt còn hạn chế, với kinh nghiệm chăn nuôi vốn có của gia đình và học tập kinh nghiệm ở địa phương khác, ông Lê Minh Thuần quyết định thành lập Hợp tác xã Mường Than để chăn nuôi gà.

“Tôi đã xuống học hỏi kinh nghiệm ở trang trại Tuấn Truyền ở huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) rồi nhập con giống về nuôi và phát triển thành con gà thương mại cung cấp ra thị trường với giá cả ổn định, đảm bảo chất lượng.

Ở địa phương có rất nhiều giống gà bản địa nhưng chưa có cơ sở nào cung cấp con giống được đảm bảo, ổn định. Vì vậy, hợp tác xã bắt buộc phải mua, nhập con giống ở Lạc Thủy”, ông Lê Minh Thuần cho biết

Về ưu điểm, con giống này phù hợp với đặc điểm khí hậu ở huyện Than Uyên. Vì thế con giống sinh trưởng, phát triển tốt, ít bệnh tật và đạt được trọng lượng, chất lượng thịt tốt.

Hiện nay, hợp tác xã có quy mô 6 chuồng nuôi, mỗi chuồng khoảng 1.000 con gà và được nuôi theo hình thức gối đàn. Mỗi tháng, hợp tác xã sẽ nhập lứa gà giống mới và nuôi trong vòng 5 tháng thì xuất bán.

Các hộ chăn nuôi gà đã đáp ứng nhu cầu thực phẩm ngay tại thị trường địa phương. Ảnh: HĐ.

Các hộ chăn nuôi gà đã đáp ứng nhu cầu thực phẩm ngay tại thị trường địa phương. Ảnh: HĐ.

Hợp tác xã hiện có 8 thành viên thì 4 người trong số đó làm việc trực tiếp tại đây. Số lao động còn lại làm việc theo thời vụ và góp vốn. Hợp tác xã Mường Than hiện đã có 2 sản phẩm OCOP 3 sao gồm xúc xích gà và giò gà Mường Than. 

Hiện doanh thu của hợp tác xã từ bán thịt gà tươi và các sản phẩm OCOP đạt khoảng 300 triệu đồng mỗi tháng.

Về phòng chống dịch bệnh, khi nhập gà giống về, gà sẽ được tiêm 5 loại vacxin. Gà một ngày tuổi được tiêm vacxin Marek, 3 ngày tuổi tiêm vacxin phòng bệnh cầu trùng, 5 ngày tuổi tiêm vacxin IB biến chủng, 15 ngày tuổi được chủ động tiêm vacxin gumboro. Đến ngày thứ 27 tiêm vacxin ILT, và ngày 45 tiêm vacxin newcastle… 

Về thức ăn chăn nuôi, hợp tác xã chủ yếu cho gà dùng cám ăn thẳng và một vài tháng sẽ dùng thức ăn phối trộn, đáp ứng nhu cầu thị trường. 

“Cùng với việc tiêm vacxin sẽ tách nhỏ các ô, ngăn để nuôi gà giúp hợp tác xã luôn có gà con, gà đủ trọng lượng xuất bán. Mặc khác, việc ngăn ô, tách đàn còn giúp hạn chế dịch bệnh khi nuôi tập trung, quy mô lớn.

Sau mỗi một lần nuôi, chuồng trại sẽ được phun, khử trùng và rắc vôi bột tiêu độc và chuồng trại này sẽ được nghỉ trong vòng một tháng cho đến khi bắt đầu vào đàn mới”, ông Lê Minh Thuần nói.

Cùng với nuôi gà ông Lê Minh Thuần còn làm xúc xích gà và giò gà đạt OCOP 3 sao. Ảnh: HĐ.

Cùng với nuôi gà ông Lê Minh Thuần còn làm xúc xích gà và giò gà đạt OCOP 3 sao. Ảnh: HĐ.

Chuyển đổi nhỏ lẻ sang tập trung

Bà Hoàng Thị Vân Quỳnh, Chủ tịch UBND xã Mường Than (huyện Than Uyên, Lai Châu) cho biết, đối với chăn nuôi đại gia súc, không còn nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, bởi một phần do máy móc đã làm thay con trâu, con bò.

Mặc khác, chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, giải quyết nhu cầu về thực phẩm trên địa bàn cũng như một phần việc làm, đồng thời tạo điều kiện phát triển kinh tế cho các hộ gia đình.

Các mô hình chăn nuôi thành công trên địa bàn xã còn là điểm tham quan, học tập kinh nghiệm để người dân đến trao đổi và vận dụng vào phát triển kinh tế gia đình.

Ông Vũ Văn Nội, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Than Uyên (Lai Châu) cho biết, để phát huy tiềm năng, lợi thế về đất đai huyện phát triển chăn nuôi đại gia súc chủ yếu trâu, bò, ngựa, dê… và gia cầm tập trung, có giá trị kinh tế, giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.

Chuyển đổi mạnh mẽ chăn nuôi từ thả rông sang chăn nuôi làm chuồng trại, định hướng phát triển gia súc, gia cầm thành hàng hóa.

Phòng NN-PTNT cũng đã tham mưu cho UBND huyện tuyên truyền đến các xã, hộ dân thực hiện hầu hết nội dung của chính sách hỗ trợ người chăn nuôi. Qua đó, có nhiều cơ sở, cá nhân, hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi theo hướng quy mô, ngày càng bài bản hơn để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Cùng với việc vận động bà con làm chuồng trại chăn nuôi, cơ quan chuyên môn cũng tuyên truyền, cho bà con học tập các mô hình làm thêm bioga, đệm lót sinh học, trồng cỏ chăn nuôi nhằm tận dụng tối đa nguồn thức ăn và đảm bảo môi trường trong chăn nuôi…

Xem thêm
Kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm

KHÁNH HÒA Lực lượng thú y sẽ tăng cường kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm, nhất là cao điểm tết nhằm đảm bảo nguồn cung thịt sạch cho người dân.

Cây mì Bình Định được mùa nhưng mất giá

Năm nay nhờ thời tiết thuận lợi và sử dụng giống sạch bệnh nên cây mì (sắn) ở Bình Định cho năng suất khá, nhưng do biến động thị trường nên giá mì giảm thấp.

Phê duyệt Đề án công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Ngày 24/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1639/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đến năm 2030.