| Hotline: 0983.970.780

Áp lực trước những quyết định sinh – tử

Thứ Sáu 13/01/2023 , 14:18 (GMT+7)

Người làm thủy lợi đứng trước nhiều áp lực công việc và cuộc sống. Có khi họ phải đứng trước những quyết định có tính sinh – tử, hoặc cứu đập, hoặc cứu dân.

Cán bộ Hoàng Anh Lệ. Ảnh: Quốc Toản.

Cán bộ Hoàng Anh Lệ - Chi nhánh Thủy lợi thị xã Nghi Sơn (Công ty TNHH 1 thành viên Sông Chu). Ảnh: Quốc Toản.

Chồng đi đâu, vợ con theo đó

Bài liên quan

Chiếc vô lăng trên tay tài xế Thảo (Chi nhánh thủy lợi thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa) bóng loáng do thường xuyên phải ma sát với tay người. Anh Thảo bảo, có thời điểm, chiếc xe chạy lòng vòng cả trăm cây số, vần vô lăng đến mấy nghìn vòng để vận chuyển đồ đạc, lương khô, mì tôm cho anh em ở các trạm chốt trực ở hồ Yên Mỹ.

“Nếu mưa dài ngày, chỉ còn cách vận chuyển đồ đạc dự trữ cho anh em trong trạm, để thực hiện phương án '4 tại chỗ, 3 sẵn sàng'. Cánh lái xe chúng tôi còn đỡ, chứ anh em chốt trực ở hồ còn vất vả hơn nhiều”.

Tại tổ đầu mối thường trực hồ Yên Mỹ, cán bộ Hoàng Anh Lệ là người có thâm niên gần chục năm công tác trong ngành. Ngày đầu về Công ty nhận nhiệm vụ, anh được phân lên địa bàn khó để thử thách ý chí và bản lĩnh. 

Anh Lệ kể: "Tại cụm trực hồ Sông Mực (Như Thanh) khi đó chỉ có 2 anh em là lính trẻ, bao quanh tứ bề là núi non, hoang vu, hiểm trở. Những ngày mưa lớn, đường xá đi lại khó khăn, người thân ở dưới xuôi phải vận chuyển lương thực lên để… cứu đói. Do vậy, mỗi lần được nghỉ phép, anh em tranh thủ thay nhau vận chuyển hàng chục kg gạo, nước mắm, cá khô để dự phòng và ứng chiến dài ngày”.

Gần 10 năm công tác với đồng lương chỉ đủ sống, không ít lần được người nhà khuyên nhủ anh Lệ tìm kiếm công việc khác cho đỡ vất vả, nhưng anh vẫn quyết định ở lại.

“Lúc đầu đi lại cũng thấy cực nhọc, nhưng lâu dần thành quen. Mình gắn bó với ngành 10 năm rồi nên cũng không nỡ từ bỏ. Được cái, anh em ở đây sống tình cảm lắm! Ở trạm trực, cán bộ cũng như nhân viên. Có việc đột xuất là tất cả đều xắn tay vào làm không quản ngày đêm”, anh Lệ chia sẻ.

Cán bộ Lê khắc Anh. Ảnh: Quốc Toản.

Cán bộ Lê khắc Anh - Chi nhánh Thủy lợi thị xã Nghi Sơn (Công ty TNHH 1 thành viên Sông Chu). Ảnh: Quốc Toản.

Hồ chứa nước Yên Mỹ là công trình cấp II nằm về phía Tây Nam tỉnh Thanh Hóa, cách thành phố Thanh Hóa khoảng 60km, cách bờ biển phía Đông khoảng 14km, diện tích lưu vực hồ Flv = 137km2. Hồ Yên Mỹ có nhiệm vụ, tưới cho 5.840 ha đất canh tác nông nghiệp của các xã của huyện Nông Cống và thị xã Nghi Sơn, cấp nước sinh hoạt và công nghiệp. Ngoài ra hồ còn có nhiệm vụ cắt 50% đỉnh lũ tần suất P =1% của Sông Thị Long.

Bởi vậy, việc quản lý, vận hành nguồn nước và bảo vệ hồ cũng chính là thực hiện nhiệm vụ chính trị nhằm bảo vệ quê hương, bảo đảm sản xuất mùa vụ cho nông dân. Tại cụm trực hồ Yên Mỹ, các cán bộ thay nhau túc trực thường xuyên, đặc biệt là vào mùa mưa lũ. Những ngày như vậy, cán bộ thường phải lót dạ bằng lương khô hoặc cơm nắm chấm muối vừng.  Căn bếp rộng chừng 10m2 nằm bên hông trạm trực là nơi tích trữ lương thực gồm mì tôm, trứng, cá khô, được cất giữ trong túi ni-lông hết sức cẩn thận, tránh ẩm mốc và côn trùng xâm nhập. 

Anh Lê Khắc Anh, Cán bộ Chi nhánh Thủy lợi thị xã Nghi Sơn cho biết, việc “trực chiến” vào những dịp mưa bão hoặc nắng hạn là những việc trở nên quen thuộc vào cán bộ thủy lợi. Vào mùa hạn, để có nước về, cán bộ được yêu cầu trực tại chỗ để đảm bảo nguồn nước không bị gián đoạn.

Anh Khắc Anh nhớ lại: "Năm 2020, tôi thực hiện nhiệm vụ chống hạn tại xã Đông Minh (Đông Sơn) dưới cái nóng 40°C. Áp lực hơn, nếu không bơm đủ nước cho ruộng, hàng chục ha hoa màu sẽ chết héo trong thời gian ngắn. Giữa trưa nắng, anh em thay phiên trực ở trạm bơm để ép nước lên khu vực ruộng cao.

Dòng kênh dẫn nước khi ấy ngập ngụa rác thải, có cả xác động vật chết, gây tắc dòng chảy và bốc mùi hôi thối. Tôi buộc phải lội xuống mương nước để vớt, tay cầm xác lợn chết đi chôn. Khi nước được bơm đủ lên ruộng để chống hạn, cán bộ trực ai cũng vui mừng ra mặt. Đêm hôm đó tôi không dám ăn được cơm vì ám ảnh bởi xác lợn”.

HO yen my

Hồ Yên Mỹ nhìn từ trên cao. 

Có lần anh Khắc Anh và cán bộ thủy nông phải trực qua đêm để dẫn nước về ruộng, kiêm luôn nhiệm vụ giải quyết mâu thuẫn giữa các hộ dân vì tranh chấp nguồn nước tưới.

“Nước mùa hạn hán quý như vàng, nhưng không ít hộ dân nảy sinh mâu thuẫn chỉ vì ruộng nhà bên có nước mà ruộng nhà mình vẫn hạn. Có thời điểm 12 giờ đêm, cán bộ thủy nông vẫn phải mò mẫm ngoài đồng để dẫn nước về ruộng. Sáng ra, nước đã tràn bờ, bà con tha hồ sử dụng để tưới tiêu. Khi mọi việc xong xuôi, anh em lại được cắt cử đi các vị trí khác để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chống hạn”, cán bộ Khắc Anh kể. 

Gần chục năm công tác trong lĩnh vực thủy lợi, anh Khắc Anh đã chuyển công tác 4 lần, vì nhiệm vụ của tổ chức giao phó. Lần nào chuyển công tác, anh cũng dắt díu vợ con đi theo để tiện cho việc sinh hoạt, chăm sóc gia đình. Cũng may, vợ anh cũng công tác trong ngành nên cũng phần nào thấu hiểu, chia sẻ công việc của chồng. Năm ngoái, vợ chồng anh được Công ty TNHH một thành viên Sông Chu “cấp” nhà tập thể của cơ quan để ổn định công tác và cuộc sống.

Làm nghề thủy lợi phụ thuộc vào thiên nhiên. Ông trời “bắt” làm gì thì cán bộ thủy lợi phải làm như vậy. Công việc của cán bộ thủy nông như vòng luẩn quẩn cứ lặp đi lặp lại hết năm này qua năm khác.

“Anh em tôi hay nói đùa với nhau rằng, lũ lụt mấy năm nay chủ yếu diễn ra về đêm, còn ông trời thì không mưa vào giờ hành chính, nhưng cứ hễ thứ Bảy, Chủ nhật thì lại mưa. Cho nên công việc của cán bộ thủy lợi cũng không 'cãi' được ý trời. Bất cứ khi nào có lệnh cấp trên là lên đường. Nghề thủy lợi, hôm nay nhiệm vụ này, mai nhiệm vụ khác, có mấy khi ở một nơi đâu. Nghề nào nghiệp đó mà…”, anh Khắc Anh cười.

Trên “đe”, dưới “búa”

Xả lũ hay không xả? Lựa chọn an toàn hồ đập hay đảm bảo tính mạng cho người dân khu vực hạ du? Làm thế nào để giảm thiểu thiệt hại một cách tối đa khi xả lũ? Đây là những câu hỏi luôn thường trực đối với những cán bộ làm công tác thủy lợi. Hay nói cách khác, xả lũ hay không xả là những quyết định có tính sinh – tử đối với an toàn cho hồ đập, sự an nguy của người dân và cho chính sinh mệnh chính trị của những người làm nghề.

Cũng vì "cãi' lệnh mà ông Lê Văn Thủy – Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH 1 thành viên Sông Chu có lần suýt bị cấp trên kỷ luật: “Năm đó, nước lũ dâng cao bất thường, cấp trên trực tiếp điện thoại cho tôi, giọng gấp gáp: 'Tại sao anh không chỉ đạo xả lũ? Nếu trời tiếp tục mưa to thì làm sao? Còn chần chừ gì nữa mà không ấn nút xả?'. Thời điểm đó mực nước trong lòng hồ đã trên mức nước dâng bình thường, nhưng chưa cao quá mực nước cho phép. Công trình hồ đập vẫn đảm bảo an toàn. Trong khi đó, dưới hạ du, lũ sông, lũ đồng, lũ hồ chồng nhau, đổ về kết hợp triều cường gây ngập sâu trong dân. Nếu xả nước thời điểm này thì dân nguy mất.

Do vậy, tôi quyết định lựa chọn thời điểm nước lũ ở hạ du rút dần mới xả lũ. Ở thời điểm sinh-tử, cá nhân tôi suýt bị kỷ luật vì 'cãi' lệnh cấp trên. Quan trọng hơn là, sau trận lũ, mọi thứ đều an toàn và hầu như không có thiệt hại nào xảy ra. Cuối năm đó, tôi bất ngờ được nhận bằng khen của lãnh đạo cấp trên thay vì quyết định kỷ luật”, ông Thủy cười.

Khu vực hồ Yên Mỹ. Ảnh: Quốc Toản.

Khu vực hồ Yên Mỹ. Ảnh: Quốc Toản.

Khi được hỏi về việc, nếu phải lựa chọn một trong hai phương án, hoặc xả lũ để đảm bảo an toàn cho công trình hồ đập, hoặc giữ nước để đảm bảo tính mạng cho người dân vùng hạ du, ông Thủy đáp: “Đầu tiên phải xác định an toàn cho công trình là trên hết. Bởi nếu xảy ra mất an toàn cho công trình thì gây thảm họa cho cả một vùng. Xả lũ hay không xả đều có thể dẫn đến thiệt hại, do đó, buộc những người làm công tác thủy nông chúng tôi phải tính toán khoa học để giảm thiệt hại thấp nhất.

Trường hợp, hồ đập đang ở mức an toàn cho phép thì không cần xả lũ, vì quyết định đó liên quan tới tính mạng của người dân vùng hạ du. Trường hợp, mực nước vượt quá sức chịu đựng an toàn hồ đập thì buộc phải xả. Trước khi thực hiện công việc này, chính quyền buộc phải di dân tới nơi an toàn”.

Hồ Yên Mỹ là công trình thủy lợi lớn nhất Thanh Hóa, có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc đảm bảo ổn định đời sống cho khoảng 10.000 hộ dân dưới hạ du tại các huyện Nông Cống, Nghi Sơn. Bởi vậy, việc vận hành công trình thủy lợi này được xem nhiệm vụ chính trị quan trọng và không kém phần nặng nề. Bởi thế, người làm công tác thủy lợi rất cần sự chia sẻ, thấu hiểu của người dân cũng như các cấp chính quyền trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

"Nhiều khi người ta cứ nghĩ vùng hạ du ngập là do xả lũ ở lòng hồ Yên Mỹ. Tuy nhiên, việc lũ lụt là do thiên tai, chứ không hoàn toàn là chuyện xả lũ. Việc xả lũ chỉ chiếm một lượng nước rất ít so với lượng nước từ triều cường, lũ sông, lũ đồng tràn về. Do vậy, chuyện cán bộ bị dân “chửi” là bình thường. Sau mỗi trận lũy lụt đi qua, mừng nhất là người dân không nghĩ oan cho cán bộ thủy lợi. Chúng tôi mong được sự chia sẻ thấu hiểu của người dân, cộng đồng và cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ", ông Trương Tuấn Việt - Giám đốc Chi nhánh Thủy lợi thị xã Nghi Sơn chia sẻ.

Cũng theo cán bộ Việt, mấy năm nay, tuy có khó khăn về tài chính, nhưng lãnh đạo đơn vị vẫn cố gắng động viên anh em bằng vật chất, dù ít ỏi nhưng là món quà để mọi người tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được giao phó.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cho vay theo chuỗi giá trị, kênh 'bơm vốn' giảm rủi ro trong sản xuất nông nghiệp

Hội thảo 'Thực trạng cho vay theo chuỗi giá trị tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á' thảo luận về các kinh nghiệm tín dụng nông nghiệp hiện nay.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cảnh báo: Vùng núi Bắc bộ có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất

Các chuyên gia cảnh báo, trong những ngày tới, mưa lớn có nguy cơ gây ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi Bắc bộ.