| Hotline: 0983.970.780

Nuôi tôm tự phát ở vùng Đồng Tháp Mười

[Bài 2] Càng cấm dân càng nuôi

Thứ Tư 30/03/2022 , 10:49 (GMT+7)

Đó là lo lắng từ chuyên gia và ngành nông nghiệp Long An trong quá trình chỉ đạo các địa phương vùng Đồng Tháp Mười tăng cường khuyến cáo việc dân tự phát nuôi tôm.

Do nuôi trong vùng nước ngọt nên các hộ dân ở Long An đã khoan giếng tầng nông để lấy nước có độ mặn hoặc dùng muối để nâng độ mặn cho ao nuôi tôm. Ảnh: MS.

Do nuôi trong vùng nước ngọt nên các hộ dân ở Long An đã khoan giếng tầng nông để lấy nước có độ mặn hoặc dùng muối để nâng độ mặn cho ao nuôi tôm. Ảnh: MS.

Diện tích tự phát đã lên tới hàng trăm ha

Theo chính quyền tỉnh Long An, thời gian qua, tại địa bàn các huyện Tân Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa và Thị xã Kiến Tường có 122 hộ dân với diện tích 215ha tự phát nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt.  Trong đó, tập trung chủ yếu ở các huyện Tân Hưng và Mộc Hóa.

Do nuôi trong vùng nước ngọt nên các hộ dân đã khoan giếng tầng nông (độ sâu 30 - 40m) để lấy nước có độ mặn khoảng 4-9‰, hoặc có hộ dùng muối để nâng độ mặn (20 tấn/1.000m2) cho ao nuôi tôm.

Trường hợp hộ ông Nam ở xã Tân Lập đi đầu nuôi tôm thẻ chân trắng và nhanh chóng trở nên khá giả. Từ việc chuyển hướng nuôi tôm, ông Nam còn mở thêm dịch vụ cung ứng thức ăn, con giống, thuốc thú y cho hàng trăm hộ nuôi tôm trong vùng.

Do thấy các hộ nuôi tôm đầu tiên nhanh giàu đã kích thích hàng trăm hộ dân chuyển đất trồng tràm, lúa sang nuôi tôm. Để nuôi tôm ở khu vực này rất tốn kém so với vùng nước mặn lợ phù hợp. Cứ mỗi ha ao nuôi, bình quân ban đầu phải đầu tư khoảng 700 triệu đồng, thế nhưng vẫn có nhiều hộ còn thuê ruộng của người khác để nuôi tôm.

Qua khảo sát của ngành chức năng, đa số các hộ thả giống tôm nuôi với mật độ cao, dao động từ 100 - 300 con/m2. Thời gian đầu hoạt động nuôi tôm thẻ chân trắng thuận lợi và cho lợi nhuận khá cao, với bình quân 1ha/vụ nuôi (3 tháng) thu khoảng 750 triệu đồng (chưa tính khấu hao chi phí đào ao, trang thiết bị đầu tư ban đầu). Mỗi năm, bà con thường nuôi khoảng 3 vụ và vụ nuôi nào cũng thu về lợi nhuận khá cao như vậy.

Nhiều hộ dân ở Long An mở thêm dịch vụ cung ứng thức ăn, con giống, thuốc thú y cho hàng trăm hộ nuôi tôm thẻ tự phát trong vùng. Ảnh: MS.

Nhiều hộ dân ở Long An mở thêm dịch vụ cung ứng thức ăn, con giống, thuốc thú y cho hàng trăm hộ nuôi tôm thẻ tự phát trong vùng. Ảnh: MS.

Tuy nhiên, theo Phòng NN-PTNT huyện Mộc Hoá, chính vì hoạt động nuôi tôm lợi nhuận cao gấp 10 - 20 lần so với lúa nên dẫn đến diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng tự phát tăng nóng trong thời gian qua dù đây là vùng nước ngọt. Hiện tình trạng này vẫn diễn ra rầm rộ, nhiều diện tích sản xuất lúa đến nay đã chuyển thành những ao nuôi tôm thẻ chân trắng.

Trên địa bàn huyện Mộc Hóa hiện có 68 hộ chuyển đổi từ đất sản xuất lúa sang nuôi tôm thẻ chân trắng với diện tích 115,7ha, trong đó có nhiều hộ chuyển từ nuôi cá tra giống sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Hầu hết diện tích đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng đều do nông dân tự phát chuyển đổi, không nằm trong khu quy hoạch của địa phương.

Ông Nguyễn Thanh Nam, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Mộc Hóa cho biết: “Dù nuôi tôm thẻ chân trắng mang lại thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa nhưng địa phương không khuyến khích vì khi nuôi ồ ạt sẽ gặp khó về đầu ra cũng như dịch bệnh nổ ra bất cứ lúc nào. Do đó, địa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức người dân”.

Theo ông Nam, trước tình trạng người dân tự phát nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt trên địa bàn, chính quyền huyện đã kiểm tra, thậm chí xử phạt vi phạm hành chính nhiều trường hợp chuyển diện tích lúa sang nuôi tôm ngoài quy hoạch. Tuy nhiên, đến nay cũng chỉ có huyện Mộc Hóa thực hiện xử phạt vi phạm hành chính, các địa phương còn lại chủ yếu tuyên truyền, vận động người dân không tự ý đào ao, tạo độ mặn để đưa tôm thẻ chân trắng vào nuôi trong vùng nước ngọt.

Lo con tôm thẻ đi theo vết xe đổ của con cá tra

Sau thời gian ồ ạt phá bỏ ruộng lúa để đào ao nuôi cá tra giống, đến nay nhiều hộ dân ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phải ngậm trái đắng khi đầu ra gặp nhiều khó khăn. Do giá cá xuống thấp khiến nhiều người nuôi bị thua lỗ phải bỏ ao và từ đó diện tích nuôi giảm mạnh, người dân đang phải trả giá nặng nề cho những hệ lụy của việc nuôi cá tra giống tràn lan dù chính quyền đã cảnh báo trước đó. Rất nhiều chuyên gia và chính quyền lo lắng con tôm thẻ đi theo vết xe đổ của con cá tra giống những năm 2016

Theo đó, cuối năm 2016, phong trào nuôi cá tra giống tự phát xuất hiện lần đầu tiên tại địa bàn huyện Tân Hưng.Từ địa phương này, phong trào đào ao nuôi cá tra giống trên đất lúa bắt đầu nhanh chóng lan rộng ra các địa phương khác trong vùng Đồng Tháp Mười như Tân Thạnh, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa.

Hiện nhiều hộ dân ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phải ngậm trái đắng khi đầu ra của cá tra giống gặp nhiều khó khăn nên đặt ra sự lo lắng với việc ồ ạt nuôi tôm thẻ tự phát hiện nay. Ảnh: MS.

Hiện nhiều hộ dân ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phải ngậm trái đắng khi đầu ra của cá tra giống gặp nhiều khó khăn nên đặt ra sự lo lắng với việc ồ ạt nuôi tôm thẻ tự phát hiện nay. Ảnh: MS.

Theo người dân địa phương, thời điểm đó dọc theo các tuyến kênh lớn có thể dễ dàng chứng kiến cảnh bà con đua nhau bỏ lúa để đào ao nuôi cá. Diện tích nuôi phát triển rất nhanh, từ cuối năm 2016, toàn tỉnh Long An mới chỉ có khoảng 300ha nuôi cá tra giống, đến cuối năm 2017 đã mở rộng lên đến 1.300ha và đến cuối năm 2019 con số này đã tặng trên 3.500ha.

Từng thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi vụ nuôi cá tra giống, anh Huỳnh Văn Minh (xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng) cho biết: “Hiện tôi đã phải lấp ao để quay trở lại trồng lúa vì càng nuôi càng lỗ, mỗi ao lỗ vài trăm triệu đồng là chuyện bình thường. Có nhiều người theo tôi đã lấp ao để chuyển sang trồng lúa nhưng có người còn không đủ khả năng để lấp do kinh phí khá lớn”.

Theo anh Minh, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng trên là do giá ca tra giống thời điểm đó luôn ở mức cao, dao động ở mức 40.000 - 60.000 đồng/kg đối với cá cỡ 30 con/kg; Từ 80.000 - 100.000 đồng/kg đối với cá cỡ 100 con/kg. Đồng thời, sản phẩm tiêu thụ khá dễ dàng do nhu cầu nuôi cá tra thương phẩm ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp tăng cao.

Việc đầu tư ươm nuôi cá tra giống giúp nông dân thu lợi nhuận rất lớn, trung bình mỗi năm có thể nuôi được 4 vụ, lợi nhuận đạt cả tỉ đồng/ha; thậm chí hộ nuôi có kinh nghiệm, chăm sóc tốt có thể thu lợi nhuận lên đến vài tỉ đồng/ha. Do vậy, nhiều người sẵn sàng đầu tư đào ao nuôi cá với hy vọng thu lợi trong khoảng vài năm rồi sau đó có lỗ thì buông bỏ cũng không sao.

Tuy nhiên, việc người dân liên lục mở rộng diện tích nuôi cá tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và bài học đã được rút ra từ việc nuôi cá tra giống khiến nhiều người dân thua lỗ phải trở lại nghề trồng lúa.

Việc người dân liên lục mở rộng diện tích nuôi cá tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và bài học đã được rút ra từ việc nuôi cá tra giống khiến nhiều người dân thua lỗ phải trở lại nghề trồng lúa. Ảnh: MS.

Việc người dân liên lục mở rộng diện tích nuôi cá tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và bài học đã được rút ra từ việc nuôi cá tra giống khiến nhiều người dân thua lỗ phải trở lại nghề trồng lúa. Ảnh: MS.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Long An, trước tình hình giá cả xuống thấp, người nuôi bị thua lỗ bỏ cả ao nuôi, khiến diện tích ao nuôi cá tra giống tại các huyện Đồng Tháp Mười đã giảm mạnh. Đến nay, diện tích thả nuôi chỉ còn khoảng 1.400ha, diện tích còn lại người dân đã tự san lấp để quay lại trồng lúa hoặc cây ăn quả, một phần diện tích người dân chuyển đổi sang nuôi trồng các loại thủy sản khác như cá lóc, cá rô, cá trê, tôm…

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An Đinh Thị Phương Khanh cho biết: Việc người dân đào ao, khoan giếng lấy nước mặt, bổ sung muối tạo môi trường nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng tại các huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười, dù bước đầu thuận lợi trong quá trình nuôi và cho lợi nhuận cao. Tuy nhiên, thực trạng này sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, hoạt động sản xuất nông nghiệp vùng nước ngọt.

Để quản lý tốt chất lượng cá tra giống, tạo đầu ra ổn định, Sở tiếp tục phối hợp với các huyện rà soát lại các vùng nuôi cá tra giống theo hướng tập trung. Đồng thời, tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn các quy trình giải pháp kỹ thuật tiên tiến, mật độ thả nuôi phù hợp, sử dụng thuốc, hóa chất đúng theo quy định…

“Thời gian qua, Sở NN-PTNT đã kiến nghị UBND tỉnh Long An tiếp tục chỉ đạo không cho phép nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt có sử dụng muối, khoan giếng lấy nước mặt để tạo môi trường nước lợ nuôi tôm. Đồng thời, đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý kịp thời hoạt động chuyển đổi đất từ trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản không đúng theo quy định pháp luật”, bà Đinh Thị Phương Khanh cho biết.

Xem thêm
Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối nhiều ngày, ngư dân khốn đốn

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối khiến ngư dân như ngồi trên đống lửa. Nhiều chủ tàu cập cảng tại Quảng Trị rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.