| Hotline: 0983.970.780

Bản án của tòa xẻ dọc căn nhà tình nghĩa

Thứ Sáu 15/01/2021 , 11:26 (GMT+7)

Căn nhà tình nghĩa xây tặng bà Mẹ Việt Nam anh hùng Huỳnh Thị Khéo vào năm 1987. Nay, TAND huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ) ra phán quyết xẻ dọc căn nhà cho người khác?

Ông Trần Văn Chính đứng ở sân căn nhà tình nghĩa, có mái tôn từ nhà ông Khương chìa sang hơn một mét

Ông Trần Văn Chính đứng ở sân căn nhà tình nghĩa, có mái tôn từ nhà ông Khương chìa sang hơn một mét

Mẹ Việt Nam anh hùng Huỳnh Thị Khéo, ở ấp Đông Phước, xã Đông Hiệp (Cờ Đỏ, Cần Thơ), sinh sống trên đất tổ tiên để lại. Hồi mới giải phóng, đây là vùng xa xôi, cách trở; nhưng chính quyền đã quan tâm đến gia đình chính sách.

Ông Lê Hoàng Y làm Chủ tịch UBND rồi Bí thư xã Đông Hiệp từ năm 1984 đến 1993 xác nhận: “Năm 1987, chính quyền đã cất cho bà Khéo căn nhà tình nghĩa rộng 45 m2 từ 2 m3 gỗ dầu do huyện cấp xuống, trên đất của bà Khéo”.

Chủ tịch UBND xã tiếp theo là ông Nguyễn Thanh Sơn và ông Bùi Ngọc Châu nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, ông Nguyễn Văn Đầy - nguyên Trưởng ấp Đông Phước xác nhận thêm, năm 2003, căn nhà gỗ của bà Khéo xuống cấp, chính quyền cất lại căn nhà tường vẫn tại vị trí cũ.

Nội dung xác nhận ở trên được các vị đương chức Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Mến và Trưởng ấp Hồ Văn Dư chứng thực. Quá trình xây dựng và sửa chữa căn nhà tình nghĩa không xảy ra tranh chấp đất với láng giềng.

Khu đất tổ tiên để lại cho bà Khéo rộng 5.555 m2, gồm 1.665 m2 thổ cư và 3.890 m2 đất lúa, sổ đỏ làm năm 1991. Năm 2003, bà Khéo qua đời, để lại căn nhà tình nghĩa và đất cho con trai Trần Văn Chính sinh năm 1949. Ông Chính ở nhà riêng kế bên, căn nhà tình nghĩa làm nhà thờ. Gia đình ông Chính cùng láng giềng sinh sống hòa thuận nhiều năm.

Ngày 22/10/2020, TAND quận Cờ Đỏ xử sơ thẩm vụ án “tranh chấp ranh giới giữa các bất động sản liền kề”, do ông Nguyễn Văn Khương là láng giềng với ông Chính khởi kiện. Nội dung kiện, đòi ông Chính trả lại đất.

Theo đơn khởi kiện, ông Khương được cha mẹ để lại 1.000 m2 đất giáp ranh đất bà Khéo và cũng có sổ đỏ năm 1991. Năm 2003, chính quyền cất lại căn nhà tình nghĩa cho bà Khéo thì ông Chính đã “xin ở nhờ trên một phần diện tích đất của ông Khương, cam kết khi bà Khéo qua đời thì giao lại”. Thế nhưng, sau khi bà Khéo qua đời, ông Chính không giao lại phần đất “xin ở nhờ” nên ông Khương kiện đòi.

Tại tòa, ông Chính yêu cầu ông Khương cung cấp chứng cứ “xin ở nhờ” thì ông Khương không có. Ông Chính khẳng định, tổ tiên ông để lại đất rộng nên không xin ở nhờ đất của ông Khương, hơn nữa, căn nhà tình nghĩa được chính quyền cất đàng hoàng trên đất không tranh chấp và căn nhà tình nghĩa cất năm 2003 là trên nền đất căn nhà tình nghĩa cất năm 1987.

Trước khi xét xử, tòa án tổ chức đo đạc, đất của ông Khương sổ đỏ ghi 1.000 m2 nhưng thực tế chỉ có 756,9 m2, thiếu 243,1 m2. Còn thửa thổ cư của ông Chính được bà Khéo để lại sổ đỏ ghi 1.665 m2 nhưng thực tế 1.769,3 m2, thừa 104,3 m2.

Tòa nhận định “có căn cứ để xác định phần tranh chấp diện tích 102,9 m2 thuộc ông Khương” nên quyết định “chấp nhận yêu cầu khởi kiện đòi lại đất của nguyên đơn”, buộc ông Chính phải trả lại cho ông Khương 102,9 m2.

Theo phán quyết của tòa sơ thẩm thì ranh giới đất giữa ông Chính và ông Khương đã chẻ dọc căn nhà tình nghĩa. Bởi ranh giới đó vượt qua ranh giới hiện hữu khoảng 3,5m, trong lúc căn nhà tình nghĩa cất sát ranh, rộng 4,5 m, dài chục mét.

Sau tuyên án sơ thẩm, ông Chính đã có đơn kháng cáo, đề nghị cấp phúc thẩm “xác định lại nguồn gốc đất và căn nhà tình nghĩa từ đâu có; đo đạc lại toàn bộ diện tích đất liên quan, để bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn”.

Kèm đơn kháng cáo, ông Chính nộp nhiều giấy tờ xác nhận việc xây dựng căn nhà tình nghĩa từ năm 1987. Ông Chính nói thêm với phóng viên về nguyên nhân dẫn đến tranh chấp đất, năm 2015, ông Khương cất nhà cho chìa mái tôn sang phần sân phía trước căn nhà tình nghĩa, ông Chính yêu cầu sửa nhưng ông Khương không sửa mà làm đơn kiện.

“Trước đó, hai gia đình sống hòa thuận, không tranh chấp gì cả”, ông Chính nói.

Về vụ kiện, luật sư Hà Vi Cẩm là Trưởng văn phòng luật sư Hà Vi Cẩm (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ) bày tỏ quan điểm: Việc cấp sổ đỏ năm 1991 với diện tích đất không đúng thực tế thường xảy ra bởi nhiều nguyên nhân, có cả kỹ thuật lạc hậu. Khi so sánh với sổ đỏ, một người thiếu đất và cho rằng do một láng giềng lấn chiếm mà không có chứng cứ là không thuyết phục.

“Theo tôi cần thiết đo lại diện tích đất bốn phía láng giềng của ông Khương, đồng thời xác định ranh giới với các chứng cứ lâu năm tồn tại như nhà ở, cây cổ thụ chứ không thể suy luận một chiều. Như thế, phán quyết mới tâm phục khẩu phục”, luật sư Cẩm nói.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.