Trăm thứ hội
Về quê những ngày này đâu cũng cờ phướn giăng ngập ngõ, chiêng trống khua vang trời. Trong các ngày hội làng mặt ai cũng bừng bừng, dáng ai cũng tất bật. Những cái loa thùng đọc choang choang một danh sách công đức rất dài, đọc đến khi người nào không có tên phải phát ngượng mà rút hầu bao mới thôi.
Một năm nông dân mất chừng hai tháng cho ruộng đồng nhưng cũng mất chừng đó thậm chí còn hơn cho tíu tíu việc làng, việc hội. Hội chính quy có Mặt trận Tổ quốc, Hội nông dân, Hội phụ nữ, Hội người cao tuổi, Hội cựu chiến binh, Đoàn thanh niên mỗi năm tổng kết một lần, hội viên thường đóng 50 - 100.000 đồng để đánh nhắm.
Hội làng, hội chùa thì đâu đâu cũng có chưa kể các loại hội tự phong khác như đồng niên, đồng môn, đồng ngũ, đồng nghề, đồng hương, liên gia mà sôi nổi nhất có lẽ là đồng niên.
Bà Nguyễn Thị Hiệp, Phó thôn Đa Đinh (An Bình, Nam Sách, Hải Dương) thống kê cụm dân cư số 2 có hai hội tuổi Mùi (Mùi giáp trên, Mùi giáp dưới), hai hội tuổi Tỵ (hội Tỵ Đinh, hội Tỵ Quý), một hội tuổi Thân, một hội tuổi Dần, một hội tuổi Thìn…
Hội nào hoạt động đều cần kinh phí đóng góp của hội viên nhưng tốn tiền chỉ là bề nổi, hội hè, đình đám còn tốn một khoản lớn mà nhiều người không nhìn ra đó là thời gian, là tâm trí không còn nghĩ đến chuyện làm ăn nữa.
Ông bà Nguyễn Huy Trì - Lệ Thị Hạt thuộc vào diện nghèo trong làng nên chỉ dám tham gia Hội nông dân và hội đồng niên. Hội nông dân họp một năm một lần còn hội đồng niên họp một năm tới hai lần.
Ngoài ra một năm ông bà dự 5-6 đám ma, 20 đám cưới (họ hàng tham gia hai ngày, người làng tham gia một buổi), 6-7 lần giỗ chạp hai bên nội ngoại tổng cộng mất khoảng hai tháng trời.
Ông co thắt phế quản mãn, mắt kém, tai điếc còn bà bệnh tim lê la hết bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh rồi bệnh viện Trung ương. Nhà trồng 1,3 sào hành nhưng càng cắt càng lỗ, nuôi 10 con lợn lại dính dịch phù đầu thâm thủng thêm 7 triệu đồng.
Thương bố mẹ già hay quặt quẹo đau yếu đám con cái thỉnh thoảng cho ông bà dăm ba trăm ngàn dưỡng bệnh nhưng tiền đó cứ phải bòn rút ra mà đi đình đám.
Anh Nguyễn Huy Trung, một hộ nông dân nghèo khác trong làng, vợ công nhân giày da, chồng lao động xuất khẩu. Không may là trong lúc bay chưa đến nước người, anh lên cơn đau tim phải mổ gấp ngay nơi quá cảnh. Cục nợ tiền đi xuất khẩu cộng thêm cục nợ tiền mổ khiến nó phình lên thành 400 triệu đồng.
Về làng, dù có chiếc máy trợ giúp chạy bằng pin đặt trong ngực nhưng trái tim của anh Trung vẫn đập loạn nhịp khi thấy có bóng ai đến mời tham dự hội hè, đình đám.
Lặn lội kiếm tiền
Nhiều làng quê vào buổi ngày như bị bỏ hoang, cửa đóng im lìm, toàn tiếng chó sủa, thoảng mới có một vài bóng người già cùng với sắp nhỏ.
Cánh thanh niên, trung niên giờ đi rỗng làng. Việc giáo dục con cái phó thác cho các ông bà già mắt kém, tai nặng. Họ chỉ biết chăm sao cho cháu khỏe mạnh còn ngoan ngoãn, học giỏi thì lực bất tòng tâm.
Thầy Nguyễn Xuân Tấn, Hiệu trưởng Trường THCS An Sơn (xã An Sơn, Nam Sách, Hải Dương) buồn bã bảo với tôi rằng chất lượng giáo dục dạo này xuống thấy rõ.
Trước tỷ lệ học sinh khá giỏi của trường chiếm trên 50% nhưng gần đây rơi xuống còn khoảng 40% (thi cử nghiêm ngặt còn giảm hơn nữa), lưu ban nhiều, nói tục, chửi bậy phổ biến.
Có những em đến lớp 6 rồi mà vẫn không thể đọc trôi chảy nên nhà trường phải kiến nghị với bậc tiểu học mở lớp… tập đọc, dạy lại các phép tính đơn giản lúc vào hè.
Nghịch lý là trong phong trào nông thôn mới, nhiều công trình tiền tỉ được dựng xây nhưng người ta lại bỏ quên sân chơi cho thiếu nhi.
Nhà văn hóa ư? Làng nào giờ cũng có nhưng chủ yếu phục vụ cho hội họp. Thư viện ư? Xã nào cũng hiện diện với lèo tèo dăm ba chục cuốn sách báo cũ, họa hoằn mới thấy mở cửa. Thiếu sân chơi nên nhiều trẻ em nông thôn tìm đến game, đến facebook hay các trang mạng xã hội để bù đắp.
Quán internet mọc lên như nấm, chật cứng game thủ mặt cúi gằm lắc lư theo những âm thanh bùm chéo của các trò bắn giết hay uốn éo theo điệu nhạc dậm dựt của các trò nhảy audition.
Lờ mờ nhận ra tác hại của game nên đã từng có những đề xuất kiểu như cắt đường truyền sau 23 giờ, dịch chuyển cửa hàng internet xa trường học 200m nhưng cũng chỉ là trên giấy mà thôi.
Sống ngập trong môi trường ô nhiễm chật cứng các tệ nạn, các trò vô bổ nên học trò sa đà bỏ học hay dính vào tệ nạn cũng là lẽ thường tình.
Phỏng vấn nhanh học sinh lớp 9C trường THCS An Sơn do cô giáo Phạm Thị Kế Nghiệp dạy, có 2/3 học sinh trả lời rằng bố mẹ mình thường đi làm từ 6 giờ sáng đến 9 tối mới về. Vậy ai quản lý những học sinh này ở nhà?
Đặng Đình Đức vốn là cậu học trò thông minh nhưng dạo này học hành sa sút. Tôi cùng cô Nghiệp về nhà em để gặp hai phụ huynh là Đặng Đình Đạo và Nguyễn Thị Nhàn.
Hỏi cả hai rằng con mình học lớp nào, người bảo lớp A, người bảo lớp B đến khi cô Nghiệp nói lớp C thì ông bố gượng gạo: “Chắc nó mới chuyển lớp”. Cô Nghiệp phân bua: “Không, cháu học suốt từ 7C, 8C đến 9C”.
Tôi nào có dám trách người cha khi quỹ thời gian của anh một tháng 20-25 ngày xách vữa, sơn nhà từ 6 sáng đến 7-8 giờ tối. Tôi nào có dám trách người mẹ khi phải làm 7 ngày/tuần, 30 ngày/tháng tại một nhà máy giày da đến thời gian uống nước, ăn cơm hay đi vệ sinh cũng bị quản lý.
Một lớp học ở nông thôn
Có những bậc phụ huynh vì bức xúc quá đã xách can xăng đến trước quán game của làng rồi hét lớn: “Một là mày dẹp kinh doanh trò chơi điện tử đi, hai là tao sẽ đốt quán rồi chấp nhận vào tù”. |
Giấc ngủ trưa của chị vo tròn trên tấm áo mưa trải xuống nền để chiều lại tiếp tục tăng ca. Phải nhịn quà, nhịn uống nước chị mới có 100.000 đồng tiền công mỗi ngày.
Hễ về nhà cả hai lại lăn ra mà làm bởi một mẫu ao cá đói đang chờ, một mẫu ruộng sâu sia, cỏ giả đang đợi. Đến bữa ăn nhiều khi bố mẹ và con cái cũng chẳng giáp mặt nhau. Hai đứa trẻ được thả rông ở nhà, lắm buổi chúng đi ngủ với bàn chân lấm lem bùn đất, với bát cơm nguội chỉ vợi một nửa trên mâm.
Lặn lội đi lần tiền như thế nên trăm sự dạy dỗ đều nhà trường. Chỉ đến khi bị cô giáo thông báo về kết quả học tập của thằng Đức, chị Nhàn mới hoảng quá mà xin nghỉ làm, về nhà chuyên tâm ruộng đồng, quản lý con cái.
Chép miệng chị bảo: “Tu ít đức còn để lại cho con còn tu ít tiền là hỏng con, hỏng cái chú ạ!”.
Đấy là những bậc phụ huynh còn sớm tỉnh ngộ. Lớp 9C vỏn vẹn 26 học sinh thì đã có hai em bỏ nhà đi, trong đó một bỏ học vĩnh viễn, một đi ở bụi ngay tại một chiếc lều vịt hoang giữa cánh đồng.
Đói em gặm mì tôm ăn, khát em xuống uống nước máng. Điều đáng nói là em này vốn là một học sinh nữ có học lực giỏi của lớp. Ở lứa tuổi dở trẻ con dở người lớn này đôi khi chỉ vì một hành động hay lời nói không tế nhị chúng cũng sẵn sàng bỏ nhà ra đi.
Nguyễn Thị M ở xã TX vốn là học sinh ngoan trong mắt bố mẹ cho đến một ngày đang học lớp 9 bỗng dưng bỏ đi. Bố mẹ đỏ mắt tìm con khắp nơi đến khi thấy mới ngã ngửa ra trước cảnh tượng sống bầy đàn nguyên thủy gồm ba đứa con gái cùng bảy đứa con trai.
Xềnh xệch lôi con về được một chặp, M lại tót đi. Lần này em không sống kiểu bầy đàn nữa mà định cư hẳn ở một quán đèn mờ. Bố mẹ em phải nhờ cậy “đầu gấu” đến dậm dọa, chủ quán mới chịu “nhả” miếng mồi ngon.
Sau chuỗi ngày mưa gió, M tiếp tục học nốt chương trình lớp 9 rồi đi làm công nhân…