Cô kính mến!
Chắc cô không còn nhớ cháu. Mười mấy năm qua rồi. Cháu từng tìm đến cô thời Internet mới thông dụng. Giờ cháu đã ngũ tuần, còn cô thì gần bảy mươi rồi, nếu cháu nhớ không nhầm.
Cô ạ, bố mẹ cháu chia tay khi hai chị em cháu còn bé. Đứa ở với mẹ, đứa sống với bố. Hồi ấy cháu cứ thấy bố mẹ lủng củng, rồi gay gắt dần, mẹ có ai đó rồi những ai đó khiến bố điên dại vì ghen. Bố là người có tiếng trong giới của bố nhưng bố không biết cách chung sống với một người đàn bà cô ạ, nhất là người đàn bà ấy sinh ra không chỉ để cho một người đàn ông.
Em cháu tội lắm cô, nó học không thành, trộm vặt và nghiện, đi trại, ra trại rồi bị HIV/AIDS và chết cô ạ. Khi ấy em mới 18 tuổi. Cháu tìm đến cô khi cuộc hôn nhân đầu của cháu nguy cơ đổ vỡ vì nhà chồng vốn coi thường bố mẹ cháu. Cháu cố làm vợ làm dâu tận tụy nhưng không sao khiến họ đánh giá đúng cháu và bố mẹ cháu. Đành chia tay, chia con. Như cảnh bố mẹ ngày xưa, con trai lớn theo bố, con gái nhỏ theo mẹ.
Cháu vùi đầu vào công việc, để quên bất hạnh và để có nhiều tiền cho tương lai của con. Cháu gặp một người ngoại quốc, hiểu và yêu cháu thật lòng. Sống như vợ chồng tạm, như bạn, nhưng bạn ấy cũng có những đứa con để đi về, canh cánh.
Nhưng họ thoáng đến mức bạn ấy mỗi năm đi nghỉ với vợ cũ và các con một lần. Đều đặn. Vài năm cháu chấp nhận nhưng đến năm thứ ba và thứ tư, cháu lên tiếng, cháu không thoải mái với việc đó. Thế là chia tay. Nhẹ nhàng.
Cháu có vài ba người đàn ông Việt mình làm bạn nhưng đàn ông Tây thoáng đến mức mình không an tâm khi họ cứ như thế như thế, còn đàn ông Việt thì cứ như ông chồng đầu tiên của cháu, ích kỷ, gia trưởng, ki bo, nhỏ nhặt, chém gió…
Nhưng cháu chưa già, cháu còn những 20 năm để thực sự già. Một người bạn gái thân phán rằng, cái bóng ly dị của bố mẹ ám cháu suốt đời, khó thoát được sự lận đận này. Đúng không cô?
----------------------
Cháu thân mến!
Cô có nhớ ang áng rằng mẹ cháu có chất Thị Màu, hình như cháu đã viết thế, trong khi bố chỉ biết công việc và công việc của bố như ngói khô. Đành vậy. Không hiểu sao họ đến với nhau được nữa. Như nước và lửa chứ không phải như đất và trời.
Từ kinh nghiệm mình, cô nghiệm ra, các con của mình chông chênh khi bố mẹ từng đổ vỡ. Các con sợ hãi cảnh ấy nên chúng hết sức níu kéo hôn nhân mỗi khi gia đình nhỏ của chúng bên bờ vực. Và dĩ nhiên, các thông gia ban đầu, theo thói thường, có ý coi thường gia tộc lắm cha nhiều mẹ. Người Việt mình lạc hậu, quá nhiều phức tạp do tâm lý Á Đông, nhược tiểu, thấp kém.
Cháu đã phải ly dị và chia con. Một số phận lồng trong số phận ba mẹ. Có bị ám như cháu hỏi cô không? Không ai ám nhưng để vượt qua cái bóng của ba mẹ, khó lắm, gian nan lắm, có người làm được để “cải số”, có người không, và cứ thế, chuyện ly dị cứ dắt dây, lồng ghép.
Cháu đã đi những bước thường tình của người đàn bà tự do. Yêu và sống với một người ngoại quốc. Cháu không trụ được, vì văn hóa Đông – Tây nó khác nhau ở hành xử sau khi ly dị. Ở ta, coi như người lạ, xáp lại hay cãi nhau vì con cái. Ở họ, như bạn, vui vẻ, văn minh, nhưng cũng không ít người chòng chành với nhau và thử ngủ lại với nhau nữa chứ.
Cuộc đời đang xế nhưng cháu ạ, 20 hoặc 30 năm nữa, quá dài. Cháu hãy thoải mái. Làm bạn mà không định gì nữa cả, hôn nhân cũng không cần, bạn ta hay bạn tây có sao đâu. Rồi cháu sẽ lục tuần, sẽ “yên bề” với háo hức. Nghĩa là còn tung hoành được hãy cứ tung hoành, không vì bất kỳ quá khứ của bố mẹ hay của chính mình mà quên vui sống.
Đời người thoáng chốc. Cô đã gần 70, cô đang góa, cô không khuyên ai “tiết hạnh khả phong” với ai cả, vì tầm tuổi cô thì muốn gì nữa cũng không được. Nhé, không ám ảnh, không ai có lỗi, phía trước cháu vẫn thênh thang.