| Hotline: 0983.970.780

Bất ổn tại Quỹ bình ổn giá xăng dầu [Bài 3]: Đầu tư bất động sản

Thứ Sáu 20/10/2023 , 15:50 (GMT+7)

Nhiều doanh nghiệp đầu mối xăng dầu sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để đầu tư lĩnh vực khác và bị 'mắc kẹt' khiến tình hình kinh doanh thua lỗ.

Người dân từng khốn khổ thời điểm giá xăng dầu lên cao thời điểm đầu năm 2022, các cây xăng đóng cửa không bán hàng. Ảnh: Ngọc Cương.

Người dân từng khốn khổ thời điểm giá xăng dầu lên cao thời điểm đầu năm 2022, các cây xăng đóng cửa không bán hàng. Ảnh: Ngọc Cương.

Sử dụng sai mục đích Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, tính đến hết quý I/2023, 4 doanh nghiệp đầu mối bị thanh tra đang nắm giữ hàng trăm tỷ đồng từ Quỹ bình ổn giá. Cụ thể, trong số 33 doanh nghiệp đầu mối, Petrolimex có số dư hơn 3.000 tỷ, chiếm hơn 43%; Công ty TNHH Vận tải Thủy bộ Hải Hà giữ số dư Quỹ lớn thứ 2 với tổng số 595 tỷ đồng. Đứng thứ 3 là Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức, đơn vị tồn quỹ lên đến 428,7 tỷ đồng.

Công ty TNHH Thương mại Vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil (đơn vị vừa có hai nữ lãnh đạo bị khởi tố) hiện đang nắm giữ tại ngày 31/3/2023 là 219,9 tỷ đồng. Công ty TNHH Sản xuất thương mại Hưng Phát là 71,29 tỷ đồng.

Số liệu mới nhất của Bộ Tài chính tính đến ngày 31/7/2023, số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu đã đạt tới 7.438 tỷ đồng, tăng gần 1,8 lần so với số dư vào cuối năm 2022 và là mức cao nhất từ quý I/2021 cho tới nay. 

Nguyên nhân của việc Quỹ tăng mạnh nhờ cơ quan quản lý liên tục trích lập và hầu như không chi sử dụng quỹ. 

Nghịch lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu dư ngàn tỷ, trích quỹ nhỏ giọt. Ảnh: Dân trí.

Nghịch lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu dư ngàn tỷ, trích quỹ nhỏ giọt. Ảnh: Dân trí.

Như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã thống kê, tính từ đầu năm 2023, dù thị trường có nhiều biến động nhưng tần suất sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để can thiệp thị trường hầu như không có trong khi cơ quan quản lý đều đặn yêu cầu doanh nghiệp thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn để gia tăng số dư.

Mặt hàng xăng E5 RON92, trong 26 kỳ điều hành từ đầu năm đến nay, cơ quan quản lý chỉ chi sử dụng vỏn vẹn 3 lần với mức chi 350 đồng, 121 đồng và 850 đồng/lít cho 3 kỳ điều hành đầu tiên của năm 2023. Mức trích sử dụng Quỹ với xăng RON95 cũng chỉ được áp dụng 3 lần trong các ngày trên với mức chi 400 đồng, 103 đồng và 950 đồng/lít (tổng cộng 1.453 đồng/lít). Dầu disel và dầu hỏa chỉ được trích sử dụng quỹ một lần duy nhất với mức trích 400 đồng/lít vào ngày 1/8/2023. Dầu mazut cũng được trích sử dụng 3 lần với số tiền 100 đồng, 300 đồng và 150 đồng/lít.

Kỳ điều chỉnh giá xăng dầu gần đây nhất (ngày 11/10 vừa qua) là kỳ điều chỉnh hiếm hoi xăng dầu “giảm sâu” vượt con số 1.500 VNĐ/lít đối với xăng; dầu điêzen 0.05S giảm 1.184 đồng/lít.

Theo thống kê từ đầu năm đến nay, số tiền trích lập vào Quỹ bình ổn với xăng RON 95-III là hơn 3.200 đồng/lít; E5 RON 92 trên 3.400 đồng/lít. Với dầu diesel khoảng 6.900 đồng; dầu hỏa lần lượt và 5.700 đồng/lít. Còn dầu mazut đã trích 2.700 đồng/kg vào quỹ. Ở chiều ngược lại, số chi sử dụng từ quỹ cho RON 95-III là hơn 1.400 đồng và 1.320 đồng/lít với RON 95-III và E5 RON 92. Các mặt hàng dầu được chi 300-700 đồng/lít, kg tùy loại trong 7 tháng qua.

Nhiều doanh nghiệp đầu mối chiếm dụng Quỹ đang là thực tế, không còn là "nguy cơ" như chuyên gia cảnh báo. Ngoài vấn đề về bất cập trong bình ổn giá, việc vận hành Quỹ hiện nay cũng đang có lỗ hổng. Thực tế, Quỹ nằm ở doanh nghiệp và định kỳ doanh nghiệp báo cáo cơ quan quản lý. Tuy nhiên, quản lý số tiền thực còn trong quỹ là khó khăn khi doanh nghiệp hoàn toàn có thể rút ra để đầu tư hoặc sử dụng cho mục đích khác. Quỹ càng lớn, lợi nhuận cho doanh nghiệp càng lớn khi có thể “mượn tạm” để làm vốn kinh doanh, đầu tư trái phiếu, chứng khoán, bất động sản hoặc mua bán nông sản… Xuyên Việt Oil là một ví dụ.

Các chuyên gia đề xuất, những doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có đầu tư bất động sản, đang bị mắc kẹt với bất động sản và trái phiếu trong các năm 2021-2022, việc quản lý, giám sát quỹ sẽ là vấn đề rất đáng chú ý khi nhiều đơn vị có kết quả kinh doanh không thuận lợi. Các cơ quan quản lý thực hiện kiểm tra, giám sát việc sử dụng quỹ bình ổn giá cần chú ý tới những đầu mối không có website, không nhập đủ hạn mức xăng dầu được phân giao, nợ thuế lớn nhưng đồng thời có các hoạt động đầu tư bất động sản, trái phiếu, nông sản quy mô lớn (như Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà; Công ty Cổ phần xăng dầu và dịch vụ Hàng hải STS; Công ty TNHH sản xuất thương mại Hưng Phát; Công ty Cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm; Công ty CP Phúc Lộc Ninh…).

Tính đến ngày 11/9, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) còn dư QBO 3.156 tỷ đồng. Số tồn quỹ tại PVOil vẫn đang bị âm với tổng 61,59 tỷ đồng. Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí TPHCM (Saigon Petro) tồn dư quỹ 329 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Hóa dầu Quân đội (MIPEC) dư quỹ 121 tỷ đồng, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Hòa Khánh còn dư quỹ hơn 165,6 tỷ đồng; Tổng Công ty TM XNK Thanh Lễ còn dư quỹ hơn 398 tỷ đồng…

Đề xuất bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu

Những bất ổn tại Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã được Bộ Tài chính đề xuất xóa bỏ, để giá cả xăng dầu vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường. Tại Dự thảo Luật Giá (sửa đổi), Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý đối với dự trong đó có kiến nghị Chính phủ xem xét bỏ Quỹ bình ổn giá để giá xăng dầu được vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường.

Bộ Tài chính đề xuất danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá sẽ được giao thẩm quyền cho Chính phủ quy định chi tiết trên cơ sở các nguyên tắc chặt chẽ được quy định tại Luật. Đồng thời, tăng cường phân công, phân cấp, rõ trách nhiệm trong việc triển khai bình ổn giá trên phạm vi cả nước và trên địa bàn.

Cơ quan chức năng kiểm tra nguồn xăng dầu tại một doanh nghiệp. Ảnh: TPO.

Cơ quan chức năng kiểm tra nguồn xăng dầu tại một doanh nghiệp. Ảnh: TPO.

Theo Bộ Tài chính, bình ổn giá được xác định là một biện pháp nhằm ứng phó với những biến động bất thường của giá cả trong những bối cảnh kinh tế xã hội nhất định. Bám sát nội dung chính sách đã xây dựng, dự thảo Luật Giá (sửa đổi) đã quy định chi tiết hơn các nguyên tắc bình ổn giá tại Điều 16 và cụ thể hóa các trường hợp áp dụng bình ổn giá bao gồm "trường hợp giá của hàng hóa, dịch vụ tăng quá cao hoặc giảm quá thấp trong một khoảng thời gian ảnh hưởng đến kinh tế xã hội, sản xuất kinh doanh, mặt bằng giá thị trường hoặc trong trường hợp dịch bệnh, thiên tai hoặc khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp theo quy định tại Luật tình trạng khẩn cấp".

Đối với các biện pháp bình ổn giá cơ bản được kế thừa như Luật hiện hành, tuy nhiên Bộ Tài chính đã đưa ra một số điều chỉnh theo nội dung chính sách.

Cụ thể, bỏ các quy định về lập và sử dụng quỹ bình ổn giá. Hiện nay chỉ tồn tại Quỹ bình ổn giá xăng dầu, tuy nhiên gắn với quy định về đưa mặt hàng này vào diện quản lý theo giá tham chiếu thì đã có thể xem xét bỏ quỹ bình ổn giá để giá xăng dầu được vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường và tôn trọng các nguyên tắc thị trường.

Theo quy định hiện hành, Quỹ bình ổn giá xăng dầu là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước, là một yếu tố cấu thành giá cơ sở và chỉ được sử dụng để phục vụ mục tiêu ổn định thị trường, bình ổn giá xăng dầu trong nước theo quy định của pháp luật. Quỹ này được trích lập thường xuyên, liên tục bằng một khoản tiền cụ thể, cố định trong giá cơ sở.

Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết, Liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ điều chỉnh mức trích lập, thời điểm trích lập quỹ cho phù hợp với biến động của thị trường và có thông báo bằng văn bản để các thương nhân đầu mối thực hiện.

Thời gian qua, trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng mạnh, nhằm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân, hạn chế mức tăng giá xăng dầu, trong các kỳ điều hành giá xăng dầu, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã thực hiện chi sử dụng quỹ liên tục cho các mặt hàng xăng và dầu nhưng mức chi khá nhỏ giọt và hạn chế, tuỳ từng mặt hàng.

Cơ chế quản lý tài chính sai từ gốc

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, việc doanh nghiệp đầu mối xăng dầu không nộp tiền vào Quỹ bình ổn đã được dự báo ngay khi thành lập quỹ. Bất ổn xuất phát từ quy định, số tiền trích Quỹ bình ổn do doanh nghiệp quản lý, trong khi cơ quan chức năng là người quyết định việc sử dụng quỹ. Hiện nay, có mấy chục đầu mối kinh doanh xăng dầu, cơ quan chức năng khó có thể thanh tra, kiểm tra hết các đầu mối trong việc trích lập quỹ.

Ông Ánh nhấn mạnh, việc cơ quan chức năng yêu cầu doanh nghiệp tự quản lý tiền trích lập Quỹ bình ổn, điều này đi ngược với nguyên tắc sử dụng tiền của doanh nghiệp, không doanh nghiệp nào để tiền nhàn rỗi nằm ở Quỹ bình ổn. Cơ chế quản lý tài chính của quỹ sai từ gốc, tạo nên xung đột giữa quản lý tài chính của Nhà nước và quản lý tài chính của doanh nghiệp. Hai mục tiêu này khác nhau dẫn đến việc quản lý, vận hành khác nhau.

“Bộ Công thương vừa kiểm tra việc trích lập Quỹ bình ổn đã phát hiện sai phạm. Nếu tiếp tục thanh tra, kiểm tra, cơ quan chức năng có thể phát hiện thêm sai phạm tương tự. Sai phạm này thêm một bằng chứng về bất cập của quản lý Quỹ bình ổn xăng dầu và cần phải loại bỏ”, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhận định.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.