| Hotline: 0983.970.780

Bất ổn tại Quỹ bình ổn giá xăng dầu [Bài 2]: Kiểm toán cảnh báo việc chiếm dụng

Thứ Năm 19/10/2023 , 09:39 (GMT+7)

Kiểm toán từng cảnh báo Quỹ bình ổn giá bị chiếm dụng. Nhiều đầu mối kinh doanh xăng dầu vướng vòng lao lý, nợ thuế ngàn tỷ… khiến Quỹ có nguy cơ bị vỡ.

Xăng dầu liên tục điều chỉnh giá. Ảnh: Pháp luật Việt Nam.

Xăng dầu liên tục điều chỉnh giá. Ảnh: Pháp luật Việt Nam.

Cảnh báo doanh nghiệp chiếm dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu

Năm 2017, Kiểm toán Nhà nước đã ban hành Báo cáo Kiểm toán chuyên đề việc trích lập, quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu và công tác quản lý, điều hành giá xăng dầu giai đoạn 2015-2016.

Bài liên quan

Kết luận chỉ rõ một số “lỗ hổng” trong việc sử dụng, quản lý Quỹ bình ổn. Đó là nhiều doanh nghiệp đầu mối chưa công bố về số trích lập, số sử dụng và số dư Quỹ hàng tháng và trước mỗi lần điều chỉnh giá; chưa cung cấp hồ sơ tài liệu chứng minh việc đã báo cáo Bộ Công thương (Vụ Thị trường trong nước) tình hình (số dư, số trích, số sử dụng, lãi phát sinh Quỹ ngày 25 hàng tháng và tổng hợp báo cáo khi kết thúc năm tài chính gửi Liên Bộ Tài chính - Công thương theo quy định).

Tại thời điểm đó, Kiểm toán Nhà nước cũng cảnh báo có tình trạng chưa chuyển tiền trích Quỹ bình ổn giá vào tài khoản riêng tại ngân hàng, đơn cử như Công ty Nam Sông Hậu đã bị kiểm toán điểm tên.

Vai trò và hiệu quả của việc hình thành, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu có những hạn chế nhất định do việc điều hành Quỹ của cơ quan có thẩm quyền còn hạn chế, Kiểm toán Nhà nước nhận định.

Trước đó, năm 2011, Kiểm toán Nhà nước cũng hoàn tất kiểm toán việc trích lập quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu. “Việc để Quỹ tại doanh nghiệp có những hạn chế về tính minh bạch, dễ bị doanh nghiệp lạm dụng để sử dụng vào mục đích khác, rủi ro đối với Quỹ cao mà không có biện pháp phòng ngừa, không tách bạch được các khoản lãi từ Quỹ mang lại”, Kiểm toán lưu ý.

Kiểm toán Nhà nước từng cảnh báo việc doanh nghiệp đầu mối chiếm dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, nguy cơ vỡ Quỹ vì không kiểm soát được Quỹ. Ảnh: Bằng Lương.

Kiểm toán Nhà nước từng cảnh báo việc doanh nghiệp đầu mối chiếm dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, nguy cơ vỡ Quỹ vì không kiểm soát được Quỹ. Ảnh: Bằng Lương.

Những cảnh báo của Kiểm toán Nhà nước vào các năm 2011 và 2017 đã trở thành sự thật, một loạt công ty đầu mối kinh doanh xăng dầu đã được liên Bộ Công thương, Tài chính và đơn vị Thuế nêu tên. Nhiều vụ việc, Bộ Công thương đã chuyển hồ sơ sang cơ quan công an điều tra, khởi tố.

Nghịch lý: giá xăng dầu leo thang, quỹ bình ổn… thừa tiền

Giá xăng dầu trong những năm qua luôn ở trạng thái tăng liên tiếp, nếu có giảm thì biên độ giảm không bằng mức tăng. Điều này tạo áp lực lên chi phí sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp đồng thời kéo theo biến động về giá lên tất cả các lĩnh vực, mặt hàng khác. Trong khi quỹ bình ổn đang dư nhưng lại chi nhỏ giọt.

Kỳ điều chỉnh giá xăng dầu 11/10 vừa qua là kỳ điều chỉnh hiếm hoi xăng dầu được điều chỉnh giảm “giảm sâu” vượt con số 1.500 VNĐ/lít. Cụ thể: liên Bộ Công thương - Tài chính quyết định giá xăng E5RON92 giảm 1.595 đồng/lít (tương đương 21.907 đồng/lít); xăng RON95-III giảm 1.798 đồng/lít (tương đương 23.044 đồng/lít); dầu điêzen 0.05S giảm 1.184 đồng/lít (tương đương 22.410 đồng/lít).

Người dân từng đối mặt với tình cảnh phải xếp hàng chờ mua xăng dầu thời điểm năm 2021. Ảnh tư liệu. 

Người dân từng đối mặt với tình cảnh phải xếp hàng chờ mua xăng dầu thời điểm năm 2021. Ảnh tư liệu. 

Kỳ điều hành này, liên Bộ Công thương - Tài chính quyết định không trích lập và không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu; ngừng chi sử dụng Quỹ bình ổn giá đối với 02 mặt hàng dầu điêzen (kỳ trước chi 285 đồng/lít) và dầu hỏa (kỳ trước chi 109 đồng/lít).

Theo dõi các kỳ điều chỉnh giá xăng dầu từ đầu năm 2023 cho tới nay, Bộ Công thương đã thực hiện 26 lần điều chỉnh, trong đó có 15 lần tăng, 8 lần giảm và 3 lần giữ nguyên.

Trong số 26 lần điều chỉnh này, có 3 lần chi quỹ bình ổn giá để trợ giá xăng dầu tăng. Cụ thể: kỳ điều chỉnh vào ngày 9/8, liên Bộ chi Quỹ bình ổn giá với mặt hàng dầu diesel, dầu hỏa và không chi Quỹ bình ổn giá với mặt hàng xăng và dầu mazut. Với mặt hàng dầu diesel và dầu hỏa được chi quỹ ở mức lần lượt là 400 đồng/lít và 300 đồng/lít.

Tại kỳ điều chỉnh giá xăng dầu trong nước vào ngày 9/2, liên Bộ thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn giá đối với dầu diesel ở mức 200 đồng/lít (kỳ trước 605 đồng/lít), dầu hỏa ở mức 200 đồng/lít (kỳ trước 650 đồng/lít); dầu mazut ở mức 200 đồng/kg (kỳ trước 300 đồng/lít); chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 850 đồng/lít (kỳ trước chi 121 đồng/lít); xăng RON 95 ở mức 950 đồng/lít (kỳ trước chi 103 đồng/lít).

Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu Hải Hà nợ thuế, bị ngân hàng trừ nợ vào quỹ bình ổn giá xăng dầu. Ảnh: XĐ.

Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu Hải Hà nợ thuế, bị ngân hàng trừ nợ vào quỹ bình ổn giá xăng dầu. Ảnh: XĐ.

Tại kỳ điều chỉnh giá xăng dầu vào tháng 4, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với duy nhất mặt hàng dầu ma-zut là 300 đồng/kg; các mặt hàng khác không trích lập chi sử dụng quỹ BOG.

Trong khi đó, Báo cáo từ Bộ Tài chính nêu rõ, việc trích lập quỹ trong quý II lên đến 1.780 tỷ đồng, nhưng chi chỉ hơn 5,9 tỉ đồng. Còn tính đến ngày 31/7, số dư của quỹ đã lên tới hơn 7.438 tỷ đồng, mức cao nhất từ quý 1/2021 đến nay.

Quỹ Bình ổn giá xăng dầu: tiền túi của người dân

Theo Thông tư liên tịch số 39/2014 về phương pháp tính giá cơ sở; cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn giá và điều hành giá xăng dầu, Quỹ Bình ổn giá được trích lập thường xuyên, liên tục bằng một khoản tiền cụ thể, cố định trong giá cơ sở là 300 đồng/lít ở nhiệt độ thực tế đối với các loại xăng, các loại dầu điêzen, dầu hỏa và 300 đồng/kg đối với các loại dầu madút thực tế tiêu thụ. 

Về phương thức sử dụng Quỹ Bình ổn giá, trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở kỳ công bố tăng trong phạm vi đến ba phần trăm (≤ 03%) so với giá cơ sở liền kề trước đó, nhưng việc tăng giá ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Liên Bộ Công thương - Tài chính xem xét sử dụng Quỹ Bình ổn giá để điều hành giá xăng dầu;

Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng vượt ba phần trăm (> 03%) đến bốn phần trăm (≤ 04%) so với giá cơ sở liền kề trước đó, thương nhân đầu mối được quyền điều chỉnh giá bán tăng trong phạm vi đến ba phần trăm (≤ 03%) và được sử dụng Quỹ Bình ổn giá đối với phần tăng vượt ba phần trăm (> 03%) đến bốn phần trăm (≤ 04%). Thương nhân đầu mối gửi văn bản kê khai giá, dự kiến mức điều chỉnh giá tới Liên Bộ Công thương - Tài chính;

Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng vượt bốn phần trăm (> 04%) đến bảy phần trăm (≤ 07%) so với giá cơ sở liền kề trước đó, thương nhân đầu mối được quyền điều chỉnh giá bán tăng trong phạm vi đến ba phần trăm (≤ 03%) cộng (+) thêm năm mươi phần trăm (50%) của mức chênh lệch giá tính từ tỷ lệ giá cơ sở tăng vượt ba (> 03%) đến tỷ lệ tăng thực tế trong phạm vi tăng vượt từ ba phần trăm (> 03%) đến bảy phần trăm (≤ 07%); năm mươi phần trăm (50%) còn lại được bù đắp từ Quỹ Bình ổn giá. Thương nhân đầu mối gửi văn bản kê khai giá, dự kiến mức điều chỉnh giá tới Liên Bộ Công thương - Tài chính.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều bến xe 'bỏ thì thương, vương thì tội'

Tiền Giang Trong thời gian dài, bến xe thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) rất ít phương tiện ra vào đón khách, bốc dỡ hàng hóa, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.