| Hotline: 0983.970.780

Bệnh thán thư trên cây thanh long

Thứ Hai 09/08/2010 , 11:03 (GMT+7)

Bệnh thán thư phát triển mạnh ở điều kiện ẩm ướt và nhiệt độ không khí cao. Khi nấm tấn công vào cành làm cho cành thối mềm có màu vàng sáng...

Nhà tôi trồng 2 ha thanh long, thời gian gần đây thanh long xuất hiện nhiều cành bị thối mềm có màu vàng sau đó chuyển màu nâu. Nụ hoa cũng biến màu nâu và quả thanh long xuất hiện những đốm nhỏ ban đầu màu vàng, đốm này lớn dần có hình vòng tròn... Xin  NNVN cho biết thanh long bị bệnh gì?

(Lê Văn Hanh, thôn Phú Nhang, xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận)

Trả lời: Theo như triệu chứng ông nêu thì đó chính là bệnh thán thư, một căn bệnh gây hại quan trọng nhất làm tổn thất đến năng suất, phẩm chất của trái thanh long, đặc biệt khi thanh long có trái vào mùa mưa bão, nấm tấn công lên thân, cành, nụ hoa và trên trái ở các giai đoạn khác nhau.

Bệnh thán thư phát triển mạnh ở điều kiện ẩm ướt và nhiệt độ không khí cao. Khi nấm tấn công vào cành làm cho cành thối mềm có màu vàng sáng, sau 1 thời gian ngắn chuyển sang màu nâu, vết thối từ phần ngọn vào trong. Nấm tấn công lên nụ hoa làm cho nụ hoa biến màu nâu, sau đó rụng rất nhanh.

Phòng bệnh: Trước hết cần tuân thủ trồng thanh long theo quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt. Đào mương lên luống để trồng. Tùy theo độ cao của đất mà thiết kế mô để cây phát triển tốt, kích thước mô 80 x 30 cm, khoảng cách trồng 3 x 3 m (khoảng 1.000 trụ/10.000 m2). Trồng cây xung quanh chắn gió nhằm hạn chế mầm bệnh lan vào. Nên dùng trụ bê tông xi măng cao 2 – 2,5 m, ngang 12 – 15 cm, chôn sâu 0,5 m phía trên có que sắt để đỡ cành. Bón nhiều phân hữu cơ đã ủ hoai mục, cung cấp thêm vôi trước và sau mùa mưa. Tủ gốc giữ ẩm cho cây bằng rơm rạ, cỏ khô, tủ cách gốc 5 – 10 cm, hoặc trồng cây lạc dại vào gốc thanh long để giữ độ ẩm mà không cần phủ bằng rơm.

Trị bệnh: Nên phun thuốc trừ nấm Tiltsuper, Scor... sau khi thu hoạch trái và sau khi cắt tỉa để làm giảm áp lực mầm bệnh, phun lần thứ 2 khi cây ra nụ hoa. Dùng thuốc Pzopineb phun vào gốc khi vừa đậu trái. Sau khi thu hoạch, ngâm trái vào nước nóng 40oC trong thời gian 10 phút không làm tổn thương trái và giảm thiểu đáng kể mầm bệnh sau thu hoạch. Trái nào có bệnh nên loại bỏ, không để chung với các trái khác để tránh sự lây lan.

Xem thêm
Chăn nuôi nhỏ lẻ chật vật xoay sở trong nắng nóng

Nắng nóng kéo dài, diện tích đồng cỏ tự nhiên thu hẹp cùng với giá bán giảm khiến cho nhiều hộ chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ tại Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn.

Quảng Trị chưa có địa phương nào thành lập được đội bắt chó thả rông

Bệnh dại đã xuất hiện nhưng tỷ lệ tiêm phòng tại Quảng Trị vẫn đạt thấp, các đội bắt chó thả rông cũng chưa được thành lập theo kế hoạch.

Trồng sắn phủ bạt kết hợp tưới nhỏ giọt, năng suất tăng gấp đôi

PHÚ YÊN Ngay vụ đầu thử nghiệm, mô hình trồng sắn phủ bạt kết hợp tưới nhỏ giọt đã cho năng suất 50 tấn/ha, trong khi cách trồng truyền thống chỉ đạt từ 15 - 18 tấn/ha.