| Hotline: 0983.970.780

Biến hải sản giá rẻ thành 'tinh hoa' biển cả

Thứ Tư 07/09/2022 , 07:27 (GMT+7)

QUẢNG NINH Từ nguồn nguyên liệu hải sản dồi dào, giá rẻ, nhiều doanh nghiệp ở Vân Đồn (Quảng Ninh) đã đầu tư chế biến, nâng cao giá trị lên nhiều lần và vươn ra xuất khẩu.

Nguồn nguyên liệu dồi dào

Là huyện đảo nằm ở phía đông nam tỉnh Quảng Ninh, Vân Đồn có diện tích tự nhiên trên 2.000km2, trong đó 551,3km2 đất nổi, với hơn 600 hòn đảo lớn nhỏ hình thành nên 2 quần đảo là Cái Bầu và Vân Hải. Huyện hiện có 12 xã, thị trấn, trong đó có 5 xã thuộc tuyến đảo.

Vùng biển Vân Đồn nằm trong vịnh Bái Tử Long, có nhiều tùng vụng với hàng trăm núi đá, tạo ra hệ sinh thái biển và ven bờ đa dạng, phong phú, có nhiều tiềm năng để phát triển khai thác, nuôi trồng các loài thuỷ hải sản có giá trị kinh tế cao. Sự đa dạng về hạ tầng giao thông (cả đường bộ, đường thủy, đường hàng không) cũng chính là thế mạnh của Vân Đồn so với nhiều địa phương khác trong tỉnh.

z3278052865224_5754d128a98403938e2f4980cffc2c7d

Huyện Vân Đồn sở hữu tiềm năng khai thác thủy sản lớn với lợi thế 1.600km2 mặt nước. Ảnh: Nguyễn Thành.

Sở hữu diện tích vùng biển trên 1.600km2, nguồn lợi thuỷ hải sản nơi đây rất phong phú, đa dạng như sá sùng, hải sâm, tu hài, hàu, hà, ngao, cá song… Nghề nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy hải sản vì thế cũng trở thành một trong những nghề thế mạnh, gắn liền với thương hiệu địa phương.

Toàn huyện hiện có trên 1.000 hộ dân đầu tư nuôi trồng thuỷ hải sản trên biển và trên 80 cơ sở, doanh nghiệp hoạt động liên quan đến ngành sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm thuỷ sản; giải quyết việc làm cho hơn 7.500 lao động địa phương. Tốc độ tăng trưởng, diện tích, sản lượng nuôi trồng thủy sản ngày càng tăng. Chỉ trong 4 năm (2016 - 2020), sản lượng nuôi trồng toàn huyện đã tăng 6,8 lần, đạt 65.100 tấn/năm.

Với tiềm năng sẵn có, diện tích nuôi thuỷ hải sản ở huyện Vân Đồn hiện đạt trên 3.600ha. Tuy nhiên, những năm qua, giá và sản lượng tiêu thụ hải sản của huyện bấp bênh do chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu, chủ yếu là sản phẩm thô, phụ thuộc lớn vào thị trường xuất khẩu tiểu ngạch qua Trung Quốc và sang Đài Loan... Khi thị trường bị "đứt gãy" chuỗi tiêu thụ, nguồn thuỷ hải sản trên bị ảnh hưởng, dẫn đến dư thừa, phải "giải cứu”.

Theo bà Trương Thị Thúy Huyền, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Vân Đồn, huyện đã định hướng và khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức đầu tư chế biến sâu nhằm gia tăng giá trị và tạo hướng đi bền vững với thuỷ hải sản có thế mạnh của địa phương.

Giá trị tăng nhiều lần nhờ chế biến

Thời gian qua, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thủy sản Quảng Ninh (Bavabi) là đơn vị đã mạnh dạn đầu tư cơ sở sản xuất tại xã Đông Xá (huyện Vân Đồn) với dây chuyền máy móc hiện đại để chế biến thủy sản thành những sản phẩm mang thương hiệu đặc trưng của Vân Đồn như ruốc hàu, ruốc cơ trai, ruốc bề bề, ruốc tép, ruốc cá, ruốc ngao hai cùi.

z3496338377785_068eb6a447035bd780e2f4d49da6988b

Khu vực tách vỏ hàu của Công ty Bavabi Vân Đồn. Ảnh: Viết Cường.

Bà Phạm Thị Thu Hiền, Giám đốc Bavabi cho biết, lợi thế của Vân Đồn là có nguồn khai thác thủy sản rất lớn, tuy nhiên trước đây, bà con nuôi trồng, khai thác nhiều loại thủy sản nhưng chỉ dừng lại mở mức tiêu thụ bình thường là các sản phẩm tươi.

“Những sản phẩm tươi khi đánh bắt lên mang đi tiêu thụ luôn, rất khó trong việc bảo quản và giữ độ tươi ngon. Nhận thấy điều đó, năm 2014, tôi đã thành lập Công ty, thu mua một số loại hải sản của người dân, sau đó tập trung chế biến thành những sản phẩm khô, cung cấp thêm những sản phẩm chất lượng cao cho khách hàng”, bà Hiền chia sẻ.

Tại Bavabi, sau khi chuyển về xưởng, hàu sẽ nhanh chóng được làm sạch rong rêu ký sinh, sục rửa qua bể ozone. Sau đó, hàu được tách nhẹ nhàng, dứt khoát để vỏ không bị vỡ, giữ nguyên phần thịt hàu, không bị lẫn tạp chất do vỏ hàu vỡ. Thịt hàu được rửa nhiều lần với nước muối loãng để làm sạch nhớt rồi đưa vào máy xào.

Hàu được xào khoảng 15 phút ở nhiệt độ 140 - 150 độ C, thịt hàu được sấy khô, xé sợi và chuyển sang phối trộn, cân đo, đóng vào lọ và tiếp tục được khử trùng bằng áp suất nóng trong khoảng 3 tiếng ở nhiệt độ 121 độ C rồi đưa đi dán nhãn, chờ vận chuyển đến nơi tiêu thụ.

Gần như 100% các công đoạn đều được làm bằng máy, nên đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và không làm mất đi chất dinh dưỡng trong thịt hàu. Mặc dù không dùng chất bảo quản, nhưng sản phẩm có hạn sử dụng lên đến 12 tháng.

z3498249092358_e93e464d928ac2a8ec92820badd3d508

Sản phẩm là ruốc hàu Thái Bình Dương được chứng nhận xếp hạng OCOP 5 sao. Ảnh: Nguyễn Thành.

"Nguyên liệu là yếu tố rất quan trọng, quyết định đến chất lượng của sản phẩm ruốc hàu. Hàu làm ruốc phải chọn được hàu trưởng thành, nhiều dinh dưỡng nhất ở thời điểm hàu đạt khối lượng 12 - 15 con/kg và thường béo nhất trong thời điểm đầu mùa đông và đầu mùa hè", bà Hiền nhấn mạnh. 

Với giá thu mua hàu từ 4.000 - 12.000đ/kg hàu các loại, sản phẩm ruốc hàu qua công nghệ chế biến sâu của Nhật Bản có giá bán lên đến 135.000đ/lọ (100g). Từ đó, nâng tầm sản phẩm nông nghiệp địa phương. Hiện sản phẩm ruốc hàu Thái Bình Dương của Bavabi đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao.

Hiện mỗi ngày Công ty thu mua khoảng 4 tấn hàu nguyên liệu để chế biến thành sản phẩm ruốc hàu phân phối chủ yếu qua kênh siêu thị và các cửa hàng thực phẩm trên cả nước. Ngoài ra, các sản phẩm của Bavabi cũng được phân phối qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử.

Đa dạng sản phẩm, hướng ra xuất khẩu

Bà Phạm Thị Thy Hiền cho biết thêm, hiện tại, để chuẩn bị cho sự hoạt động trở lại của ngành du lịch sau dịch bệnh Covid-19, Công ty đang tiếp tục nghiên cứu một loạt món ăn được chế biến sẵn từ hàu như hàu xào, hàu sốt, hàu ăn liền. Với những món này, người dùng chỉ cần quay nóng trong lò vi sóng là có thể thưởng thức ngay, rất tiện lợi, phù hợp với những gia đình bận rộn.

Không chỉ sản xuất sản phẩm chế biến, để ổn định nguồn nguyên liệu, đảm bảo chất lượng con giống, sắp tới, Bavabi sẽ tham gia cả khâu nuôi trồng, khép kín quy trình sản xuất để ruốc hàu ngày càng khẳng định được thương hiệu, hướng đến xuất khẩu sang các thị trường ngoài nước như Nhật Bản, châu Âu…

Trên địa bàn huyện Vân Đồn hiện có 4 doanh nghiệp, 3 HTX và 38 cơ sở quy mô hộ gia đình làm về chế biến hàu. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, thời gian qua, huyện Vân Đồn đã rà soát lại toàn bộ các điểm chế biến ruột hàu.

Theo đó, đã có 5 cơ sở quan tâm đầu tư máy móc, nhà xưởng chế biến sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đi Đài Loan và các thị trường khác. Trung bình mỗi cơ sở đầu tư khoảng 300 triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng trang thiết bị, nhà xưởng, máy lọc nước… đảm bảo quy trình chế biến khép kín, an toàn thực phẩm.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Quản lý HTX Thủy sản Thiên Phúc (huyện Vân Đồn) cho biết, để nâng cao giá trị mặt hàng hàu xuất khẩu, HTX đã đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại từ khâu sơ chế, đóng gói, vệ sinh nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường. Tính về hiệu quả kinh tế, từ sản phẩm thô, giá trị thấp, qua công nghệ sơ chế, chế biến hiện đại, giá trị những sản phẩm này đã cao lên gấp nhiều lần.

5 tháng đầu năm 2022, giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện Vân Đồn đạt 922 tỷ đồng, trong đó riêng ngành thủy sản đạt trên 810 tỷ đồng, chiếm 88,7% tổng giá trị ngành nông nghiệp huyện, tăng 6,3% so với cùng kỳ 2021.

Huyện Vân Đồn luôn khuyến khích phát triển các sản phẩm chủ lực, trong đó có sản phẩm thủy sản. Vì thế, huyện đã chú trọng nâng cao chất lượng, sản lượng, ổn định sản xuất, định hướng tiêu thụ cho các sản phẩm này. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã và đang đầu tư, ứng dụng KH-CN trong chế biến nhằm tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, hướng đến xuất khẩu sang các thị trường giàu tiềm năng.

Xem thêm
Nghệ An: Tôm chết hàng loạt, nghi do bệnh mới

Tôm chết nhiều trên diện tích khoảng 25ha, trong đó phần đa xuống giống chưa được bao lâu. Đây là hồi chuông báo động đối với nghề hoàng kim một thời ở Nghệ An.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm