| Hotline: 0983.970.780

Bó tay với nạn trộm cắp điện nông thôn

Thứ Hai 30/10/2017 , 13:45 (GMT+7)

Vài năm lại đây, lưới điện hạ thế nông thôn cơ bản đã được bọc dây, sản lượng điện bị ăn cắp tuy có giảm nhưng hình thức trộm cắp ngày càng tinh vi...

Cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát hiện và xử lý.
 

Có phải “vừa ăn cắp vừa la làng”(?)

Chúng tôi nhận được phản ánh của ông Nguyễn Đình L, trú tại xã Thanh Phong, huyện Thanh Chương (Nghệ An), do nghi ngờ mình trộm cắp điện, Điện lực Thanh Chương đã cắt điện sinh hoạt của gia đình, yêu cầu ông phải truy nộp số tiền 78 triệu đồng trước khi làm lại hợp đồng mua bán điện.

23-48-31_ong_l_khng_dinh_minh_bi_dien_luc_thnh_chuong_vu_on
Ông L khẳng định mình bị Điện lực Thanh Chương vu oan

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Khánh, PGĐ Điện lực Thanh Chương lại khẳng định, việc ông L trộm cắp điện kéo dài từ năm này qua năm khác. Vì lý do khách quan, năm 2015, Điện lực Thanh Chương không chứng minh được hành vi trên. Còn lần này, chứng cứ đã rõ ràng nhưng ông L vẫn không chịu hợp tác xử lý.

Theo biên bản vụ việc, khoảng 8h30 ngày 22/8, khi tổ công tác của Điện lực Thanh Chương đi kiểm tra điện lưới định kỳ thì phát hiện công tơ nhà ông L bị nhiễu loạn. Sau khi kiểm tra hệ thống máy xay xát của gia đình, tổ công tác phát hiện bên trong có một ác-tô-mát giấu kín dùng cắt nguội vào công tơ…

23-48-31_ong_thi_don_cuong
Ông Thái Doãn Cường khẳng định ông L đã 2 lần giúp mình “tiết kiệm điện”

“Qua kiểm tra, chúng tôi phát hiện nhiều điểm trong nhà có hệ thống nối nguội xuống đất. Do ông L không ở nhà nên không kịp che giấu hành vi ăn trộm điện. Chúng tôi đã quay video, chụp ảnh hiện trường làm bằng chứng, lập biên bản trước sự chứng kiến của chính quyền. Nhưng đến thời điểm này, ông L phủ nhận hành vi của mình, từ chối hợp tác”, ông Khánh cho biết.

Tại huyện Đô Lương, chúng tôi được nghe chính những hộ bị phát hiện trộm cắp điện kể về ông L, người đã đến để giúp họ “tiết kiệm” điện năng.

23-48-31_so_do_luoi_dien_ti_nh_ong_l_ti_thoi_diem_bt_qu_tng_n_trom_dien
Sơ đồ lưới điện tại nhà ông L tại thời điểm bắt quả tang ăn trộm điện

Bà Nguyễn Thị Hồng, chủ nhà nghỉ 68 tại xóm 2, xã Lạc Sơn tỏ ra bức xúc: “Ông L nói sẽ giúp nhà nghỉ tiết kiệm điện. Tưởng chỉ là một hình thức tiết kiệm điện nên chúng tôi đồng ý. Chỉ khoảng 30 phút, sau khi mở hộp công tơ thì ông L làm xong. Vài tháng sau, Điện lực Đô Lương phát hiện và truy thu số tiền 45 triệu đồng. Em gái tôi nghe theo lời ông L và cũng bị Điện lực Đô Lương truy thu 15 triệu đồng. Mỗi lần làm như thế, ông L thu 1,5 - 2,5 triệu đồng. Ông L còn lớn tiếng khẳng định, làm như thế là không vi phạm pháp luật và ông đã làm cho rất nhiều nhà nghỉ ở Đô Lương. Tôi mong cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ trắng đen”.

Bà Hồng cũng cho biết thêm, bà đã đến tận nhà tại xã Thanh Phong, đề nghị ông L chịu trách nhiệm về sự việc. Tuy nhiên, ông L đã chối phủi. Trường hợp của em gái bà, sau khi thông báo cho ông L thì ông hứa sẽ xử lý nhưng điều trùng lặp là rạng sáng hôm sau, cả 3 công tơ cùng hộp đã bị ai đó phá nát. Sự việc này được Điện lực Đô Lương xác nhận.

Trường hợp của ông Thái Doãn Cường, chủ cơ sở xay xát tại xóm 7 xã Thịnh Sơn lại nghiêm trọng hơn khi Điện lực Đô Lương truy thu số tiền 75 triệu đồng.

“Sau khi gạ gẫm gia đình tôi “tiết kiệm điện”, ông L mặc quần áo ngành điện lực, mở công tơ, thay thế thế hộp số. Công việc chỉ diễn ra trong vòng 30 phút. Lần đó tôi phải trả cho ông L tới 4 triệu đồng. Nhưng chỉ vài tháng sau, ngành điện thay thế công tơ theo định kỳ, ông L lại tiếp tục đến tác động vào công tơ và lấy của tôi thêm 4 triệu đồng nữa. Tiền điện hàng tháng của gia đình tôi giảm được khoảng1/3 nhưng không lâu sau thì bị Điện lực Đô Lương phát hiện. Khi biết đây là hành vi trộm cắp điện tôi mới tá hỏa. Trên địa bàn này, ông L còn làm cho nhiều hộ gia đình nữa, không ít trong số họ đã bị phát hiện(?)”, ông Cường cho biết.

23-48-31_bien_bn_hien_truong_ti_gi_dinh_ong_l
Biên bản hiện trường vụ ông L trộm cắp điện


Thất thoát hàng tỷ đồng tiền điện/năm

Với việc hệ thống điện hạ áp nông thôn được bọc hóa, hình thức trộm cắp điện thô sơ như câu móc có chiều hướng giảm. Nhưng vài năm lại đây lại xuất hiện những hành vi trộm cắp điện ngày càng tinh vi. Có thể kể đến các hành vi như đóng đinh vào dây bọc để câu điện trực tiếp trước công tơ; xẻ kẹp chì, can thiệp khiến công tơ chạy chậm; khoan công tơ, thổi bột sắt vào để cản trở một phần tốc độ công tơ; đảo ngược cực tính…

Theo thống kê, năm 2016, Điện lực Đô Lương phát hiện 11 trường hợp trộm cắp điện, yêu cầu bồi thường 25.052kWh với tổng số tiền truy thu trên 71 triệu đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2017 Điện lực Đô Lương phát hiện 26 vụ, yêu cầu bồi thường 87.072kWh, truy thu trên 257 triệu đồng.

Còn tại huyện Thanh Chương, năm 2016 có 9 vụ trộm cắp điện năng, Điện lực Thanh Chương truy thu 27.293kWh tương đương với số tiền gần 78 triệu đồng. 9 tháng đầu năm 2017, số vụ trộm cắp điện là 33, truy thu trên 170.000kWh với số tiền gần 482 triệu đồng.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng. Theo một số cán bộ ngành điện lực, thủ đoạn trộm cắp điện ngày càng tinh vi; trộm cắp điện rất khó phát hiện. Việc xử lý các đối tượng trộm cắp điện cũng gặp rất nhiều khó khăn.

“Theo Thông tư 27/2013/TT-BCT của Bộ Công thương thì ngành điện chỉ được truy thu sản lượng điện bị trộm cắp theo quy định khi chứng minh được hành vi trên. Với những vụ việc trộm cắp từ 20.000kWh mới đủ điều kiện gửi hồ sơ qua cơ quan điều tra đề nghị truy tố. Bên cạnh đó, việc kiểm tra hành vi trộm cắp điện cần phải phối hợp với ngành công an để làm sáng tỏ nhưng không phải lúc nào cũng có được sự phối hợp chặt chẽ. Khi có sự phối hợp thì hiện trường đã bị xóa dấu vết…”, ông Nguyễn Quốc Khánh, PGĐ Điện lực huyện Thanh Chương thông tin thêm.

Mặc dù công tác tuyên truyền đã được tăng cường nhưng tháng nào, Cty Điện lực Nghệ An cũng phát hiện các trường hợp trộm cắp điện. Vụ trộm cắp lớn nhất gần đây bị phát hiện có sản lượng 17.000kWh. Năm 2016, công ty phát hiện sản lượng điện bị trộm cắp là 750.000kWh, truy thu 1,9 tỷ đồng. Con số này 9 tháng đầu năm 2017 là 850.000kWh, truy thu 2,1 tỷ đồng.

“Công ty đã ký quy chế phối hợp với ngành công an nhưng việc phát hiện xử lý gặp rất nhiều khó khăn do địa hình Nghệ An rộng, phức tạp; chưa có vụ việc nào bị truy tố trước pháp luật để răn đe. Hiện nay, chúng tôi đang chủ động cải tạo lưới điện để giảm cơ hội trộm cắp điện… Chúng tôi cũng mong muốn ngành công an và ngành điện lực phối hợp chặt chẽ hơn nữa để giảm thiểu tình trạng trộm cắp điện”, ông Bạch Hồng Hiển, PGĐ Công ty Điện lực Nghệ An cho biết.

Khoản 9, Điều 12, Nghị định 134/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định phạt tiền đối với hành vi trộm cắp điện dưới mọi hình thức, cụ thể áp dụng mức phạt nhẹ nhất là 2-5 triệu đồng khi lượng điện mất cắp dưới 1.000kWh và nặng nhất sẽ phạt từ 45 triệu đến 50 triệu đồng nếu trộm từ 18.000 đến dưới 20.000kWh. Trộm cắp điện từ 20.000 kWhtrở lên, ngành điện được chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điện lực Đô Lương trình báo việc ông L giúp các hộ trộm cắp điện

 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều bến xe 'bỏ thì thương, vương thì tội'

Tiền Giang Trong thời gian dài, bến xe thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) rất ít phương tiện ra vào đón khách, bốc dỡ hàng hóa, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.