Tiến sĩ Hans Kluge, giám đốc phụ trách châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hôm 4/11 cảnh báo khu vực đang trở lại thành "tâm chấn đại dịch" và những lời ông nói đã được chứng minh là có cơ sở.
WHO hôm 12/11 cho biết gần hai triệu ca nhiễm đã được báo cáo trên toàn châu Âu vào tuần trước đó, con số cao nhất mà khu vực này ghi nhận trong một tuần kể từ khi đại dịch bùng phát đến nay.
Những tuần gần đây, Đức liên tục báo cáo số ca nhiễm mới hàng ngày cao chưa từng thấy, với trên 50.000 ca, theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins, Mỹ.
Hà Lan cũng báo cáo hơn 16.000 ca, nhiều nhất kể từ đầu dịch tại nước này, khiến chính phủ phải ban bố lệnh phong tỏa một phần hôm 12/11, dự kiến kéo dài ít nhất ba tuần.
Khi số ca nhiễm tăng lên vào cuối tháng trước, Bỉ đã tái áp đặt một số biện pháp hạn chế ngăn Covid, trong đó có yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc ở nơi công cộng. Người dân cũng phải xuất trình hộ chiếu Covid-19 để vào các quán bar, nhà hàng hay phòng gym. Hộ chiếu này cho thấy họ tiêm phòng đầy đủ, xét nghiệm âm tính hoặc đã khỏi bệnh gần đây. Dù vậy, hôm 8/11, Bỉ vẫn ghi nhận kỷ lục hơn 15.000 ca mới.
Dù ca nhiễm tăng đột biến, tỷ lệ tử vong hàng ngày ở cả ba quốc gia trên tương đối thấp so với mức tăng trong quá khứ. Giới chuyên gia cho rằng tỷ lệ tiêm chủng cao đã góp phần quan trọng ngăn các ca chuyển biến nặng và tử vong.
"May mắn thay, tỷ lệ tiêm chủng cao đã hạn chế đáng kể số ca tử vong và nhập viện", Tom Wenseleers, nhà sinh học tiến hóa và nhà thống kê sinh học tại Đại học KU Leuven, Bỉ, nhận xét.
Bỉ, nước báo cáo hàng trăm ca tử vong mỗi ngày khi dịch mới bùng phát và sau đó bị Covid-19 nhấn chìm một lần nữa vào mùa thu năm ngoái, khi sóng lây nhiễm thứ hai trỗi dậy, đã được "kiểm tra năng lực bệnh viện" trong những tuần gần đây, Wenseleers nói. Nhưng nhìn chung, số ca tử vong vẫn duy trì ở mức thấp.
Tuy nhiên, điều tương tự cũng không diễn ra ở Đông Âu, nơi mà theo Wenseleers, tình hình đang "thực sự thảm khốc".
Trong ba tuần từ 25/10 đến 15/11, Romania, Bulgaria và Latvia đã báo cáo số ca tử vong hàng ngày cao kỷ lục, với lần lượt 591, 334 và 64 trường hợp, theo dữ liệu của Johns Hopkins. Số ca nhiễm cũng tăng mạnh.
Lưu ý đà gia tăng này là "đáng lo ngại", Wenseleers cho rằng tỷ lệ tiêm vacxin thấp và tâm lý bài vacxin lan rộng là nguyên nhân chính dẫn đến vấn đề.
"Không phải do thiếu vacxin", ông nói đồng thời lưu ý thỏa thuận mua sắm vacxin ở cấp Liên minh châu Âu có nghĩa là tất cả 27 quốc gia thành viên "đều có thể mua số lượng vacxin như nhau".
"Dù có quyền tiếp cận vacxin, nhưng những quốc gia đó lại không thể thuyết phục người dân đi tiêm chủng", Wenseleers cho hay.
Theo một cuộc thăm dò của Ủy ban châu Âu (EC), ít nhất 1/3 người dân ở các nước Đông Âu không tin tưởng vào hệ thống y tế, so với mức trung bình 18% trên toàn EU.
Romania và Bulgaria là hai trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm vacxin thấp nhất châu lục, theo cơ quan theo dõi tiêm chủng của EU.
Dữ liệu mới nhất cho thấy chưa đến 23% dân số trưởng thành ở Bulgaria đã tiêm vacxin đầy đủ, trong khi chỉ hơn 25% đã tiêm ít nhất một mũi. Tại Romania, chưa đầy 34% dân số trên 18 tuổi đã tiêm vacxin đủ phác đồ. Tỷ lệ người tiêm ít nhất một mũi là 38%.
Cuộc thăm dò còn cho thấy những người được hỏi ở hai quốc gia trên đều ít hào hứng nhất với vacxin. Những quốc gia Đông Âu khác cũng có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn nhiều so với các láng giềng Tây Âu.
Điều đó có nghĩa "tỷ lệ lây nhiễm cao sẽ chuển thành tỷ lệ tử vong cao", Wenseleers nhấn mạnh.
Danny Altmann, giáo sư miễn dịch học tại Đại học Hoàng gia London, cho hay hiện tại là mùa đông đầu tiên của biến chủng Delta, vậy nên ông "không chắc liệu người dân Đông Âu có hiểu được mức độ nghiêm trọng của đại dịch khi biến chủng Delta lây lan hay không".
"Nó sẽ không có điểm dừng", ông nói. Với việc người dân ở một số quốc gia Đông Âu "đang ngần ngại tiêm chủng một cách cực đoan" thì họ "khó có khả năng ứng phó đại dịch trong điều kiện hiện nay".
Tại Áo, nơi từ lâu đã trở thành cầu nối giữa Đông và Tây Âu, chính phủ đã ra lệnh cấm người chưa tiêm chủng ra khỏi nhà, trừ trường hợp đi làm, đi mua nhu yếu phẩm hay đi tiêm vacxin, nhằm làm chậm đà lây lan virus.
"Chính phủ Áo có nhiệm vụ bảo vệ người dân", Thủ tướng Alexander Schallenberg tuyên bố hôm 14/11 tại thủ đô Vienna.
Chuyên gia dịch tễ học Eric Feigl-Ding, thành viên cấp cao tại Liên đoàn các Nhà khoa học Mỹ, cho rằng tỷ lệ tử vong cao ở một số nước Đông Âu nên là "lời cảnh báo" đối với các quốc gia khác có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Dù thừa nhận cách ngăn chặn quả nhất là đeo khẩu trang và giữ khoảng cách, ông vẫn lưu ý rằng vacxin và tiêm mũi tăng cường cũng là biện pháp hữu hiệu không thể thiếu giúp kiềm chế Covid-19
Wenseleers đồng tình. "Thuyết phục nhiều người đi tiêm chủng nhất có thể nên là mục tiêu hàng đầu" đối với tất cả các quốc gia, bên cạnh thúc đẩy "tiêm mũi tăng cường" cho người có nguy cơ cao, ông nói.