| Hotline: 0983.970.780

Các biện pháp ứng phó bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò

Chủ Nhật 18/06/2023 , 11:11 (GMT+7)

Thời gian qua, để phòng chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa đã hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp ứng phó.

Cán bộ Thú y hướng dẫn người nuôi chăm sóc, phòng bệnh viêm da nổi cục. Ảnh: KS.

Cán bộ Thú y hướng dẫn người nuôi chăm sóc, phòng bệnh viêm da nổi cục. Ảnh: KS.

Nguyên nhân gây bệnh viêm da nổi cục

Viêm da nổi cục là một bệnh truyền nhiễm chỉ gây bệnh trên trâu, bò, không gây bệnh cho người và động vật khác. Bệnh xâm nhập vào nước ta từ đầu tháng 10/2020, sau đó lây lan rộng ra nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Tại Khánh Hòa, theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh này, bệnh viêm da nổi cục trâu, bò xảy ra đầu tiên trên địa bàn vào tháng 7/2021 tại xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh. Sau đó, bệnh lây lan tại 8 huyện, thị xã, thành phố làm gần 1.200 con bò mắc bệnh.

Đến tháng 11/2021 tại thôn Mỹ Lộc, xã Bình Lộc, huyện Diên Khánh là ổ dịch cuối cùng của bệnh viêm da nổi cục xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Ông Lê Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa cho biết, qua theo dõi những nguyên nhân gia súc trên địa bàn bị bệnh viêm da nổi cục đều nhận thấy do tiếp xúc với trâu, bò mắc bệnh và phương tiện vận chuyển trâu, bò từ nơi khác đến. Cùng với đó, thời tiết cực đoan đã khiến đàn vật nuôi giảm sức đề kháng, tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển, lây lan.

Hơn nữa, bệnh viêm da nổi cục rất dễ lây vì có đường lây truyền rộng qua vật trung gian là côn trùng đốt như ruồi, muỗi, ve, mòng hút máu. Trong khi đó việc chăn thả trâu, bò của bà con trên các cánh đồng, bãi chăn thả chung còn khá phổ biến.

Đặc biệt, điều kiện các hộ chăn nuôi, nhất là tại các huyện miền núi trên địa bàn còn hạn chế, gây khó khăn khi áp dụng các biện pháp phòng bệnh.

Trước tình hình trên, thời gian qua để phòng bệnh viêm da nổi cục trâu, bò ngành Thú y tỉnh Khánh Hòa đã hướng dẫn, khuyến cáo người chăn nuôi tăng cường chủ động áp dụng nghiêm các biện pháp chăn nuôi an toàn dịch bệnh, chỉ mua trâu, bò giống khỏe mạnh từ các cơ sở uy tín.

Song song đó, tiêm phòng đầy đủ các loại bệnh nguy hiểm trên trâu, bò như lở mồm long móng, viêm da nổi cục, tụ huyết trùng, vệ sinh, sát trùng bằng các loại hóa chất đặc hiệu để diệt ký chủ trung gian như ve, mòng, ruồi, muỗi...

Định kỳ 7-10 ngày phun 1 lần theo hướng dẫn của nhà sản xuất như: Deltox, Hantox, Vime-Frondog, Fip-Tox, Mebi-Taktic tại khu vực chăn nuôi; bổ sung chất dinh dưỡng, khoáng chất để nâng cao sức đề kháng cho gia súc.

Đàn bò ở Khánh Hòa được tiêm phòng vacxin viêm da nổi cục. Ảnh: KS.

Đàn bò ở Khánh Hòa được tiêm phòng vacxin viêm da nổi cục. Ảnh: KS.

Chủ động phòng ngừa dịch bệnh

Ông Lê Ngọc Tú, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Cam Lâm cho biết, hiện trên địa bàn huyện có khoảng 4.400 con trâu bò. Từ đầu năm đến nay trên địa bàn chưa xảy ra bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu bò, bởi người nuôi đều chủ động phòng ngừa dịch bệnh, đặc biệt đã tiêm phòng vacxin từ tháng 10-11/2022 đầy đủ. Do đó, đàn trâu, bò trên địa bàn được miễn dịch bảo hộ (12 tháng).

Ghi nhận của chúng tôi tại gia đình ông Nguyễn Bảo An, một hộ chăn nuôi bò sinh sản, ở thôn Văn Tứ Đông, xã Cam Hòa (Cam Lâm) cho thấy, rất ý thức trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Ông An cho biết, hiện đàn bò nhà ông luôn duy trì gần 20 con, mỗi năm xuất bán 5-7 con nghé, trị giá 15-16 triệu đồng/con. Việc chăn nuôi bò là nguồn thu nhập chính của gia đình nên ông rất chú tâm vào sức khỏe của đàn bò.

Vì vậy, ông cho rằng, ngoài việc tiêm phòng, vệ sinh môi trường khu vực chăn nuôi thì việc phun hóa chất diệt côn trùng thường xuyên cũng sẽ mang lại hiệu quả tích cực vì vật trung gian truyền bệnh bị tiêu diệt.

Cán bộ Thú y hướng dẫn ông An về cách chăn nuôi bò để phòng chống dịch bệnh. Ảnh: KS.

Cán bộ Thú y hướng dẫn ông An về cách chăn nuôi bò để phòng chống dịch bệnh. Ảnh: KS.

Ông Lê Thắng cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh chỉ xảy ra 1 ổ dịch bệnh viêm da nổi cục trâu, bò tại thôn Xuân Tây, Vạn Hưng (Vạn Ninh) làm 1 con bê 4 tháng tuổi bị chết. Từ ngày 20/2 đến nay trên địa bàn tỉnh không phát sinh ổ dịch mới.

Theo ông Lê Thắng, để phòng, chống dịch bệnh, trong đó có bệnh viêm da nổi cục trâu, bò, Chi cục đã tham mưu Sở NN-PTNT ban hành kế hoạch số 502 ngày 15/02/2023 về phòng, chống dịch bệnh động vật nuôi năm 2023.

Theo đó, ngành Thú y tỉnh Khánh Hòa dự kiến trong tháng 10-11 tới sẽ tổ chức đợt tiêm phòng viêm da nổi cục cho đàn trâu, bò của các cơ sở chăn nuôi dưới 10 con trước khi hết thời gian miễn dịch bảo hộ. Tổng số lượng trâu bò dự kiến được tiêm vacxin khoảng 42.000 con chiếm khoảng 80% tổng đàn.

Bên cạnh đó, Chi cục cũng đã chỉ đạo hệ thống thú y các huyện phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác giám sát dịch bệnh. Trường hợp phát hiện trâu, bò mắc bệnh, nghi mắc bệnh viêm da nổi cục, chết không rõ nguyên nhân hoặc trâu, bò, sản phẩm của trâu, bò nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc thì phải thực hiện việc lấy mẫu để xét nghiệm bệnh viêm da nổi cục. Từ đó, có biện pháp xử lý kịp thời không để dịch bệnh lây lan…

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa, để phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trong 6 tháng đầu năm 2023, Chi cục đã phân bổ hơn 20.000 liều vacxin lở mồm long móng trâu, bò và hơn 400.000 liều vacxin cúm gia cầm cho các địa phương triển khai tiêm phòng. Kết quả tỷ lệ tiêm phòng các loại bệnh trên đều đạt trên từ 80 - 96% tổng đàn.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.