| Hotline: 0983.970.780

Các mô hình sản xuất nông nghiệp tạo động lực thoát nghèo

Thứ Tư 08/09/2021 , 09:06 (GMT+7)

Trước đây tỉnh Sóc Trăng còn nghèo, lại có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh cư. Từ các chương trình PTNT đã thay đổi diện mạo làng quê, xóa dần nghèo đói.

Huyện Mỹ Xuyên hỗ trợ bò sữa cho hộ Khmer nghèo ở xã Tham Đôn và bò thịt cho hộ nghèo xã Thạnh Quới (Sóc Trăng). Ảnh: HĐ

Huyện Mỹ Xuyên hỗ trợ bò sữa cho hộ Khmer nghèo ở xã Tham Đôn và bò thịt cho hộ nghèo xã Thạnh Quới (Sóc Trăng). Ảnh:

Bước chuyển biến

Tỉnh Sóc Trăng qua hơn 25 năm tái lập, diện mạo nông thôn nhiều đổi thay, khởi sắc. Đời sống người dân miền quê ngày càng được cải thiện, nhất là vùng đồng bào dân tộc Khmer sau mỗi năm số hộ nghèo giảm dần.

Ông Nguyễn Hoàng Thuấn, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (PTNT) Sóc Trăng, nhận định: Từ nhiều năm qua, chương trình xây dựng NTM kết hợp các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và nhất là qua tiếp cận các mô hình sản xuất thực hành hiệu quả theo các chương trình khuyến nông đã giúp cho nhiều hộ nông dân giảm nghèo. Nhiều năm liền Sóc Trăng đạt sản lượng lúa vượt trên 2 triệu tấn, thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hàng nông sản dồi dào… người dân không còn thiếu đói.

Nhiều hộ nông dân thoát nghèo còn nhớ, vào những năm đầu thập niên 1990, sau khi tái lập tỉnh, đồng ruộng Sóc Trăng rộng lớn nhưng phần nhiều chỉ canh tác lúa một vụ trong năm. Thời gian nông nhàn những hộ nghèo, thiếu ăn phải bươn chải đi sang địa phương khác làm thuê. Tuy nhiên, bước ngoặt chuyển đổi cơ cấu SX mang tính kích hoạt, cùng hàng loạt mô hình khuyến nông mới, phù hợp điều kiện sản xuất nông hộ. Bên cạnh đó các  dự án phát triển xây dựng hạ tầng nông thôn, thủy lợi, chương trình hỗ trợ giống vật nuôi, cây trồng… mang đến “cần câu” cho bà con nông dân nghèo.

Ông Thạch Lai, cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng điểm lại trên 35 mô hình khuyến nông tiêu biểu, có hiệu quả được nhiều hộ nông dân nhân rộng sản xuất, duy trì cho đến nay. Ở huyện Thạnh Trị cập nhật mô hình SX nông nghiệp thích ứng với biển đổi khí hậu lồng ghép cùng sự hỗ trợ của dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) tỉnh Sóc Trăng về áp dụng các giải pháp canh tác lúa. Hiệu quả đã tăng lợi nhuận trên 4-5 triệu đồng/ha/vụ.

Không chỉ riêng cây lúa, trong điều kiện khô hạn và thiếu nước ngọt, nông dân tiếp cận, áp dụng các mô hình luân canh trên đất lúa với nhóm cây trồng rau màu như dưa hấu, bí đỏ, khổ qua, dưa leo, đậu bắp… Kết quả lợi nhuận đạt khá cao (40-60 triệu đồng/ha/vụ). Trong khi đó ở thị xã Ngã Năm có các mô hình "3 cây, 1 con", canh tác giống lúa chất lượng cao, trồng cây ăn trái, và nuôi cá đồng trong ruộng lúa 2 vụ, lợi nhuận đạt 88,2 triệu đồng/ha.

Tạo động lực thúc đẩy

Song hành phát triển cùng lĩnh vực trồng trọt, thực hiện chuyển dịch trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản đạt nhiều thành tựu. Từ năm 2004, thông qua dự án Heifer tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ bò cái lai Sind đã đem lại nghề nuôi bò thịt, bò sữa trong cho hàng ngàn hộ nông dân. Đàn bò bắt đầu nhân ra và chuyển giao cho nhiều hộ, hiệu quả thoát nghèo lan rộng ở các huyện Trần Đề, Mỹ Xuyên, Châu Thành và TP Sóc Trăng.

Tổ chức Heifer trao tặng bò cho hộ Khmer nghèo xã Phú Tân, huyện Châu Thành (Sóc Trăng). Ảnh: HĐ

Tổ chức Heifer trao tặng bò cho hộ Khmer nghèo xã Phú Tân, huyện Châu Thành (Sóc Trăng). Ảnh:

Điểm nổi bật hiện nay Sóc Trăng là tỉnh duy nhất ở ĐBSCL duy trì đàn bò sữa ổn định. Từ năm 2004 nông dân Sóc Trăng bắt đầu nuôi bò sữa và HTX EverGrowth ra đời. Tổng đàn bò ban đầu 477 con, được sự hỗ trợ của tổ chức Socodevi (Canada), HTX EverGrowth với trên 2.300 nông hộ là thành viên, áp dụng quy trình chăn nuôi tiên tiến, đến nay tổng đàn bò trên 7.000 con. Sản lượng sữa đạt 22 tấn/ngày.

Bước tiếp theo nhằm hỗ trợ chăn nuôi đàn heo trong nông hộ, các HTX chăn nuôi phát triển gìn giữ môi trường, tỉnh Sóc Trăng triển khai dự án hỗ trợ nông nghiệp các-bon thấp (LCASP), sau 5 năm đa số hộ nông dân, trang trại chăn nuôi nhận thức rõ mặt lợi ích thiết thực trong vấn đề bảo vệ môi trường nông thôn. Đến năm 2017, LCASP Sóc Trăng tiếp tục lắp đặt 1.500 công trình khí sinh học quy mô nhỏ và 5 công trình quy mô vừa và tổ chức tập huấn cho khoảng 2.000 học viên biết cách ủ chua cỏ xanh làm thức ăn gia súc; ứng dụng chế phẩm làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi.

Thực hiện hiệu quả các dự án, chương trình lồng ghép phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống người dân, chú trọng tạo việc làm, chăm lo nâng cao mức sống đối với những hộ nghèo, vừa qua tỉnh Sóc Trăng ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia “Không còn nạn đói” ở Việt Nam đến năm 2025.

Mục tiêu chung của kế hoạch nhằm đảm bảo lương thực, thực phẩm; đáp ứng đủ dinh dưỡng, nâng cao thể trạng, trí tuệ, tầm vóc của con người trên địa bàn tỉnh, đồng thời thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững mà việt nam đã cam kết với Liên Hợp quốc và Quyết định số 712/QĐ của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, mục tiêu cơ bản hướng tới các hộ gia đình có đủ lương thực, thực phẩm an toàn đảm bảo dinh dưỡng quanh năm, giảm tỷ lệ hộ gia đình có mức năng lượng ăn vào bình quân trên đầu người dưới 1.800 Kcal xuống dưới 5%, tăng mức tiêu thụ rau củ, quả an toàn, trung bình đạt mức tối thiểu 400 g/người/ngày.

Tỉnh Sóc Trăng có 1,2 triệu người, trong đó dân tộc thiểu số trên 424.000 người, chiếm 35,41% dân số. Dân tộc Khmer trên 362.000 người, dân tộc Hoa trên 62.300 người, còn lại 25 dân tộc khác là 416 người.

Năm 2020, toàn tỉnh còn 8.623 hộ nghèo, chiếm 2,67% tổng số hộ trên địa bàn tỉnh (giảm 7.267 hộ so với năm 2019), trong đó, hộ nghèo dân tộc thiểu số là 4.354 hộ, chiếm 3,76% (giảm 3,24% so với năm 2019).

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.