| Hotline: 0983.970.780

Cách nào lấy lại lòng tin người tiêu dùng?

Thứ Sáu 27/11/2015 , 08:21 (GMT+7)

Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, ông Nguyễn Xuân Hồng đã trao đổi với NNVN về cách để lấy lại lòng tin của người tiêu dùng cho sản phẩm rau an toàn…

18-07-39_dsc_1069
Ông Nguyễn Xuân Hồng

Sáng kiến rất hay

Ông đánh giá ra sao về chuyên mục mới mở “Thực phẩm sạch, ai làm, bán ở đâu?” của báo NNVN?

Đó là sáng kiến của Báo Nông nghiệp Việt Nam vì người đọc rất quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm, rất cần những địa chỉ đáng tin cậy để mua.

Ở Hà Nội, TP.HCM đã có nhiều cơ sở sản xuất và cửa hàng thực phẩm an toàn nhưng vẫn chưa đến được với đông người tiêu dùng. Báo cung cấp địa chỉ là rất đúng đồng thời qua đấy các địa phương rút kinh nghiệm để mà sản xuất.

Muốn làm được tốt vai trò này, Báo cần tăng cường phối hợp với các địa phương, với các Cục như BVTV, Chăn nuôi, Trồng trọt, Thú y để giới thiệu những địa chỉ tin cậy.

Báo Nông nghiệp Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng dù các báo khác cũng tốt nhưng riêng về vấn đề an toàn thực phẩm thì tờ báo ngành là địa chỉ đáng tin cậy để người ta tin. Báo ngành nên hiểu ngành hơn, các chuyên gia giống như người nhà, có mối quan hệ rất chặt chẽ, có phối hợp tốt nên sẽ đưa ra những thông tin cập nhật nhất, chính xác nhất đến người đọc.

Báo chí giờ không chỉ có báo giấy mà đã có báo điện tử nên càng nhiều người quan tâm. Ngoài Báo Nông nghiệp Việt Nam chúng tôi cũng sẽ phối hợp với đài phát thanh, đài truyền hình và các báo khác nữa để cùng vào cuộc.

Bắt đầu sẽ từ đâu thưa ông?

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã giao Cục BVTV với Cục Trồng trọt tập trung cao độ vào chuỗi rau, quả, nhất là rau, trước mắt cho hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM. Tại Hà Nội, Cục BVTV sẽ là chính, phối hợp là Cục Trồng trọt, ở đầu TP.HCM giao Cục Trồng trọt là chính, Cục BVTV phối hợp.

Thực trạng nhiều năm nay cho tôi thấy ở vùng nông thôn, nông dân tự cấp tự túc là chính cho nên sản xuất hàng hóa, thâm canh rau ở mức độ thấp.

Đa số rau họ làm ra cho chính gia đình ăn hoặc cho cộng đồng ăn, lượng bán rất ít. Ở nông thôn có mấy ai đi mua rau đâu, cho nhau cũng có. Không thâm canh cao nên rau ăn ở nông thôn khá yên tâm.

Nhưng cung cấp cho hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM thì mới là điểm nóng vì phải có những vùng chuyên canh rau, sản xuất liên tục, một năm cả chục vụ rau, thâm canh cao, vì thế sâu bệnh nhiều, sử dụng thuốc BVTV nhiều, phân bón cũng nhiều. Thứ nữa là ý thức người dân làm để bán là chính cho nên có một số người không quan tâm đến an toàn thực phẩm để giữ sức khỏe cho người khác.

Những việc cần làm

Vậy cụ thể sẽ làm ra sao?

Cần xác định một số nội dung trọng tâm như sau:

Thứ nhất là truyền thông. Công tác tuyên truyền tập trung vào nâng cao hiểu biết về an toàn thực phẩm cho người sản xuất và tiêu dùng.

Phê phán những hành vi không tốt đồng thời khuyến khích những mô hình làm tốt. Thực chất ở các địa phương có rất nhiều mô hình tốt nhưng báo chí của ta hay khai thác những khía cạnh tiêu cực chứ không mấy khi giới thiệu mô hình tốt.

Bác Hồ nói là chống tiêu cực phải vừa xây vừa chống. Xây rất quan trọng chứ không chỉ mỗi đưa tiêu cực, vi phạm dù nó cũng cần thiết. Người tiêu dùng quan tâm đến các phương tiện truyền thông ở chỗ muốn mua thực phẩm sạch thì ở đâu? Có tin cậy không? Các địa chỉ ấy phải được cơ quan quản lý chứng nhận, phải người thật, việc thật mới lấy lại được lòng tin của người tiêu dùng.

Thời gian qua, do cách tuyên truyền của nhiều báo, nhất là báo mạng, khai thác khía cạnh tiêu cực khiến nhiều người tiêu dùng hoang mang. Việc đưa tin như thế không tốt cho cả xuất khẩu nữa trong khi Việt Nam xuất khẩu đi khắp thế giới.

Lúa gạo đấy, có làm lúa xuất khẩu riêng đâu, trong nước riêng đâu, vừa ăn vừa xuất tới 6 triệu tấn. Trái cây, rau dự kiến sẽ xuất khẩu tới 2 tỉ đô la. Ngoài ra còn nhiều sản phẩm khác nữa.

Phải vừa nâng cao nhận thức, hiểu biết, đồng thời giới thiệu các mô hình làm ăn tốt để cho nông dân khác học tập làm theo. Khi cái tốt nhiều lên thì cái xấu sẽ ít đi. Phải khơi dậy cái tốt để người làm tốt được động viên lại làm tốt hơn còn những người khác học tập theo.

Thứ hai là tăng cường thanh tra, kiểm tra để ngăn chặn những trường hợp kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV không đúng theo quy định. Ngoài quản lý về buôn bán thuốc rất quan trọng rồi phải quản lý cả về mặt sử dụng. Muốn làm được điều này phải đưa cả hệ thống chính trị ở nông thôn vào cuộc, ví dụ như vừa rồi Bộ NN-PTNT ký với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để tăng cường giám sát về vật tư nông nghiệp.

Giám sát không chỉ với người sản xuất, người buôn bán mà còn người sử dụng. Vì người sử dụng có hiểu biết, không sử dụng sản phẩm mất an toàn thì người bán biết bán cho ai? Có cầu mới có cung. Muốn người sử dụng nâng cao được ý thức cũng liên quan đến công tác truyền thông.

Thứ ba là phải nhân rộng những mô hình liên kết, tổ chức sản xuất, cung ứng rau an toàn. Ở các địa phương đã có thì phải nhân rộng lên. Việt Nam xuất khẩu được rau quả sang tận Nhật, Úc, Hàn Quốc… Tức là những nước khó tính nhất trên thế giới đều chấp nhận nông sản của Việt Nam. Nước Nhật công bố nông sản của họ 99,9% đảm bảo an toàn, nhất thế giới mà ta còn đưa sang được thanh long, xoài.

Vấn đề nằm ở đâu? Sản xuất ra nông sản sạch, an toàn có khó gì đâu? Thế nhưng mà lượng hàng hóa như thế không được nhiều. Thay vì 2 tỉ đô la xuất khẩu rau quả, có thể xuất được nhiều hơn thế nếu làm tốt được vấn đề an toàn thực phẩm. Ngoài ra, trong nước người tiêu dùng cũng được hưởng lợi.

Rõ ràng an toàn thực phẩm không phải vấn đề ở kỹ thuật mà chỉ là ý thức của người sản xuất và tổ chức sản xuất. Trong chuỗi sản phẩm thì công đoạn sản xuất là quan trọng nhất, khâu tiêu thụ sẽ tạo động lực cho sản xuất.

ru185226800
Tất cả người dân đều muốn được sử dụng thực phẩm an toàn

Còn chính người sản xuất sẽ làm cho thị trường rộng mở hơn bởi làm tốt sẽ có thị trường rộng, đem lại lợi ích cho chính họ. Thế nhưng vai trò của người tiêu dùng cũng rất quan trọng. Nếu người tiêu dùng cứ đến cửa hàng rau an toàn mua thì mới tạo ra động lực cho sản xuất an toàn.

Thay vì chỉ bán cho khoảng 20-25% người tiêu dùng mua rau an toàn mà bán cho 70-80% thì sẽ khuyến khích được sản xuất rau an toàn.

Muốn làm được như vậy, cần có những chính sách. Ví dụ cần đề xuất Bộ Y tế quy định tất cả trường học, bệnh viện, bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn đều phải lấy thực phẩm an toàn, được chứng nhận. Làm thế mới tạo ra được thị trường chứ không thể để muốn lấy thực phẩm đâu thì lấy. Phải quy định bắt buộc.

Qua những đợt cao điểm này sẽ hình thành nên cách làm mới, thành nếp, cứ theo đó mà thực hiện. Muốn làm được điều này sự phối hợp giữa cơ quan TW và địa phương phải chặt để có những vấn đề gì vướng mắc nắm bắt sớm mà sửa đi.

Mấu chốt ở thuốc BVTV

Hiện tại việc triển khai gặp khó khăn gì?

Như Hà Nội mới tự túc được 50% rau, TP.HCM mới được 40%, đa số từ các địa phương khác đưa vào. Việc quản lý của các địa phương này đang không tốt chính vì thế Hà Nội và TP.HCM mới ký kết liên kết với các địa phương lân cận để sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn. Tuy nhiên do cơ chế phối hợp chưa được chặt chẽ, rõ ràng, nên hiệu quả còn hạn chế.

Ngoài ra hai địa phương này còn phản ánh quy định của ngành về đủ điều kiện sản xuất rau an toàn, cấp chứng chỉ VietGAP quá phức tạp, nhiều chỉ tiêu không khả thi. Như VietGAP có hơn 60 chỉ tiêu khác nhau nhưng trong thực tế để ra rau an toàn rất đơn giản, chỉ sử dụng thuốc BVTV cho đúng là ra mà thôi.

Các nước cũng khuyến cáo cho Việt Nam, họ đã từng trải qua những giai đoạn như Việt Nam đều nói cần tập trung quản lý, sử dụng thuốc BVTV. Gần như các trường hợp vi phạm mà các nước cảnh báo mình, trả sản phẩm về hoặc do ta tự phát hiện ra ở trong nước chủ yếu liên quan đến sử dụng thuốc BVTV.

Tại sao ta không co lại những tiêu chí sao cho sát với thực tế để dân dễ làm?

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã giao cho Cục Trồng trọt rồi, đơn vị này đã trình phương án để đơn giản hóa VietGAP.

Tuy nhiên theo tôi cần giản đơn hơn nữa, chỉ cần 5-7 tiêu chí mà thôi. Thứ nhất là nằm trong vùng quy hoạch. Thứ hai là bón phân cân đối, không sử dụng phân tươi. Thứ ba là sử dụng thuốc BVTV theo bốn đúng, quan trọng nhất là đảm bảo thời gian cách ly còn chuyện thuốc cấm gần như không có. Thứ tư, là trong quá trình thu hoạch, vận chuyển, sơ chế không sử dụng hóa chất, nước bẩn. Thứ năm là có nhãn mác để truy xuất nguồn gốc. Chỉ cần như vậy là có rau an toàn.

Cách đây một tuần chúng tôi có hội thảo với tổ chức Croplife, có mời một giáo sư nguyên là Chủ tịch Hội đồng đăng ký thuốc BVTV của Nhật, ông ấy nói về sử dụng thuốc BVTV như thế nào, bản chất của nó ra sao. Tính ra lượng thuốc BVTV sử dụng trên một đơn vị diện tích của Nhật lại nhiều hơn Việt Nam nhưng tại sao họ đảm bảo được 99,99999% an toàn mà ta lại không đạt được. Không phải vì ta sử dụng lượng nhiều mà do không đúng lúc, đúng cách.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Thời của tôm sú?

Theo số liệu của Liên minh Thủy sản Toàn cầu (GSA), Trung Quốc, Việt Nam là hai quốc gia sản xuất tôm sú lớn nhất thế giới, với sản lượng mỗi nước khoảng 150.000 tấn.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

‘Con tôm ôm Thụy Hương 308’ cùng phát triển bền vững

Giống lúa lai ba dòng Thụy Hương 308 đem đến năng suất vượt trội, khả năng chống chịu phù hợp với mô hình luân canh lúa - tôm trên những cánh đồng mặn xâm nhập.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.