| Hotline: 0983.970.780

Chính quyền thân thiện

Cán bộ xã dùng sim điện thoại 'cõng' bản

Thứ Hai 17/07/2023 , 15:34 (GMT+7)

Lai Châu Vàng A Thao cười bẽn lẽn đưa cán bộ xã tờ khai giấy khai sinh cho con đã làm đến lần 4. Tới lúc nộp phí trực tuyến, anh lại gãi đầu nhờ cán bộ.

UBND xã Bản Lang xây sát nhà dân, chỉ cách một bức tường cao ngang ngực người lớn. Ảnh: Bảo Thắng.

UBND xã Bản Lang xây sát nhà dân, chỉ cách một bức tường cao ngang ngực người lớn. Ảnh: Bảo Thắng.

Chính quyền thân thiện ở Lai Châu: Cán bộ xã dùng sim điện thoại 'cõng bản'

Sim điện thoại "cõng" bản

Vàng A Thao, người Thái, cười ngượng bảo cán bộ xã: “Làm hộ nốt đi. Chưa biết cái mã định danh là cái gì. Cả bản có ai thấy bao giờ đâu”. Ngoài cửa, mấy phụ nữ người Mông cũng líu ríu nói chuyện với nhau, chỉ trỏ về phía Thao. Họ nhìn tờ khai, rồi lại nhìn cán bộ xã cắm cúi làm thủ tục thanh toán.

Lành Thị Lưu, công chức văn phòng thống kê, bộ phận một cửa xã Bản Lang, huyện Phong Thổ, Lai Châu mất chừng 5 phút để hoàn thành thủ tục khai sinh cho con trai của Thao. Nữ cán bộ sinh năm 1990 vừa dùng bút gạch vào tờ khai mẫu mà cô làm sẵn, vừa hướng dẫn Thao khai theo.

Bài liên quan

Với một người chưa bao giờ đi quá ngọn Pờ Ma Lung, từ bé đến lớn chỉ quen với dòng Nậm Lung, viết mấy chữ nguệch ngoạc trên tờ A4 dường như còn khó hơn cày mấy sào ruộng trong một buổi sáng. Mồ hôi rịn trán, Thao phải đến lần thứ tư mới hoàn thành.

Vừa xong việc của Thao, cán bộ Lưu lại quay qua hướng dẫn cho một phụ nữ khác đang chờ làm tờ khai tử tuất. Sau một hồi trao đổi bằng tiếng Kinh, cán bộ người Thái lại dùng tiếng Dao để giải thích thêm. Chuyện là người nhà của mấy phụ nữ này vừa mất, lâu nay hưởng chế độ người già trên 75 tuổi, hộ nghèo, khai sinh năm 1931, song khi làm khai tử lại phát hiện chứng minh nhân dân sinh năm 1930.

Dường như sau 15 phút thuyết phục, bà con vẫn chưa hiểu được những việc cần làm. Chị Lưu đành đấu dịu, rót nước mời bà con. Gần đó, Phàn Vần Thành, cán bộ tư pháp xã Bản Lang qua giải thích thêm. Mất thêm gần nửa tiếng nữa, người phụ nữ dân tộc Dao mới hiểu là việc này phải xin xác nhận thêm từ công an huyện. Cho dù dùng tiếng Kinh hay tiếng Thái, tiếng Dao, sự nhẹ nhàng, nhẫn nại trong giọng nói, vẻ tận tình chưa từng phút giây nào dừng ở cán bộ xã Bản Lang.

Từ trái nhà của người dân có thể nhìn rõ phòng của Phó Chủ tịch Vàng Văn Tú. Ảnh: Bảo Thắng.

Từ trái nhà của người dân có thể nhìn rõ phòng của Phó Chủ tịch Vàng Văn Tú. Ảnh: Bảo Thắng.

Câu chuyện khai tử, vốn đã được Thành vào tận bản vận động gia đình đi làm. “Chúng em thông báo mấy lần rồi, nhưng gia đình không chịu đến. Họ cứ nghĩ đơn giản nhắm mắt xuôi tay về với đất là thôi, không phải làm gì nữa. Sau khi cán bộ xã, bản, giải thích, vận động, họ mới đi làm khai tử”, cán bộ xã phân trần.

Hai câu chuyện trong một buổi chiều, có thể hơi xa lạ ở thành phố, song là chuyện thường ngày ở Bản Lang, xã biên giới của Lai Châu. Tuy nhiên, đó chưa phải thách thức lớn nhất với khoảng hai chục cán bộ xã. Lưu tâm sự, điều khiến chị tốn công nhất là vận động bà con thanh toán các chi phí thủ tục hành chính bằng hình thức trực tuyến.

Theo chủ trương cải cách hành chính của Đảng, Nhà nước, các địa phương cần nâng dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 3, mức độ 4. Cụ thể tại xã Bản Lang, nơi đang triển khai ở mức độ 3, người dân có thể điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan quản lý. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan.

Bài liên quan

Vấn đề cũng phát sinh từ đây. Tại xã Bản Lang, hầu như bà con chưa hiểu thế nào là thanh toán qua mạng. Một số thậm chí hoài nghi, tờ tiền to như thế làm sao "nhét vừa" cái điện thoại? Chuyện mở tài ngân hàng có thể xem là xa xỉ ở xã vùng cao này.

Hiểu tâm lý bà con nên chị Lưu cùng một cán bộ cùng phòng phải linh hoạt trong khâu tiếp nhận, xử lý hồ sơ bằng cách thanh toán các chi phí dịch vụ công thông qua dịch vụ Viettel Money. Mỗi trường hợp phát sinh chi phí, Lưu lại mượn căn cước công dân, điền các thông tin liên quan lên môi trường mạng. Duy nhất, số điện thoại thì chị để thông tin của mình. Các thanh toán được chị chuyển từ tài khoản cá nhân, sau đó thu lại tiền mặt từ bà con.

Mới đầu nhiều người còn bỡ ngỡ, nhưng sau dần thành quen. Giờ đồng bào người Thái, người Mông vùng cao đều phải tấm tắc cái thẻ be bé, cắm vào điện thoại "tài thật", có thể khai sinh cho con cái họ. Đổi lại, trong hộc bàn của Lưu lúc nào cũng có một xấp tiền lẻ, loại 1.000, 2.000 đồng, để chị có thể trả lại tiền thừa cho người dân.

Nói không ngoa, mỗi cán bộ xã ở Bản Lang “cõng” trên vai cả một bản, chỉ bằng chiếc sim điện thoại chính chủ của mình.

Cán bộ UBND xã Bản Lang trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Bảo Thắng.

Cán bộ UBND xã Bản Lang trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Bảo Thắng.

Lấy cán bộ làm mẫu

Chính quyền thân thiện xã Bản Lang giúp người dân xóa đói,giảm nghèo

Ngoài chuyện thông thạo tiếng Dao, tiếng Thái, cán bộ xã Bản Lang còn đi đầu trong việc đi đầu, làm gườn cho người dân xóa đói, giảm nghèo bằng nông nghiệp. Từ hồi tháng 8 năm ngoái, một số cán bộ xã ở Bản Lang làm thí điểm 28ha chanh leo. Tết vừa rồi, cán bộ và một vài hộ dân có thu nhập lần đầu. Tháng 7 này lại đang ra quả vụ thứ hai.

“Bà con thấy có thu nhập khá, nên đang hào hứng làm theo. Nhiều hộ tự đến đăng ký với xã để được hưởng chính sách ưu đãi về cây giống, phân bón, vật tư nông nghiệp”, ông Nguyễn Văn Thủy, Chủ tịch UBND xã Bản Lang, cho biết.

Bài liên quan

Chanh leo là loài cây mới ở Bản Lang, góp phần đưa xã vùng biên vươn lên khá giả. Dọc huyện lộ 132 từ trung tâm huyện Phong Thổ tới Bản Lang, đây đó thấp thoáng những vườn chanh leo trĩu quả.

“Nhờ sự hỗ trợ của tỉnh và huyện, doanh nghiệp Nafoods cung cấp cây giống, hướng dẫn trồng, bao tiêu đầu ra, bà con vui lắm. Nhưng thú thực ban đầu một số hộ trồng, đều là cán bộ xã. Dân họ thấy cán bộ làm được, họ mới theo”, ông Thủy cho biết.

Cũng theo ông Thủy, tham gia mô hình hiện có 61 hộ dân ở 8 bản là Bản Lang 2, bản Pho, Nậm Lùng, Dao Chản... Trong tổng số diện tích chanh leo ở Bản Lang thì có 9ha được hỗ trợ 100% cây giống và phân bón, diện tích còn lại được hỗ trợ 70% phân bón và 100% cây giống.

Thông qua mô hình tương đối thành công hiện tại, Chủ tịch xã Bản Lang cho biết đang tiếp tục liên hệ và nhờ sự hướng dẫn thêm về chuyên môn từ Sở NN-PTNT Lai Châu để tiến tới đưa chanh leo trở thành sản phẩm hàng hóa. 

Chị Lành Thị Lưu, cán bộ phòng thống kê, bộ phận một cửa của xã tận tình hướng dẫn người dân. Ảnh: Bảo Thắng.

Chị Lành Thị Lưu, cán bộ phòng thống kê, bộ phận một cửa của xã tận tình hướng dẫn người dân. Ảnh: Bảo Thắng.

Ông Thủy cho biết, sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng và được nhiều người biết đến nhất tại Bản Lang hiện nay là gạo nếp tan, còn được gọi là “khẩu lương phửng”. Giống như một số loại gạo nổi tiếng khác của tỉnh Lai Châu như gạo séng cù, gạo tẻ râu, gạo nếp tan Bản Lang có thể được chế biến thành nhiều món ăn rất được ưa chuộng như cốm, xôi, bánh chưng, bánh giầy, rượu cần. Đặc biệt, gạo nếp này khi đồ xôi, hoặc nấu cơm nếp rất thơm, dẻo, dù để một, hai hôm cũng không bị cứng.

Hàng năm, bà con bắt đầu gieo mạ từ cuối tháng 4, cấy vào tháng 6, 7 và thu hoạch từ trung tuần tháng 10 đến tháng 11. Vào mùa, cả cánh đồng Bản Lang ngào ngạt hương thơm đặc trưng của giống nếp tan, như mời gọi du khách phương xa đến với nơi này. 

Với mục tiêu phát triển kinh tế chú trọng vào sản xuất nông nghiệp, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, thời gian tới xã Bản Lang cam kết tiếp tục khuyến khích, vận động người dân chuyển đổi các khu vực đất nông nghiệp kém hiệu quả sang canh tác các loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, tạo sinh kế mới cho người dân.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Mỗi hợp tác xã cần có thương hiệu

TRÀ VINH Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần xây dựng thương hiệu cho HTX. Làm sao mỗi nhà các thành viên HTX đều có bảng thông tin về HTX của mình để họ yêu quý, chăm chút cho HTX.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khoanh vùng thiếu nước để ngừng sản xuất nông nghiệp

Công ty Thủy lợi Khánh Hòa khuyến cáo người dân không tự ý sản xuất đối với diện tích đã khoanh vùng tạm dừng sản xuất, nhằm tránh thiệt hại do không có nước tưới.