| Hotline: 0983.970.780

Cần cứu thực vật cổ sinh thông hai lá dẹt

Thứ Ba 11/11/2008 , 09:30 (GMT+7)

Thông hai lá dẹt được mệnh danh là “sứ giả thời tiền sử” còn sót lại trên cao nguyên Langbian (Lâm Đồng)...

Cây trội thông hai lá dẹt trong rừng Bidoup

Cuối tháng 10/2008, các nhà khoa học tỉnh Lâm Đồng cùng các chuyên gia ngành lâm nghiệp của trung ương đã thống nhất một lần nữa nêu kiến nghị cần cứu lấy quần thể thông hai lá dẹt được mệnh danh là “sứ giả thời tiền sử” còn sót lại trên cao nguyên Langbian (Lâm Đồng) bằng mọi cách. Từ trước đến nay đã có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học được tiến hành nhưng một giải pháp khả thi nhằm cứu lấy loài cổ thực vật này trước nguy cơ tuyệt chủng xem ra vẫn chưa có.

Nhà thực vật học Nông Văn Duy (Viện Sinh học Tây Nguyên) cho biết, mặc dầu cách nay vài năm, ông có phát hiện khả năng tái sinh tự nhiên của loài thông hai lá dẹt từ vùng Cổng Trời sang dãy núi Bidoup (thuộc huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) nhưng qua quá trình theo dõi, những cá thể tái sinh này ít có khả năng tồn tại để phát triển thành cây cổ thụ. Điều đó cho thấy, khả năng tuyệt chủng một loài cổ sinh vật có từ thời khủng long – thông hai lá dẹt – được cảnh báo từ vài chục năm trước đến nay vẫn còn nguyên vẹn. Bởi thế, chúng ta không quá khó hiểu khi các nhà khoa học chuyên ngành đã phải nhiều lần lên tiếng về việc cứu lấy quần thể cổ thực vật cùng thời với khủng long này trước nguy cơ tuyệt chủng, đặc biệt là lần kiến nghị gần đây nhất với những đề xuất khá cụ thể.

Ông Hứa Vĩnh Tùng – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm Lâm nghiệp Tây Nguyên – cho biết: Theo các tài liệu khoa học, thông hai lá dẹt (Pinus Krempfii) đã xuất hiện trên cao nguyên Lâm Viên (Langbian – Lâm Đồng) từ hàng triệu năm về trước, xuất hiện đồng thời với cổ động vật khủng long. Nhưng mãi đến cuối thế kỷ XIX, nhà thực vật học người Đức M. Kremplii mới phát hiện được sự sống sót của loài thực vật cổ sinh “hóa thạch sống” – thông hai lá dẹt – sau nhiều trận đổi dời thiên địa (mà loài khủng long đã vĩnh viễn biến mất) này. Điều đáng nói là qua quá trình tiến hóa theo thời gian, loài thực vật cổ sinh thông hai lá dẹt không có sự biến đổi đáng kể về gen.

Theo một đề tài nghiên cứu khoa học gần đây nhất của Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà thì quần thể thông hai lá dẹt tồn tại chủ yếu ở vùng rừng Bidoup, nơi có độ cao từ 1.460m so với mặt nước biển trở lên, kiểu rừng hỗn giao. Loài thực vật cổ sinh này được phân bố trên diện tích khoảng 30ha với mật độ trung bình 12 cây/ha; trong đó, có nhiều cây có đường kính gốc trên 1m (theo các nhà khoa học thì tuổi của thông hai lá dẹt có đường kính từ 1m trở lên lên đến hàng nghìn năm tuổi – một điều kỳ diệu mà đến nay vẫn chưa được giải thích thấu đáo).

Nhà thực vật học Nông Văn Duy nói rằng khả năng tái sinh của thông hai lá dẹt trên vùng rừng Bidoup là khá tốt – mật độ lên đến trên 200 cây/ha – nhưng qua thời gian, số lượng cây non tái sinh bị chết rất nhiều. Kết quả nghiên cứu của Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà cũng kết luận: “Thông hai lá dẹt là loài có phân bố hẹp và mang tính đặc hữu, có giá trị lớn về khoa học, khả năng tái sinh hạn chế do nhiều nguyên nhân”. Điều đáng lo ngại là trong những năm gần đây, số lượng vụ phá rừng và diện tích rừng bị tàn phá ở huyện Lạc Dương – nơi có quần thể thực vật cổ sinh thông hai lá dẹt – ngày một đáng báo động.

Từ kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học và chủ rừng – Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà – đưa ra kiến nghị: Cần có những nghiên cứu sâu hơn về khả năng tái sinh cũng như các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tái sinh của loài cây này để làm cơ sở cho việc đề xuất các biện pháp bảo tồn hợp lý. Bên cạnh đó là cần thu nhặt quả thông hai lá dẹt để gieo ươm và giâm hom ươm thực nghiệm và sau đó nhân rộng loài cây được mệnh danh là “sứ giả thời tiền sử” này.

Xem thêm
Chăn nuôi nhỏ lẻ chật vật xoay sở trong nắng nóng

Nắng nóng kéo dài, diện tích đồng cỏ tự nhiên thu hẹp cùng với giá bán giảm khiến cho nhiều hộ chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ tại Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn.

Quảng Trị chưa có địa phương nào thành lập được đội bắt chó thả rông

Bệnh dại đã xuất hiện nhưng tỷ lệ tiêm phòng tại Quảng Trị vẫn đạt thấp, các đội bắt chó thả rông cũng chưa được thành lập theo kế hoạch.

Trồng sắn phủ bạt kết hợp tưới nhỏ giọt, năng suất tăng gấp đôi

PHÚ YÊN Ngay vụ đầu thử nghiệm, mô hình trồng sắn phủ bạt kết hợp tưới nhỏ giọt đã cho năng suất 50 tấn/ha, trong khi cách trồng truyền thống chỉ đạt từ 15 - 18 tấn/ha.