| Hotline: 0983.970.780

Cần lắng nghe ý kiến của tiểu thương

Thứ Năm 27/02/2014 , 10:36 (GMT+7)

Việc phải di dời chợ Nhà Xanh đến địa điểm mới là cần thiết. Song điều khiến các tiểu thương đang kinh doanh trong chợ cảm thấy bức xúc đó là cung cách làm việc tắc trách của cán bộ UBND cấp quận, phường.

Chủ trương của UBND TP Hà nội trong thời gian tới sẽ xóa bỏ toàn bộ chợ tạm, chợ cóc, chuyển đổi sang chợ xây kiên cố cấp 1 hoặc cấp 2, nhưng lần di chuyển chợ Nhà Xanh, UBND Quận Cầu Giấy vẫn chỉ đưa các tiểu thương vào chợ tạm khác. Liệu trong vòng 5 - 7 năm sau, họ có phải di chuyển thêm một lần nữa hay không?

Tắc trách

Ngọn lửa ngày 16/12/2013 đã thiêu hủy hàng chục kiốt tại chợ Nhà Xanh khiến nhiều hộ kinh doanh nơi đây mất toàn bộ vốn liếng, hàng hóa. Sau khi chợ bị cháy, các tiểu thương đã được cán bộ công an mời đến để kê khai tài sản bị thiệt hại. Hộ kinh doanh thiệt hại nhẹ vẫn phải mất đến vài trăm triệu, còn có những hộ thiệt hại hàng tỉ đồng.

Thế nhưng, kể từ sau động thái kiểm kê đó đến nay, đã hơn 1 tháng nhưng chưa có cơ quan quản lý Nhà nước nào từ UBND phường đến UBND quận Cầu Giấy thông tin phản hồi về nguyên nhân cháy chợ và xác định trách nhiệm. Để khắc phục, các hộ bị cháy kiốt chủ trương tự dựng lại cửa hàng.

Tuy nhiên, việc dựng lại kiốt của các tiểu thương lại bị BQL chợ ngăn cản, đồng thời UBND quận Cầu Giấy cũng ra thông báo sẽ di dời chợ Nhà Xanh đến nơi khác để thực hiện Dự án cải tạo đường Phan Văn Trường. Đây là dự án đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt từ đầu năm 2013 nên việc phải di dời chợ Nhà Xanh đến địa điểm mới là cần thiết. Song điều khiến các tiểu thương đang kinh doanh trong chợ cảm thấy bức xúc đó là cung cách làm việc tắc trách của cán bộ UBND cấp quận, phường.


Chợ tạm Nhà Xanh mới cũng xập xệ khiến tiểu thương lo ngại về phương án PCCC

Việc di chuyển chợ Nhà Xanh động chạm đến đời sống của xấp xỉ 400 tiểu thương đang kinh doanh, buôn bán tại đây vậy mà quá trình triển khai xây chợ mới, lên kế hoạch di chuyển chợ, chuyển đổi Ban quản lý chợ… chính quyền địa phương không hề tổ chức họp mặt tham khảo ý kiến của các tiểu thương. Ngày 3/1/2014, tức là sau khi chợ Nhà Xanh bị cháy chừng nửa tháng, UBND Quận Cầu Giấy lại họp triển khai công tác di chuyển chợ tạm Nhà Xanh từ phố Phan Văn Trường về phố Phạm Tuấn Tài và có Thông báo số 02/TB-UBND quận Cầu Giấy. Theo đó, UBND quận Cầu Giấy sẽ chấm dứt toàn bộ hợp đồng với các tiểu thương kể từ tháng 1/2014 và sẽ cắt toàn bộ hệ thống điện tại các quầy, sạp kể từ mùng 06/01/2014.

Thông báo chuyển chợ mà UBND Quận Cầu Giấy gửi đến các tiểu thương cũng bất ngờ, đột ngột như “cháy chợ”, lại đúng vào thời điểm giáp Tết nên hầu hết các hộ kinh doanh đều tỏ ý bất bình. Bà Nguyễn Thị Xuân Nga, tiểu thương kinh doanh tại kiốt số 36 dãy nhà B cho biết: “Theo hợp đồng thì việc bảo đảm an toàn tài sản của các hộ kinh doanh thuộc trách nhiệm của BQL chợ Nghĩa Tân (quản lý một số chợ trên địa bàn quận).

Cháy chợ vào thời điểm ngoài giờ bán hàng thì trách nhiệm này hoàn toàn thuộc về BQL chợ nhưng cho đến nay BQL chợ và UBND quận Cầu Giấy là cơ quan chủ quản vẫn không có ý kiến gì về bồi thường thiệt hại cho tiểu thương. Không những thế lại còn ra quyết định chuyển chợ đúng vào lúc chúng tôi khó khăn nhất. Tiểu thương chúng tôi quanh năm chỉ mong có mỗi dịp Tết bán chạy hàng, để có chút lãi lời, để khôi phục thiệt hại về kinh tế thì quận bắt chúng tôi chuyển chợ trong tháng 1, vậy còn buôn bán gì. Chúng tôi cho rằng lãnh đạo quận quá tắc trách, chỉ cần đạt mục đích giải phóng mặt bằng mà không hề quan tâm đến lợi ích của bà con”.

Hồ sơ chưa thẩm định đã xây chợ?

Còn theo ông Ngô Mạnh Hùng, chủ kiốt số 4 dãy D thì việc chuyển chợ, đồng nghĩa với việc sẽ phải thay đổi hoàn toàn môi trường kinh doanh. Các điều khoản hợp đồng với cơ quan quản lý chợ cũng thay đổi bởi chợ sẽ chuyển đổi từ BQL chợ Nghĩa Tân, thuộc UBND Quận Cầu giấy sang HTX Nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp Dịch Vọng Hậu.

Đây là chuyện vô cùng quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống của hàng trăm hộ kinh doanh tại chợ Nhà Xanh. Vậy mà ngay cả khi công bố kế hoạch, bà con tiểu thương vẫn không biết chợ mới được xây dựng với quy mô như thế nào, phương án sắp xếp ngành hàng hay phương án phòng cháy chữa cháy ra sao?

“Tới giờ thì chợ tạm Dịch Vọng Hậu hay còn gọi là chợ Nhà Xanh mới vẫn đang thi công, tuy nhiên theo cảm quan của tôi thì việc kinh doanh tại chợ mới sẽ rất khó khăn. Vì diện tích quá hẹp, cả chợ chỉ có 2600 m2 mà họ vừa phải làm đường đi vừa phải sắp xếp tới 400 gian hàng nên đường trong chợ hẹp, nói thật là không có chỗ để người ta đứng mua hàng. Thêm nữa là trần chợ làm mái tôn mà thiết kế quá thấp, trời nắng nóng với hàng nghìn con người ở trong chợ cùng với hàng hóa, vải vóc thì sẽ bức bối không chịu nổi.

Đấy là chưa nói đến hỏa hoạn, chợ mới được thiết kế như một cái lồng sắt, kín và bí. Cả hai cửa đều ở phía trước, không có lối thoát hiểm phía sau. Nếu xảy ra cháy chợ, e rằng sẽ không chỉ thiệt hại về tài sản. Lúc ấy, không biết có lãnh đạo quận nào đứng ra chịu trách nhiệm”, ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng thì việc di chuyển chợ để mở rộng tuyến phố Phan Văn Trường hầu hết bà con tiểu thương đều hoàn toàn ủng hộ. Nhưng nguyện vọng của bà con là được kinh doanh ổn định, lâu dài vì vậy các tiểu thương mong muốn UBND quận Cầu Giấy lập Dự án nâng cấp chợ Nhà Xanh lên chợ loại 2. Bởi chủ trương của UBND TP Hà nội trong thời gian tới sẽ xóa bỏ toàn bộ chợ tạm, chợ cóc, chuyển đổi sang chợ xây kiên cố cấp 1 hoặc cấp 2 nhưng lần di chuyển chợ này UBND quận Cầu Giấy vẫn chỉ đưa các tiểu thương vào mô hình chợ tạm khác.

Để tìm hiểu thêm về Dự án Chợ Nhà Xanh mới và đánh giá năng lực của chủ đầu tư, phóng viên đã làm việc với HTX Nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp Dịch Vọng Hậu. Trụ sở của HTX là một gian phòng nhỏ đặt “nhờ” tại một nhà văn hóa thuộc phường Dịch Vọng Hậu, tại đây bà Phạm Thị Hạnh - chủ nhiệm HTX cho biết: Chợ Nhà Xanh mới được xây dựng trên đất của HTX và hiện nay đã đầu tư 8 tỉ để xây chợ. Song khi phóng viên đề nghị được xem các văn bản pháp lý liên quan đến dự án như bản vẽ thiết kế, phương án bố trí ngành hàng, phương án phòng cháy… thì bà Hạnh trả lời là hồ sơ dự án nói trên đang chờ các cơ quan chức năng thẩm định.

Thật kì lạ, một dự án xây chợ ở giai đoạn chuẩn bị đưa vào hoạt động mà vẫn đang chờ thẩm định hồ sơ? Qua cách lý giải này của chủ đầu tư, phóng viên cảm thấy mối lo lắng của các tiểu thương chợ Nhà Xanh hoàn toàn có cơ sở.

Thông thường, các dự án chuyển đổi nâng cấp chợ tạm thành chợ kiên cố loại 2 thường gặp khó khăn do không nhận được sự ủng hộ của các tiểu thương. Nhưng mong muốn của các hộ kinh doanh trong chợ là được kinh doanh ổn định, đây lại là điều kiện thuận lợi để UBND quận Cầu Giấy thực hiện việc nâng cấp chợ theo đúng chủ trương của TP HN. Vậy nên thay vì cứ chuyển từ mô hình chợ tạm này sang chợ tạm khác, thiết nghĩ UBND quận Cầu Giấy nên lựa chọn một chủ đầu tư thật sự có năng lực, lập Dự án nâng cấp chợ Nhà Xanh lên chợ loại 2.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.