| Hotline: 0983.970.780

Cần quan tâm bảo tồn Rặng Thị di sản ở Đồ Sơn

Chủ Nhật 16/08/2020 , 16:04 (GMT+7)

Việc gìn giữ Rặng Thị di sản ở Đồ Sơn (Hải Phòng) góp phần khơi dậy nét đẹp văn hóa truyền thống lịch sử của nhân dân địa phương và phát triển du lịch.

Chứng tích chiến tranh

Cách trung tâm quận Đồ Sơn (Hải Phòng) khoảng 1,5km vào khu quần thể di tích lịch sử cấp quốc gia Đình Ngọc Xuyên, men theo con đường nhỏ lên núi Ngọc, Chùa Tháp, Tháp Tường Long là một Rặng cây thị cổ kính, có tuổi đời hàng trăm năm tuổi, trong đó có một số cây có tuổi đời 700-800 năm như cây Thị Bài, Thị Khe, Thị Bà Vải, Thị Gồ...

Cây thị Bà Vải có tuổi đời trên 700 năm, cao 20m, trong thời kỳ kháng chiến được chọn là chòi báo canh. Ảnh: Đinh Mười.

Cây thị Bà Vải có tuổi đời trên 700 năm, cao 20m, trong thời kỳ kháng chiến được chọn là chòi báo canh. Ảnh: Đinh Mười.

Đây là quần thể cây thị được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây Di sản Việt Nam gồm 17 cây nằm rải rác trong khuôn viên của 15 gia đình phần lớn thuộc 3 dòng họ Lê Viết, Phạm Văn, Nguyễn Đình ở 2 tổ dân phố 5 và 6 phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn.

“Đây là quần thể những cây Thị cổ đầu tiên của Việt Nam được vinh danh. Cây thị vốn quen thuộc và gần gũi với người dân Việt Nam, ngoài ý nghĩa tâm linh, cây Thị còn có ý nghĩa về văn hóa và giáo dục, ở đâu có nhiều cây Thị chứng tỏ ở đó việc học hành được người dân quan tâm, chú trọng...” - Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam.

Theo người dân địa phương, ngoài việc tạo ra một không gian xanh kỳ thú trong quần thể núi rừng khu vực suối Rồng và che chở cho nhân dân Đồ Sơn khỏi bão gió thì Rặng thị cổ còn có giá trị lớn về mặt lịch sử. Dưới gốc của một số cây còn lưu giữ lại dấu tích của những căn hầm bí mật kháng chiến, nơi tránh trú an toàn và cũng chính là nơi những hộp thư liên lạc chứa tài liệu cách mạng bí mật được cất giấu.

Ông Nguyễn Khắc Thơ, 90 tuổi, trú tại khu vực suối Rồng, phường Ngọc Xuyên cho biết: Rặng thị cổ này còn lưu giữ chứng tích về các cuộc kháng chiến chống Pháp, Nhật, Mỹ của quân và dân nơi đây, hầu hết dưới các gốc thị đều là căn cứ địa bí mật, nơi ẩn nấp và hoạt động của du kích. Như cây thị Bà Vải trên 700 năm tuổi cao 20m, tán rộng, đường kính thân 1,8m, trong thời kỳ kháng chiến được chọn là chòi báo canh. Hay cây thị Bảy Chồi có tuổi đời gần 1.000 năm, đường kính gốc là 8m, dưới gốc cây có hầm chứa được khoảng 10 người, là hầm trú ẩn lí tưởng tranh bom thời kháng chiến chống Mỹ...

“Gia đình tôi hiện tại có 7 cây thị trong vườn, trong đó có 1 cây tuổi đời hơn 600 năm được công nhận là Cây Di sản. Ngoài yếu tố của niên đại, những cây thị cổ ở đây còn là chứng tích của các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của quân và dân Đồ Sơn. Các gốc thị cả trăm năm tuổi lúc đó trở thành nơi ẩn nấp và hoạt động của du kích... đồng thời góp phần cứu đói dân làng trong thời kỳ kháng chiến” – ông Thơ bộc bạch.

Nguyễn Khắc Thơ, 90 tuổi, trú tại phường Ngọc Xuyên chia sẻ với PV về những cây thị cổ trong vườn. Ảnh: Đinh Mười.

Nguyễn Khắc Thơ, 90 tuổi, trú tại phường Ngọc Xuyên chia sẻ với PV về những cây thị cổ trong vườn. Ảnh: Đinh Mười.

Có giá trị cho du lịch

Theo các nhà nghiên cứu, sự trường tồn của rặng thị cổ ở Đồ Sơn là một trong những yếu tố đặc trưng của vùng long khí thịnh vượng có huyệt đất quý của vùng đất này. Rặng thị có sức sống mãnh liệt, biểu thị rõ nét đó chính là tuổi cây, mỗi cây thị đều có một hình dáng riêng và được đặt một cái tên gần gũi với đời sống của nhân dân.

Mặt khác, đây là đại diện tiêu biểu của sự phong phú và đa dạng của hệ thực vật Việt Nam, là tài sản vô giá, nét đẹp văn hóa, tạo nên một không gian sinh thái trong lành, cùng quần thể di tích khác như: đình Ngọc Xuyên, đền cô Chín, suối Rồng, Tháp Tường Long, Chùa Tháp... trở thành một quần thể du lịch tâm linh, một điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn du khách, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Do đó, việc gìn giữ Rặng thị di sản ở Đồ Sơn không chỉ có ý nghĩa nhân văn sâu sắc góp phần khơi dậy nét đẹp văn hóa truyền thống lịch sử của nhân dân địa phương mà còn có giá trị về phát triển du lịch.

Theo phòng Du lịch - Văn hóa thông tin quận Đồ Sơn, ngoài các sản phẩm du lịch truyền thống, sắp tới quận sẽ phát triển thêm các sản phẩm du lịch mới, tâm linh, là các loại hình đặc thù của địa phương như các tour du lịch đến tham quan dãy rặng Thị cổ, quần thể cây đa búp đỏ, rừng bứa…

Ngoài Rặng thị cổ phường Ngọc Xuyên được công nhận là cây di sản Việt Nam, trên địa bàn quận còn có quần thể 35 cây đa Búp đỏ tại đảo Hòn Dấu và hai cây đa tại biệt thự của Công ty cổ phần du lịch Đồ Sơn được công nhận là cây Di sản Việt Nam. Đây là những lợi thế lớn cho địa phương trong việc khai thác hoạt động du lịch với điểm nhấn là một điểm đến du lịch sinh thái, tâm linh mới hấp dẫn.

Cây thị di sản số 3, từng là chòi canh trong kháng chiến bị người dân đổ rác và đốt cháy 1 phần rễ. Ảnh: Đinh Mười.

Cây thị di sản số 3, từng là chòi canh trong kháng chiến bị người dân đổ rác và đốt cháy 1 phần rễ. Ảnh: Đinh Mười.

Mặc dù Rặng thị di sản có giá trị như vậy, tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, việc bảo tồn những cây di sản này vẫn phụ thuộc vào người dân, trong số 17 cây được công nhận là cây di sản đã có 2 cây chết, các cây còn lại việc bảo tồn mới chỉ đừng lại ở mức tuyên truyền vận động người dân tự trông coi, tự thu hoạch và không có kinh phí.

Ông Nguyễn Thế Anh, Chủ tịch UBND phường Ngọc Xuyên cho hay, để bảo tồn, hiện tại chính quyền địa phương mới chỉ dừng ở mức có thông báo gửi đến các gia đình diện tích đất có cây di sản, để người dân quản lí trông nom, chăm sóc và thu hoạch… 1 số cây nằm ở vệ đường thì hàng năm giao cho bên văn hóa và thanh niên dọn dẹp vệ sinh, cắt tỉa những cành hỏng… do kinh phí không có nên mặt quản lí nhà nước mới chỉ ở mức công tác vận động nên gặp khó khăn.

 “Trên địa bàn phường có 17 cây thị được công nhận là cây di sản, có tuổi đời từ 300-700 năm. Vừa rồi, có 2 cây bị chết và 1 cây bị người dân đổ rác và đốt dưới gốc, chúng tôi đã lập biên bản xử lí và tuyên truyền cho người dân việc gìn giữ và bảo vệ cây di sản” – ông Thế Anh chia sẻ.

Năm 2010, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phát động chương trình bảo tồn cây di sản Việt Nam, đến nay, đã công nhận được trên 4.000 cây thuộc hơn 100 loài thực vật ở các tỉnh, thành phố. Việc này có ý nghĩa thiết thực về bảo tồn và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, hướng đến mục tiêu phát triển xanh, bền vững. 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm