| Hotline: 0983.970.780

Cần sớm ngăn chặn nạn hút phễnh ở đầm Thị Nại

Thứ Năm 20/10/2022 , 07:22 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Hút phễnh làm xáo trộn nền đáy, hủy hoại nguồn lợi thủy sản. Nghề hút phễnh đã tước mất sinh kế của nhiều nghề khai thác thủy sản truyền thống ven bờ khác.

Ghe hút phễnh “náo động” vùng đầm

Phễnh là loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ sống ở đầm Thị Nại (Bình Định), mập, chắc, thịt béo, thơm ngon hơn so với những con phễnh sống ở những vùng đầm khác. Trước đây, người dân sống ven đầm khai thác phễnh chủ yếu để làm thức ăn nuôi vịt, tôm, thế nhưng những năm gần đây, phễnh trở thành món đặc sản nên bị khai thác tận diệt.

Một ghe bơm hút phễnh bị cán bộ Phòng Kiểm ngư-Thanh tra thủy sản thuộc Chi cục Thủy sản Bình Định phát hiện đang hoạt động trên đầm Thị Nại. Ảnh: V.Đ.T.

Một ghe bơm hút phễnh bị cán bộ Phòng Kiểm ngư - Thanh tra thủy sản thuộc Chi cục Thủy sản Bình Định phát hiện đang hoạt động trên đầm Thị Nại. Ảnh: V.Đ.T.

Theo những người dân sống ven đầm Thị Nại thuộc xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước, Bình Định), trước đây, nghề khai thác phễnh còn theo phương pháp thủ công. Đồ nghề khai thác phễnh khá đơn giản, chỉ là những vá đào, rổ, bịch nilon hoặc giỏ xách để đựng phễnh.

Khi phễnh trở thành món đặc sản được thị trường ăn mạnh, đào phễnh bằng phương pháp thủ công sản lượng đạt chẳng là bao, thế là trên đầm Thị Nại xuất hiện những máy hút phễnh. Máy hút phễnh là những chiếc máy nổ có công suất khoảng 20CV, sử dụng ống vòi lớn chọc thẳng xuống đáy đầm để hút cả bùn lẫn cát lên bè, rồi cho qua 1 tấm sàng đặt trên bè để sàng cho cát, bùn chảy lại xuống đầm, chỉ còn lại những con phễnh được rơi xuống chiếc thau nhựa được đặt dưới tấm lưới.

Mỗi chiếc ghe hút phễnh có từ 2 đến 4 người hoạt động, thời điểm khai thác chính vụ có thể thu được lên tới 1 đến 1,2 tấn phễnh/ngày. Phễnh được chia làm 2 loại, phễnh lớn xếp loại 1 có giá 10.000 - 12.000đ/con; loại nhỏ hơn nằm xen lẫn với sò, ngao, vẹm, ốc… được xếp loại 2 có giá 2.000đ/kg. Có những ghe mỗi ngày chỉ mất vài giờ đồng hồ “tung hoành” trên mặt đầm Thị Nại là có thể bỏ vào “hầu bao” tiền triệu.

Do đó, từ năm bảy hộ khai thác phễnh theo phương pháp thủ công đầu tiên ở xã Phước Thuận, giờ đã lan dần đến các xã Phước Sơn, Phước Hòa (huyện Tuy Phước, Bình Định) với hàng trăm người tham gia với máy hút phễnh.

Cận cảnh 1 máy hút phễnh đang hoạt động trên đầm Thị Nại. Ảnh: V.Đ.T.

Cận cảnh một máy hút phễnh đang hoạt động trên đầm Thị Nại. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Nguyễn Văn H. (49 tuổi) ở xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước), người còn đào phễnh bằng phương pháp thủ công hiếm hoi còn lại, tâm sự: “Đào phễnh bằng phương pháp thủ công mỗi ngày tôi cũng thu về được khoảng 3 - 4 tạ phễnh loại 2. Biết là mình đang làm cái nghề hủy hoại môi trường, hủy hoại nguồn lợi thủy sản, nhưng thấy người ta dùng máy hút ầm ầm tôi cũng phải làm theo để kiếm thu nhập”.

Theo ông Phan Văn Khiêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước, hiện nay, việc thổi, hút phễnh và các loại nhuyễn thể ở đầm Thị Nại bằng máy nổ biến tướng ngày càng phức tạp. Người dân khai thác quá mức sẽ phá vỡ kết cấu nền đáy đầm, làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản. Hoạt động hút phễnh đã “tước” mất sinh kế của nhiều nghề khai thác thủy sản ven bờ truyền thống khác.

Nghề cấm, nhưng chưa cấm được

Ông Trần Kim Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định phân tích về sự tận diệt nguồn lợi thủy sản ven bờ của hoạt động hút phễnh đang tồn tại trên đầm Thị Nại: “Nền đáy của đầm Thị Nại bị hàng chục, hàng trăm phương tiện khai thác phễnh “băm nát” mỗi ngày, trong khi nền đáy của đầm là nơi trú ngụ của những loại thủy sinh, ắt nhiên chúng sẽ bị hủy hoại khi nền đáy bị các máy hút phễnh phá nát, kể cả những loài thủy sản còn non.

Đó là chưa kể những bùn, cát được xả lại xuống đầm sẽ làm cho nước đầm vẩn đục, môi trường sống của các loai thủy sinh tiếp tục bị hủy hoại, thế nên nguồn lợi thủy sản ven bờ ngày càng suy giảm là điều hiển nhiên”.

Những con phễnh sau khi đã được sàn lọc hết bùn, cát. Ảnh: V.Đ.T.

Những con phễnh sau khi đã được sàng lọc hết bùn, cát. Ảnh: V.Đ.T.

Rõ ràng là vậy, nhưng hiện nay hành lang pháp lý để xử lý những đối tượng hút phễnh bằng máy chưa có, nên ngành chức năng chưa thể vào cuộc để ngăn chặn nghề hủy hoại nguồn lợi thủy sản này.

Cũng theo ông Trần Kim Dương, trước đây, trong những nghề cấm trong lĩnh vực thủy sản quy định tại Thông tư 19/2018 của Bộ NN-PTNT thì nghề khai thác phễnh chưa có tên trong dnh mục nghề cấm. Đến đầu năm 2022, Bộ NN-PTNT ban hành Thông tư số 01 thì trong Thông tư này mới quy định nghề khai thác phễnh là nghề cấm, thế nhưng đến đầu năm 2023, Thông tư 01 mới có hiệu lực thi hành. Thế nên bây giờ ngành chức năng chưa thể có biện pháp xử lý triệt để những đối tượng hành nghề hút phễnh.

Chiếc ghe và bè đặt máy hút phễnh neo đậu tại xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Một chiếc ghe và bè đặt máy hút phễnh neo đậu tại xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

“Hiện nay, nếu chúng tôi phát hiện được hoạt động hút phễnh trên đầm Thị Nại thì cũng chỉ phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động để người dân không làm nữa, chứ chẳng thể xử lý họ được.

Chi cục Thủy sản Bình Định đã làm việc với Phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước, nội dung trao đổi là hiện nay ngành chức năng chưa xử lý được những đối tượng hút phễnh thì địa phương nghiên cứu về lĩnh vực môi trường để ngăn chặn hoạt động này. Đến đầu năm 2023, khi Thông tư 01 của Bộ NN-PTNT có hiệu lực thi hành, chúng tôi sẽ kiên quyết ngăn chặn nghề hủy hoại nguồn lợi thủy sản ven bờ này”, ông Dương chia sẻ.

Xem thêm
100 tấn cá chết ở hồ Sông Mây: 'Nước cạn đáy, mật độ nuôi quá dày nên thiếu oxy'

ĐỒNG NAI Nguyên nhân cá chết hàng loạt ở hồ Sông Mây là do nước hồ cạn đáy, mật độ cá nuôi quá dày nên thiếu oxy và đơn vị nuôi thủy sản còn chủ quan.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.