Tại buổi Họp báo thường kỳ tháng 9/2022 của Bộ NN-PTNT, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Quang Hùng tái khẳng định quyết tâm trong tháng cao điểm chống hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (IUU).
Đây là chỉ đạo được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đưa ra tại cuộc họp lần thứ 6 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU hôm 20/9.
Theo yêu cầu này, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Quang Hùng cho biết, Bộ NN-PTNT đã lập tức thành lập đoàn công tác kiểm tra cảng cá tại các tỉnh phía Nam như TP. HCM, Khánh Hòa vào tuần trước. Trong tuần này, Bộ tiếp tục thị sát tại Quảng Ninh và TP. Hải Phòng.
"Từ giờ đến khi đoàn kiểm tra của Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến sang (từ ngày 19 - 28/10) không còn nhiều. Chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng, lên nhiều kịch bản, nhiều địa phương trước khi làm việc với EC", ông Hùng chia sẻ.
Qua tuần đầu tiên của tháng cao điểm, lãnh đạo Tổng cục Thủy sản đánh giá các địa phương đã triển khai tương đối tốt công tác phòng, chống IUU. Người dân, cơ quan quản lý về cơ bản đã có nhận thức về giám sát hành trình tàu cá, cũng như hoạt động truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, từ lúc lên cảng đến khi vào nhà máy.
Tuy nhiên, nhiều vấn đề còn tồn tại khiến khả năng gỡ thẻ vàng IUU trong đợt kiểm tra sắp tới gặp khó. Đầu tiên là công tác quản lý theo dõi tàu cá như đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép chưa thực sự chặt chẽ. Ngoài ra, hồ sơ liên quan đến nguồn gốc thủy sản khai thác như nhật ký ghi chép, biên bản làm việc tại cảng nhiều nơi còn thiếu logic.
Một vấn đề nữa là tình trạng tàu cá vi phạm tại vùng biển chồng lấn, vùng biển nước ngoài còn diễn biến phức tạp. Theo thống kê, từ đầu năm 2022 đến nay, 704 người đã bị lập biên bản, xử lý tại các địa phương.
Ngoài nguyên nhân từ địa phương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đặc biệt lưu ý tới việc đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng cảng cá. Hiện 125 cảng cá tại 28 tỉnh, thành phố ven biển mới chỉ kiểm soát được 20-30% sản lượng thủy sản lên bến.
"Hạ tầng cảng cá ở nước ta còn nhiều bất cập, chưa thể phát triển theo hướng hiện đại. Không những vậy, nguồn nhân lực tại chỗ từ các địa phương trong hoạt động kiểm soát còn khiêm tốn", ông Hùng nhận xét.
Khi được hỏi về khả năng gỡ thẻ vàng IUU trong đợt này, lãnh đạo Tổng cục Thủy sản nói "khó". Ông chia sẻ, rằng Bộ NN-PTNT, Tổng cục Thủy sản sẽ cố gắng hết sức và cải thiện dần khả năng theo đánh giá từ EC.
Hiện, xuất khẩu thủy sản sang EU chiếm khoảng 11-12% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Việc bị khối này phạt "thẻ vàng" khiến ngành thủy sản nước ta thiệt hại mỗi năm vài trăm triệu USD.
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu Tổng cục Thủy sản nói riêng và các cơ quan trực thuộc Bộ nói chung tăng cường sự công khai, minh bạch trong hoạt động từ lúc lập kế hoạch đến triển khai trong thực tế. Ông tin rằng, nếu làm tốt điều này, đây sẽ là một điểm cộng cho ngành thủy sản trong mắt EC.