| Hotline: 0983.970.780

Càng chậm, thiệt hại càng nhiều

Thứ Hai 23/04/2012 , 10:18 (GMT+7)

Theo Cơ quan Thú y vùng VI (Cục Thú y), trong quý I/2012, thủy sản (chủ yếu là tôm) chết rải rác vẫn tiếp tục diễn ra.

Theo Cơ quan Thú y vùng VI (Cục Thú y), trong quý I/2012, thủy sản (chủ yếu là tôm) chết rải rác vẫn tiếp tục diễn ra. Trong đó, Bến Tre có tỷ lệ bệnh tôm cao nhất, tiếp đến là Long An và một số tỉnh khác.

>> Chặn đứng dịch bệnh tôm
>> Tôm tiếp tục chết hàng loạt
>> Tôm chết do dư lượng thuốc BVTV?
>> Tôm, hễ thả là chết!
>> Tôm chết lan nhanh

Chưa rõ tác nhân gây bệnh

Theo tìm hiểu của NNVN, danh sách các tỉnh báo cáo thiệt hại trong nuôi tôm ngày càng kéo dài và có nhiều diễn biến bất lợi. Ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Cơ quan Thú y vùng VI cho biết, tỉnh  Bến Tre đã xảy ra bệnh trên tôm ở 4 xã thuộc huyện Ba Tri, 10 xã thuộc huyện Bình Đại và 4 xã thuộc huyện Thạnh Phú, vẫn chưa rõ nguyên nhân của bệnh.

Còn tại Long An đang xảy ra 2 bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy trên 2 đối tượng tôm sú và tôm thẻ, chủ yếu tập trung trên 2 địa bàn huyện Cần Đước và Cần Giuộc. Cơ quan Thú y vùng VI đã xét nghiệm 6 mẫu dương tính với WSSV ở 2 xã thuộc huyện Cần Đước trong số 9 mẫu tôm mà Chi cục Thú y Long An đã gửi.

Theo báo cáo của ông Nguyễn Hữu Phước, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Ninh Thuận, trong diện tích thả nuôi tôm (thẻ chân trắng và sú) 110,7 ha đã có 35,45 ha (chiếm trên 32%) bị bệnh. Các loại bệnh chủ yếu là đốm trắng (1,5 ha), hoại tử gan tụy (33 ha)… Đối với bệnh hoại tử tuyến gan tụy xảy ra chủ yếu trên tôm nuôi 20 - 35 ngày tuổi, chưa xác định rõ tác nhân gây bệnh. Bệnh làm ruột tôm trắng và phân đứt đoạn, gan tôm nhũn vỡ, sưng to hoặc teo nhỏ, màu sắc khối gan tụy nhợt nhạt, tôm không bắt mồi được và chết từ rải rác đến hàng loạt.


Xử lý dịch bệnh chậm, cả nghìn tỷ sẽ “bốc hơi” theo con tôm

Tại TP HCM, bệnh đốm trắng xảy ra rải rác trên tôm thẻ chân trắng tại huyện Cần Giờ và Nhà Bè, tuổi mắc bệnh từ 20 - 58 ngày tuổi. Còn tại tỉnh Tiền Giang, bệnh đốm trắng và bệnh gan tụy xảy ra trên tôm sú và tôm thẻ chân trắng từ 20 - 51 ngày tuổi ở huyện Tân Phú Đông, Gò Công Đông và Gò Công Tây. Cơ quan Thú y vùng VI đã xét nghiệm 11/30 mẫu giáp xác dương tính với WSSV.

Trước tình hình người nuôi tôm có nguy cơ bị thiệt hại nghiêm trọng (có thể lên đến cả nghìn tỷ đồng như năm 2011), biện pháp nào để xử lý nhanh vấn đề này? Theo Chi cục trưởng Chi cục Thú y Ninh Thuận, ông Nguyễn Hữu Phước, giữa tháng 4/2012 Chi cục đã tổ chức ngay 3 lớp tập huấn với hơn 150 lượt người tham dự, tuyên truyền đến với người nuôi về các quy định của Nhà nước trong phòng chống dịch bệnh thủy sản, nâng cao ý thức cộng đồng về NTTS...

Tăng cường kiểm dịch

Trao đổi với NNVN, một số chuyên gia cho rằng, ngoài các biện pháp trước mắt như Ninh Thuận và các tỉnh đã làm thì các cơ quan chức năng cần vào cuộc xử lý giống tôm kém chất lượng đang lưu hành khá phổ biến hiện nay mới đảm bảo chống dịch hiệu quả. Ai cũng biết, chất lượng giống thủy sản là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của nghề SX và nuôi tôm thương phẩm. Vì vậy, công tác quản lý chất lượng tôm giống phải được đặt lên hàng đầu.

Cụ thể, cần phải chấn chỉnh ngay điều kiện vệ sinh thú y thủy sản của DNSX, đảm bảo đáp ứng đủ tiêu chuẩn về cơ sở vật chất (hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, biện pháp kỹ thuật, quy trình sản xuất, biện pháp phòng chống lây nhiễm chéo…). Đối với tôm bố mẹ có nguồn gốc nhập khẩu, các tỉnh cần phối hợp với Cơ quan Thú y vùng thực hiện giám sát cách ly và kiểm dịch theo quy định, đảm bảo sạch 5 bệnh nguy hiểm (WSSV, YHV, TSV, IHHNV, IMNV) trước khi đưa vào SX. Đối với tôm bố mẹ có nguồn gốc trong nước phải có giấy chứng nhận kiểm dịch hợp lệ tại nơi xuất phát và thực hiện việc cách ly kiểm dịch, lấy mẫu kiểm tra mầm bệnh đàn giống.

Theo Chi cục Thú y Ninh Thuận, hiện có tới 80% sản lượng giống tôm hàng năm của tỉnh cung cấp cho thị trường các tỉnh phía Nam. Để đảm bảo kiểm soát chặt nguồn SX giống, Chi cục đã triển khai bộ phận kiểm dịch giống thủy sản gồm 3 tổ, trạm đặt tại vị trí gần khu vực SX để thuận tiện cho công tác giám sát và quản lý cơ sở.

Các điểm kiểm dịch của Chi cục Thú y Ninh Thuận chia làm 2 bộ phận: Một bộ phận thường trực làm công tác kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch, thời gian làm việc không kể ngày lễ, tết để phục vụ kịp thời yêu cầu SX.

Bộ phận thứ hai phân công cán bộ trực tiếp đến các địa bàn để theo dõi giám sát hoạt động SX, giám sát việc thực hiện quy trình SX và vệ sinh thú y; đồng thời thực hiện kiểm dịch ngay tại hồ nuôi.

Xem thêm
Kiểm dịch tôm giống còn gặp khó

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên tôm nuôi mà một phần nguyên nhân do tôm giống gây ra, ngành chức năng đã siết chặt công tác kiểm dịch.

Sầu riêng rụng quả non hàng loạt do sốc nhiệt

KHÁNH HÒA Nhiều diện tích sầu riêng ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa đang thời kỳ quả non bị rụng hàng loạt do sốc nhiệt.

Quảng Ngãi xây dựng mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa

Các đơn vị đã phối hợp tổ chức gieo sạ bằng máy sạ cụm 12 hàng trên diện tích 5.000m2 tại mô hình ở cánh đồng lúa xã Đức Chánh (Mộ Đức, Quảng Ngãi).