| Hotline: 0983.970.780

Khuyến nông Vĩnh Phúc bám sát xu thế mới của sản xuất

Thứ Ba 01/03/2022 , 06:45 (GMT+7)

VĨNH PHÚC Trước những yêu cầu mới của sản xuất, khuyến nông Vĩnh Phúc đã chủ động ưu tiên lan tỏa các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, bền vững, giảm tác động tới môi trường...

Tạo động lực nâng cao giá trị sản xuất

Bài liên quan

Trong những năm qua, công tác khuyến nông đã được tỉnh Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm, nhiều mô hình hiệu quả đã được triển khai tạo tiền đề, động lực cho các hộ sản xuất, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp... chuyển mình mạnh mẽ về quy mô, chất lượng, mở rộng chuỗi liên kết, phát triển bền vững...

Bên cạnh đó, việc thực hiện các chương trình khuyến nông đã góp phần không nhỏ trong việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân.

Anh Lê Khắc Hanh, Giám đốc HTX Sản xuất - Thương mại và Dịch vụ Xuân Trường đánh giá những mô hình khuyến nông đã tạo động lực để người dân mở rộng quy mô sản xuất. Ảnh: Trung Quân.

Anh Lê Khắc Hanh, Giám đốc HTX Sản xuất - Thương mại và Dịch vụ Xuân Trường đánh giá những mô hình khuyến nông đã tạo động lực để người dân mở rộng quy mô sản xuất. Ảnh: Trung Quân.

Bài liên quan

Ông Đinh Quốc Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc (khuyến nông Vĩnh Phúc) cho biết: Trong năm 2021, dưới ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, mọi hoạt động kinh tế, xã hội của tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề.

Tuy nhiên, cùng sự chỉ đạo của Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc cũng như Trung tâm Khuyến nông Quốc gia…, các chương trình hoạt động của khuyến nông Vĩnh Phúc vẫn được triển khai kịp thời, đúng tiến độ, đúng đối tượng được hỗ trợ. Nhiều mô hình đã có sức lan tỏa mạnh mẽ ra cộng đồng, giúp thay đổi rõ rệt nhận thức, thói quen canh tác của người dân, gia tăng hiệu quả kinh tế…

Trong đó, có thể kể đến Dự án Khuyến nông Trung ương "Xây dựng và phát triển mô hình ứng dụng mạ khay, máy cấy trong sản xuất lúa tại các tỉnh trung du, đồng bằng sông Hồng" được thực hiện trong 3 năm từ 2019 - 2021.

Qua những kết quả thu được cho thấy năng suất lúa cấy máy đạt 70 tạ/ha ở vụ xuân và 61,6 tạ/ha ở vụ mùa, cao hơn so với cấy tay thông thường. Mô hình này đã giảm được 30% lượng giống sử dụng, giảm chi phí cấy 840.000 đồng/ha. Năng suất lúa cao hơn so với lúa cấy tay thông thường, vì vậy hiệu quả kinh tế tăng hơn 7,3 triệu đồng/ha.

Vụ mùa 2021, khuyến nông Vĩnh Phúc còn triển khai mô hình sử dụng chế phẩm xử lý rơm rạ trên cây lúa vụ mùa năm 2021, với quy mô 2.000 ha, thời gian thực hiện từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6 năm 2021. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 50% chi phí mua chế phẩm vi sinh, hướng dẫn kỹ thuật sử dụng.

Anh Vũ Đức Tuấn, thôn Yên Tâm, xã Yên Đồng (Yên Lạc) khai thác có hiệu quả mô hình ứng dụng hệ thống cảm biến kiểm soát các yếu tố môi trường nước trong nuôi cá nước ngọt do khuyến nông Vĩnh Phúc triển khai. Ảnh: TTKN Vĩnh Phúc.

Anh Vũ Đức Tuấn, thôn Yên Tâm, xã Yên Đồng (Yên Lạc) khai thác có hiệu quả mô hình ứng dụng hệ thống cảm biến kiểm soát các yếu tố môi trường nước trong nuôi cá nước ngọt do khuyến nông Vĩnh Phúc triển khai. Ảnh: TTKN Vĩnh Phúc.

Bài liên quan

Qua thời gian triển khai, chế phẩm giúp cải tạo đất, phân huỷ nhanh rơm rạ, cung cấp thêm dinh dưỡng cho lúa, giảm hiện tượng vàng lá, ngộ độc hữu cơ, giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển thuận lợi, tạo tiền đề cho năng suất, chất lượng cao. Năng suất lúa của mô hình cao hơn bình quân 5,1 tạ/ha so với mô hình đối chứng…

Theo chân cán bộ khuyến nông Vĩnh Phúc tới xã Đức Bác (huyện Sông Lô) mới cảm nhận được hết sự thay da đổi thịt của mảnh đất trước đây quanh năm ngập úng, đói nghèo, người dân phải tha hương lăn lộn đủ nghề để kiếm sống… nhưng hiện đã trở thành một trong những xã có thu nhập bình quân đầu người cao nhất huyện.

Ông Hoàng Trọng Ngãi, cán bộ nông nghiệp xã Đức Bác chia sẻ: Có được sự thay đổi và phát triển kỳ diệu đó ngoài sự cần cù, ham học, quyết tâm thoát nghèo của người dân, không thể không nói tới sự đồng hành hỗ trợ của các hoạt động, chương trình khuyến nông trong việc khích lệ, tạo động lực giúp người dân thay đổi tập quán, thói quen canh tác, chuyển đổi những cây trồng kém hiệu quả sang trồng hoa, cây cảnh cho giá trị kinh tế cao.

Hệ thống cảm biến được kết nối với hệ thống quạt nước tạo oxy trong ao nuôi thủy sản do khuyến nông Vĩnh Phúc hỗ trợ giúp điều khiển tự động từ xa. Ảnh: Trung Quân.

Hệ thống cảm biến được kết nối với hệ thống quạt nước tạo oxy trong ao nuôi thủy sản do khuyến nông Vĩnh Phúc hỗ trợ giúp điều khiển tự động từ xa. Ảnh: Trung Quân.

Bài liên quan

Anh Lê Khắc Hanh, Giám đốc HTX Sản xuất - Thương mại và Dịch vụ Xuân Trường, thôn Khoái Thượng, xã Đức Bác (Sông Lô), một trong những người đầu tiên tham gia trồng cây cảnh tại địa phương chia sẻ: Từ khi nghề trồng hoa, cây cảnh được đưa về địa phương, thu nhập của người dân trong xã đã tăng lên cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa, hoa màu trước đây.

Năm 2019, gia đình anh cùng 4 hộ tham gia mô hình được khuyến nông Vĩnh Phúc hỗ trợ một phần kinh phí, kỹ thuật để phát triển nghề sản xuất hoa cây cảnh. Mặc dù, phần hỗ trợ không nhiều nhưng đã giúp anh và các hộ tiên phong thời điểm đó vững tin hơn, từng bước mở rộng quy mô sản xuất.

“Thời điểm đó, mới chập chững làm nghề, thiếu thốn đủ bề, nếu không được sự khích lệ động viên từ các nguồn khác nhau thì chắc khó làm được. Từ 5 sào trồng ban đầu, hiện tại gia đình đã mở rộng diện tích trồng hoa, cây cảnh lên 5 ha, mỗi năm xuất bán ra thị trường từ 5 - 7 tỷ tiền hoa, cây cảnh (chưa trừ chi phí)”, anh Hạnh phấn khởi thông tin.

Thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao

Theo ông Đinh Quốc Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ như hiện nay, đòi hỏi hoạt động khuyến nông phải có sự thay đổi về nội dung và hình thức theo hướng đa dạng, toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm. Các chương trình phải bám sát chủ trương, định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh, địa phương, tích cực đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất.

Với mục tiêu sản xuất bền vững, năm 2021, khuyến nông Vĩnh Phúc đã bám sát, triển khai có hiệu quả cao mô hình xử lý môi trường cho chăn nuôi bằng đệm lót sinh học. Ảnh: Trung Quân.

Với mục tiêu sản xuất bền vững, năm 2021, khuyến nông Vĩnh Phúc đã bám sát, triển khai có hiệu quả cao mô hình xử lý môi trường cho chăn nuôi bằng đệm lót sinh học. Ảnh: Trung Quân.

Bài liên quan

Trên tinh thần đó, năm 2021, khuyến nông Vĩnh Phúc đã triển khai mô hình ứng dụng hệ thống cảm biến, kiểm soát các yếu tố môi trường nước trong nuôi cá nước ngọt thâm canh với quy mô 3ha (30.000 con) được triển khai tại huyện Yên Lạc, Lập Thạch, Sông Lô.

Theo kết quả thu được, nhờ áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật và có hệ thống cảm biến trợ giúp nên dù thời tiết diễn biến phức tạp, nắng mưa thất thường nhưng đàn cá vẫn sinh trưởng ổn định. Tỷ lệ nuôi sống sau 3 tháng đạt 82,7%, tiêu tốn thức ăn 1,87 kg thức ăn/kg tăng trọng, trọng lượng bình quân đạt 1,96 kg/con.

Anh Vũ Đức Tuấn, thôn Yên Tâm, xã Yên Đồng (Yên Lạc), hộ tham gia mô hình chia sẻ: Gia đình anh được khuyến nông tỉnh hỗ trợ 50% chi phí mua máy cảm biến, thức ăn, con giống, tập huấn kỹ thuật, lắp đặt vận hành.

Từ khi lắp đặt hệ thống cảm biến trong ao nuôi, anh dễ dàng theo dõi sự thay đổi của môi trường nước, lượng oxi, độ pH, nhiệt độ nước... thông qua điện thoại thông minh. Bên cạnh đó, hệ thống cảm biến được kết nối với hệ thống quạt nước tạo oxy trong ao nên không cần ra ao trực tiếp anh vẫn có thể điều khiển bật tắt quạt dễ dàng.

Ngoài ra, khi sử dụng hệ thống cảm biến này, anh đã giảm được rất nhiều chi phí mua thuốc và lượng hóa chất xử lý ao, do được hệ thống cảnh báo đúng bệnh, đúng chủng loại, liều lượng, thời điểm... Từ đó, đàn cá sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh, giúp giảm lượng thức ăn hao hụt, chi phí nhân công theo dõi ao nuôi.

Anh Nguyễn Quốc Tuấn, thôn Vân Trục, xã Vân Trục, huyện Lập Thạch tham gia mô hình vỗ béo bò thịt và xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học đã cho những hiệu quả rất tích cực. Ảnh: Trung Quân.

Anh Nguyễn Quốc Tuấn, thôn Vân Trục, xã Vân Trục, huyện Lập Thạch tham gia mô hình vỗ béo bò thịt và xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học đã cho những hiệu quả rất tích cực. Ảnh: Trung Quân.

Trong chăn nuôi, khuyến nông Vĩnh Phúc đã triển khai dự án xây dựng mô hình vỗ béo bò thịt và xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học tại xã Vân Trục (Lập Thạch) và xã Tứ Yên (Sông Lô).

Anh Nguyễn Quốc Tuấn, thôn Vân Trục, xã Vân Trục, huyện Lập Thạch nuôi 100 bò 3B tham gia mô hình chia sẻ: Khi áp dụng đệm lót sinh học trong chuồng nuôi bò đã làm giảm được mùi hôi thối và khí độc trong chuồng nuôi, giảm ruồi muỗi, các bệnh truyền nhiễm, tiết kiệm nước, công lao động, tăng chất lượng và sản lượng đàn…

Bên cạnh đó, đệm lót sau quá trình sử dụng trở thành một nguồn phân bón rất tốt cho cây trồng, các hộ nuôi có thể tận dụng để trồng cỏ, ngô sinh khối làm thức ăn cho bò, nếu số lượng nhiều có thể bán với giá 400.000 đồng/khối, giúp người chăn nuôi có thêm nguồn thu nhập…

Theo ông Đinh Quốc Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc: Thời gian qua, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, khuyến nông Vĩnh Phúc đã triển khai có hiệu quả nhiều dự án, chương trình khuyến nông Trung ương như: Dự án xây dựng và phát triển mô hình ứng dụng mạ khay, cấy máy trong sản xuất lúa tại các tỉnh Trung du và ĐBSH năm thứ 3; mô hình sản xuất lúa gạo hữu cơ; dự án phát triển chăn nuôi gà thịt thương phẩm (ri lai, mía lai) theo quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP); xây dựng mô hình vỗ béo bò thịt và xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học; dự án nuôi trai lấy ngọc phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu…

Những dự án này đã làm thay đổi nhận thức và nâng cao trình độ của người dân địa phương trong công tác tổ chức sản xuất. Việc xây dựng các mô hình đã chuyển giao một số giống và quy trình kỹ thuật mới, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập và tạo việc làm ổn định cho người dân...

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Nông dân lo lắng vì giá lúa đông xuân sớm giảm mạnh

ĐBSCL Hiện một số nơi tại ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân sớm nhưng giá lúa giảm từ 2.000 - 2.400 đồng/kg so với cùng kỳ.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất