Cách mạng về tư duy
Trước đây, nông dân tại xã Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình (Cà Mau) chủ yếu sản xuất 2 vụ lúa/năm theo cách làm truyền thống nên tất bật quanh năm cũng không khá lên nổi.
Nông dân Trần Văn Giới ở ấp 2, xã Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình kể: Trước đây kinh tế chủ yếu dựa vào 2 vụ lúa/năm, năng suất, giá lúa thấp, nhiều năm có lãi cao cũng chỉ khoảng từ 15 - 20 triệu đồng/ha. “Với 4ha đất trồng lúa 2 vụ/năm, gia đình chỉ thu về lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, từ khi chuyển đổi sang 1 vụ lúa, 1 vụ tôm, kinh tế gia đình khấm khá hẳn”, ông Giới chia sẻ.
Theo ông Giới, khi thu hoạch lúa xong sẽ bắt đầu cải tạo ao chuyển sang nuôi tôm, rơm rạ còn sót lại trong vụ lúa sẽ làm thức ăn cho con tôm, vì vậy chi phí cho tôm nuôi rất thấp. Ngược lại, các chất thải tôm sẽ là chất dinh dưỡng cho cây lúa, lúa trồng trong môi trường này cũng ít bị sâu bệnh, nên năng suất cao. Với việc trồng 1 vụ lúa, 1 vụ tôm mỗi năm, với 4ha, gia đình ông có lãi khoảng 400 triệu đồng.
Ông Hứa Văn Tiếp ở cùng ấp 2, xã Tân Lộc Bắc nhớ lại: Vùng đất quê trước đây là trồng lúa 2 vụ, giá lúa rất bấp bênh, thường bị thương lái thu mua với giả rẻ, lợi nhuận chỉ khoảng 15 triệu đồng/ha.
Từ khi chuyển sang mô hình 1 vụ lúa, 1 vụ tôm, đã phát huy nhiều lợi thế, tôm nuôi rất ít tốn chi phí thức ăn, nắng suất cao, trung bình đạt từ 350 - 500 kg/ha. Lúa trồng trong môi trường này không cần sử dụng phân, thuốc hóa học, được chứng nhận lúa hữu cơ, từ đó nâng cao giá trị cây lúa. So với trồng lúa thông thường, trồng lúa trong mô hình này được thương lái thu mua cao hơn từ 1.000 - 2.000 đồng/kg lúa, nhu cầu tiêu thụ rất rộng.
Những chuyển biến trong sản xuất, thay đổi bộ mặt đời sống cho bà con ở vùng lúa huyện Thới Bình không thể không kể tới vai trò dẫn dắt của mô hình khuyến nông do Trung tâm Khuyến nông Cà Mau triển khai.
Với những mô hình lúa - tôm ở xã Tân Lộc Bắc, đã giúp năng suất lúa trong mô hình nâng lên, thậm chí có vụ đạt trên 8 tấn/ha. Năm 2021, nhiều hộ gia đình nơi đây trồng giống lúa ST25, được chứng nhận lúa hữu cơ nên được thương lái thu mua với giá từ 8.000 - 10.000 đồng/kg.
Ông Võ Văn Ấu, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lộc Bắc phấn khởi cho biết: Xã Tân
Lộc Bắc được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2019, hiện nay diện tích nuôi trồng thủy sản của xã đạt gần 2.200ha. Trước đây, người dân chủ yếu là sản xuất lúa 2 vụ theo truyền thống, hiệu quả kinh tế không cao. Do đó, để thích ứng với điều kiện tự nhiên, biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế bền vững, địa phương đã phối hợp với các cấp, nhất là các đơn vị khuyến nông của tỉnh, huyện để xây dựng mô hình chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ 2 vụ lúa/năm sang 1 vụ lúa, 1 vụ tôm.
Đến nay, diện tích tôm - lúa trên địa bàn toàn xã chiếm khoảng 2.000ha, chỉ còn lại 200ha chuyên sản xuất lúa. Từ khi chuyển sang mô hình 1 vụ lúa, 1 vụ tôm, đời sống kinh tế nông dân phát triển lên. Quan trọng nhất là đổi mới tư duy của nông dân từ truyền thống sang cách làm mới, khoa học.
Theo nông dân Võ Văn Ấu, từ khi chuyển sang 1 vụ lúa, 1 vụ tôm, lúa của nông dân được nhiều doanh nghiệp đến đăng ký bao tiêu, chủ yếu là các giống lúa OM2517, ST24, ST25 sản xuất theo quy trình lúa hữu cơ. Hiện trên địa bàn xã có 3 hợp tác xã, 2 tổ hợp tác bao tiêu thu mua lúa cho nông dân.
Ông Lê Thanh Hùng, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Thới Bình cho biết: Năm 2021, ngành nông nghiệp huyện Thới Bình đã có nhiều đột phá nổi trội, đặc biệt là phát triển và nhân rộng mô hình lúa - tôm.
Đa dạng mô hình tôm nuôi
Tỉnh Cà Mau chịu ảnh hưởng của 2 dòng biển Đông và biển Tây, do đó mỗi địa phương có đặc thù, thổ nhưỡng, tập quán sản xuất riêng biệt, với những lợi thế khác nhau.
Ông Mã Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cà Mau cho biết: Tỉnh Cà Mau có rất nhiều hình thức nuôi tôm khác nhau với tổng diện tích 280.000ha, trong đó có một số hình thức chính như: Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh với 3.700ha; mô hình nuôi tôm - rừng 100.000ha ở biển Đông (tập trung ở các huyện Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển và huyện Phú Tân); mô hình nuôi tôm - lúa với với diện tích khoảng 45.000ha, chủ yếu tập trung ở vùng bắc Cà Mau. Còn lại là mô hình nuôi tôm quảng canh, thâm canh, bán thâm canh, thâm canh cải tiến…
Trong đó, mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh không còn lo ngại nữa, Cà Mau cũng là một trong những địa phương đi đầu về loại hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, đến nay đã phát triển được 6 năm, diện tích tăng theo từng năm. Với mô hình này, năng suất ổn định, trình độ áp dụng khoa học kỹ thuật của người dân không ngừng được nâng lên.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, tổ chức, nông dân cũng không ngừng tiếp nhận những tiến bộ khoa học công nghệ, song song với phát triển hạ tầng từ con giống đến quy trình nuôi, đầu vào, liên kết xử lý môi trường... Có thể nói, hiện mô hình nuôi tôm công nghệ cao đạt hiệu quả kinh tế rất cao.
Loại hình nuôi tôm thứ hai của tỉnh Cà Mau có đặc thù, đa dạng là mô hình nuôi tôm - rừng (tôm sinh thái), đây được xem là mô hình có diện tích rất lớn với 100.000ha, tiềm năng, dư địa phát triển còn rất rộng.
Nhằm tạo hướng đi bền vững cho các vùng nuôi tôm, năm 2021, Trung tâm Khuyến nông Cà Mau đã xây dựng kế hoạch phối hợp với các địa phương nhằm đột phá nâng cao chất lượng, giá trị tôm càng xanh nuôi ghép trong ruộng lúa.
Đối với cây lúa, Trung tâm Khuyến nông Cà Mau cũng phối hợp với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, Phòng NN-PTNT các huyện xây dựng khung lịch thời vụ, cơ cấu giống phù hợp cho từng điều kiện thời tiết qua từng năm. Đồng thời, liên kết với các doanh nghiệp để thực hiện các quy trình sản xuất lúa an toàn, chứng nhận hữu cơ, bao tiêu đầu ra cho nông dân.
Với cách làm trên, năm 2021, nhiều mô hình lúa - tôm cho năng suất lúa tới trên 7,5 tấn/ha, lúa chứng nhận hữu cơ, được thương lái thu mua trên 10.000 đồng/kg, đây được xem là kết quả ngoài sự mong đợi.
“Trong những năm qua, vụ tôm trong vùng lúa tôm của nông dân đã phát huy được hiệu quả. Đặc biệt là nhận thức của nông dân đã được nâng lên từ khâu chọn con tôm giống, lịch thời vụ. Từ đó, giúp năng suất tôm nuôi không ngừng nâng lên từ 350 - 500 kg/ha”, ông Mã Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cà Mau chia sẻ.
"Mô hình tôm - lúa đã được triển khai thực hiện nhiều năm. Từ năm 2009 - 2015, tỉnh Cà Mau đã có Đề án nâng cao năng suất, chất lượng tôm - lúa. Qua kết quả đánh giá, mô hình này đạt hiệu quả rất cao, góp phần giải quyết các vấn đề về sản xuất của vụ lúa trong vụ tôm, đặc biệt là vấn đề môi trường. Đề án tôm - lúa đã góp phần nâng cao năng suất con tôm, nâng cao giá trị cây lúa, đặc biệt là nhận thức, tập quán của người dân đã được nâng lên rõ rệt, từ đó trở thành tiền đề để phát triển mô hình tôm - lúa cho những năm tiếp theo", ông Mã Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cà Mau cho biết.