| Hotline: 0983.970.780

Chàng trai Việt khám phá thế giới trên yên xe cà tàng

Thứ Hai 28/11/2022 , 11:05 (GMT+7)

Chàng trai Việt có tên gọi Trần Đặng Đăng Khoa vừa phát hành cuốn sách ‘1111 – Sáu vạn dặm trên yên xe cà tàng’ kể lại hành trình vòng quanh thế giới của mình.

Trần Đặng Đăng Khoa trên hành trình vòng quanh thế giới bằng xe máy.

Trần Đặng Đăng Khoa trên hành trình vòng quanh thế giới bằng xe máy.

Chàng trai Việt được biết đến với tên gọi Trần Đặng Đăng Khoa rất nổi tiếng trên các diễn đàn du lịch khám phá. Bằng chiếc xe máy có biển kiểm soát 63H2 – 6736 mà Trần Đặng Đăng Khoa đặt cho biệt hiệu thân thương là “Memo”, chàng trai Việt này đã khiến cộng đồng thán phục khi thực hiện một chuyến đi qua nhiều quốc gia trên thế giới.  

Nhân dịp phát hành cuốn sách “1111 – Sáu vạn dặm trên yên xe cà tang”, Trần Đặng Đăng Khoa cũng giới thiệu “Memo” cùng nhiều kỷ vật đáng nhớ khác, tại Đường sách TP.HCM vào ngày 27/11.

Chàng trai Việt đầu tiên đi vòng quanh thế giới như thế nào? Ngày 1/6/2017, Trần Đặng Đăng Khoa khởi hành tại cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh. Với chiến hữu “Memo”, chàng trai Việt đã rong ruổi 1111 ngày, qua 7 châu lục, 65 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Với 8 lần băng qua đường xích đạo, chàng trai Việt cũng có không ít phút giây ngậm ngùi suy tư. Trần Đặng Đăng Khoa viết: “Ngày thứ 528 trong chuyến đi, xem như một nửa cuộc  hành  trình  kéo  dài  1.111  ngày, tôi ngồi một mình ở bờ biển Ilulissat, Greenland,  nhìn  ra  Bắc  Băng  Dương  giá lạnh và bắc cực quang đang nhảy múa trên bầu trời giữa đêm Bắc Cực và nghĩ về những gì đã qua. Giờ này ở Việt Nam chắc mọi người vừa ngủ dậy và bắt đầu  một  ngày  mới,  nhưng  tại  đây  vẫn  đang  là  nửa đêm. Lâu lâu những cơn gió từ Biển Bắc lại tràn tới, lạnh ngắt dù tôi đã mặc bao nhiêu lớp áo, lớp quần trên người.

Lúc này lại không có Memo bên cạnh do bạn  ấy  đang  phải  “trú  đông”  ở  Canada,  bên  kia  bờ Đại Tây Dương, nên tôi ngồi đây có một mình, cô đơn lạc lõng, chỉ còn mình tôi và ánh sáng ma mị trên bầu trời  kia.  Lòng  vừa  thư  thái  vừa  nặng  trĩu,  tôi  đắm chìm vào những dòng suy nghĩ miên man về những thứ tôi nhớ được từ ngày cất tiếng khóc chào đời đến giây phút này”.

Con số “1111” trong tên cuốn sách của Trần Đặng Đăng Khoa, không chỉ là số ngày trải nghiệm hành trình sáu vạn dặm, mà còn mang ý nghĩa khác. Theo chàng trai Việt, đó cũng là bốn số 1 mà anh luôn ghi nhớ: 1 mình, 1 xe, 1 giấc mơ lớn, 1 thế giới diệu kỳ.

Người bạn đồng hành 'Memo' tham gia cuộc viễn du của chàng trai Việt.

Người bạn đồng hành "Memo" tham gia cuộc viễn du của chàng trai Việt.

Cuốn sách “1111 – Sáu vạn dặm trên yên xe cà tàng” tái hiện chuyến đi của Trần Đặng Đăng Khoa, kèm với rất nhiều tâm sự, tip du lịch, hình ảnh ấn tượng. Đặc biệt sách gồm 2 bìa in màu tuyệt đẹp, là hình do tự tay tác giả chụp. Mỗi cuốn sách sẽ tặng kèm một postcard màu (có 5 mẫu ngẫu nhiên). Quà tặng kèm siêu hữu ích: Hướng dẫn du lịch an toàn dạng file, độc giả có thể quét mã QR trên bìa để tải và đọc bất kỳ đâu.

Toàn bộ tiền tác quyền mà tác giả Trần Đặng Đăng Khoa thu được từ cuốn sách “1111 – Sáu vạn dặm trên yên xe cà tàng” sẽ dành tặng cho các hoạt động thiện nguyện.

Có độ dày 776 trang, “1111 – Sáu vạn dặm trên yên xe cà tàng” chia làm 9 phần. Phần 1: Châu Á – Châu Âu. Phần 2: Dọc chiều Nam Mỹ. Phần 3: Bắc Mỹ. Phần 4: Cái gì ở phía Bắc của Bắc Cực?. Phần 5: Trở lại châu Âu. Phần 6: Trở lại châu Mỹ. Phần 7: Châu Úc – Xin chào ký ức. Phần 8: Một thế giới khác ở Nam Cực. Phần 9: Châu lục cuối cùng (châu Phi).

Mỗi ngày trong chuyến đi, trừ ba tháng cuối cùng kẹt ở Mozaambique vì dịch Covid-19, Trần Đặng Đăng Khoa đều ghi lại nhật ký. Cho nên, cuốn sách “1111 – Sáu vạn dặm trên yên xe cà tàng” chủ yếu tập hợp những trang viết của anh theo mốc thời gian. Những trang du ký vút nhanh, xoay đều như những vòng bánh xe, cuốn ta theo cùng trong chuyến đi “không hẹn ngày về”. Những ngoạn mục của thiên nhiên, những sặc sỡ của văn hóa, những bình dị ấm áp của cuộc sống con người, cộng với những kinh nghiệm và trải nghiệm rất cá nhân của một kẻ độc hành ham phiêu lưu.

Không thể nói khác hơn, “1111 – Sáu vạn dặm trên yên xe cà tàng” là một hành trình vượt khỏi vùng an toàn để theo đuổi giấc mơ, nhưng không thiếu sự chuẩn bị chu đáo. Đáng quý nhất là tác giả rất sẵn lòng chia sẻ quá trình chuẩn bị của mình cũng như những trải nghiệm để người đi sau được thuận lợi. Trần Đặng Đăng Khoa tâm sự: “Sau 30 năm cuộc đời, tôi đã ngộ ra rằng không có hạnh phúc tối thượng, hạnh phúc vĩnh cửu, hạnh phúc viên mãn, mà hạnh phúc chỉ có được trên từng bước chân, từng vòng bánh xe mà mình đang đi”.

Cuốn sách '1111 – Sáu vạn dặm trên yên xe cà tàng'.

Cuốn sách "1111 – Sáu vạn dặm trên yên xe cà tàng".

Sau 1111 ngày cưỡi xe máy lang thang để hiểu thiên hạ, Trần Đặng Đăng Khoa trở về Việt Nam và dành 2 năm để viết cuốn sách. Anh thổ lộ: “Tôi nhận ra dù nhân loại có thay đổi bao nhiêu, dù khoa học công nghệ có phát triển thế nào, dù những giao thức thông tin liên lạc có hiện đại và giúp đỡ con người ra sao, hay dù con người có đặt chân đến những hành tinh xa xôi đến mấy, thì Trái đất này vẫn sẽ giữ mãi một kích cỡ, một diện tích, một diện mạo.

Sẽ có những niềm  vui,  nỗi  buồn, những sầu ai khổ  hạnh của một người nào đó trên Trái đất. Sẽ có chiến tranh, hòa bình, đau thương, mất mát, hạnh phúc. Sẽ có hội ngộ và ly tán. Sẽ có những biến chuyển to lớn trên thế  giới.

Nếu sống  trên  đời  mà  không  được  đi đây đi đó, không được thấy, không được nghe, không nếm không ngửi, không cảm nhận thế gian thì quả là đáng tiếc vô cùng tận. Còn đáng tiếc hơn nữa đối với một người đã nhận thức được rằng: nếu một ngày nào đó không được nhìn ngắm thế gian, không hoàn thành được tâm nguyện về một chuyến đi không hẹn ngày về, không một lần được cảm nhận sự tự do và tìm thấy hạnh phúc, thì sau này mất đi sẽ trở thành một linh hồn vất vưởng chìm đắm giữa không gian vô cùng, với nỗi tiếc nuối nghẹn ngào không nguôi vì đã không lựa chọn đi con đường của mình”.

Xem thêm
Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?