Nhiều hộ chọn giải pháp tạm bỏ trống chuồng
Khảo sát tại các đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi tại Quảng Trị, chỉ từ giữa tháng 2 đến đầu tháng 3/2022, giá các loại thức ăn chăn nuôi đã có 2 đợt tăng giá với mức tăng khoảng 300 - 350 đồng/kg mỗi đợt.
Hiện giá thức ăn dành cho lợn thịt đang dao động ở mức 330.000 - 360.000 đồng/bao (loại 25kg). Riêng một số loại thức ăn đậm đặc dành cho lợn con có giá lên đến 700.000 - 800.000 đồng/bao. Với mức giá này, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khó trụ vững được nếu tiếp tục kéo dài.
Dù có kinh nghiệm hàng chục năm chăn nuôi lợn, hiệncó trong tay 2 dãy chuồng nuôi với quy mô khoảng 100 con lợn thịt/lứa, nhưng thời điểm này ông Ngô Văn Tý ở xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị quyết định tạm thời bỏ trống chuồng do không kham nổi đà tăng của giá cám.
Ông Tý cho biết, chưa lúc nào người chăn nuôi lợn lại gặp nhiều khó khăn như 2 năm trở lại đây. Ngoài ảnh hưởng của Dịch tả lợn Châu Phi và giá lợn hơi giảm, việc giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng đã làm những hộ chăn nuôi như ông thua lỗ nặng nề.
Theo tính toán của ông Tý, với mức tăng 300 đồng/kg, chi phí cho mỗi con lợn thịt đã tăng thêm 50.000 - 60.000 đồng. Chỉ riêng tiền thức ăn mỗi lứa đã chiếm từ 250 - 300 triệu đồng. Chưa kể tiền con giống, điện, nước… cũng đang tăng theo.
“Năm ngoáim, khi giá lợn hơi giảm kỷ lục chúng tôi đã lỗ nặng. Nhiều hộ dân trong xã đến giờ vẫn còn sợ nên bỏ trống chuồng. Với đà tăng của giá thức ăn như hiện nay chắc chắn không ai dám tái đàn”, ông Tý nói.
Ông Đinh Ngọc Hoàng, cán bộ khuyến nông xã Hải Lệ cho biết, chăn nuôi lợn vốn là thế mạnh của địa phương với khoảng 300 hộ nuôi quy mô từ 100 con/lứa trở lên. Tuy nhiên, đến thời điểm này chỉ còn khoảng 10 - 15 hộ đang thả nuôi. Nguyên nhân là do từ cuối năm 2020 đến nay, giá các loại thức ăn chăn nuôi đã tăng khoảng 40% với gần 10 lần tăng liên tiếp.
Hiện tại, để nuôi một con lợn đến khi xuất chuồng riêng tiền thức ăn đã mất khoảng 3 - 3,5 triệu đồng. Trong khi giá lợn hơi vẫn đang duy trì ở mức thấp, chỉ từ 50.000 - 60.000 đồng/kg. Theo anh Hoàng, với mức tăng khoảng 300 đồng/kg, thoạt nghe tưởng là ít nhưng tính tổng cộng mỗi con lợn từ khi thả nuôi đến khi xuất chuồng đã tăng thêm cả trăm nghìn đồng tiền thức ăn. Với giá lợn hơi bấp bênh như hiện nay, người nuôi rất khó có lãi, thậm chí thua lỗ.
Khuyến nghị áp dụng nhiều giải pháp hạ giá thành
Kinh doanh thức ăn chăn nuôi của thương hiệu Cargill tại xã Hải Lệ, anh Hồ Hoài Linh cho biết vừa mới điều chỉnh tăng giá vào giữa tháng 2, đến đầu tháng 3 công ty lại tiếp tục có thông báo tăng giá tiếp. Nguyên nhân theo giải thích của phía công ty là do ảnh hưởng của COVID-19, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất bị đẩy lên cao kéo giá thức ăn chăn nuôi tăng lên. Giá tăng nên nhiều hộ chăn nuôi đã tạm dừng việc tái đàn.
Nếu như những năm trước, thời điểm này anh Linh bán bình quân trên dưới 20 tấn thức ăn mỗi tháng, nay chỉ đạt khoảng 3 - 5 tấn. Theo anh Linh, với mức giá này để có lãi người chăn nuôi phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, sử dụng có giống chất lượng tốt, nuôi theo chuỗi khép kín từ con giống đến lợn thịt, nuôi với số lượng lớn.
“Theo dự báo, giá thức ăn chăn nuôi sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ càng khó khăn nên việc kinh doanh của các đại lý như chúng tôi vì thế mà ế ẩm hơn”, anh Linh ngậm ngùi lo lắng.
Đối mặt với tình trạng giá thức ăn liên tiếp tăng trong hơn 1 năm qua và chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đang gặp nhiều khó khăn khi giá đầu vào tăng, trong khi giá bán thương phẩm lại đang duy trì ở mức thấp.
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Trị, hiện tại giá con giống gia súc, gia cầm vẫn đang ở mức cao, đối với lợn giống bình quân từ 1,2 – 1,3 triệu đồng/con; giá lợn hơi đang có xu hướng giảm, bình quân từ 51.000 - 53.000 đồng/kg đối với lợn siêu nạc và từ 46.000 – 50.000 đồng/kg đối với lợn lai. Với mức giá này, người chăn nuôi đang đối mặt với nguy cơ thua lỗ, nhất là với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Ông Nguyễn Trung Hậu, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Trị cho biết, với dự báo giá thức ăn chăn nuôi sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, để giảm chi phí, các hộ chăn nuôi cần giảm lượng thức ăn công nghiệp, tăng cường sử dụng thức ăn phối trộn để tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp như cám, bột ngô, bột cá, khô dầu… Lựa chọn thời điểm tái đàn phù hợp để có giá bán cao.
Đồng thời, thực hiện tái đàn theo mô hình an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh để giảm thiểu rủi ro. Tăng cường ứng dụng công nghệ, chủ động sản xuất con giống để giảm giá thành đầu vào, tối đa hóa lợi nhuận.
“Một trong những giải pháp mà các hộ chăn nuôi có thể hướng đến đó là liên kết thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã để nuôi gia công cho các công ty thức ăn chăn nuôi, tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất của các doanh nghiệp nhằm chủ động trong việc tiêu thụ sản phẩm và cân đối cung - cầu nhằm đảm bảo sản lượng tiêu thụ, cũng như ổn định giá bán. Nâng cao vai trò của các hợp tác xã, tổ hợp tác trong kết nối với công ty, đại lý thức ăn để thương lượng mức giá ưu đãi, chiết khấu với số lượng lớn cho các thành viên”, ông Nguyễn Trung Hậu khuyến cáo.
Theo ông Nguyễn Trung Hậu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Trị, từ sau tết Nguyên đán đến nay, giá thức ăn chăn nuôi các loại đã tăng mạnh với mức từ 500 - 800 đồng/kg đã ảnh hưởng rất lớn đến việc tái đàn của người chăn nuôi. Nguyên nhân là do trong chăn nuôi lợn chi phí thức ăn chiếm khoảng 70% trong cơ cấu giá thành sản xuất nên khi giá thức ăn chăn nuôi càng tăng thì người chăn nuôi sẽ không có lãi, thậm chí thua lỗ. Cụ thể, theo tính toán, đối với chăn nuôi theo hình thức nông hộ, giá thành sản xuất 1kg thịt lợn hơi khoảng 60.000 đồng, trong khi giá bán hiện tại chỉ khoảng 52.000 đồng/kg. Như vậy, cứ 1 tấn thịt lợn hơi, người chăn nuôi lỗ khoảng 8 triệu đồng.